Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Ban phát đất cho quan chức- Kỳ 1

Kỳ 1: Cho thuê đất theo tiêu chí “tình nghĩa”
Bá Sơn- Ngọc Hậu- Bùi Liêm/ Tuổi trẻ 
NQL: Đây chỉ là một ví dụ trong vô số tấn bi hài của cái gọi là Sở hữu toàn dân.

Ảnh bên:Một vạt rừng phòng hộ Tà Thiết, huyện Lộc Ninh khi xưa nay là đồn điền cao su, thể hiện qua dấu tích của những cây cổ thụ bị đốn bỏ còn trơ gốc. Và những văn bản của lãnh đạo tỉnh Bình Phước "ban phát" đất rừng - Ảnh: Bá Sơn

Nông dân nghèo thì thiếu đất sản xuất, nhưng cán bộ, vợ con lãnh đạo các sở ngành lại được ban phát đất rừng vô tội vạ để trồng cao su. 

Phóng viên Tuổi Trẻ điều tra câu chuyện bất thường này ở tỉnh Bình Phước.

Trong khi rất nhiều người dân thiếu đất sản xuất nhưng không tìm ra quỹ đất mới thì một số cán bộ, vợ, con... giám đốc các sở, ngành của tỉnh Bình Phước lại được “ban phát” hàng chục hecta đất rừng để trồng cao su.

Tuổi Trẻ đã vào cuộc điều tra danh sách các cán bộ nhận đất và làm rõ cách “ban phát” đất rừng kỳ lạ này của Bình Phước.

Không phải cán bộ nào cũng có “đặc quyền” nhận đất rừng trồng cao su, mà theo điều tra của chúng tôi chỉ có khoảng 30 cán bộ là lãnh đạo cấp sở, văn phòng UBND tỉnh... trở lên mới được chia đất.
Giữa tháng 10-2014, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm ký quyết định thu hồi đất rừng của các ban quản lý đất rừng, công ty cao su để giao cho nhiều cán bộ thuê trồng cao su.

Căn cứ để UBND tỉnh ra quyết định là từ tờ trình của Sở Tài nguyên - môi trường (TN&MT) tỉnh Bình Phước, nhưng trong danh sách được nhận đất ấy, người ta thấy có cả tên vợ của giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Phú Quới và nhiều cán bộ lãnh đạo khác.

Thu hồi đất chia cho cán bộ

Ngày 14-10-2014, UBND tỉnh Bình Phước ra quyết định số 2207/QĐ-UBND thu hồi 8,09ha tại khoảnh 8,9 tiểu khu 222 và khoảnh 1 tiểu khu 221 thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết (thuộc địa phận xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh) để giao cho UBND huyện Lộc Ninh quản lý, xét cho hộ ông Lê Hoàng Thanh thuê.

Ông Lê Hoàng Thanh hiện là viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước. Cùng ngày, UBND tỉnh Bình Phước cũng ra quyết định thu hồi 9,7ha đất rừng tại Nông lâm trường Nghĩa Trung thuộc Công ty TNHH một thành viên cao su Sông Bé để cho hộ gia đình ông Võ Ngọc Vinh thuê. Ông Vinh hiện là trưởng phòng tổ chức - hành chính Văn phòng UBND tỉnh Bình Phước.

Trước đó, vào tháng 7-2011, UBND tỉnh Bình Phước cũng có quyết định thu hồi hơn 9,5ha đất lâm nghiệp tại tiểu khu 90 thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Lộc Ninh (huyện Lộc Ninh) để xét cho hộ ông Ngô Văn Họa (nguyên phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Bình Phước, nguyên trưởng Ban văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Bình Phước, nghỉ hưu năm 2013) thuê...

Các quyết định nói trên ghi rõ nguồn gốc đất cho thuê là đất rừng, được giao cho các cá nhân thuê với thời hạn 50 năm để trồng cao su.

Theo điều tra của chúng tôi, ngoài các cán bộ đứng tên nhận đất, một số cán bộ đang đương chức “né” bằng cách để cho vợ, con của mình đứng tên.

Cụ thể như trường hợp bà Nguyễn Thị Thu Ánh (vợ ông Lê Văn Tánh - quyền chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước) được nhận 6,3ha. Tại quyết định 2208/QĐ-UBND, UBND tỉnh Bình Phước cho một số hộ gia đình thuê đất rừng theo tờ trình của Sở TN&MT, có tên bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt được thuê 6,6ha.

Theo điều tra, bà Nguyệt chính là vợ của ông Nguyễn Phú Quới, hiện làm giám đốc Sở TN&MT, trước đây là phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước. Trong danh sách của quyết định này còn có bà Nguyễn Thị Liên (vợ ông Nguyễn Văn Tới, giám đốc Sở NN&PTNT) được nhận 9,7ha; bà Nguyễn Thị Kim Em (vợ ông Trần Văn Lộc, phó giám đốc Sở NN&PTNT) được nhận 8,2ha...

Ngoài ra, trong các quyết định mới đây của UBND tỉnh Bình Phước, còn có trường hợp ông Bùi Chiến Thắng (con của ông Bùi Huy Thống, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước) được thuê tới 15ha. Ông Hồ Thanh Bông - nguyên phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Phước, hiện là phó chánh Thanh tra tỉnh Bình Phước - được thuê 10ha ở huyện Lộc Ninh.

Ai “biết” thì được...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc “chia chác” đất rừng cho cán bộ ở Bình Phước không hề có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định đối tượng, tiêu chí... nhận đất mà chỉ các cán bộ lãnh đạo sở, ngành hoặc cán bộ trong văn phòng UBND tỉnh...“biết”, làm đơn gửi lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước.
Sau khi có đơn của cán bộ, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước duyệt đồng ý, rồi gửi công văn cho Sở NN&PTNT hoặc các ban quản lý rừng để tìm vị trí đất. Sau đó mới ra quyết định và làm thủ tục cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo điều tra, các chủ trương cấp đất cho cán bộ này được thực hiện từ những năm 2007-2009 tới nay, từ thời các đời chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Tấn Hưng (nay làm bí thư Tỉnh ủy Bình Phước), Trương Tấn Thiệu (đã bị miễn nhiệm) và chủ tịch UBND tỉnh hiện nay là ông Nguyễn Văn Trăm.

Các cán bộ sau khi nhận đất đều đã trồng cao su, tới nay nhiều vườn cao su đã có thể thu hoạch. Điều đáng nói, các cán bộ được chia đất đều không phải những hộ khó khăn, không trực tiếp sản xuất...
Thậm chí có cán bộ đã có cả chục hecta cao su (trị giá mỗi hecta cao su đang cạo mủ cả tỉ đồng, tính ra các cán bộ này có cả vài chục tỉ đồng) nhưng vẫn được chia đất.

Nhiều cán bộ đã nhận đất vài năm nhưng tới nay mới làm thủ tục thuê đất để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trao đổi với chúng tôi ngày 24-10, ông Hồ Thanh Bông (phó chánh Thanh tra tỉnh Bình Phước, được nhận 10ha đất rừng) cho hay ông được UBND tỉnh cho thuê đất ở huyện Lộc Ninh từ năm 2008.

Đến mùa mưa năm 2009, ông Bông trồng cao su trên toàn bộ diện tích đất được thuê. Sau hơn năm năm trồng đến nay cao su đã chuẩn bị cho khai thác.

“Hồi đó (năm 2008) tôi cùng nhiều cán bộ khác trong tỉnh được UBND tỉnh xét cho thuê đất, nhiều cán bộ hễ có nhu cầu thì được thuê. Lúc đầu tỉnh chỉ duyệt cho 5ha nhưng tôi nghĩ đất thì ở xa, vả lại đã làm thì cho ra làm nên tôi đề nghị và được tỉnh cho thuê 10ha” - ông Bông nói.

Theo điều tra của chúng tôi, một số trường hợp cán bộ được UBND tỉnh Bình Phước cho thuê đất có dấu hiệu “chia chác” khi một khoảnh đất rừng khoảng 30ha được 4-5 cán bộ chia nhau.

Thậm chí, một cán bộ trong danh sách còn cho biết có trường hợp lãnh đạo cũng nhận đất nhưng “ngại” đứng tên nên nhờ ông và cán bộ khác đứng tên giùm. Việc cho thuê đất chủ yếu theo tiêu chí “tình nghĩa”.
Các quyết định, văn bản cho thuê đất do các đời chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước ký - Ảnh: Bá Sơn
Các quyết định, văn bản cho thuê đất do các đời chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước ký - Ảnh: Bá Sơn

Người dân thiếu đất

Trong khi đó, Bình Phước là một tỉnh có nhiều người nghèo, thiếu đất sản xuất. Mặc dù Bình Phước cũng triển khai các chính sách giao đất, hỗ trợ đất sản xuất cho các hộ dân này nhưng tới nay việc thực hiện còn hạn chế do tỉnh thiếu quỹ đất. Nhiều hộ dân có nhu cầu sản xuất đã đi lấn chiếm đất của lâm trường, chặt phá rừng... để sản xuất.

Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh Bình Phước về tình hình cấp đất sản xuất cho các hộ dân theo chính sách an sinh xã hội, tính đến tháng 7-2014, tổng số hộ có nhu cầu cấp đất sản xuất tới hơn 8.000 hộ, với diện tích có nhu cầu hơn 6.148ha.

Trong đó, số hộ đã được xét duyệt cấp đất nhưng chưa được cấp là hơn 1.500 hộ (diện tích đất cần là 1.536ha), số hộ thiếu đất sản xuất 1.495 hộ (diện tích đất cần 808ha), số hộ không có đất sản xuất hơn 4.700 hộ (diện tích cần 3.535ha), số hộ bị thu hồi đất nay không có đất sản xuất 296 hộ (diện tích đất cần 269,4ha).

Quỹ đất của một số địa phương tại Bình Phước không còn như thị xã Phước Long, Đồng Xoài, huyện Bù Gia Mập, huyện Chơn Thành... dù số hộ thiếu đất, không có đất sản xuất của chính các địa phương này cũng còn nhiều.
Tan hoang rừng Tà Thiết

Hầu hết các cán bộ được “chia” đất để trồng cao su đều thuộc đất rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết (huyện Lộc Ninh) quản lý.

Vị trí của các khoảnh đất rừng này khá đẹp và thuận lợi về mặt giao thông: từ TP.HCM chỉ cần đi thẳng quốc lộ 13 qua tỉnh Bình Dương, thị xã Bình Long của tỉnh Bình Phước, khi tới ngã ba thuộc xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh thì quẹo trái hơn 10km là tới rừng.

Con đường từ quốc lộ 13 vào ban quản lý rừng được mở rộng và trải nhựa khá đẹp, tuyến đường này có thể nối tới địa phận tỉnh Tây Ninh và ra biên giới giáp với Campuchia.

Điều đáng nói là rừng Tà Thiết từng rất nổi tiếng khi có di tích khu căn cứ cách mạng Trung ương Cục miền Nam đặt tại đây. Thế nhưng, với gần 12.500ha diện tích tự nhiên mà ban quản lý rừng được giao, hiện chỉ còn hơn 3.100ha vùng “lõi” (có căn cứ di tích) là rừng tự nhiên; hơn 8.200ha đã được chuyển sang rừng trồng cao su, phần còn lại là đất trống hoặc diện tích khác.

Nhiều người dân qua đây không khỏi đau xót khi thấy những diện tích rừng tự nhiên bạt ngàn khi xưa thì nay đã bị chặt phá trở thành rừng nghèo kiệt và được chuyển sang trồng cao su.

Giữa tháng 10-2014, phóng viên Tuổi Trẻ đi khảo sát tại các tiểu khu 221, 222... của rừng Tà Thiết (là những tiểu khu cán bộ được giao đất) thấy xen lẫn giữa những hàng cây cao su mới trồng 4-5 tuổi còn dấu tích rất nhiều cây cổ thụ trước đây nay đã bị chặt bỏ, bị đốt... chỉ còn trơ những gốc cây lớn.

Ông Nguyễn Văn Hùng - giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết - cho biết ông mới về đây nhận nhiệm vụ được hơn một năm nay. Trong số hơn 3.100ha rừng tự nhiên còn lại thì sắp tới tỉnh Bình Phước cũng sẽ tiếp tục chuyển khoảng 2.000ha sang rừng sản xuất để trồng cao su, chỉ còn giữ hơn 1.000ha là di tích lịch sử để giao cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh quản lý.

“Có lẽ khi đó Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết cũng sẽ giải thể thôi!” - ông Hùng buồn rầu nói.
Cán bộ về hưu cũng “xí phần”

Theo điều tra, nhiều cán bộ về hưu khi thấy các cán bộ lãnh đạo tỉnh có đất cũng đã “xí phần”, làm đơn xin được thuê đất rừng để “trồng cao su, cải thiện đời sống”, dù các cán bộ này không trực tiếp sản xuất và cũng đã hết tuổi lao động.

Nhiều cán bộ, cá nhân có nhà ở nơi khác như Bình Dương, TP.HCM... cũng được cho thuê đất.
Cụ thể, ngày 25-9-2013, xét đơn xin cấp đất sản xuất cải thiện đời sống của các hộ gia đình ông Lê Tính (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) và Nguyễn Viết Nghĩa (thị xã Thuận An, Bình Dương), kèm theo biên bản khảo sát đất giữa Công ty TNHH MTV cao su Sông Bé và Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm có ý kiến chấp thuận cho hai hộ gia đình này được thuê đất lâm nghiệp để trồng cao su với diện tích mỗi hộ 10ha.

Theo tìm hiểu, cả hai đều nguyên là cán bộ lãnh đạo của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước.

Năm 2007, chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước khi đó là ông Nguyễn Tấn Hưng chấp thuận đề nghị của 21 hộ gia đình, cá nhân thuê mỗi hộ 10ha đất lâm nghiệp. Các hộ này phần lớn đều là cán bộ hoặc vợ, con, người nhà của cán bộ gồm:

ông Bùi Thế Thành (Ban dân vận, Tỉnh ủy tỉnh Bình Phước), ông Nguyễn Văn Lợi (Ban tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Bình Phước), ông Huỳnh Văn Tiến (Công an tỉnh Bình Phước), ông Vũ Thành Nam (Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Bình Phước), ông Đỗ Văn Quang (Sở Nội vụ Bình Phước), Đặng Lệ Oanh (Văn phòng UBND tỉnh Bình Phước)...

Tháng 6-2008, chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước khi đó là ông Trương Tấn Thiệu đồng ý dùng 105ha đất rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết để cho 11 cá nhân thuê. Trong đó có một số cán bộ như ông Ngô Văn Hòa (Ban quản lý các khu công nghiệp Bình Phước) thuê 20ha, ông Nguyễn Chính (Đài Tiếng nói VN, TP.HCM) thuê 5ha...

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ