Về Anh Cu Bịp của Nguyễn Quang Lập
Nguyễn Trần Sâm
Trong các truyện ngắn của Nguyễn Quang Lập, Anh Cu Bịp là truyện khá đặc biệt. Rất khó gọi tên tính chất đặc biệt của nó, nhưng đại loại là thế này. Vẫn là phong cách và chất liệu ngôn ngữ Bọ Lập, vẫn đậm chất trào lộng, với những nhân vật có những hành vi kỳ quặc, và ẩn sau đó vẫn là những suy tư, day dứt, nhưng ở đây tính chất gây cười có vẻ ít hơn, còn những suy tư, day dứt, thậm chí nỗi đau đời, thì nhiều hơn hẳn so với những truyện khác.
Sự tồn tại của anh cu Bịp trong truyện và những anh cu bịp ngoài đời, trong đó có cả những anh cu bịp đã “thành thánh”, than ôi, là một thực tế vô cùng đau xót ở xã hội ta!
*
Có thể chia truyện ngắn Anh Cu Bịp thành hai phần. Phần đầu nói về những trò lừa đảo thông thường, những tiểu xảo của anh cu này để kiếm ăn. Chiêu lừa thường dùng của anh ta được Lập tả như sau:
“…đến làng nào cũng nghe một trường hợp bị lừa như nhà mình. Anh cu Bịp tung tin ai đó bị chết rồi giả đò đóng vai người cùng đơn vị với người đó về gia đình báo cho gia đình biết người đó còn sống. Thế là chuột sa chĩnh gạo, anh được ăn uống đãi đằng và ôm một mớ tiền đóng quà của người nhà gửi cho người đó rồi biến thẳng. Chẳng ai biết anh ở đâu tên gì, người ta gọi đại là thằng cu Bịp.”
Sau một thời gian (như Lập nói là 10 năm), Lập gặp lại Bịp và chứng kiến một chiêu lừa khác. Và chính vì định vạch mặt Bịp mà Lập bị rơi vào thế bất lợi, bị người chung quanh khinh bỉ. Nhưng lúc đó Bịp vẫn còn là kẻ lừa đảo hạng tầm thường.
Trong phần hai của truyện, Bịp đã trở thành “bậc thánh nhân”!
Lại vẫn 10 năm sau (“khỉ thế!”), Lập đến một nơi “bậc thánh nhân” ấy đang “cứu độ chúng sinh” bằng cách “chữa bệnh” cho mọi người. Lập tả:
“Mình tới đình làng sửng sốt thấy cả mấy trăm người, không, có khi cả ngàn người, ngồi chật kín sân đình, trong khi phía ngoài mọi người đang lũ lượt kéo tới ... Thánh là thiên sứ nhà trời chỉ về đây đúng một ngày đêm… Nhác trông mọi người ai nấy mặt mày nghiêm trọng, thành kính ngồi thành hàng lối chờ đến lượt thánh gọi vào, tuyệt không ai gọi to nói lớn, hết thảy đều thầm thầm thì thì, rất kinh...
...Phải ngồi đây chờ khi thánh gọi mới được vào, dù anh là gì đi nữa nếu thánh không gọi cũng không được vào.”
Nhân lúc có người ra vào, Lập ghé mắt nhìn và phát hiện ra Thánh chính là anh cu Bịp!
“…Mình liều nhảy đại vào, nói này anh cu Bịp, anh còn dám bịp cả mấy trò này à? Tưởng anh cu Bịp giật mình nhảy tót ra khỏi hậu cung. Ai dè anh vẫn mắt nhắm nghiền, tay cầm nén nhang, miệng lẩm nhẩm khấn như không hề có chuyện gì xảy ra.”
Kế đó, Lập bị hai ông già lôi ra, mặc dù cố giải thích mình đang cần vạch mặt kẻ lừa đảo.
“Bỗng có người nói thánh gọi thánh gọi, ngoảnh lại thấy anh cu Bịp đang tươi cười vẫy vẫy, nói vào đây con vào đây con. Mình đi tới, hai ông già ấn mình quì xuống, đặt vào tay mình bát nước lạnh, nói ngửa mặt nhắm mắt nghe thánh truyền. Mình cũng ngửa mặt nhắm mắt xem anh cu Bịp giở trò gì. Chẳng biết anh nói gì, làm gì, khoảng một phút sau anh ghé tai mình rít lên khe khẽ, nói cút cha mày đi cho tau làm ăn, không tao bảo dân xé xác mày ra. Mình mở mắt, anh cu Bịp đang cầm nhang tay khua miệng khấn, dáng điệu uy nghi như thánh nhập trần.
Ngay sau đó mình bị tống cổ ra khỏi hậu cung…”
Cao trào của câu chuyện có lẽ nằm ở câu: “Không, tao bảo dân xé xác mày ra.” Và cô đọng hơn nữa là ở ba chữ: “Tao bảo dân”.
Đó chính là bi kịch đau đớn nhất của xã hội ta: Kẻ lừa đảo, vốn không tài cán gì, chỉ có một chút trí khôn đủ để lừa những con người ngây thơ, cả tin, và chút trí khôn ấy được hắn sử dụng triệt để vào mục đích đó. Và đám quần chúng ngây thơ trở thành tay sai, thành công cụ của kẻ chuyên đi lừa, với những chiêu bây giờ có phần mang tính nghệ thuật, và thậm chí khoa học! Kẻ lừa đảo trở thành “thánh” trong mắt quần chúng. Quần chúng ngưỡng mộ hắn, trung thành tuyệt đối với hắn, sẵn sàng làm theo mọi mệnh lệnh của hắn, kể cả xé xác đồng loại. Anh là người hiểu biết, tỉnh táo ư? Anh muốn giúp quần chúng nhận ra bộ mặt thật của hắn ư? Hãy từ bỏ ngay ý định, nếu không muốn những người bà con của mình – vốn hiền lành – xé xác!
Khi đa số quần chúng bị thao túng bởi những thánh giả đó thì thánh thật có khi bị nhận diện là ma quỷ, là tội phạm.
Một câu hỏi lớn (và đau đớn): Vì sao? Vì sao kẻ gian tà không mấy thông minh hiểu biết có thể lừa được dân chúng một cách “ngoạn mục” như vậy?
Trước hết, đó là do sự ngây thơ cả tin của dân chúng. Nhưng không phải chỉ có vậy. Không ít những người khá thông minh, thậm chí cả một số người học rộng tài cao cũng bị cuốn vào vòng u mê đó.
Vậy phải có một cái gì đó làm người ta tin chứ?
Đúng vậy. Con người ta thường không nhận thức hết được khả năng của chính mình, và do đó khi gặp một điều may mắn thì thường cho rằng do ai đó đem lại cho mình. Sống trong những chế độ lạc hậu, người ta có thể phải làm cật lực mà vẫn không đủ ăn trong nhiều năm: thiên tai, địch họa có thể cướp đi hết sạch. Và nếu bỗng nhiên có những năm tháng đủ ăn, kèm theo việc tầng lớp thống trị có vài động thái nới lỏng chút ít sự cai trị hà khắc, người dân sẽ cho rằng miếng ăn của họ là do ơn trên ban xuống. Cho nên mới có chuyện mọi thứ đều là của vua ban. Ở một chế độ độc đảng thì hạnh phúc là do lãnh tụ và đảng cầm quyền mang lại. Và lãnh tụ tự nhiên được dân phong thánh, đặc biệt khi lại biết nói những lời mị dân!
Trong trường hợp “thánh” chữa bệnh bằng “nước thánh” (hoặc những thứ tương tự), trên thực tế là có một số, thậm chí không ít, những người bỗng nhiên khỏi bệnh. Họ khỏi không phải vì “ngấm” các loại thuốc đã uống trước khi gặp được “thánh”. Nguyên nhân chính của việc khỏi bệnh là yếu tố tâm lý. Người ta không biết được rằng chỉ một niềm tin là mình sẽ khỏi bệnh trong nhiều trường hợp sẽ làm người ta khỏi bệnh thật sự. Đây là một hiện tượng vô cùng bí ẩn, khó lý giải, nhưng hoàn toàn có thật, mà đa số không hề biết đến. (Việc những người theo các môn phái tu hành thường vô bệnh tật chính là dựa vào niềm tin như vậy. Tất nhiên, không thể dùng niềm tin để chữa ung thư giai đoạn cuối; mà cũng không ai khi đó còn có niềm tin như vậy.) Do không biết điều đó, và do tâm lý thích dựa bóng, người ta coi điều may mắn vừa có được chính là do kẻ đang lớn tiếng hô hoán về việc làm ơn kia mang lại.
Nói như vậy thì thánh giả cũng có công theo một nghĩa nào đó. Đó là cái công tạo niềm tin. Chỉ có điều cái tội lại nhiều hơn, bởi nó hướng niềm tin của mọi người không phải vào khả năng tự nhiên của họ, mà hướng vào chính hắn, để được mọi người trả ơn.
Nhưng tôi tin rằng, tất cả những thánh giả đó đến lúc nào đó sẽ hết vận đỏ, và khi đó thì sẽ bị phạt thê thảm!
*
Trở lại với Anh Cu Bịp của Nguyễn Quang Lập. Tôi sẽ không ca ngợi cái tài của Bọ. Chỉ xin nói: mặc dù đã nghĩ ngợi nhiều về những điều tôi đã trình bày ở trên, từ khi đọc Anh Cu Bịp, tôi gần như bị “ám” bởi hình tượng anh cu Bịp đó. Ngày nào cũng nhớ đến hình ảnh “thánh” ghé tai Lập “rít lên khe khẽ, nói cút cha mày đi cho tau làm ăn, không TAO BẢO DÂN xé xác mày ra.”
Tác giả gửi Quê Choa
Nhãn: Viết về tôi
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ