Binh pháp quan trường - Kế thứ tư “Chọc gậy bánh xe”
Xuân Dương/ GDVN
Gậy có khi là khúc gỗ, đoạn tre, có khi làm bằng sắt, có loại gậy chỉ để chống đằng trước như “gậy cà kheo”, có loại chỉ chống đằng sau như “gậy chống lưng”...
Thời chiến tranh giải phóng miền nam “Chiếc gậy Trường Sơn” là tên một bài hát nổi tiếng được phát thường xuyên trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Những người lính trẻ, lưng mang nặng quân trang, lương thực, nhờ có chiếc gậy mà băng rừng lội suối, vượt đỉnh Trường Sơn vào nam đánh giặc.
Người khiếm thị nhờ có chiếc gậy mà có thể tự mình bước đi, không cần người dắt.
Trong ngoại giao, quân sự kế “gậy ông đập lưng ông” luôn được xem là kế hữu hiệu để chống lại đối phương. Chẳng thế mà nhà văn Đài Loan - Kim Dung đã sáng tác ra một pho võ công lừng danh võ lâm liên quan đến gậy là “võ gậy đánh chó” (Đả cẩu bổng pháp).
“Gậy” là vật vô tri vô giác nhưng lại được loài người coi trọng ngay từ lúc biết đứng thẳng bằng hai chân. Gậy có khi là khúc gỗ, đoạn tre, có khi làm bằng sắt, có loại gậy chỉ để chống đằng trước như “gậy cà kheo”, có loại chỉ chống đằng sau như “gậy chống lưng”, lại còn có loại gậy vô hình hoặc gậy làm bằng … người.
Nói thế để thấy chủng loại gậy là vô cùng đa dạng, lại rất dễ tìm, có để đâu cũng không sợ mất cắp. Ấy thế cho nên “gậy” đã được nâng tầm từ chỗ chỉ là võ công đánh chó trở thành kế sách gọi là kế “Chọc gậy bánh xe”, nói tắt là “kế gậy”.
Xin đừng nói ngược là “gậy kế” vì “gậy kế” là một dụng cụ đo lường giống như nhiệt kế, ẩm kế, cồn kế, điện kế…
Thông thạo “kế gậy” có nghĩa là phải biết gậy dùng vào mục đích gì và dùng khi nào, múa gậy lung tung như mấy anh bán cao đơn hoàn tán cả đời chỉ kiếm được vài đồng xu lẻ, không nên công trạng gì.
Chuyện bên Tàu kể rằng Khương Tử Nha ngoài 60 tuổi vẫn còn mò mẫm đi tìm minh chủ, ông ngồi câu cá với cái lưỡi câu thẳng bên bờ sông Vị, Chu vương Cơ Bá nhìn cái lưỡi câu đoán được chí khi anh hùng nên mời Khương về giúp kế sách mở mang bờ cõi. Sau khi nhà Chu giành được thiên hạ, Khương Tử Nha được phong làm vua nước Tề. Tổ tiên Khương vốn ở đất Lã nên gia tộc ông còn mang họ Lã, ông lại được Chu vương (Thái công) trọng vọng nên người đời gọi ông là Thái Công Vọng. Ghép các từ này lại nên Khương Tử Nha còn có tên là Lã Vọng.
Dân sành ăn Hà thành và du khách đều biết tên con phố nổi tiếng ở Hà Nội với món chả cá Lã Vọng vì Lã Vọng vốn là ông già câu cá. Thời Tam Quốc, Lưu Bị ba lần lặn lội tìm đến lều tranh khẩn khoản mời Khổng Minh làm quân sư giúp Thục chống lại Ngụy, Ngô.
Chuyện xưa cho thấy Vua, dù có đôi chút “thiểu năng trí tuệ” nhưng biết cầu hiền, trọng đãi người tài thì vẫn có được thiên hạ. Ngày nay chuyện “minh chủ” trọng đãi người tài có đi tìm mỏi mắt cũng không thấy, chỉ thấy rất nhiều thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp bên Tây về nước vẫn phải xếp hàng chờ việc, đa số du học sinh chọn con đường lập nghiệp xứ người.
Chập chững bước chân trên con “đường to” (quan lộ) tài mấy lúc đầu có khi cũng chỉ là chân loong toong, đun nước pha trà, chầu rìa nghe các bề trên bình phẩm chuyện trên bàn, dưới bếp. Lúc này bước một bước phải cũng phải sử dụng “Kế gậy”. Lưu ý rằng “Kế gậy” có rất nhiều chiêu như: Gậy dò đường, Gậy chọc bánh xe, Gậy khua khoắng, Gậy chống lưng, Gậy chống trời…
Chiêu đầu tiên mà “đám tò te tập sự” phải dùng là “Gậy dò đường”. “Gậy dò đường” bước đầu có thể chỉ là cái bật lửa xịn, khi bề trên cầm điếu thuốc thì phải ngay lập tức xòe lửa, nếu bề trên khen bật lửa đẹp thì phải bảo “nhà em còn mấy cái nữa mà chẳng ai biết dùng”…
Nếu có nhiều bề trên thì tuyệt đối không được chỉ dùng một loại “gậy”, lại cũng còn phải chọn đúng thời điểm để mà “dò đường” tránh làm mếch lòng bất kỳ bác nào dù bác đó chỉ là chức “phó nhóm”!
Khi đã yên ấm một chỗ nào đó, chuẩn bị đến kỳ đề bạt, nâng lương thì phải dùng “Song gậy hợp bích” nghĩa là kết hợp “Gậy dò đường” với chiêu “Gậy chọc bánh xe”. Nếu có kẻ muốn đi nhanh hơn, “xe” của họ xịn hơn thì chọc cho một gậy, ít nhất thì cũng làm giảm tốc độ đối thủ, nặng hơn có thể làm đối thủ bị ngã, khi đó chỉ còn một mình ung dung trên đường, chậm mấy rồi cũng đến đích. Nhớ rằng “gậy” dùng để “chọc” phải là loại gậy vô hình, người trần mắt thịt không thể nhìn thấy, dùng xong không để lại dấu vết.
Bên Mỹ quốc xa xôi, đám tay chân siêu đẳng của Nixon sử dụng chiêu này để hạ bệ đối thủ chính trị là Đảng Dân chủ, khổ nỗi họ lại dùng loại gậy “công nghệ cao” là nghe lén điện thoại nên không hủy được dấu vết, Tòa án Tối cao đã ra lệnh Nixon phải nộp các băng ghi âm vụ nghe lén, kết cục là vụ Watergate bung ra khiến Nixon phải từ chức.
Loại gậy vô hình không phải là “võ lâm nhất bảo” khó tìm, khó mua mà lại đầy rẫy ngoài vỉa hè, ở những chốn trà dư, tửu hậu. Đó chính là loại “gậy” mà dân gian gọi là “tin đồn”, có một chuyện không phải tìm đâu xa, cũng không phải là chuyện dã sử.
Một vị cháu mấy đời của một ông quan thanh liêm nổi tiếng, nghe nói sắp được điều về làm “phó trưởng” ở một cơ quan rất to, rất cao, thế là bùng ra chuyện vị ấy mua dâm trinh nữ để giải đen. Bác sĩ bệnh viện công sau khi “khám nghiệm hiện trường” tuyên bố cô gái đó vẫn còn “nguyên đai nguyên kiện”, nhưng vị ấy vẫn bị xử lý, không chỉ tuột mất cơ hội mà còn thân bại danh liệt.
Bước đường tiếp theo cũng vẫn phải dùng “song gậy hợp bích”, ấy là “gậy khua khoắng” và “gậy chống lưng”, gọi tắt là chiêu “khoắng-lưng hợp bích”.
Ở tầm “đuôi mô” (vĩ mô), gậy của người ta là cả dàn khoan dầu khí to bằng cái sân bóng đá, họ khua một cái không chỉ làm dậy sóng biển Đông mà còn dậy sóng cả năm châu bốn biển. Người ta dám khoắng gậy xuống biển vì sau lưng họ là hàng trăm tàu chiến, phi cơ, là hàng nghìn tỷ đô la cho vay khắp thế giới. Nếu không có cái “gậy chống lưng” là hàng đống tên lửa, tàu bay, tàu bò thì sức mấy mà người ta dám khoắng!
Hay như doanh nghiệp nhà nước của ta, chiêu “gậy khua khoắng” thực hiện mấy chục năm qua đã khiến cho nợ xấu lên đến hàng nghìn tỷ, thế nhưng họ cứ vô tư vì đã có “gậy chống lưng” là ngân sách nhà nước.
Chẳng thế mà Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa đưa ra đề xuất dùng một phần ngân sách để xử lý nợ xấu của doanh nghiệp? Lý giải điều này có người bảo “nhiều quốc gia trên thế giới ít thì dùng 7-10% GDP để xử lý nợ xấu, bình thường cũng dùng tới 20-30% GDP, thậm chí có quốc gia còn dùng tới khoảng 60% GDP…, còn Việt Nam thì chưa dùng đến 1% GDP nào”.
Lại có người còn gợi ý rằng tận bên Hàn Quốc, dân góp tiền, vàng xử lý nợ xấu quốc gia còn bên mình thì không biết thế nào!
Thế đấy, khi làm ăn có lãi thì dân đâu có được vinh hạnh tham gia “xử lý lợi nhuận” chỉ khi thua lỗ thì dân mới được kính mời tham gia “xử lý nợ xấu” bằng tiền, bằng vàng, nếu không thì cũng nên chung tay góp sức nộp thuế đầy đủ để tăng ngân sách, để có cái mà trả nợ.
Chắc có ai đó cho rằng ngân sách là thuế chứ không phải tiền túi của dân, dân thì “ù ù cạc cạc” biết gì, bảo sao nghe vậy?
Với cá nhân hoặc tổ chức ở tầm “tí mô”, chiêu “Khoắng – Lưng hợp bích” cũng vô cùng hữu hiệu. Hãy xem chuyện doanh nhân thành đạt Minh “Sâm” ở Bắc Ninh là đủ thấy. Việc công ty Đại An của Minh “Sâm” khua khoắng trên địa bàn Bắc Ninh làm sao qua nổi đôi mắt tinh tường của các ban ngành, đoàn thể tỉnh này, ấy thế nhưng công ty này đã đươc: “UBND tỉnh Bắc Ninh công nhận danh hiệu "Tập thể lao động xuất sắc”, … Năm 2013 từng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba”.
Không chỉ công ty Đại An mà cá nhân Minh “Sâm” cũng được thưởng huân chương lao động, báo Thanhnien.com.vn ngày 14/9/2014 có bài: “Bí ẩn tấm huân chương của Minh 'Sâm'”. Bài báo viết “Trùm xã hội đen Minh “Sâm” nhận Huân chương Lao động hạng ba giữa lúc lọt vào danh sách đen của cơ quan công an”.
Ai cũng biết chỉ khi địa phương thẩm định, đề xuất thì Thủ tưởng, Chủ tịch nước mới quyết định khen thưởng. Cái “gậy chống lưng” của Minh “sâm” to bằng cả tỉnh Bắc Ninh nên dân Từ Sơn thua là phải.
Nếu Bộ Công an không vào cuộc, một vài năm nữa với cái mác doanh nhân thành đạt, với cái huân chương Lao động hạng 3 đeo rủng rẻng trên ngực mỗi dịp tổng kết, hội nghị, biết đâu Minh “sâm” lại chẳng được giới thiệu vào hội đồng nọ, hội đồng kia, rồi nối gót mấy vị doanh nhân Sài Gòn ung dung bước vào Quốc hội!
Giả sử nếu Minh “Sâm” vào được Quốc hội, với đặc quyền “bất khả xâm phạm” thì “sự nghiệp” bảo kê, buôn lậu của Minh sẽ còn tấn tới, và dĩ nhiên Minh sẽ còn giúp đỡ nhiều hơn nữa cho “quê hương quan họ”.
Chiêu “khoắng – lưng hợp bích” không phải chỉ hữu hiệu cho việc kiếm tiền, kiếm danh như Minh “Sâm” mà còn có tác dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nữa, chẳng hạn lĩnh vực giáo dục.
Để giành ghế lãnh đạo Đại học Chu Văn An, một vị hiệu phó có bằng kỹ sư tự tuyên bố mình là thạc sĩ, còn vị hiệu phó thứ hai thì dùng bằng tiến sĩ nước ngoài cấp nhưng đào tạo chui theo kiểu từ xa tại Việt Nam. Khi bị tố cáo lên tỉnh, lên bộ thì Thanh tra Bộ GD&ĐT kết luận rằng người dân tố cáo sai, chẳng biết cái gậy chống lưng của mấy vị này làm bằng loại “cây” gì mà có tác dụng thế.
Sau khi truyền thông vào cuộc chỉ ra những sai sót của Thanh tra Bộ GD&ĐT thì Thanh tra lại kết luận người dân tố cáo là đúng. Dù là như thế vẫn không thấy chính quyền Hưng Yên có động tĩnh gì, họ chưa dám cách chức hai người này kể cả khi đã có kết luận thanh tra của Bộ GD&ĐT. Không biết người có trách nhiệm ở tỉnh này bị mấy hiệu phó ĐH Chu Văn An bị lợi dụng làm gậy chống lưng hay họ tự nguyện làm gậy?
Các ảo thuật gia coi việc biến dải lụa thành cái gậy hoặc biến cái gậy thành con chim bồ câu là bài học cơ bản cho những ai muốn thành danh. Riêng việc biến mấy đồng tiền giấy thành gậy vừa để chống, lại còn có thể dùng để chọc cả vào bánh xe bọc thép thì giới ảo thuật thế giới phải gọi các “ảo thuật quan” Việt Nam bằng cụ.
Các chiêu “gậy ông đập lưng ông” hay “gậy chống trời” không tiện viết vì bài đã hơi dài, vả lại người viết cũng cạn vốn nên mong nhờ độc giả bình luận thêm hoặc góp cho “ít gió” để tạo ra cơn bão, để xem các loại gậy chống được bao lâu.
Có câu chuyện cũ tuy rằng ở tận bên nước Tầu nhưng người Việt đa phần đều biết, ấy là con khỉ đá Tôn Ngộ Không được Ngọc Hoàng thương hại cho lên thiên đình chăn ngựa, thế nhưng Ngộ Không lại dám cả gan khinh nhờn cả Ngọc Hoàng lẫn Thái thượng lão quân, trộm đào tiên, trộm rượu quý, trêu Hằng nga… thậm chí còn tè cả vào ngón tay Phật tổ, nhưng nhờ có cây gậy Như ý mà lập nên công trạng, cuối cùng lại còn được phong là Phật.
Thế cho nên nếu không tinh thông “kế gậy” trong binh pháp này thì đừng có mà mơ tưởng hão huyền, tốt nhất là ngồi nhà thổi lửa, nấu cơm cho bu nó bươn chải nơi bến sông, chợ cóc./.
Nhãn: Lưu
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ