Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Nhạc sĩ Thuận Yến về trời

Nhạc sĩ Thuận Yến về trời vào hồi 12h06 ngày 24/5/2014, hưởng thọ 82 tuổi. Anh tên thật là Đoàn Hữu Công sinh năm 1932 quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam, viết ca khúc từ năm 1950, thực sự nổi tiếng với cái tên Thuận Yến từ năm 1965 với rất nhiều ca khúc được dân chúng yêu thích.


Thuận Yến là nhạc sĩ mình yêu nhất trong số các nhạc sĩ mình quen biết. Anh sống hồn hậu, giản dị, chưa một giây phút nào mình thấy anh diễn- một căn bệnh trầm kha của các nhạc sĩ mọi thời. 

Đã cùng anh hai ngày một đêm dọc sông Thu Bồn với bao nhiêu kỉ niệm. Nhớ nhất câu này của anh: "Tao thích về với dân lắm mày ạ!"

Bây giờ anh không còn được về với dân nữa, anh đã về trời. Cầu cho anh bình an nơi cõi Phật.

Gửi em ở cuối sông Hồng, Bài hát của Thuận Yến sáng tác chống Trung quốc xâm lược, lại vang lên trong những tháng năm này

Nhãn:

Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

Mùi Tàu

Hề chèo đời mới
Nguyễn Quang Lập
Bản hề chèo độc nhất vô nhị của bọ Lập viết từ 2012, thân tặng những hề chèo yêu nước

 Chuyện xảy ra tại sân nhà quan.

Quan: (Ra) Sáng chủ nhật vừa bảnh mắt không biết nó chạy đâu? (Gọi) Hề đâu? 

Hề mặc áo pull Quốc kỳ, tay cầm biểu ngữ chống Tàu, ra.

Hề: Dạ dạ dạ… có con có con.


Quan trợn mắt há mồm nhìn Hề

Quan: Mày tính đi đâu hả?

Hề: Dạ con đi biểu tình

Quan: Chết chết chết… Mày biết biểu tình là gì không?

Hề: Dạ biết. Biểu tình là con đi biểu với thằng Tàu, con điếu đồng tình với cái lưỡi bò của nó.

Quan: Ủa, tao tưởng biểu tình là tao biểu mày đồng tình chớ. Chết chết chết…mày làm thế lợi hay hại lợi hay hại hả hả…

Hề: Dạ vừa lợi vừa hại. Lợi quan mà hại con.

Quan: ( cười) Nghe cũng hay hay, nói tao nghe, tao lợi mày hại ra sao.

Hề: Dạ, con đi biểu tình là đi đòi chủ quyền. Có chủ quyền mới có chế độ, có chế độ quan mới được làm quan, quan được làm quan thì quan mới được hành con.

Quan: Láo! Sao gọi là hành, phải gọi là dân chủ, nhớ chưa!

Hề: Dạ dạ.. dân chủ dân chủ, con nhớ rồi.

Quan: Thế hại mày cái gì nói nghe xem nào?

Hề: Dạ, hại lắm quan ạ. Con đi biểu tình chẳng những mất việc mất vàn, hao hơi tốn sức mà còn được hưởng dân chủ nữa, cực khổ vô cùng. ( Ngâm) Này ối quan ôi/ Con bị tóm cổ bị lôi ra đường/ mấy phát dân chủ vào sườn con đây/ Bị chơi dân chủ đế giày/Mấy phát dân chủ trúng ngay vào mồm/ …

Hề ôm mặt khóc hu hu.

Quan: Ủa thằng này, sao khóc. Người ta đòi dân chủ chả được, mày nói đến dân chủ là khóc tu tu là nào thế nào. Cái thằng này thở ra luồng gió độc từ lúc nào thế hả

Hề (Giật mình, lắc đầu xua tay): Không không không, con không khóc, con đang phấn khởi tin tưởng ( làm điệu bộ diễn giả trước đám đông) Chi Chín xang xu úa- chúng ta cần phấn khởi tin tưởng, Quớ ki queng xí huớ- Mọi việc đã có nhà nước lo, chang sú chin si seng hú- Không nên nghe kẻ xấu xúi dục, chủ chương chủ chương- giải tán giải tán.

Quan: Hay hay. Tiếng Tàu hay thật, chủ chương là giải tán à?

Hề: Dạ. Chủ chương còn có nghĩa là sợ. Nói sợ thì mất quan điểm lập trường quá, ngày nay người ta hay nói là chủ chương. Để con hát bài chủ chương cho quan nghe nhé.

Quan: Ừ, hát đi.

Hề ( nhảy hip hop và hát): Hề chủ chương công an, công an chủ chương quan, quan chủ chương Tàu, Tàu chủ chương Mỹ, Mỹ chủ chương trời, trời chủ chương mây, mây chủ chương gió, gió chủ chương bờ tường, bờ tường chủ chương chuột cống, chuột cống chủ chương mèo già, mèo già chủ chương mẹ đĩ nhà hề, mẹ đĩ nhà hề chủ chương hề, hề chủ chương công an, công an chủ chương quan, quan chủ chương Tàu…

Quan (quát): Im ngay! Mày định phun gió độc vào nhà này hả, liệu hồn không tao tống cổ ra khỏi nhà

Hề ( Giật nảy mình): Ôi chết chết, con sợ con sợ, chủ chương chủ chương. (Ngâm) Quan ơi… quan đuổi con ra khỏi nhà/ mai mốt Tàu đến quan thì là mà… ra đê.

Quan (đập bàn): Láo! Lại phun gió độc!

Hề ( Giật nẩy mình): Chủ chương chủ chương!

Quan (cười): Hà hà, té ra mày cũng biết chủ chương.

Hề: Dạ, con chủ chương lắm quan ạ. Để con ngâm bài thơ ca ngợi quan
(Ngâm) Trong… lưỡi bò, gì đẹp bằng… quan trên / Lá anh em, bông đồng thuận, lại chen nhụy… chữ vàng/ chữ vàng đồng thuận anh em/ gần hề mà chẳng hôi tanh mùi hề.
Hay không quan?

 Quan: Vì khiêm tốn tao không khen hay, nhưng tao đề nghị mày sửa cho tao câu cuối.

Hề: Dạ sửa thế nào?

Quan: Gần Tàu mà chẳng hôi tanh mùi Tàu. Phải sửa thế, không dân chửi tao vuốt mặt không kịp.
Hề thò mũi ngửi quan, nhăn mũi phẩy tay như ngửi phải mùi rắm.

Hề: Mùi Tàu nặng quá.

Quan ( cười): Tao ở trong lưỡi bò, không có mùi Tàu thì mùi gì? Không lẽ mùi Liên Xô.

Hề: Vậy thì không sửa được. Sửa xong, quan ra đường dân ngửi thấy mùi Tàu lại chửi quan, chửi luôn con là văn nô, có phải ngu không. Muốn sửa chỉ có một cách.

 Quan: Cách gì?

Hề: Phải làm cho bớt mùi Tàu đi. Chỉ cần quan đi theo con đọc thần chú là mùi Tàu giảm ngay tức khắc.

Quan: Hay nhể hay nhể, làm ngay làm ngay!

Hề đi trước vung tay hô, quan đi sau lưng hề cũng vung tay hô theo.

Hề: Hoàng Sa tả cua! Trường Sa tả cua!

Quan: Hoàng Sa tả cua! Trường Sa tả cua!

Hề quay lại ngửi quan

Hề: Đã bớt mùi Tàu rồi đó.

Quan: Hay nhể hay nhể, làm ngay làm ngay!

Họ lại tiếp tục đi và hô

Hề: Bản Giốc tả cua! Mục Nam Quan tả cua!

Quan: Bản Giốc tả cua! Mục Nam Quan tả cua!

 Hề quay lại ngửi quan

Hề : Đỡ mùi Tàu nhiều lắm rồi.

 Quan: Hay nhể hay nhể! Nhưng tả cua là cái gì?

Hề: Bẩm quan…tả cua là của ta.

Quan tái mặt sững sờ.


Quan: Tao hô to không?

Hề: Dạ to.
  
Quan: Mụ Khương Du, thằng Chiêu Húc nghe không?

Hề: Dạ nghe.

Quan run bần bật

Quan: Chủ chương… chủ chương....

Quan nằm vật ra, bất tỉnh.

Hề ( la to): Hú ba hồn bảy vía quan tôi đâu thì về nhập xác!

Nhãn:

Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói về việc người dân biểu tình phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam: Đó là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm!



"Về việc có thông tin phê phán cho rằng Việt Nam “bật đèn xanh” cho dân tuần hành, phản đối..., Chủ tịch nước nói một cách dí dỏm: “Có bật đèn xanh, đèn đỏ gì đâu, mấy cháu học sinh ở trường cũng phản ứng. Bởi vì nguyên nhân là Trung Quốc đưa giàn khoan mang số 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, làm nhân dân Việt Nam phản ứng, chống lại, đó là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của họ. Sao lại nói Chính phủ Việt Nam “xúi”, dùng động từ gì kỳ lạ vậy”. Theo Chủ tịch nước, việc này Việt Nam đã trả lời rồi, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nói rồi, cụ thể là Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì dân sẽ hết đi tuần  hành."

 ...................................

Nhãn:

Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

Bí thư Vũng Tàu kêu gọi biểu tình ôn hòa

Hoan nghênh bí thư Lê Xuân Tươi.

Nhãn:

Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Thomas Friedman: Những người Quảng trường- Phần 1

Thomas Friedman, The New York Times
    Huỳnh Hoa dịch
 
Thomas Friedman
Huỳnh Hoa:Tâm trạng chán quá, không viết lách gì được! Ngồi dịch một bài bình luận mới của Thomas Friedman (tác giả Thế giới phẳng, Chiếc Lexus và cây ô-liu...) cho nhẹ bớt đầu óc vì vụ Biển Đông. Bài này, Thomas viết ở Hà Nội, ngay trước khi rời Việt Nam và đăng báo The New York Times sáng nay 14-5. Tuy không thời sự như bài “Những đôi đũa” mà Thomas viết vài hôm trước, nhưng bài này có đề tài rộng hơn, viết về bạn, về tôi, về chúng ta, về lớp người mà ông ta đặt tên là “Những người Quảng trường”.

 Tôi nghĩ, tôi sẽ lập kế hoạch đi từ Kiev tới Hà Nội thường xuyên hơn. Chỉ khi nào bạn đi tới hai nơi có vẻ như không liên can gì với nhau bạn mới nhìn thấy các xu hướng lớn, và một trong các xu hướng lớn mà tôi chú ý là sự trỗi dậy của “Những người Quảng trường”.

Năm 2004, nhà khoa học chính trị của Đại học Harvard, giáo sư Samuel Huntington, đã viết về một “giai cấp siêu đẳng” toàn cầu đang nổi lên, “Những người Davos” – ám chỉ những người tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos – một tầng lớp tinh hoa toàn cầu, xuyên quốc gia, chọn ra từ lĩnh vực công nghệ cao, tài chính, tập đoàn đa quốc gia, giới hàn lâm và các tổ chức phi chính phủ. Ông Huntington cho rằng, Những người Davos có “rất ít nhu cầu trung thành với quốc gia”, và họ có nhiều điểm chung với nhau hơn là với đồng bào mình. Họ cũng có những kỹ năng để kiếm lợi một cách không tương xứng từ công cuộc toàn cầu hóa thị trường và công nghệ thông tin mới xuất hiện.

Thế nhưng, chỉ một thập niên sau, khi cuộc cách mạng công nghệ thông tin và toàn cầu hóa đã được dân chủ hóa và lan rộng – chúng ta đã chuyển từ máy tính xách tay cho giới tinh hoa sang điện thoại thông minh (smartphone) cho tất cả mọi người, từ mạng truyền thông chỉ dành cho số ít người may mắn ở Davos đến Facebook cho mọi người và từ việc chỉ một số người giàu mới được lãnh đạo lắng nghe trong những hội trường quyền lực sang tất cả mọi người đều có thể phản hồi thông tin tới lãnh đạo thông qua Twitter – một lực lượng chính trị toàn cầu mới đang được thai nghén, lớn hơn và quan trọng hơn Những người Davos. Tôi gọi họ là Những người Quảng trường.

Họ phần lớn là những người trẻ, khao khát một tiêu chuẩn sống cao hơn, tự do hơn. Họ đang tìm kiếm sự cải tổ hoặc cách mạng (tùy theo chính phủ hiện hành của họ là gì). Họ kết nối với nhau hoặc bằng cách tập trung trên các quảng trường, hoặc thông qua các quảng trường ảo, hoặc cả hai. Họ ít kết liên với nhau theo một chương trình chung mà phần lớn bởi cùng chia sẻ một phương hướng mà họ muốn xã hội đi theo. Giờ đây chúng ta nhìn thấy họ trên các quảng trường ở Tunis (Tunisia), Cairo (Ai Cập), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), New Delhi (Ấn Độ), Damascus (Syria), Tripoli (Libya), Beirut (Lebanon, Li băng), Sana (Yemen), Tehran (Iran) Moscow (Nga) Rio (Argentina), Tel Aviv (Israel) và Kiev (Ukraine), cũng như trên các quảng trường ảo của Saudi Arabia, Trung Quốc và Việt Nam.

Cả ba quốc gia cuối danh sách trên đều có một số lượng lớn phi thường những người sử dụng Facebook, Twitter và YouTube, hoặc những dịch vụ tương
tự ở Trung Quốc, mà cộng chung lại, sẽ tạo ra một quảng trường ảo, nơi họ kết nối, thúc đẩy thay đổi và thách thức nhà cầm quyền. Người viết blog nổi tiếng nhất Việt Nam, ông Nguyễn Quang Lập, có số người theo đọc nhiều hơn bất kỳ tờ báo nào của chính phủ. Ở Saudi Arabia, một trong những từ khóa Twitter phổ biến nhất là “Nếu tôi gặp nhà vua, tôi sẽ nói”.

Và Những người Quảng trường đang ngày càng đông hơn, mạnh mẽ hơn. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, lãnh đạo tập đoàn Viettel – một tập đoàn viễn thông Việt Nam – nói với tôi rằng: “Mục tiêu của chúng tôi là trong ba năm nữa, mỗi người dân Việt Nam đều có một smartphone. Giờ đây, chúng tôi đang sản xuất một loại smartphone có giá dưới 40 USD và mục tiêu nhắm tới là 35 USD. Chúng tôi thu phí mỗi tháng 2 USD cho việc kết nối internet bằng máy tính để bàn, 2,5 USD cho dịch vụ từ smartphone”. Bởi vì báo chí ở Việt Nam bị kiểm duyệt kỹ nên không phải ngẫu nhiên mà có tới 22 triệu trong số 90 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook. Chỉ mới hai năm trước, con số này là 8 triệu người. Việt Nam hiện có khoảng 100.000 sinh viên đang học tập ở nước ngoài; một thập niên trước con số chỉ bằng 1/10 hiện nay. Tất cả đều là Những người Quảng trường tương lai.

Cần khẳng định rằng, Những người Quảng trường đại diện cho một xu hướng chính trị đa dạng, kể cả Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập và chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Kiev. Nhưng xu thế chủ đạo đang lay động họ là: “Bây giờ chúng tôi đã có công cụ để thấy mọi người sống như thế nào, kể cả các cơ hội ở nước ngoài và các lãnh đạo tham nhũng ở trong nước, và chúng tôi sẽ không chịu đựng vĩnh viễn sống trong một hoàn cảnh mà chúng tôi không thể phát huy hết tiềm năng của mình. Và giờ đây chúng tôi cũng có công cụ để hợp tác cùng nhau làm một điều gì đó về chuyện này”.

Như một chuyên gia đối ngoại của Việt Nam nhận định, Những người Quảng trường theo cách này hoặc cách khác “đang đòi hỏi một khế ước xã hội mới” so với đội cận vệ cũ đang thống trị chính trị. “Người ta muốn tiếng nói của mình được lắng nghe trong mọi cuộc tranh luận quan trọng,” cho dù đó là chuyện trường học tốt hơn, đường sá tốt hơn hay chuyện nhà nước pháp quyền. Và họ cũng nhanh chóng so sánh với các dân tộc khác: “Tại sao người Thái Lan đi biểu tình được mà chúng tôi thì không?”

Những người Quảng trường ở Ukraine muốn liên kết với Liên minh châu Âu – không chỉ vì họ nghĩ đó là chìa khóa tiến tới sự thịnh vượng, mà còn vì họ nghĩ, luật pháp châu Âu, những đòi hỏi về quy tắc tư pháp, về tiêu chuẩn, và tính minh bạch sẽ tạo ra những thay đổi ở trong chính đất nước mình, những thay đổi không thể tạo ra từ bên trên hoặc bên dưới. Những người cải cách ở Việt Nam muốn gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương cũng với những lý do tương tự như vậy. Không giống Những người Davos, Những người Quảng trường muốn dùng nền kinh tế toàn cầu để cải cách đất nước mình chứ không phải nổi lên trên nó.

Tôi đã nói chuyện về toàn cầu hóa tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau đó tôi trò chuyện với một cô gái trẻ, Anh Nguyen, 19 tuổi, một sinh viên đã nêu vài câu hỏi thú vị. Cuộc trò chuyện với cô gái được điểm xuyết bằng câu chuyện về Quảng trường: “Tôi cảm thấy mạnh mẽ… Tôi nghĩ Việt Nam có thể thay đổi… Hãy nói cho thế giới biết về vụ án biển thủ lớn này [tại một tập đoàn vận tải biển quốc doanh] vừa bị phanh phui ở đây. Ngày trước, mọi người chắc sẽ im lặng, nhưng bản án đã được đưa ra; các ông chủ bị kết án tử hình… Nó làm mọi người thật sự ngạc nhiên… Giờ đây không phải mọi ông chủ lớn đều được nhà nước bảo vệ… Chúng tôi có nhiều nguồn tin khác nhau từ thế giới. Nó mở rộng tầm mắt”… Cô gái có nhiều cơ hội để phát huy khả năng của mình, nhiều hơn cha mẹ cô, cô nói, “Nhưng chưa nhiều như tôi muốn”.

Ngoài Những người Davos, có Những người Quảng trường đang đến.


Nguồn:
http://www.nytimes.com/2014/05/14/opinion/friedman-the-square-people-part-1.html?emc=edit_tnt_20140513&nlid=15975&tntemail0=y

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Khi "bên thắng cuộc" biểu tình, và...

Cùi Các


Xếp ngay hàng thẳng lối, các anh chuẩn bị biểu tình hay các anh đang chờ được cấp phát sổ gạo như trong thời kỳ bao cấp?

giàn khoan, TQ, xuống đường
À... Các anh đi biểu tình. Những tấm biểu ngữ được mang đến, trao vào tận tay của các anh, và các anh chỉ việc giơ lên. Mang danh đi biểu tình chống TRung Quốc xâm chiếm biển đảo, bảo vệ chủ quyền, mà không một biểu ngữ lên án Trung Quốc, không một dòng chữ bảo vệ chủ quyền, chỉ thấy mổi bật những dòng chữ tuyên truyền cho đảng cầm quyền.

10264138_10152150280638386_2498966327039834583_o.jpg
Và rồi các anh đã xuống đường biểu tình, nhưng các anh biểu tình để phản đối ai? Nhìn tấm biểu ngữ thật to "không lợi dụng xuyên tạc và kích động bạo lực", cho thấy rằng các anh chỉ làm mỗi công việc che chắn cho Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Đến đây thì lộ quá rồi. Biểu tình chống Trung Quốc hay biểu tình kêu gọi cho Đảng và Bác Hồ?

giàn khoan, TQ, xuống đường
Toàn cảnh biểu tình tràn ngập băng rôn cỡ bự, nhưng thông điệp và nội dung thì rỗng tuếch, không ăn nhập gì với việc ngoài kia Trung Quốc đang xâm chiếm lãnh hải, tấn công tàu VN, đang đặt giàn khoan để khai thác dầu khí ngay trên vùng đặc quyền kinh tế của VN.
Không những chính quyền Trung Quốc không sợ những băng rôn này, mà người Việt yêu nước còn coi khinh cho cái việc lợi dụng việc biểu tình chống Trung Quốc bảo vệ chủ quyền biển đảo, để tranh thủ tuyên truyền cho chính trị.

Một hành động hung hăng và sự lộng ngôn thô thiển người thanh niên giơ cao lá cờ búa liềm trong khi biểu tình.

Qua những hình ảnh trên cho thấy rằng,  những người biểu tình này đã không hề có chút ý thức về chủ quyền quốc gia. Dù mang danh là sinh viên, nhân sĩ, trí thức, nhưng họ đã không ý thức được rõ ràng về vai trò của mình đối với đất nước. Họ như những đàn cừu cần được chăn dắt, không phân biệt được thế là yêu nước và thế nào là yêu chế độ. Họ đã được dẫn dắt tới cuộc biểu tình để phục vụ cho mục đích của "bên thắng cuộc", bảo vệ cho "bên thắng cuộc" , chứ không phải vì mục đích bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ khi bị xâm chiếm.
Nhưng may mắn cho dân tộc này, vẫn còn có những hình ảnh trái ngược với cuộc biểu tình trên. Mà chúng ta gọi là cuộc biểu tình vì đất nước.

Đây là những ngư dân ở Quảng Nam. Họ mang dép lào, ăn mặc lôi thôi, đi trên con đường nứt nẻ. Tại một vùng quê nghèo, không đủ điều kiện để in băng rôn, biểu ngữ, họ phải viết những dòng chữ bằng tay trên những vật liệu phế thải, để loan đi những thông điệp của mình. Nhưng nó rất đẹp vì sự dung dị và chất phát, và vô cùng ý nghĩa vì thông điệp mang ý thức rất rõ ràng cho việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, chứ không phải bảo vệ hay tung hô cho nhà cầm quyền.

10352583_590640327723756_7186476223573701027_n.jpg
Và đây, những người biểu tình này dù mang biểu ngữ rất nhỏ, nhưng thông điệp truyền đi là rất lớn. "Đuổi Trung Quốc" xâm lược, đòi trả tự do cho người yêu nước, nhắc nhở những người lãnh đạo hãy xứng đáng về vai trò của mình trong việc bảo vệ tổ quốc, và còn đề xướng chính sách quản trị đất nước ở tầm vĩ mô "tẩy chay 16 vàng, 4 tốt"...
Chỉ những con người có ý thức rõ về quyền và vai trò của mình đối với đất nước mới mang lại cho họ một tư thế hiên ngang. Họ đã đi bằng đôi chân của lòng nhiệt huyết, của một gương mặt đau đáu với vận mệnh, và tinh thần dấn thân. 
Chỉ khi có ý thức về trách nhiệm của một công dân đối với đất nước, mới thôi thúc một người phụ nữ dù đang mang thai, những vẫn cố gắng xuống đường biểu tình, diễu hành.


 Người phụ nữ này đã làm nên cuộc "biểu tình vì nhân dân" thật sự. "Bảo vệ ngư dân Việt Nam" là điều cần làm trong lúc này, vì họ đang là đối tượng phải chịu ảnh hưởng và hiểm nguy nhất từ sự xâm chiếm biển đảo của VN. Nhìn bức ảnh này mới thấy thật đáng trách cho những người biểu tình vì mục đích bảo vệ cho "bên thắng cuộc".
Và với cuộc xuống đường biểu tình vì chủ quyền đất nước, vì nhân dân. Họ sức đáng có được sự tiếp sức bằng những chai nước của một người dân đi đường. Một hành động giản dị nhưng đầy ý nghĩa để tiếp sức cho người biểu tình tuần hành yêu nước.

Nhãn:

Bọ Lập đi biểu tình

Nguyễn Quang Lập 
Mình có hai lần đi biểu tình ở Sài Gòn. Lần đầu ngày 5/6/2011 khi bọn Tàu cắt cáp tàu Bình minh 2. Lần đó mình chỉ đi xem biểu tình cho biết biểu tình là cái chi. Tới đầu đường vào điểm hẹn, một anh công an chặn lại, nói ông ơi mời ông đi đường khác. Mình nói tôi vào quán cà phê gặp mấy ông bạn, cho tôi đi tắt qua chút chứ đi vòng xa quá tôi đi không được.


 Anh công an cười, nói ông đi  biểu tình chứ gì? Mình nói ừ, mày có cho ông biểu tình chống Trung Quốc xâm lược không? Anh công an không nói, né người cho mình vào. Mình cảm động bắt tay nó cảm ơn. Anh công an rỉ tai mình, nói vào trỏng gặp mấy đứa chặn lại thì ông lại lừa chúng nó như đã lừa con nhen. Mình cười phì. Thằng cu này sao đáng yêu thế!

Vào quán cà phê không thấy mống nào, mọi người đã nhào ra đường hô hét rầm trời. Mình lết ra đường, tính sẽ theo đoàn vài trăm mét lấy không khí rồi quay lại quán cà phê chờ chúng nó. Chẳng dè gặp con mặt mẹt đang đứng nhìn đoàn biểu tình vẻ khinh miệt, tự nhiên cụt hứng. Mình tránh được chỗ con mặt mẹt kia thì đoàn biểu tình đã đi qua. Biết không thể đuổi kịp, mình đành quay vào quán, biểu tình trong quán vậy, hi hi.

Lần này khác hơn, mình đến Nhà hát khá sớm, đợi mãi chẳng thấy biểu tình biểu téo gì, thấy nhạc nhéo ầm ĩ, lúc lúc lại thấy từng đoàn thanh niên sắp hàng đi vào sân nhà hát, có đến mấy trăm đứa. Bụng bảo dạ thôi rồi, lại biểu tình quốc doanh. Đang chán, chưa biết làm sao bỗng thấy một đoàn biểu tình dân chúng chừng trăm người tách khỏi nhà hát vừa đi vừa hô, có  Huy Đức, Huỳnh Ngọc Chênh, Đỗ Trung Quân... trong đó. Mình bám theo liền.

Đoàn biểu tình phút chốc lên tới mấy trăm người, rồi nghìn người có dư vừa đi vừa hô khẩu hiệu rất rập ràng. Mình lúc đầu hăng hái lắm, cũng hô rất to. Tiếc là tay cầm gậy chống rồi không vung nắm đấm lên được. Trong đoàn có nhiều thanh niên chạy đến bắt tay mình, nói chào bọ... chào bọ! Ui bọ đây rồi!.. Bọ ui bọ ui! May có treo avarta lên blog nên mọi người mới nhận ra mình, thật cảm động.

Cảm động chưa hết thì đoàn biểu tình đã vượt lên, nhanh chóng bỏ rơi mình. Mình vẫn cố lết theo. Chỉ hơn hai chục phút đoàn biểu tình đã cách mình cả cây số. Một bác xe ôm chạy đến, nói bác lên xe tôi chở bác đuổi theo đoàn, tôi không lấy tiền bác đâu. Nhưng mình không vắt chân qua xe được, đành chịu. Lúc đó đã tính chuyện gọi taxi chạy đến lãnh sứ quán TQ chờ đoàn ở đó, nhưng nghĩ bụng người ta đi bộ biểu tình, mình lại đi taxi, chẳng ra làm sao. Thôi thì cứ rán lết  chừng nào hết lết được nữa thì thôi. Mình đi một mình giữa đường thui thủi, tủi thân muốn khóc.

Chợt có đoàn thanh niên băng cờ khẩu hiểu rần rật chạy đuổi theo đoàn. Một thanh niên nhận ra mình, vội quay lại nói bọ đi biểu tình phải không? Mình ừ. Nó bảo để con cõng bọ một đoạn, đuổi cho kịp đoàn. Mình nói chú nặng lắm con ơi, hơn bảy chục ký. Nó thè lè lưỡi nhăn răng cười, nói thôi vậy con đi trước bọ đây.

Mình lết tới Bưu điện thành phố thì đoàn mất hút, không biết đi lối nào. Mình nhớn nhác nhìn xem đoàn ở hướng nào, thấy lá cờ đỏ đang phất ở xa xa, mừng húm. Chưa kịp xác định xem đó là đường nào bỗng một ông đứng ở Bưu điện chạy ra bắt tay mình, chuyện trò như đã quen nhau từ lâu lắm. Ông còn bắt bà vợ chụp ảnh " hai thằng", xong mấy mục đó thì đoàn đã biến mất. Tuyệt vọng toàn phần.

Một taxi trờ tới, thằng lại xe mở cửa nhảy ra, nói lên xe đi ông, con chở ông đến Lãnh sứ quán Trung Quốc. Mình đang chần chừ, nó trợn mắt lên, nói lên mau đi, không họ giải tán mất giờ, con không lấy tiền ông đâu mà lo! Mình lên xe, nói sao mày biết ông đi biểu tình? Nó nhăn răng cười, nói ông không đi biểu tình ra đứng đây làm gì, điên à! Rồi nó nói con vẫn đỗ xe trước chung cư nhà ông, vẫn chở ông đi nhậu. À ra thế.

Hy vọng tràn trề sẽ gặp đoàn bị tắt ngúm, taxi đi lối nào tắc đường lối đó, đến khi mò tới Lãnh sứ quán TQ thì đoàn đã giải tán, chỉ còn vài chục người. Mình đứng giữa đường ngao ngán. Chưa bao giờ mình ngao ngán như thế.

 Thằng taxi an ủi mình, nói để con chở ông về, mình không đi biểu tình lần này thì vẫn còn lần khác ông ạ, Trung Quốc còn xâm lược mình dài dài.

Nhãn:

Xuyên tạc và đạo văn trong "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh"

Tác phẩm đạt giải Hội nhà văn Việt Namcủa Lê Xuân Đức
 Hoàng Tuấn Công
“Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh”, là sách được giải cao nhất của Hội Nhà văn Việt Nam trong cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí viết về chủ đề “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Sách đề tên tác giả: “Lê Xuân Đức Dạy văn, Viết văn, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Đại biểu quốc hội khóa VIII”.

 
 “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh” có hai phần. Phần I “Thơ tiếng Việt” và phần II “Thư chữ Hán”.Những gì Lê Xuân Đức viết trong phần I rất khó xác minh đúng sai, kiểm chứng thông tin. Vì nhiều đoạn, Lê Xuân Đức kể giống như chính mình là người chứng kiến mà không hề chú thích theo nguồn tài liệu nào. Bởi vậy, chúng tôi không thể lại “đi tìm xuất xứ” những dòng Lê Xuân Đức viết. Tuy nhiên, phần thơ chữ Hán số lượng hơn 30 bài, nhác qua đã thấy tới nửa số bài có vấn đề. Và “vấn đề” ở đây cũng không có gì mới. Tức cái sai vẫn mang dấu ấn của Lê Xuân Đức: “chữ tác đánh chữ tộ”, phá hỏng nguyên tác thơ Hồ Chí Minh, và đạo văn. 

I. CHỮ TÁC ĐÁNH CHỮ TỘ:

1. Bài “Tặng Bùi công”:

Câu "Khán thư sơn điểu thê song hãn" (Lúc xem sách chim rừng vào đậu ở cửa sổ).
Chữ "hãn" trong “song hãn” nghĩa là cái song cửa, một âm đọc khác là “can” trong từ “lan can”-hàng chấn song cửa (chữ hãn có bộ mộc chỉ nghĩa và bộ can ghi âm) bị viết thành chữ “hãn” (chữ hãncó bộ thủchỉ nghĩa và bộ can ghi âm) nghĩa là: “Chống giữ Chống cự, như hãn cách 扞格 chống cự”. (Hán -Việt từ điển-Thiều Chửu). Như vậy, Nguyên tác thơ Hồ Chí Minh: 看書山鳥棲窗杆 (Xem sách chim rừng vào đậu ở cửa sổ) qua tay Lê Xuân Đức bị biến thành: 看書山鳥棲窗 và bắt buộc phải hiểu là: Xem sách, chim rừng vào đậu cửa ở sổ nhưng bị ngăn lại (!)

2.Bài “Vô đề”:

Câu "Quân cơ quốc kế thương đàm liễu" (Việc quân việc nước đã bàn xong). Chữ liễu trong nguyên tác thơ Hồ Chí Minh nghĩa là xong, rồi, bị viết thành chữ liệu (có bộ mục) có nghĩa là: mắt sáng, hiểu rõ. Căn cứ "nguyên tác" của Lê Xuân Đức, ý nghĩa của câu thơ sẽ thành: Mắt vẫn sáng để bàn chuyện quân cơ quốc kế, hoặc: Khi bàn việc quân việc nước vẫn  hiểu rõ (!?)

3.Bài “Tư chiến sĩ”:

Câu "Dương quang hòa noãn báo tân xuân" (Ánh mặt trời ấm áp báo mùa xuân mới đã sang). Chữ "báo" trong nguyên tác thơ Hồ Chí Minh có nghĩa là báo tin, bảo cho biết (động từ) bị Lê Xuân Đức viết thành chữ "báo" có nghĩa là con báo (danh từ chỉ động vật): 陽光和暖新春 Như thế, nguyên tác thơ bị biến thành: Ánh mặt trời ấm áp mùa xuân đến cùng...con báo (!)

4.Bài “Gửi đồng chí Trần Canh”:

Câu "Hùng sư bách vạn tất thính lệnh" (Trăm vạn hùng binh đều nghe lệnh) chữ "tất" nghĩa là đều, hết, tất cả, bị phiên âm thành "đất"-một từ không hề có trong Hán tự.
5. Bài “Ngọ quá thiên giang”:

Câu "Thiên giang, giang ngạn mãn xuân tương" (Bên bờ sông Thiên, sương xuân đã phủ đầy). Nguyên tác chữ Hán "Thiên giang, giang ngạn" 遷江江岸 (Bên bờ con sông Thiên) bị Lê Xuân Đức viết thành "Thiên giang, Thiên ngạn"遷江遷岸. Chữ “thiên” có nghĩa là dời đổi, “thiên ngạn” nghĩa là Bờ con sông Thiên đã bị dời đi nơi khác phủ đầy sương xuân (!)

6.Bài "Đến gần Long Châu":

Câu "Viễn cách long châu tam thập lý" (Cách xa Long Châu ba mươi cây số). Chữ “cách” trong "Viễn cách" nghĩa là cách xa, bị phiên âm thành "Viễn cảnh": “Viễn cảnh Long Châu tam thập lý”. Phiên âm của Lê Xuân Đức chỉ có thể hiểu là: Cảnh xa Long Châu ba mươi dặm (!).

            7.Bài "Tặng đồng chí Trần Canh"(tại Việt Bắc)

            Câu "Hương tân, mỹ tửu dạ quang bôi" (Rượu ngọt "sâm banh" trong chén ngọc dạ quang) Chữ  "quang" trong "dạ quang bôi" (chén bằng ngọc quý) Lê Xuân Đức phiên âm thành "dạ kim bôi" (chén bằng vàng). Phần nguyên tác chữ Hán thấy rõ là "dạ quang bôi" 夜光杯, bị phiên âm là "dạ kim bôi", thế nhưng phần dịch nghĩa lại thấy Lê Xuân Đức dịch là "ngọc dạ quang" (!) Điều đáng chú ý: chữ "dạ kim bôi" Lê Xuân Đức nhất quán nhắc lại ba lần trong bài (lần 1 ở trang 368, lần 2 và lần 3 ở trang 370).)

             Vậy, Lê Xuân Đức sai ở phần nguyên tác thơ chữ Hán Hồ Chí Minh, hay sai ở phần phiên âm ? Và "dạ quang bôi" đúng hay "dạ kim bôi đúng" ? Theo chúng tôi, "dạ quang bôi" đúng, Lê Xuân Đức đọc sai, phiên âm sai. Vì:

1.Bài “Tại Việt Bắc tặng Trần Canh đồng chí” (Tại Việt Bắc tặng đồng chí Trần Canh) Bác Hồ đã mượn bài Lương Châu từ 凉州詞 của Vương Hàn đời Đường. Nguyên tác chữ Hán:

葡萄美酒夜光杯
欲飲琵琶馬上催
醉臥沙場君莫笑
古來征戰幾人回 ?

Phiên âm: 

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi;
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi ?
Trần Quang Trân dịch:

Bồ đào rượu ngát chén lưu ly,
Toan nhắp tỳ bà đã giục đi.
Say khướt sa trường anh chớ mỉa,
Xưa nay chinh chiến mấy ai về ?
                                (Thơ Đường tậpI-NXB Văn học-1987)

Bác chỉ thay hai chữ “bồ đào” (rượu nho) ở câu đầu thành “hương tân” (rượu sâm banh); thay câu cuối “Cổ lai chính chiến kỷ nhân hồi” (Xưa nay chính chiến mấy người về) thành “Địch nhân hưu phóng nhất nhân hồi” (Chớ để cho một tên địch nào trở về), qua đó, biến chén rượu quan hà bi thương trong bài thơ của Vương Hàn thành chén rượu của niềm khí thế quyết tâm, tin tưởng vào chiến thắng. (Đáng nói là Lê Xuân Đức trích dẫn và xuyên tạc luôn thơ của Vương Hàn. “Dạ quang bôi” trong nguyên tác cũng thành “dạ kim bôi”)

            2. Đối chiếu với sách "Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh-chú thích - thư pháp" của GS Hoàng Tranh, nguyên tác chữ Hán Bác dùng "dạ quang bôi" chứ không phải "dạ kim bôi".
 
            3.Về mặt ngữ nghĩa "dạ kim bôi"là vô lý. Bởi chỉ có loại ngọc quý mới phát sáng trong đêm, gọi là ngọc dạ quang. Nếu "kim bôi" - chén vàng, thì vàng đâu có phát sáng trong đêm mà gọi là "dạ kim bôi" ? Cũng không thấy hình ảnh nào trong văn chương gọi là "vàng dạ quang".

Có lẽ Lê Xuân Đức không phân biệt được vàng ngọc khác nhau thế nào nên mới tùy tiện biến "dạ quang bôi" thành "dạ kim bôi" như vậy.

Đọc thêm: Câu chuyện về ngọc dạ quang ở Thanh Hóa. “Tương truyền dưới núi Liên Xá, huyện Kết Thuế (nay thuộc huyện Tĩnh Gia-Thanh Hóa-HTC chú thích) trong huyện hạt có một hòn đá tròn mà rộng, chìm nổi ở cửa biển Trầm Mông, tức cửa Bạng. Có nhà buôn ngoại quốc đang đêm thấy ánh sáng của ngọc rạng chiếu trên hòn đá, cho rằng trong đá có ngọc tốt. Người này mới lấy viên ngọc quý đang cất trong người đưa ra để mưu tính nhử ngọc trong đá. Thế nhưng ngọc trong đá chẳng lấy được mà ngọc đeo bên mình lại bị hút luôn vào đó. Về sau đêm đêm, người trong thôn thường thấy có đôi ngọc dạ quang đuôi đỏ, hình dạng như đôi chim đang bay, thường thường tự sườn núi bay ra Mi Sơn ngoài biển, đến sáng lại quay về. Vì thế nên gọi là núi Cưu Ngọc. Đời Lê, niên hiệu Quang Thuận, Thuần Hoàng đế nam chinh đánh Chiêm Thành. Khi đến nơi này liền lệnh cho người đục đá, lại lấy lửa đốt để lấy ngọc nhưng vẫn không sao lấy nổi.Vua cho rằng trong đá có linh khí chung đúc mà thành, mới đổi  tên đất làm Ngọc Sơn” (Trích: Thanh Hóa kỷ thắng-Vương Duy Trinh-nguyên tác chữ Hán -Bản dịch của Hoàng Tuấn Công, chưa công bố). 

8.Bài "Hai chớ":

Câu "Dị sử thi nhân hóa tục nhân" (Dễ khiến thi nhân hóa người phàm tục) Cụm từ "Dị sử thi nhân" 易使詩人(dễ khiến thi nhân) trong nguyên tác thơ Hồ Chí Minh bị viết thành "Dị sử sử nhân" 易使使人(dễ khiến, khiến người). Đã thừa chữ lại thiếu nghĩa.

9.Bài "Vô đề":

Câu "Nhất niên tứ quý đô xuân thiên" (Một năm cả bốn mùa đều là xuân) Chữ "đô" nghĩa là đều, "đô xuân thiên"nghĩa là đều là ngày xuân, bị phiên âm thành "đổ xuân thiên”. Nếu căn cứ vào bản phiên âm của Lê Xuân Đức mà "đoán chữ" thì sẽ có hai trường hợp chữ “đổ” có nghĩa:

-Nếu "đổ" (có bộ bối) nghĩa là "đánh bạc" thì "Nhất niên tứ quý đổ xuân thiên" có nghĩa: Một năm bốn mùa, chỉ đánh đánh bạc vào ngày xuân (!)

-Nếu "đổ" (có bộ thổ) nghĩa là "chắn, chặn lại" thì "Nhất niên tứ quý đổxuân thiên" có nghĩa: Một năm bốn mùa, mùa xuân bị chặn lại không đến được (!)

10. Bài "Tết xuân Mậu Thân":

Câu "Thiên thượng nhàn vân lai hựu khứ" (Trên trời mây đến rồi đi) chữ "lai hựu khứ" bị phiên thành "lại hựu khứ". Thế là Hán-Nôm lẫn lộn, phiên âm lẫn với dịch nghĩa.

11.Bài "Tặng Sơn đệ":

aBạn đọc còn nhớ trong bài “Nhật ký trong tù và lời bình hay trò đùa của Nhà phê bình Lê Xuân Đức”, chúng tôi có nhắc đến cái sai của Lê Xuân Đức trong bài viết của Trần Thư Trung trên Báo Hậu Giang. Khi ấy, chúng tôi chưa có trong tay sách "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh". Nay xem lại mới thấy, Lê Xuân Đức sai nhiều hơn Trần Thư Trung và chúng tôi tưởng. Xin nói lại từ đầu:

1/Đầu đề thiếp thư thấy nguyên văn chữ Hán là "Tống Sơn đệ", 送山弟nhưng Lê Xuân Đức lại phiên âm thành "Tặng Sơn đệ" (như Trần Thư Trung đã từng nêu).

2/Chữ "đệ"trong "Sơn đệ" 山弟 nghĩa là em bị viết thành chữ "đệ" (có bộ trúc đầu) nghĩa là thứ bậc(như Trần Thư Trung đã từng nêu).

3/Câu "Trí dục viên nhi hạnh dục phương". Chữ “trí” trong từ trí tuệ, giỏi giang, lại viết thành chữ “chí” trong ý chí, chí hướng. Viết là “chí”, nhưng Lê Xuân Đức lại phiên âm là "trí". Thật chẳng biết đường nào mà lần !

4/Giới thiệu nguồn gốc 12 chữ: "Đảm dục đại, Tâm dục tế, Trí dục viên, Hạnh dục phương" Bác Hồ gửi Nguyễn Sơn, Lê Xuân Đức viết: "Những câu này, chữ này Bác lấy từ một bài thơ của bậc danh y Khổng Tử Mạc thời Tùy Đường, Trung Quốc gửi cho bạn là Lưu Chiếu Lâm (có sách nói là Tôn Tử Mạc), nguyên văn như sau: "Đảm dục đại, nhi tâm dục, Trí dục viên, nhi hạnh dục phương..." Bác lấy 12 chữ ở hai câu thơ đầu và bỏ chữ "tiểu" thay bằng chữ "tế" là tinh tế, tế nhị. Bỏ chữ "tiểu" là bỏ cái nhỏ, người nhận thiếp sẽ hiểu ngay rằng cái tâm của mình cần tinh tế, chín chắn, khéo léo tế nhị hơn nữa"

Chỉ một đoạn văn ngắn này thôi, nhưng Lê Xuân Đức viết sai lung tung cả.  Chúng tôi xin có mấy ý kiến:

1/Lê Xuân Đức nói là “nguyên văn như sau”,nhưng lại chẳng nguyên văn tí nào. Đó là cụm từ “nhi tâm dục tế” Lê Xuân Đức viết thiếu mất chữ “tế”, thành “nhi tâm dục”, không biết là “dục” gì ?

2/Bậc danh y mà Lê Xuân Đức nói là Tôn Tư Mạc chứ không phải Khổng Tử Mạc. Từ điển Nho-Phật - Đạo (Lao Tử-Thịnh Lệ-NXB Văn học) chép rõ: "Tôn Tư Mạc思邈(581-682) đạo sĩ trứ danh, nhà y học, nhà dược học thời Đường".
 
Vậy, tại sao tên của Danh y Tôn Tư Mạc lại biến thành “Khổng Tử Mạc” ? Có lẽ là bởi chữ "Tôn" và chữ "Khổng", tuy quốc ngữ hoàn toàn khác nhau, nhưng trong Hán tự, chữ Tôn , giản thể viết là (gồm bộ tử thiên bàng và chữ tiểu) lại gần giống với chữ khổng (cũng có bộ tử thiên bàng) nên Lê Xuân Đức mới nhìn “chữ tác thành chữ tộ” rồi “mạnh dạn” đổi họ Tôn của Danh y Tôn Tư Mạc thành họ Khổng ! Lại nữa, có lẽ Lê Xuân Đức nghĩ: đã là "Khổng" thì phải đi kèm với "Tử" mới hợp lý. Thế là Tôn Tư Mạc-"Đạo sĩ trứ danh, tinh thông thuyết của bách gia, sùng chuộng Lão Trang, hiểu biết Phật điển, tinh y học, sở trường âm dương, suy đoán, diệu giải thuật số, nghiên cứu cả các phương thuật Đạo giáo như Luyện đan, Phục thực để cầu trường sinh thành tiên", chẳng may gặp phải ông thầy cao tay hơn, "đạo", "sĩ" gồm tài, nên Tôn Tư Mạc mới bỗng chốc bị hóa thành "Khổng Tử Mạc" (!) Thương thay !

3/ Lê Xuân Đức viết: "danh y Khổng Tử Mạc thời Tùy Đường, Trung Quốc gửi cho bạn là Lưu Chiếu Lâm (có sách nói là Tôn Tử Mạc)".Thế là Lê Xuân Đức không chỉ biến Danh y Tôn Tư Mạc thành Khổng Tử Mạc nào đó, mà còn tiếp tục mượn tay một người khác theo kiểu “có sách nói” để hòng biến bạn của Tôn Tư Mạc là Lưu Chiếu Lâm thành Tôn Tử Mạc ở tận đẩu tận đâu (!) Nguyên nhân những sai sót này có vẻ như tác giả “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh”trong khi “tìm” quanh quẩn ở đâu đó rồi nghe loáng thoáng, đọc loáng thoáng, câu được câu chăng, nhìn gà hóa cuốc nên rốt cuộc nhầm lẫn lung tung cả. Tuy nhiên cụm từ “có sách nói” lại có vẻ Lê Xuân Đức đã làm một việc phi khoa học, đó là cố tình nguỵ tạo chứng cứ trong trường hợp này. Bởi “có sách” là sách nào ? Sao ông không nói ?  Danh y Tôn Tư Mạc chính là xuất xứ của 12 chữ trong thư thiếp của Bác Hồ. Chúng tôi không nghĩ Lê Xuân Đức có thể tuỳ tiện “đi tìm xuất xứ” thơ Bác đến vậy ! Nếu bạn đọc muốn tìm hiểu về mấy chữ trong thiếp thư của Bác Hồ mà lại mua sách “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh” về đọc, chẳng phải đã bị Lê Xuân Đức chơi khăm cho một vố thật đau hay sao ? Đúng là “Tiền mất, tật mang”. Ông cha ta nói chẳng có sai !

Nói thêm:7 cái sai lớn nhỏ chúng tôi vừa nêu trên đây đều có đầy đủ trong sách "Lời bình thơ chữ Hán Hồ Chí Minh" của Lê Xuân Đức-NXB Văn học-2010, xuất bản trước sách "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh" 2 năm. Như thế, yếu tố "chẳng may sai sót, nhầm lẫn" có thể hoàn toàn được loại trừ. 

Xin được tiếp tục với những cái sai trong bài “Tặng Sơn đệ”:

4/Lê Xuân Đức phân tích: “Bác lấy 12 chữ ở hai câu thơ đầu và bỏ chữ "tiểu" thay bằng chữ "tế" là tinh tế, tế nhị. Bỏ chữ "tiểu" là bỏ cái nhỏ, người nhận thiếp sẽ hiểu ngay rằng cái tâm của mình cần tinh tế, chín chắn, khéo léo tế nhị hơn nữa”.
Chẳng qua không hiểu gì về chữ nghĩa nên Lê Xuân Đức mới tán nhăng, tán cuội như vậy. Chữ “tiểu” và chữ “tế” trong Hán tự đều có nghĩa là nhỏ, bé.
-Hán Việt từ điển (Đào Duy Anh): “Tế tâm細心: Nghĩ ngợi kỹ càng; Tiểu tâm小心: Cẩn thận, chú ý; Đảm đại, tâm tế 膽大心細: Mật thì to, tâm thì nhỏ, nghĩa là làm việc dõng cảm mà cẩn thận từng chút”.
-Từ điển Việt - Hán(GS Đinh Gia Khánh hiệu đính): “Cẩn thận: Tiểu tâm 小心”.
-Ở bên Tàu câu “Đảm đại, tâm tế” hoặc “Đảm dục đại, tâm dục tế (tiểu) được dùng như một thành ngữ. Chữ “tiểu” và chữ “tế” đồng nghĩa trong “tế tâm”“tiểu tâm” nên câu “Đảm dục đại nhi tâm dục tiểu” còn có một dị bản là “Đảm dục đại nhi tâm dục tế”.Bởi vậy khi Bác Hồ dùng “Đảm dục đại, Tâm dục tế” thì chữ “tế” ở đây là một cách dùng từ có nghĩa tương đương với chữ “tiểu”.Dùng “tâm dục tiểu” hay “tâm dục tế” đều có nghĩa là phải cẩn thận, chín chắn trong hành động, suy nghĩ, giảm bớt lòng dục chứ không phải Bỏ chữ "tiểu" là bỏ cái nhỏ, người nhận thiếp sẽ hiểu ngay rằng cái tâm của mình cần tinh tế, chín chắn, khéo léo tế nhị hơn nữa” như Lê Xuân Đức giảng giải. 

Đọc thêm: Về câu “Đảm dục đại nhi tâm dục tiểu, Trí dục viên nhi hạnh dục phương” của Danh y Tôn Tư Mạc gửi bạn Lưu Chiếu Lâm, giới nghiên cứu y học Trung Quốc cho rằng đó chính là Tổng kết phương pháp chẩn bệnh của họ Tôn:

-Đảm đại: Phải hùng dũng, tự tin như khí chất của bậc võ phu. (Đảm đại: Thị yêu hữu như củ củ võ phu, bàn tự tín nhi hữu khí chất).

-Tiểu tâm:Trong công việc phải thận trọng từng tí như đang đi bên bờ vực thẳm, như dẫm chân lên băng mỏng. Tức đi trên băng mỏng thì dễ bị vỡ, đứng ở bờ vực núi cao thì dễ bị sẩy chân, nên lúc nào cũng phải thận trọng từng ly. (Tiểu tâm: Thị yêu như lâm thâm uyên, như lý bạc băng. Tức như đồng tại bạc băng thượng hành tẩu, tại tiêu bích biên lạc túc, nhất dạng thời thời tiểu tâm, cẩn thận)

-Trí viên:Khi gặp việc phải viên hoạt (tức không để lộ thái độ) và phải biết quyền biến (theo việc xảy ra bất thường mà ứng biến cho nhanh). Không được câu nệ. (Trí viên: Thị chỉ ngộ sự viên hoạt, quyền biến, bất đắc câu nệ).

 -Hạnh phương: Tức chỉ việc không tham danh vọng, không tranh giành lợi lộc. Được như thế trong lòng không vướng bận, tựa như được uống thang thuốc thần diệu của trời đất vậy (Hạnh phương: thị chỉ bất tham danh, bất đoạt lợi, tâm trung tự hữu thản thang thiên địa).

 Đó là lời của Tôn Tư Mạc đối với các bậc lương y. Kỳ thực, những lời nói ấy không chỉ có ý nghĩa đối với những người thầy thuốc”. (HTC tham khảo, trích dịch từ tài liệu qua một số trang mạng củaTrung Quốc).

Chúng ta đều biết, nguyên nhân Bác Hồ gửi thiếp thư cho Tướng Nguyễn Sơn là do Nguyễn Sơn không hài lòng về việc thụ phong hàm Thiếu tướng. Bởi vậy, để hiểu đúng thư thiếp của Bác Hồ cần tìm hiểu nguồn gốc  “đảm dục đại, tâm dục tế, trí dục viên, hạnh dục phương” trong triết lý của Tôn Tư Mạc. Mặt khác phải tiếp cận được bản chụp, hoặc bản gốc của thiếp thư. Không nên ngồi đoán già đoán non rồi tán nhăng như cách làm của Lê Xuân Đức.

5. Lê Xuân Đức không chỉ truyền bá cái sai của ông, mà còn “dĩ hư truyền hư”, lấy cái sai của người khác để đem ra trích dùng, tiếp tục quảng bá tới đông đảo bạn đọc. Ví như Lê Xuân Đức trích lời kể của Nguyễn Thạch Kim, “một cộng sự đắc lực” của tướng Nguyễn Sơn: “Tôi (tức Nguyễn Thạch Kim-HTC chú thích) mở ngay ra xem, một tấm thiếp xinh xắn giản dị như mọi cái khác, mặt trước in rõ ba chữ Hồ Chí Minh, mặt sau viết nắn nót, ngay ngắn: Đàm dục đại, tâm dục tế, trí dục viên, hành dục phương (...) Hành dục phương là hành động phải ngay thẳng, đúng đắn, chân chính, phân minh, đàng hoàng”.

Đáng lẽ với một tư liệu có vấn đề như vậy Lê Xuân Đức phải biết phân biệt sai đúng để phân tích định hướng cho độc giả hoặc không sử dụng làm tư liệu. Đằng này Lê Xuân Đức lại chú thích nửa vời, gây hoang mang cho bạn đọc: “Về chữ Đàmhay chữ Đảm, Hành hay Hạnh cần được tra cứu, sưu tầm tấm thiếp của Bác Hồ gửi tướng Nguyễn Sơn”. Chú thích nghe có vẻ khoa học và thận trọng. Tuy nhiên nó lại “lòi” cái sự không biết chữ của tác giả “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh”. Bởi chỉ cần với trình độ Hán học nhập môn tự học đã có thể không cần “sưu tầm thiếp của Bác Hồ” mà vẫn có thể khẳng định: chỉ có “Đảm dục đại chứ” không có “Đàm dục đại”. Vì sao ? Vì chữ “đảm” ở đây chỉ có nghĩa là cái mật chứ không thể là “đàm” (nghĩa là đờm trong cổ họng) “đàm” (nói chuyện bàn bạc); “đàm” (cái đầm) “đàm” (cái vò rượu) “đàm” (nói mê sảng)...hay là một chữ “đàm” nào khác của Lê Xuân Đức: 

-Thiều Chửu giải thích: “Đảm:Mật, ở nép trong lá gan thường rỉ nước đắng ra để tiêu chất mỡ. Ngày xưa bảo người ta có gan góc là vì cái mật, cho nên người không e sợ gì gọi là đại đảm大膽, người có lòng sốt sắng vì nghĩa quên mình gọi là can đảm 肝膽”. 

-Đào Duy Anh giải thích: “Đảm đại: mật lớn lắm = dõng cảm. Đảm đại như đẩu: Mật to bằng cái đẩu

Đời Hán, Khương Duy chín lần đánh Ngụy, khi Thục mất nước, Khương Duy không chịu hàng, quân giặc mổ bụng Khương Duy thấy mật to hơn trứng gà, người ta nói đảm đại như đẩu”. (tức mật to bằng cái chén-HTC chú). 

Về chữ “hành” hay chữ “hạnh”. Lê Xuân Đức dẫu có tận mắt nhìn thấy thiếp thư của Bác Hồ cũng thế. Bởi vì chữ hành hay hạnhtrong trường hợp này đều viết giống nhau. Thế nên đọc là hành hay hạnh , hiểu là hành hay hạnh phụ thuộc vào kiến thức của mỗi người. Vì đây là phép “Giả tá” trong  trong “Lục thư” (6 phép cấu tạo chữ Hán): Tượng hình, Chỉ sự, Hội ý, Hình thanh, Chuyển chú, Giả tá. Chữ hànhkhi đọc là hành có nghĩa là đi, người ta mượn nguyên chữ này, đọc là hạnh để chỉ nghĩa đức hạnh. Bởi vậy, nếu giải thích “hành”“hành động” là không đúng.

Những cái sai của Lê Xuân Đức không phải chỉ có vậy. Tuy nhiên chúng tôi không muốn mất thêm thời gian của bạn đọc và của chính mình nên xin dừng tại đây.Chỉ xin nói thêm, Lê Xuân Đức có 10 cuốn sách viết về thơ Bác. Hiện chúng tôi có trong tay 3 cuốn và thấy rằng: rất nhiều trường hợp cái sai kiểu "chữ tác đánh chữ tộ" của Lê Xuân Đức giống nhau, "nhất quán" trong cả 2, hoặc 3 cuốn sách: (1) Lời bình thơ chữ Hán Hồ Chí Minh (XB 2010); (2) Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh" (XB 2012) (3) Nhật ký trong tù và lời bình (XB 2013).

Ví dụ các bài:

- Bài "Qua Thiên Giang" (sách (1) và (2) đều sai chữ giangthành chữ thiên).
-Bài  về chữ “đệ” (sách (1) (2) và (3) đều sai chữ đệ (em) thành đệ (thứ) và ngược lại.
- Bài “Tặng Sơn đệ”: Sách (1) và (2) sai  chữ trí thành chữ chí; sai Tôn Tư Mạc thành Khổng Tử Mạc; sai chữ“tống”  thành chữ“tặng”
- Bài “Hai chớ” (sách (1) và (2) đều sai chữ thithành chữ sử.
- Bài “Tặng đồng chí Trần Canh” (sách (1) và (2) đều sai chữ "quang bôi" thành "kim bôi" v,v...

Tại sao những cái sai của Lê Xuân Đức lại giống nhau và xuất hiện trong cả 3 hoặc 2 cuốn sách ở 3 thời điểm khác nhau ? Theo chúng tôi: đó là sai do kiến thức, rất ít trường hợp sai do nhầm lẫn hoặc lỗi văn bản. Thứ hai, ngoài giỏi "xào xáo" văn của người khác thành văn của mình, Lê Xuân Đức còn giỏi "xào xáo" văn của chính ông. Nghĩa là cũng những bài thơ đó, nhưng Lê Xuân Đức thay đổi, thêm bớt tí chút "lời bình", hoặc thêm một số bài mới, tập hợp lại, đặt cho sách một cái tên khác. Thế là có thêm một "tác phẩm mới", làm dày thêm thành tích 40 năm nghiên cứu "thẩm bình" thơ Bác mà không cần biết những trang viết ấy sai sót những gì, có cần sửa chữa, bổ sung để lần sau tránh được sai lầm của lần trước. Với cách làm này Lê Xuân Đức đã đánh lừa được nhiều Nhà xuất bản, các Báo, Tạp chí, moi tiền của bạn đọc. Thậm chí qua mặt được cả Hội Nhà văn Việt Nam và Ban tổ chức cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí viết về chủ đề “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". 

II. ĐẠO VĂN.

Độc giả từng đọc bài “Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của Nhà phê bình Lê Xuân Đức” đã biết, Lê Xuân Đức đạo chú thích của GS Hoàng Tranh (Trung Quốc) trong sách “Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh-chú thích-thư pháp” để làm nên “Nhật ký trong tù và lời bình” như thế nào. Trong sách “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh”, Lê Xuân Đức vẫn tiếp tục “đạo” chú thích của GS Hoàng Tranh ở những bài thơ chữ Hán không thuộc “Nhật ký trong tù”. Khi tinh vi, lúc trắng trợn:

1.Bài “Tặng đồng chí Trần Canh tại Nam Ninh”.

-GS Hoàng Tranh chú thích:“Điền là tên gọi tắt của tỉnh Vân Nam Trung Quốc. Từ thời Xuân Thu đến trước thời Hán Vũ đếm phần Đông Bắc của tỉnh là đất của Điền Quốc nên Vân Nam còn có tên gọi Điền. Điền biên tức là biên cương của tỉnh Vân Nam”.

-“Đi tìm xuất xứ” củaLê Xuân Đức: “Điền là tên gọi tắt của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Từ thời Xuân Thu đến trước thời Hán Vũ đếm phần Đông Bắc của tỉnh này là đất của Điền quốc nên Vân Nam còn có tên gọi Điền. Điền biên tức là biên cương của tỉnh Vân Nam”.

Ở đây Lê Xuân Đức chỉ thêm dấu phẩy (,) sau địa danh “Vân Nam”, thêm chữ “này” và chữ “là” mà chúng tôi gạch chân.

-GS Hoàng Tranh chú thích:“Người đọc mấu câu thơ trên đây bằng tiếng Trung Quốc tặng đồng chí Trần Canh. Nguyên văn bài thơ năm ấy không còn lưu lại. Năm 1990, Báo Văn nghệ của Việt Nam đăng lại bài thơ trên bằng tiếng Việt là căn cứ vào lời kể của một đồng chí tháp tùng Hồ Chí Minh trong chuyến đi ấy. Chúng tôi đã căn cứ vào bài thơ tiếng Việt để chuyển thành bài thơ chữ Hán”.

-“Đi tìm xuất xứ” củaLê Xuân Đức: “Bác đã làm bài thơ Tặng đồng chí Trần Canh bằng chữ Hán. Rất tiếc bản chữ Hán bài thơ này chúng ta không có, Bác đã tặng đồng chí Trần Canh trong bữa tiệc hôm đó, đến nay vẫn chưa sưu tầm được. May thay, Bác cũng đã tự dịch bài thơ chữ Hán ra tiếng Việt, đọc cho mọi người đi với Bác cùng nghe (…) Sau này, căn cứ vào bài thơ tiếng Việt, Giáo sư Hoàng Tranh-Phó viện trưởng Viện Đông Dương, Viện Trưởng viện sử, Phó Viện trưởng Viện khoa học xã hội Quảng Tây chuyển thành bài thơ chữ Hán như sau”

Với cách làm này, Lê Xuân Đức gây nhầm tưởng cho bạn đọc là ông đã có  công “tìm được xuất xứ” bài thơ “Tặng đồng chí Trần Canh”. Sự thực là ông chép lại chú thích, lời kể của GS Hoàng Tranh mà không một lời chú thích nguồn gốc tư liệu, Hoàng Tranh nói trong sách nào. Bởi, nếu ông chú thích trích dẫn từ “Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh-chú thích-thư pháp” khác nào “Lạy ông tôi ở bụi này” !

2.Bài “Qua Trường Sa”:

-GS Hoàng Tranh chú thích:“Trong thời kỳ nhân dân Trung Quốc kháng Nhật, từ tháng 9 năm 1939 đến tháng 1 năm 1942, quân đội Trung Quốc đã ba lần giao chiến với quân xâm lược Nhật Bản tại khu vực Trường Sa. Những năm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng ở miền Hoa Nam Trung Quốc, Người còn nhớ rất rõ về những sự kiện đó”.

-“Đi tìm xuất xứ” của Lê Xuân Đức:Chỉ riêng trong thời kỳ nhân dân Trung Quốc trong thời kỳkháng chiến chống Nhật, từ tháng 9 năm 1939 đến tháng 1 năm 1942, quân đội Trung Quốc đã ba lần giao chiến ác liệt với quân xâm lược Nhật Bản tại khu vực Trường Sa. Những năm đó, Trung Quốc kháng chiến chống Nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh Bác hoạt động cách mạng ở miền Hoa Nam Trung Quốc, Người còn nhớ rất rõ về những sự kiện đó. Bác biết rất kỹ về những sự kiện xảy ra ở Trường Sa”.

Ở phần này, Lê Xuân Đức thêm, bớt, diễn đạt lại một số từ ngữ, nhưng không che được chú thích bản quyền của GS Hoàng Tranh. Ví dụ: “Người biết rất rõ” ông diễn đạt thành “Bác biết rất kỹ”; “những sự kiện đó” thành “những sự kiện xảy ra ở Trường Sa”.

3.Bài Buổi trưa qua Thiên Giang:

-GS Hoàng Tranh chú thích:“Trấn Nam quan nằm trên biên giới Việt-Trung, thuộc thành phố Bằng Tường của Quảng Tây. Năm 1953, sau ngày nước Trung Hoa mới thành lập được đổi tên là Mục Nam quan, năm 1965 đổi tên là Hữu Nghị quan”

-“Đi tìm xuất xứ” của Lê Xuân Đức:“Trấn Nam quan nằm trên biên giới Việt-Trung, thuộc thành phố Bằng Tường của Quảng Tây. Năm 1953, sau ngày nước Trung Hoa mới thành lập được đổi tên là Mục Nam quan, năm 1965 đổi tên là Hữu Nghị quan”.

Chú thích này bị Lê Xuân Đức đánh cắp nguyên xi. Có lẽ ông ngại diễn đạt lại hoặc cũng không còn cách diễn đạt nào hơn.

-GS Hoàng Tranh chú thích:Khi viết bài thơ này Hồ Chí Minh nghĩ tới hình ảnh Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc tiến về phương Nam quét sạch tàn quân Quốc dân Đảng, đánh chiếm Trấn Nam Quan, giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Tây”.

-“Đi tìm  xuất xứ” của Lê Xuân Đức:“quân giải phóng Trung Quốc đã lập một chiến công xuất sắc (...) quét sạch toàn quân Quốc dân đảng, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Tây. Cảnh vật và sự kiện Thiên Giang khiến Bác cảm tác thành thơ”.

Ở đây Lê Xuân Đức cố ý xào xáo, đạo văn rất tinh vi, nhưng độc giả không khó nhận ra ông ăn cắp những gì, bản thân Lê Xuân Đức có gì. 

4.Bài Thăm Khúc Phụ:

- GS Hoàng Tranh chú thích: “Khúc Phụ là tên một thành phố nhỏ cách núi Thái Sơn của tỉnh Sơn Đông 80 km về phía nam, là quê hương của Khổng tử, người sáng lập học thuyết Nho giáo, là một thành phố văn hóa nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Nơi đây đời nhà Chu là kinh đô của nước Lỗ, đời Tần là huyện Lỗ, đời Tùy đổi tên là Khúc Phụ. Năm 1986, được nâng lên cấp Thành phố. Trong thành phố còn có di tích cổ của nước Lỗ và các di tích như Khổng phủ, Khổng miếu, Khổng lâm. Ngày 19 tháng 5 năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi thăm Khúc Phụ đã làm bài thơ này”.

-“Đi tìm  xuất xứ” của Lê Xuân Đức:“Khúc Phụ nằm trên bờ nam sông Tứ, miền tây tỉnh Sơn Đông. Nơi đây đời nhà Thời nhà Chu là kinh đô của nước Lỗ, đời Tần là huyện Lỗ, đời Tùy đổi tên là Khúc Phụ, năm 1986, là thành phố Khúc Phụ. Đây là quê hương của Khổng tử, người sáng lập học thuyết Nho giáo, là một thành phốđịa danh văn hóa lâu đời nổi tiếng trọng lịch sử Trung Quốc. Hiện naytrong thành phố Khúc Phụ còn có di tích cổ của nước Lỗ và các di tích như Khổng phủ, Khổng miếu, Khổng Lâm”.

Ở đây, Lê Xuân Đức cũng chỉ bỏ ra chút “công sức” sửa chữa, diễn đạt lại tí chút là ung dung biến của GS Hoàng Tranh thành của mình.

5.Bài “Vịnh Thái Hồ”:

-GS Hoàng Tranh Chú thích:“Các hồ trên đất Trung Quốc mang tên Tây Hồ có rất nhiều. Tây Hồ trong bài thơ trên là Tây Hồ ở Hàng Châu tỉnh Chiết Giang”.
-“Đi tìm  xuất xứ” của Lê Xuân Đức: “Trung Quốc có nhiều hồ mang tên Tây Hồ. Tây Hồ trong bài thơ “Vịnh Thái Hồ” là Tây Hồ nằm ở phía Tây thành phố Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang”.
6.Bài “Ký Mao chủ tịch”:
-GS Hoàng Tranh chú thích:(1)“Ngày 16 tháng 7 năm 1966, Chủ tịch Mao Trạch Đông 73 tuổi đã bơi qua sông Trường Giang ở Vũ Hán. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất vui mừng khi nghe tin đó, người đã làm bài thơ trên gửi tặng Mao Chủ tịch. Nguyên bài thơ không có đầu đề, trong tập “Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh” của Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội xuất bản năm 1990, đầu đề bài được đặt là “Ký Mao Chủ tịch”.

(1). Bài Ký Mao Chủ tịch” đăng trên Nhân dân nhật báo (Trung Quốc) số ra ngày 9 tháng 8 năm 1966.

-“Đi tìm  xuất xứ” của Lê Xuân Đức: “Ngày 16 tháng 7 năm 1966, Chủ tịch Mao Trạch Đông 73 tuổi đã tổ chức một cuộc bơi trên qua sông Trường Giang ở Vũ Hán (...) Chủ tịch Hồ Chí Minh rất vui mừng khi nghe tin đó, người đã làm bài thơ trên gửi tặng Mao Chủ tịch. Được tin Mao Chủ tịch có cuộc bơi hiếm có, Hồ Chủ tịch đã gửi tặng Mao Chủ tịch bốn câu thơ chúc mừng. Bốn câu thơ chúc mừng đã được các bạn Trung Quốc đăng trên Nhân dân nhật báo (Trung Quốc) số ra ngày 9/8/1966. Nguyên bài thơ bốn câu thơ không có đầu đề, sau này khi xuất bản trong tập Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh” của Nhà xuất bản NXB Văn học, Hà Nội xuất bản năm 1990, đầu đề bài thơ được đặt là “Ký Mao Chủ tịch” (Gửi Mao Chủ tịch).

Như thế Lê Xuân Đức đã đạo trọn hai chú thích của GS Hoàng Tranh “xào xáo” lại tí chút thành ‘đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh” của ông. Thật đáng sợ !

Trên đây chỉ là một số ví dụ về cái sự đạo văn của Lê Xuân Đức. Trong “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh” còn có nhiều bài Lê Xuân Đức sử dụng tư liệu của GS Hoàng Tranh nhưng không chú thích theo tài liệu nào và rất khó để “bắt lỗi” do ông chỉ lấy ý, diễn đạt lại hoàn toàn theo hành văn của mình. 

Mang một cái tên rất khoa học "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh" nhưng cách làm của Lê Xuân Đức lại rất phi khoa học. Đó là không trích dẫn đến nơi đến chốn nguồn tài liệu tham khảo, "lập lờ đánh lận con đen". Thậm chí Thư mục sách tham khảo ở phần cuối sách cũng không có tên một đầu sách nào khiến bạn đọc không biết nguồn tài liệu ấy ở đâu ra, có đáng tin cậy hay không. Thậm chí là nguỵ tạo như đoạn viết “có sách nói” Lưu Chiếu Lâm chính là Tôn Tử Mạc. Bởi vậy, có thể nói, "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh" là một công trình phi khoa học.

Trong bài phỏng vấn của VOH (Đài tiếng nói của nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) về nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Lê Xuân Đức nói: Tôi rất vui khi nhận được giải thưởng lần này. Đây là một sự ghi nhận và đánh giá tác phẩm tôi viết "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh". Đó cũng là kết quả của 40 năm tôi nghiên cứu về thơ Bác”. 

Sách "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh" có 438 trang khổ 14,5 x 20,5, chúng tôi chỉ mới lướt qua 188/438 trang cuối sách mà đã thấy đầy rẫy những sai lầm, cẩu thả và lưu manh trong văn chương không thể chấp nhận. Kết quả 40 năm nghiên cứu về thơ Bác của Lê Xuân Đức là như vậy sao ?

Chúng tôi nghĩ rằng, không ai có thể xác minh hết nguồn gốc những tư liệu Lê Xuân Đức sử dụng trong “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh”đúng hay sai, khoa học hay nguỵ tạo, minh bạch hay mờ ám. Có lẽ chỉ duy nhất tác giả của nó mới có thể trả lời những câu hỏi đó.

 Với tư cách độc giả, chúng tôi xin gửi tới Hội Nhà văn Việt Nam và Ban tổ chức cuộc “vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí viết về chủ đề “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" câu hỏi:

            -Với những sai lầm, hành vi đạo văn mà chúng tôi đã chỉ ra trong sách "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh" của Lê Xuân Đức, việc Hội Nhà văn Việt Nam và Ban tổ chức trao giải cao nhất cho tác phẩm này là đúng hay sai ?

            - Nếu là sai, Hội Nhà văn Việt Nam và Ban tổ chức có thu hồi lại giải thưởng đã trao cho tác giả sách “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh” hay không ?

            -Ai phải chịu trách nhiệm về việc trao giải cho một cuốn sách có nhiều sai lầm, phi khoa học, thiếu minh bạch và vi phạm bản quyền trắng trợn như vậy ?

  HTC
Tác giả gửi Quê Choa


Nhãn: