Dĩ hư truyền hư- kỳ cuối
Những sai lầm mang tính hệ thống trong “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ VÀ TỤC NGỮ VIỆT NAM” của GS Nguyễn Lân
Hoàng Tuấn Công
Dĩ hư truyền hư- kỳ 1
Dĩ hư truyền hư- kỳ 2
Dĩ hư truyền hư - kỳ 3
Dĩ hư truyền hư- kỳ 4
Kỳ cuối: “Láo nháo như cháo với cơm”-Những chuyện khó tin nhưng có thật
Sách có tên “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam”, phần "Lời nói đầu" cũng được GS Nguyễn Lân
xác định tương đối chính xác tiêu chí thế nào là thành ngữ, tục ngữ. Thế nhưng, thực tế lại hoàn toàn khác. Nhiều câu là ca dao, câu đối, các thuật ngữ ngoại giao, thể thao, quân sự, các cụm từ, ngữ, láy từ đã được GS sư đưa vào làm “thành ngữ, tục ngữ” Việt Nam: Lầm lẫn tục ngữ với ca dao:
Chiều chiều ngó ngược ngó xuôi, Ngó không thấy mẹ ngùi ngùi nhớ thương.
Chiều chiều ra đứng ngõ sau, Nhớ về quê mẹ ruột đau chín chiều”,
v.v…
Lầm lẫn câu đố dân gian với thành ngữ, tục ngữ:
-Con đóng khố, bố cởi truồng Tả cảnh nghèo khổ của nhân dân trong chế độ cũ.
Đây là câu đố về cây măng và cây tre. Cây măng non (con) đang được bọc trong những chiếc mo nang ( giống như đóng khố), cây tre già (bố) mo nang đã bong ra và rơi đi (giống như cởi truồng). Có lẽ GS cho rằng trong chế độ cũ vì nghèo khổ nên cha phải nhường khố cho con mặc chăng ? Nhưng trong thực tế không hề có chuyện này. Trái lại, vì con còn nhỏ nên cởi truồng, bố (và ai cũng vậy) là người lớn phải đóng khố, dù nghèo khổ đến đâu.
Đào chẳng thấy, lấy chẳng được Tức là: Sâu kín quá, không sao phát hiện được.
Đây là câu đố dân gian về bóng trăng dưới nước. Nguyên văn: “Vừa bằng cái vung, vùng xuống ao, Đào chẳng thấy, lấy chẳng được”. Mặt trăng dưới đáy nước nhìn thấy rõ, chỉ có điều “ đào chẳng thấy, lấy chẳng được” mà thôi.
Có những trang, bạn đọc giật mình tưởng đầu óc mình có vấn đề. Bởi đang đọc “Thành ngữ tục ngữ Việt Nam”, bỗng đâu xuất hiện trước mắt một loạt từ chỉ có thể tìm được trong loại sách “Từ điển tiếng Việt”. Ví dụ: Cách mạng xanh; Chạy đua vũ trang, Chiến tranh cân não; Chiến tranh chớp nhoáng; Chiến tranh lạnh; Chiến tranh tâm lý (mục chữ cái C) hoặc: Khăn chữ nhất, Khăn đầu rìu, Khăn mỏ quạ (mục chữ cái K) Rồi: Không chán mắt Nói nhìn vật gì thích quá; được điều mong muốn; Không thể nào như Không tài gì”.(mục chữ cái K) Hay: Rất chi là Có nghĩa như: vô cùng, hết sức. Rinh tùng rinh Tả tiếng trống con xen lẫn tiếng trống cái trong một đám rước”,v.v…Bạn đọc sẽ cho rằng, đó là do lỗi văn bản, hoặc một cái gì đó không thuộc chủ ý của GS Nguyễn Lân. Tuy nhiên, thật khó hiểu khi cái kiểu "...như cháo với cơm này" vẫn tiếp tục xuất hiện ở nhiều mục từ khác. Ví dụ, mục chữ cái K: "Khúc kha khúc khíchNói một số người ngồi cười vui riêng với nhau khá lâu, Khủng bố trắng Nói một cuộc khủng bố của một chính quyền phản động nói chung, tàn sát hàng loạt người tiến bộ" hoặc mục chữ cái O: "Ò e, ý e Tiếng kèn thổi trong đám ma, Ò e ý ới Như câu trên, nhưng thường dùng để giễu cợt, Oẳn tù tỳ (Câu trẻ con dùng để quyết định đến lượt ai chơi trước"). Và rải rác trong sách, bạn đọc còn gặp rất nhiều....Thậm chí trong Lời nói đầu, GS đưa ra tiêu chí chỉ chọn những câu thành ngữ, tục ngữ "có từ 3 từ trở lên", nhưng trong sách lại có cả loại hai từ như “Tân lang” và GS giải thích, đầy đủ "nghĩa đen" lẫn "nghĩa bóng": "Tân lang (Nghĩa đen: Chàng trai mới) Chỉ chú rể mới” !
Bỏ tiền mua sách “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân, lại được luôn nội dung “Từ điển tiếng Việt”. Kể ra cũng không nên phàn nàn. Vì “Không bổ đầu thì cũng bổ đuôi”. Thế nhưng, ngặt một nỗi, nhiều từ, ngữ Việt Nam lại bị soạn giả giải thích “tréo ngoe”, rất khó chấp nhận:
Chạy đua vũ trang Nói các nước đế quốc đua nhau tăng cường vũ bị.
-Nói thế hóa ra các nước đế quốc chạy đua vũ trang là để đánh lẫn nhau ? Đúng ra là: các cường quốc, phe phái chạy đua, tăng cường mua sắm, chế tạo vũ khí, khí tài để củng cố sức mạnh quốc phòng và đối phó, răn đe đối phương (Có thể lấy ví dụ điển hình là cuộc chạy đua vũ trang giữa hai phe phái, điển hình là Liên xô và Mỹ trước đây).
Chạy ngược chạy xuôi Ý nói: đi lại tíu tít để lo một việc gì.
-Người ta đang nói “chạy” thì GS lại giải thích là “đi”, nói tình trạng “chạy ngược, chạy xuôi” rất khổ sở thì GS lại liên tưởng việc “đi lại tíu tít”. Cụm từ “đi lại tíu tít” khiến người ta liên tưởng đến việc làm gì đó bận bịu, khẩn trương nhưng vui, có nhiều người cùng tham gia, vừa làm vừa cười nói vui vẻ. Trong khi “Chạy ngược, chạy xuôi” lại chỉ hành động của một người đang phải căng sức ra chạy vạy, lo toan rất vất vả, khổ sở. Đây chỉ là cách diễn đạt ngôn từ theo lối điệp từ để nhấn mạnh ý muốn nói. Ví dụ: Đi ra đi vào, Nói đi nói lại, Đón đầu đón đuôi…chứ không phải thành ngữ, càng không phải tục ngữ. Nhưng muốn gọi là gì thì cụm từ này cũng phải được hiểu: Chạy vạy khắp mọi nơi rất vất vả để lo toan cho công việc.
Bồng bồng bế bế Chê người nhiều con, vất vả vì con.
-Không đúng ! Đây nói về sự vất vả của người có con nhỏ và không có ý nào chêcả. Câu này cũng mới là “ngữ” chưa đủ tiêu chí “thành ngữ”. Có thể ví dụ rất nhiều: Đi đi đứng đứng, Ăn ăn nói nói, Cười cười nói nói, Anh anh em em, Ra ra vào vào, Đi đi lại lại v.v…
Chí cha chí chát Nói tiếng giày giép đi lại nhộn nhịp.
“Chí cha, chí chát”không thể là âm thanh của dày dép, càng không thể diễn tả cảnh “đi lại nhộn nhịp”. Đây là âm thanh của những vật cứng va đập vào nhau, ví như tiếng chặt, tiếng băm vang vọng từ xa tới, nghe lúc xa lúc gần. Nếu “Chí cha chí chát” được xem là “thành ngữ” thì: sột sà, sột soạt; lanh ca, lanh canh; rục rà, rục rịch,v.v...cũng được xem là thành ngữ ư ?
Nhìn chung, những điệp từ, điệp ngữ, từ láy được GS Nguyễn Lân “đôn” lên làm thành ngữ, tục ngữ rất nhiều. Thế nên, sách dày 600-700 trang, nhưng những câu không phải là thành ngữ, tục ngữ chiếm một tỉ lệ khá lớn.
Phần liên hệ câu đồng nghĩa, gần nghĩa cũng rất nhiều sai lầm. Ví dụ:
Mặt sứa, gan lim Như câu: Mặt rắn như sành.
-Hai câu trên có thể được xếp vào trái nghĩa, lại được GS coi là đồng nghĩa. Câu “Mặt rắn như sành” nhận xét khuôn mặt lộ rõ bản chất của con người rắn mày, rắn mặt, ương bướng. Còn câu “Mặt sứa, gan lim” lại nói mâu thuẫn giữa hình thức và nội dung. “Mặt sứa” (bề ngoài) thì tỏ vẻ hiền lành, trắng bợt, mềm nhũn như con sứa (một loài động vật không xương sống ở biển, thân rất mềm, trắng), nhưng bên trong (gan) lại đen và rắn như gỗ lim. Câu này thường hay dùng để nhận xét về những người bề ngoài có vẻ hiền lành nhu mì nhưng lại dám làm những chuyện tày đình. Trái với câu “Mặt sứa gan lim” là “Miệng hùm, gan sứa”.
Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư (Nghĩa đen: Trong ba người cùng đi, chắc có người là thầy ta) Như nghĩa câu trên”.
Câu trên là “Tam ngu thành hiền, ba người ngu họp lại thành một người giỏi) Nói lên tầm quan trọng của tập thể”.
-Câu “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư” vốn trong sách Luận Ngữ, nguyên văn: “Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên, trạch kỳ thiện giả nhi tùng chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi” Nghĩa: Trong ba người cùng đi, nhất định có một người là thầy ta. Ta chọn lấy mặt tốt của người đó để học tập, xét khuyết điểm của người đó để sửa lỗi của mình. Hai câu không thể mang nghĩa giống nhau. Bởi câu thứ nhất đề cao sự học hỏi; câu thứ hai đề cao sức mạnh trí tuệ của tập thể.
GS Nguyễn Lân là tác giả của hơn 10 cuốn sách Từ điển, được đánh giá là “Nhà biên soạn từ điển, học giả nổi tiếng Việt Nam” (Theo Từ điển bách khoa toàn thư mở). Thế nhưng trong “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” phương pháp chỉ dẫn, sắp xếp các câu thành ngữ, tục ngữ của GS cũng không xong lắm khi trở thành chuyện “dở khóc, dở cười”. Ví dụ câu: “Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh”được GS chỉ dẫn là “ Xem câu trên”, nhưng câu trên lại là câu “Ba chân bốn cẳng” chẳng liên quan gì đến nội dung cần tìm. Hoặc câu:“Cười người chẳng ngắm đến ta, thử sờ lên gáy xem xa hay gần” được GS chỉ dẫn “Như câu trên”. Nhưng khổ nỗi, câu trên lại là câu “Cười ngặt cười nghẽo” (!)…
Cũng liên quan đến chuyện trình bày, sắp xếp. Đối với những câu giống nhau về nội dung chỉ khác một vài từ do đảo vị trí, đáng lẽ chỉ nên giải thích một lần, nếu gặp câu sau nên hướng dẫn bạn đọc tham khảo câu trước. Nhưng GS thường làm chuyện không cần thiết là giải thích lại một lần nữa. Ví dụ các câu: Ăn bậy, nói càn khác gì “Ăn càn, nói bậy” ? “Ăn cạnh nằm kề” khác gì “Ăn cận ngồi kề” ?
“Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân in lần đầu 1989, sau đó được tái bản hàng chục lần. Nghĩa là GS Nguyễn Lân có rất nhiều cơ hội để sửa chữa, bổ sung cho cuốn sách được hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, chúng ta đã không được thấy GS làm vậy. Mặt khác, có lẽ cho rằng trang viết của GS Nguyễn Lân đã là “khuôn vàng thước ngọc” nên các nhà xuất bản đã bỏ qua khâu biên tập. Thế là hàng chục ngàn bản“dĩ hư truyền hư” đã đến tay bạn đọc. So sánh có thể thấy những sai sót, đến từng lỗi chính tả (của GS Nguyễn Lân) cũng được giữ nguyên (Ví như ngay trong Lời nói đầu "Ăn xổi ở thì" được GS viết thành "Ăn sổi ở thì") Chúngtôi có trong tay 3 cuốn: một sớm nhất do NXB Văn hoá ấn hành năm 1989, một cuốn do NXB Thời Đại ấn hành 2011 và một cuốn gần đây nhất (thời điểm chúng tôi viết những dòng này) do NXB Văn Học ấn hành năm 2012. Khi tìm trong thư viện và các nhà sách sẽ thấy rằn,g từ năm 1989 đến nay sách của GS Nguyễn Lân được khoảng hơn 10 Nhà xuất bản lớn, tên tuổi ở Việt Nam ấn hành, giấy tốt, bìa cứng, trình bày đẹp như: NXB Văn hoá (1989) NXB khoa học xã hội (1997) NXB Văn học 2003 (2 lần) NXB Văn học 2010 (2 bản) NXB Văn Học 2012. NXB Văn hoá thông tin 2010 (2 lần) NXB Thời đại (các năm 2010; 2011). NBX Từ điển bách khoa (2002). NXB Tổng hợp TP HCM (2005, 2008),v.v…
Kể ra một cuốn sách nằm trong cụm công trình về ngôn ngữ được nhận giải thưởng Nhà nước, gắn với tên tuổi Nhà biên soạn từ điển-vị giáo sư lừng danh NGND Nguyễn Lân, mức độ lan tỏa như thế cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng “lan tỏa” hàng chục năm trời cùng với đầy rẫy những sai sót quả rất khó tin và khó chấp nhận.
Đến đây, bạn đọc đã đi cùng chúng tôi trọn năm kỳ “Dĩ hư truyền hư”.Có lẽ trong mỗi chúng ta đều có cảm giác mệt mỏi, và chẳng thể nhớ nổi “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân sai những gì. Chỉ nhớ rằng sách này sai có hệ thống, sai lớn, sai nhỏ, sai rất nhiều... Liên hệ với bài “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân, mục chữ cái nào cũng có sai sót”, mà chúng tôi đã từng trích đăng, cùng một số bài viết ngắn trước đây của Huệ Thiên (An Chi) của Lê Mạnh Chiến,...có thể nói đây là hiện tượng có một không hai trong lịch sử biên soạn từ điển ở Việt Nam.
H.T.C
Mời độc giả đón đọc loạt bài
“THỬ LÝ GIẢI NHỮNG SAI SÓT ĐỂ ĐỜI
của Nhà biên soạn từ điển-GS Nguyễn Lân”.
Những sách đã dẫn và tham khảo:
1,Đại Nam quấc âm tự vị (Dictionnaire ANNAMMITE) Huình Tịnh Paulus Của-Sài Gòn 1895.
2,Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa -Trần Xuân Ngọc Lan phiên âm chú giải (NXB Khoa học xã hội - Hà Nội 1985).
3, Từ điển AN NAM - LUSITAN - LA TINH (thường gọi Từ điển Việt-Bồ-La) A.de Rhodes - NXB Khoa học xã hội-1991.
4,Việt Ngữ Tinh nghĩa từ điển-Long Điền Nguyễn Văn Minh (-NXB Quảng Vạn Thành- Hà Nội 6/1950).
5.Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam -GS Nguyễn Lân (NXB Văn hóa - 1989)
6.Từ điểm thành ngữ tục ngữ Việt Nam-Vũ Dung-Vũ Thúy Anh-Vũ Quang Hào-NXB Văn học 2008.
7.Việt Nam tự điển - Hội Khai Trí Tiến Đức - Nhà in Trung Bắc Tân Văn - 1931 (bản Scan của vietnamtudien.org )
8. Từ điển từ Việt Cổ-Nguyễn Ngọc San- Đinh Văn Thiện-NXB Văn hóa thông tin-2001.
9.“Từ điển giải thích thành ngữ gốc Hán” - Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành- Viện ngôn ngữ học - NXB Văn Hóa-1994,v.v..
Bài viết được lược trích trong "Phê bình từ điển"- Hoàng Tuấn Công-chưa in.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ