Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Giải trình dự án sân bay Long Thành mù mờ

Nam Nguyên/ RFA
Mô hình dự án xây dựng Sân bay Quốc tế Long Thành.
Chính phủ Việt Nam vẫn cố gắng tạo niềm tin công chúng về siêu dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, mặc dầu Quốc hội xác định không tiến hành việc biểu quyết về chủ trương đầu tư siêu dự án này trong kỳ họp thứ 8 khóa 13 kéo dài từ 20/10 đến 28/11/2014.

Thảo luận chứ không biểu quyết?

Sáng 29/10/2014 Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã thay mặt Thủ tướng trình bày trước Quốc Hội bản báo cáo giải trình bổ sung về dự án xây dựng sân bay Long Thành và tới ngày 14/11 sắp tới Quốc hội mới tiến hành thảo luận về chủ trương đầu tư siêu dự án này. Xin nói rõ chỉ thảo luận cho ý kiến mà không tiến hành biểu quyết.

TS Nguyễn Quang A một nhà phản biện độc lập, nguyên Viện trưởng Viện Phát triển IDS từ Hà Nội nhận định về việc Quốc hội đang trì hoãn Dự án Sân bay Long Thành.

“Tôi nghĩ nó phản ánh sự lo lắng chung của toàn xã hội mà ngay trong các đại biểu quốc hội thì những đại biểu thí dụ của Đồng Nai chẳng hạn thì rất sốt sắng để làm, còn những đại biểu khác nhất là những thành viên của Ủy ban Ngân sách, Ủy ban Kinh tế Quốc hội thì người ta rất là băn khoăn vì nhiều chi phí chưa được tính đến và nhiều chi phí được vống lên rất là cao và điều đấy cũng dễ hiểu bởi vì những người muốn làm thì cố gắng nói là chi phí thấp không lấy nhiều từ ngân sách, nhưng thực sự họ còn bỏ sót rất nhiều khoản chi phí phải tính mà chưa được tính đến. 

 Thực sự cái báo cáo đó lẽ ra phải gởi cho các đại biểu Quốc hội 6 tháng trước thì người ta mới gởi hồi đầu tháng này và báo cáo bổ sung thì mới gởi được cho đại biểu Quốc hội một ngày trước khi thảo luận và tôi nghĩ rằng việc làm cập rập ấy cũng gây ra một tâm lý cho các đại biểu Quốc hội về việc cho ý kiến, việc hoãn quyết định dù chỉ là về chủ trương đầu tư cho đến một kỳ họp sau của Quốc hội. Tôi nghĩ nó phản ánh cái thực trạng ý kiến của công luận Việt Nam hiện nay.”

Theo TS Nguyễn Quang A việc phải xây một sân bay mới cho Saigon là một nhu cầu có thực, việc đó không sớm thì muộn cũng phải làm, nhưng mà làm lúc nào ở qui mô nào, tốn bao nhiêu tiền thì đấy thực sự là việc phải cân nhắc bởi vì hiện nay việc chi tiêu của nhà nước đang rất gay cấn đang có nợ nần tăng cao.

Một loạt các báo mạng như VnEconomy, Tiền Phong, VnExpress đưa tin cho thấy Chính phủ cố gắng biện minh cho dự án sân bay Long Thành. Các báo cũng đồng thời đưa tin về một nội dung báo cáo cho đại biểu Quốc hội vào ngày 30/10/2014, theo đó tình trạng nợ công đã vượt trần, nếu tính đủ cả số nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ trái phiếu Chính phủ, nợ xây dựng cơ bản.

Trong dịp trả lời chúng tôi, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế hiện sống và làm việc ở Hà Nội nhận định:

“Trong bối cảnh hiện nay các cơ quan chức năng trình Chính phủ thì nói là tính cấp thiết và sự quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất nếu mở rộng thì không có hiệu quả bằng xây dựng sân bay Long Thành. Nhưng điều này để đánh giá một cách chính xác thì rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng như người dân đòi hỏi là phải có tư vấn độc lập đặc biệt của nước ngoài vào đánh giá một cách khách quan thì khi đó lòng tin vào dự án này mới có được.”  

Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam, báo cáo thẩm tra của ủy ban Kinh tế Quốc hội về báo cáo đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành do ông Nguyễn Văn Giàu chủ nhiệm Ủy ban trình bày sáng 29/10 tại Quốc hội cho thấy sự ủng hộ đối với quan điểm cần có một cảng hàng không quốc tế hiện đại đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không, góp phần phát triển kinh tế xã hội gắn với nhiệm vụ quốc phòng an ninh. Tuy nhiên các thành viên Ủy ban đặt ra nhiều câu hỏi như tính cấp thiết của dự án và nên chọn thời điểm đầu tư thích hợp. Một số câu hỏi mà báo chí ghi nhận từ Ủy ban thể hiện sự nghi ngờ những lời giải đáp cũng như những số liệu mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra liên quan đến thị phần hàng không, sự quá tải của Tân Sơn Nhất cũng như luận điểm cho rằng mở rộng Tân Sơn Nhất hay cải tạo sân bay Biên Hòa là không khả thi.

Đáp câu hỏi của chúng tôi là liệu có quá khó để xác minh làm rõ những số liệu thổi phồng không trung thực của Bộ Giao thông Vận tải và ngành hàng không. TS Nguyễn Quang A nhận định:

“Tôi nghĩ rất là dễ nhưng mà người ta cố tình làm cho tình hình thông tin nó tù mù đi. Bởi vì đằng sau sự tù mù thông tin này là những lợi ích rất đáng kể của những nhóm đặc lợi. Tôi nghĩ ở đâu cũng như vậy thôi nhưng để giảm bớt tình trạng này thì có công cụ duy nhất là minh bạch, minh bạch… minh bạch và có nhiều tổ chức cơ quan có thể nêu lên tiếng nói của mình rằng con số này của ông đưa ra đằng sau nó là những động cơ gì… tất cả những thứ đó đều được phơi bày cho công chúng, tất nhiên cho những nhà hoạch định chính sách. 

Giấc mơ trung chuyển quốc tế?

Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đã trình một loạt ý kiến của giới khoa học phản biện các lập luận lẫn số liệu mà Bộ Giao thông Vận tải và ngành hàng không đưa ra để cổ vũ cho siêu dự án sân bay Long Thành. TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ & Quản lý TP.HCM chứng minh rằng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất chỉ mất khoảng 2 tỷ USD thay vì hơn 9 tỷ USD như báo cáo của Bộ  Giao thông Vận tải. Theo TS Phúc sân bay Tân Sơn Nhất có hai đường băng tiêu chuẩn quốc tế, đường phía Bắc dài 3.200 mét  rộng 45 mét, đường phía Nam dài 3.800 mét rộng 45 mét có khả năng tiếp nhận những máy bay chở khách lớn nhất thế giới như Airbus 380 hay Boeing 747-400. TS Nguyễn Bách Phúc nêu ví dụ sân bay Hong Kong cũng chỉ có 2 đường băng rộng 45 mét dài 3.800 mét nhưng có năng lực 87 triệu hành khách/năm. Nếu Tân Sơn Nhất quá tải trong tương lai với 25 triệu hành khách năm thì ở đây liên quan đến khả năng điều hành sân bay của ngành hàng không.

Trong bài khác trên báo điện tử Giáo Dục, TS Nguyễn Bách Phúc đã bác bỏ giấc mơ trung chuyển quốc tế của các tác giả dự án Long Thành. Vị trí địa lý khiến cho Long Thành chỉ có thể trung chuyển cho 3 nước là Indonesia, Philippines và Australia nhưng hai nước Indonesia và Philippines rất gần Long Thành sẽ hiếm có cơ hội làm trung chuyển cho họ. Nghĩa là chỉ còn lại một nước Úc, nhưng tất cả các sân bay Quốc tế ở Đông Nam Á đều có khả năng này. Vẫn theo TS Nguyễn Bách Phúc, các sân bay Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur có số lượng hành khách khổng lồ không phải vì vai trò trung chuyển mà là hành khách trực tiếp đến Thái Lan, Malaysia và Singapore để du lịch và kinh doanh.

Cũng trên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Hữu Minh trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội chứng minh rằng chi phí dự kiến sân bay Long Thành đắt đỏ đến kinh ngạc. Dẫn các số liệu ông Minh cho biết, chi phí xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn I là 156 USD/hành khách tức 7,8 tỷ USD cho 50 triệu hành khách. Trong khi đó sân bay Suvarnabhumi Thái Lan chỉ có suất đầu tư 90USD/hành khách hay sân bay Changi của Singapore một sân bay vào hàng tốt nhất thế giới cũng chỉ có mức đầu tư 101 USD/hành khách.

Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, TS Nguyễn Quang A nhận định:

“Xét cho cùng vấn đề đầu tư bất luận người ta đặt ra là tiền ngân sách hay là tiền ở đâu chăng nữa thì cái cuối cùng cũng vẫn là khoản đầu tư có mang lại hiệu quả hay không? Số tiền đầu tư rất là nhiều hiệu quả mang lại có vẻ rất là lớn người ta nói tới mấy chục phần trăm. Nhưng mà tính tất cả những giả định về số lượng hành khách…là đều được thổi phồng cả về hai mặt, một mặt với sân bay Tân Sơn Nhất và một mặt là triển vọng với sân bay Long Thành và tôi nghĩ là các đại biểu Quốc hội đã khá cân nhắc về tính hiệu quả kinh tế của bản thân dự án này ra sao. Để hiểu rõ  hiệu quả kinh tế thì thực sự cần rất nhiều thông tin chi tiết hơn mà các đại biểu Quốc hội cũng không có; bản thân người dân cũng không có. Tình hình hiện tại là như vậy.”

Trên trang điện tử Người Đô Thị, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, tiến sĩ kỹ thuật hàng không đại học Sydney Úc; thạc sĩ quản trị hành chánh công đại học Harvard Hoa Kỳ; nguyên chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không Đại học Bách khoa TP.HCM đã chứng minh một cách khoa học là số liệu sản lượng hàng không của sân bay Tân Sơn Nhất đã được thổi phồng. Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống dựa vào số liệu niên giám thống kê Cục Thống kê TP.HCM, số liệu của Tổng Công y Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) và số liệu 100 sân bay đông khách nhất thế giới năm 2011 để dẫn tới kết luận rằng, số liệu về sản lượng hàng không của sân bay Tân Sơn Nhất đã được thổi phồng để tuyên truyền về tình trạng quá tải của nó và dự báo nhu cầu ảo rất lớn trong tương lai cho sân bay Long Thành. Tổng Công y Cảng Hàng không Việt Nam nơi cung cấp số liệu cho báo cáo đầu tư Dự án sân bay Long Thành được cho là đã nâng số lượng hành khách qua Tân Sơn Nhất năm 2011 từ 9,4 triệu khách theo niên giám thống kê lên tới mức 16,7 triệu hành khách. Trên thực tế sân bay Tân Sơn Nhất không có tên trong danh sách 100 sân bay đông khách nhất thế giới năm 2011 mà chót bảng là sân bay Aucland của New Zealand có số lượng hơn 14 triệu khách vào năm 2011.

Theo VnExpress, ông Dương Trung Quốc đại biểu Quốc hội đơn vị Đồng Nai nơi dự án long Thành tọa lạc, nhấn mạnh đến việc xây dựng lòng tin trong nhân dân cả nước và cách tốt nhất là phải tìm sự phản biện độc lập. Vẫn theo ông Dương Trung Quốc, dự án này tầm cỡ quốc tế vì vậy việc phản biện cũng cần đến những tổ chức uy tín của thế giới thì mới thuyết phục được nhân dân.


Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ