Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Mỗi người làm việc bằng 6 lần - ai vậy?

Nguyễn Vân Cầm/ TBKTSG 
Ảnh bên:Công nhân Việt Nam trong một nhà máy sản xuất của doanh nghiệp nước ngoài. Cái làm nên năng suất lao động không chỉ là sự cần mẫn, nó còn là vốn, công nghệ, óc sáng tạo, cách tổ chức sản xuất.Ảnh: MINH KHUÊ

 Có lẽ chúng ta đã nghe nói nhiều đến nhàm tai về câu chuyện năng suất lao động của người Việt Nam, rằng công nhân Việt Nam làm việc yếu lắm, thua dân Singapore đến 15 lần hay chỉ bằng một phần năm lao động Malaysia. Thế nhưng đã có ai tự hỏi vậy năng suất lao động của chính người Việt trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ra sao, cao thấp như thế nào so với các khu vực khác?

Góc nhìn này có thể giúp chúng ta hiểu ý nghĩa thật sự đằng sau việc so sánh năng suất lao động.

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI vào GDP năm 2013 là 19,6%. Cũng theo số liệu của cơ quan này thì lực lượng lao động có việc làm của cả nước là 52,2 triệu người; trong đó, làm cho khu vực FDI là 1,7 triệu người. Như vậy, rõ ràng năng suất lao động của công nhân làm tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gấp 6 lần so với những người lao động ở các khu vực khác (xem bảng).

Thế nhưng nhìn vào bảng, liệu chúng ta có thể vội vàng kết luận hơn 40 triệu người lao động cá thể, kể cả những người nông dân chân lấm tay bùn, những người buôn gánh bán bưng đầu tắt mặt tối mưu sinh bằng sức lao động đang có năng suất tương đương với 5,3 triệu người lao động đang làm cho khu vực doanh nghiệp nhà nước chăng? Cả hai khu vực này đang đóng góp chừng 32% GDP mỗi bên.

 Giả thử chúng ta có ba gia đình, mỗi gia đình có mười lao động, sức khỏe như nhau, độ cần cù như nhau, nhà nào cũng theo nghề may. Gia đình đầu tiên chỉ toàn may tay, suốt cả ngày mỗi người may chưa xong một bộ đồ. Nhà thứ nhì sắm mỗi người mỗi bàn máy may chạy rào rào suốt nên cả nhà may được 20 bộ. Nhà thứ ba sắm luôn dây chuyền may công nghiệp chạy điện, lại tổ chức rất khoa học và hợp lý nên tổng cộng may được 50 bộ đồ mỗi ngày.

Rõ ràng cái làm nên năng suất lao động không chỉ là sự cần mẫn, nó còn là vốn, công nghệ, óc sáng tạo, cách tổ chức sản xuất; nếu chỉ chú ý đến chất lượng lao động mà bỏ quên các yếu tố khác là không thấy được bức tranh toàn cảnh của lao động nước ta. Hay nói cách khác, không thể trách bác xe ôm có năng suất lao động thấp hơn nhiều anh tài xế taxi và còn thấp hơn nữa khi so với anh lái chiếc limousine cho một khách sạn 5 sao trong khi sức lực bỏ ra thì ngược lại.

So sánh năng suất lao động của Việt Nam với Singapore, đối với nhiều người là chuyện vô nghĩa trong khi so sánh năng suất lao động giữa các thành phần kinh tế ngay trong đất nước của chúng ta sẽ cho nhiều bài học thực tiễn hơn nhiều.

Đối chiếu với bức tranh chung ở trên, liệu có thể nói khu vực nào đầu tư nhiều nhất sẽ thấy năng suất lao động tăng nhiều nhất hay không? Không hề. Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư của khu vực nhà nước luôn chiếm tỷ trọng cao nhất. Tính chung 10 năm (2001-2010), khu vực nhà nước đã đầu tư gần 1.840,7 ngàn tỉ đồng, chiếm 42,5% tổng số vốn đầu tư toàn xã hội theo giá thực tế. Đáng tiếc là khoản đầu tư này đã không đem lại mức tăng năng suất như chúng ta kỳ vọng. Đó là bởi “vốn đầu tư của khu vực nhà nước chiếm tỷ trọng cao nhưng bố trí dàn trải, đầu tư không đồng bộ, nhiều công trình đầu tư kéo dài; một số công trình hoàn thành đưa vào sử dụng không phù hợp nên không phát huy được hiệu quả”. Đây chính là nhận định của Tổng cục Thống kê.


Thử hỏi tiền mà cứ rót vào các lỗ đen như Vinashin thì nó sẽ biến thành các bãi đất hoang, các con tàu bỏ không chứ nó đâu tạo ra công ăn việc làm và giúp công nhân làm ra một giá trị cao hơn. Nếu dùng hình ảnh ba gia đình nói trên thì đầu tư vào khu vực nhà nước là thay vì lấy tiền đi mua máy may, cái nhà thứ nhất lấy tiền mua chiếc xe SH để chạy cho sang còn mọi người vẫn tiếp tục may tay như cũ.

Tình hình trong những năm qua ở cả khu vực tư nhân cũng tương tự. Dường như bao nhiêu nguồn lực, cả khu vực nhà nước lẫn khu vực tư nhân trong nước cứ đổ vào bất động sản, vào nền kinh tế ảo để chạy đuổi theo các giá trị ảo nên dần dần năng suất lao động chung của nền kinh tế không còn tăng nhanh như giai đoạn trước và ngày càng tụt xa so với các nước láng giềng.

Ví dụ với EVN, có thể lực lượng người đi thu tiền điện không đến nỗi lên đến 67.000 người như lãnh đạo của tập đoàn này nói và cũng chính một lãnh đạo khác phản bác. Nhưng giả thử EVN không rót tiền đầu tư vào các ngành không đúng năng lực cốt lõi như viễn thông, xây biệt thư, chung cư, sân tennis - tổng cộng đến 121.000 tỉ đồng như kết luận của Thanh tra Chính phủ mà dùng một phần tiền này để mua trang thiết bị phục vụ ngành điện, biết đâu chỉ cần vài ngàn người và tiến bộ công nghệ thông tin là lo chu toàn việc thu tiền điện toàn quốc. Lúc đó năng suất của vài ngàn người này sẽ tương đương hàng chục ngàn công nhân hiện nay.

Quay trở lại cái gia đình thứ ba có dây chuyền may công nghiệp hiện đại, giả thử nhà này phải để ra hai người chuyên đi lo thủ tục giấy tờ xuất nhập khẩu, đóng thuế, lo ứng xử với thanh tra với thuế vụ... thì ngay lập tức năng suất lao động của cả nhà sẽ giảm. Vì thế bức xúc với năng suất lao động của cả nước thấp mà không thấy các yếu tố cản trở năng suất này như thủ tục hành chính rườm rà, sự nhũng nhiễu của bộ máy hành chính, sự vô cảm của công chức nhà nước... là cũng chưa thấy được vấn đề.

Cái cuối cùng, điều làm nên sự khác biệt của gia đình thứ ba là nhờ cậu con trai cả từng đi làm tu nghiệp sinh ở Nhật Bản quay về lấy kinh nghiệm đó để tổ chức sản xuất cho cả gia đình. Chính giáo dục làm nên một yếu tố rất quan trọng tác động đến năng suất lao động. Một nền giáo dục từ chương, học vẹt chỉ phù hợp với nền lao động thủ công, hay dây chuyền đơn giản. Để tác động lên các yếu tố tổng hợp cần những cái đầu biết luôn cải tiến để nâng năng suất, biết chọn khâu tạo ra giá trị gia tăng cao nhất để làm - một cái đầu như thế chỉ có thể do một nền giáo dục khai phóng tạo ra.


Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ