Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

Joshua Wong với việc giảng dạy đạo đức và lòng yêu nước theo "mô hình TQ" ở Hongkong

Te-Ping Chen và Trinna Leong/Just for myself 
 Báo chí thế giới hiện đang liên tục đưa tin về cậu bé Joshua Wong, cậu bé chỉ mới 17 tuổi (còn chưa đủ tuổi lái xe) nhưng đã là thủ lĩnh có kinh nghiệm của phong trào dân chủ trong học sinh ở Hongkong. Từ năm 15 tuổi, cậu đã thành lập nhóm "Scholarism" năm 2012 để phản đối việc giảng dạy đạo đức và lòng yêu nước theo "mô hình Trung Quốc" cho học sinh Hongkong.
 Bài viết dưới đây, được đăng trên trang blog của tờ Wall Street Journal từ năm 2012, cho chúng ta biết thêm về bối cảnh ra đời của nhóm Scholarism.
-----------------
Nguồn: http://blogs.wsj.com/chinarealtime/2012/07/16/hong-kong-school-leaflets-praise-one-party-system/
16 tháng 07, 2012, 4:18p.m HKT
Tài liệu giảng dạy về 'Mô hình Trung Quốc' làm Hồng Kông phẫn nộ (Blog WSJ, 16/7/2012)

Chính phủ Trung Quốc hiện nay đang được lãnh đạo bởi những nhà lãnh đạo "tiến bộ, vị tha, và đoàn kết", đó là nội dung trích từ một cuốn sách nhỏ được gửi đến tất cả các trường công tại Hong Kong, và điều này đã gây ra một cuộc tranh cãi tại thành phố này; các nhà phê bình gọi đó là "sự tẩy não".
"Mô hình Trung Quốc", cuốn sách nhỏ in màu dài 34 trang, nhằm mục đích bày tỏ sự kính trọng đối với hệ thống độc đảng của Trung Quốc và lên án hệ các thống đa đảng tương tự như ở Mỹ, vì chúng sẽ gây ra “những tranh chấp đảng phái ác liệt.”
Cuốn sách nhỏ này đã được Trung tâm Quốc gia Dịch vụ Giáo dục Hồng Kông (một tổ chức nhận tài trợ của nhà nước) in ra để thúc đẩy sự hiểu biết và quảng bá sâu rộng hơn về văn hóa và lịch sử của Trung Quốc tại Hồng Kông.
"Cuốn sách này chỉ là một tài liệu tham khảo cho giáo viên nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn về Trung Quốc", ông Wong Chi Ming (Hoàng Chí Minh), giám đốc trung tâm cho biết. Từ năm 2008 đến năm 2011, trung tâm này đã nhận được khoảng 8.000.000 đô la Hồng Kông (khoảng 1 triệu USD) từ chính phủ Hồng Kông, trong đó 2.300.000 đô la Hồng Kông (297.000 USD) được dùng để xuất bản các tài liệu giảng dạy.
Cuộc tranh cãi về cuốn sách "Mô hình Trung Quốc" nổ ra vào thời điểm nhạy cảm trong mối quan hệ giữa Hồng Kông với Trung Quốc. Mặc dù vùng đất vốn là thuộc địa cũ của Anh này đã được trả về cho Trung Quốc kiểm soát vào năm 1997, nhưng nó vẫn tiếp tục vận hành theo hệ thống chính trị độc lập của riêng mình với đầy đủ các quyền tự do. Vào ngày 01 tháng 07 vừa qua, hàng chục ngàn người đã tràn ngập đường phố của Hồng Kông trong một cuộc biểu tình chỉ trích sự can thiệp của Bắc Kinh vào các hoạt động chính trị địa phương, và kêu gọi ông Leung Chun-ying (Lương Chấn Anh), thị trưởng vừa tuyên thệ nhậm chức mới đây, phải từ chức, vì những người ủng hộ dân chủ của thành phố cho rằng ông ta quá “thân thiết” với chính quyền Bắc Kinh.
"Chúng ta nên tìm kiếm sự thật, và không nên nhắm mắt hoặc giấu đi tất cả những điều không tốt về đất nước của mình", nghị sĩ Wong Chi-sing (Hoàng Tinh Trì) nói. Ông là một trong một số những nhà lập pháp lên tiếng phê phán chính phủ đã hỗ trợ cho việc xuất bản các tài liệu giáo dục đầy thiên lệch trong một buổi điều trần gần đây tại Quốc hội.. “Cách làm này, vốn đã được dùng trong Cách mạng văn hóa, là hoàn toàn không thể chấp nhận được bởi vì đó chính là tẩy não."
Ngoài việc ca ngợi những ưu điểm của hệ thống chính trị của Trung Quốc, cuốn sách này – đã được phân phát 30.000 bản trong vòng hai tháng vừa qua – còn có hình ảnh tươi cười của Chủ tịch Trung Quốc Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào) khi đến thăm nông dân ở Hà Nam và hình ảnh một người lính giải phóng quân Trung Quốc mặc đồng phục đang phát thuốc cho dân chúng ở châu Phi. Các giáo viên được toàn quyền sử dụng tập sách theo phán đoán của riêng mình.
Ban đầu Hồng Kông dự định bắt buộc phải dạy môn "đạo đức và lòng yêu nước" trong tất cả mọi trường công bắt đầu từ tháng chín này, nhưng sự phẫn nộ tràn lan của dân chúng đã khiến chính phủ phải hoãn việc thực hiện chương trình giáo dục mới cho đến năm 2015. Theo kết quả dò của Đại học Hong Kong, chỉ có 37% người dân Hồng Kông cho biết họ tự hào khi được trở thành công dân Trung Quốc sau khi Hồng Kông được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997, con số thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 2001.
Bộ trưởng giáo dục Hong Kong, Eddie Ng (Ngô Khắc Kiện) cho biết mục đích của việc giáo dục đạo đức và lòng yêu nước là nhằm "khuyến khích học sinh thảo luận các vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau", và khẳng định thêm rằng không có quy định nào cấm thảo luận về những chủ đề nhạy cảm.
Chẳng hạn, cuốn sách nhỏ này cũng nêu những vấn đề gây tranh cãi như vụ phần mềm kiểm duyệt "Green Dam" của Trung Quốc, hoặc sự cố sữa nhiễm độc và vụ tai tiếng “Bố tao là Lý Cường", trong đó người con trai của một quan chức có nhiều mối quan hệ chính trị khi lái xe đụng phải một phụ nữ trẻ trong khuôn viên một trường đại học đã thách thức như vậy trước khi rời khỏi hiện trường.
- Te-Ping Chen và Trinna Leong

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ