Nhân ngày Luật sư Việt Nam 10/10, bàn về hành nghề luật sư và tổ chức luật sư ở Việt Nam- Bài 1
Bài 1: Đôi nét về nghề luật sư Việt Nam hiện nay. Cơ hội phát triển đang đến
Ls Trần Vũ Hải/ FB Trần Vũ Hải
Ls Trần Vũ Hải |
1. Hiện luật sư đã hành nghề ở 63 tỉnh thành trên cả nước. Đến tháng 9/2014, Việt Nam có 8879 luật sư, tăng 40% so với tháng 5/2009, thời điểm Liên đoàn luật sư Việt Nam được thành lập. Tuy nhiên, các luật sư hành nghề chủ yếu ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, trong đó Tp. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 50% và Hà Nội chiếm khoảng 25% tổng số luật sư cả nước. Ở các địa phương khác, có luật sư hành nghề nhưng công việc ít, nhiều luật sư đoàn địa phương phải đến Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội để hành nghề.
2. Tuy số lượng luật sư đông đảo hơn trước, nhưng không phải phần lớn đều đang hành nghề chuyên nghiệp, lấy nghề luật sư là nghề chính kiếm sống. Hiện chưa có số liệu chính thức về thực trạng hành nghề của luật sư như:
(i) Có bao nhiêu luật sư là những người đã về hưu, có thu nhập hưu trí, nên khó coi là sống chết với nghề luật sư.
(ii) Có bao nhiêu luật sư tuy là thành viên đoàn luật sư, nhưng chỉ coi nghề luật sư là nghề phụ, thậm chí rất ít khi hành nghề. Những người này có nghề khác đủ sống và không còn ham muốn hành nghề luật sư, nhưng vẫn giữ thẻ luật sư cho oai.
(iii) Những luật sư tuy gắn với công tác về luật nhưng thực tế không hành nghề luật sư. Những người này làm trong các bộ phận pháp chế của các doanh nghiệp, đơn vị. Thực chất, họ là người làm thuê, khách hàng chính là ông chủ, chưa có tư thế độc lập của luật sư.
(iv) Những luật sư khác, đặc biệt là các luật sư trẻ, tuy rất mong muốn hành nghề luật sư, nhưng do điều kiện hành nghề khắc nghiệt, không có khách hàng, không có văn phòng nên thỉnh thoảng mới hành nghề. Những luật sư này phải bươn chải thêm ở những nghề khác.
(v) Các luật sư chuyên nghiệp làm thuê cho các tổ chức hành nghề luật sư trong nước và nước ngoài.
(vi) Những luật sư hành nghề cá nhân tự do, khi có việc núp bóng tổ chức hành nghề của đồng nghiệp khác, nhưng cơ bản vẫn sống bằng nghề luật sư.
(vii) Những luật sư làm chủ và điều hành văn phòng luật sư, công ty luật.
Theo Luật luật sư, các luật sư có thể hành nghề tranh tụng, tư vấn, đại diện ngoài tố tụng và cung cấp dịch vụ pháp lý khác. Chưa thấy thống kê những luật sư chuyên tranh tụng, kết hợp cả tranh tụng lẫn dịch vụ ngoài tố tụng hoặc chỉ chuyên làm nghề dịch vụ ngoài tố tụng.
Lẽ ra, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Bộ Tư pháp cần có nghiên cứu thấu đáo về thực trạng như trên của Luật sư Việt Nam.
3. Theo ước tính của tôi (có thể không chính xác lắm), chỉ khoảng 20% số người có thẻ luật sư đang hành nghề luật sư chuyên nghiệp, tức sống chủ yếu nhờ thu nhập từ hành nghề luật sư, coi nghề này là nghề chính.
Ở các địa phương khác Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, khó có đất sống cho luật sư hành nghề chuyên nghiệp, vì rất ít việc. Ngay Đà Nẵng, là một đô thị sôi động có nhiều dự án lớn, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến mọi mặt cuộc sống, nhưng theo Báo Đà Nẵng ngày 1/10/2014 cho biết: “Đoàn Luật sư thành phố hiện có 219 người, trong đó có 148 luật sư với 58 tổ chức hành nghề. Trong năm 2013 và 9 tháng đầu năm 2014, các tổ chức hành nghề luật sư giúp đỡ pháp lý 2.347 vụ, trong đó tư vấn pháp luật 783 vụ, trợ giúp pháp lý miễn phí 692 vụ”… “Theo đánh giá chung, số lượng án chỉ định theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng cao hơn số lượng án khách mời, điều này cho thấy yêu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý tại thành phố chưa cao”… “Khó khăn hiện nay trong hoạt động nghề nghiệp là đội ngũ luật sư đông nhưng ít việc nên không có điều kiện cọ xát thực tế và phải kiêm thêm nhiều việc khác để duy trì cuộc sống nên sao nhãng trong chuyên môn”.
4. Ngay tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, tình trạng luật sư không có việc hành nghề hoặc việc không đáng kể, phải sống bằng thu nhập khác vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong số các luật sư. Số luật sư tham gia tố tụng càng ít, nhiều luật sư trẻ chỉ làm những công việc dịch vụ pháp lý ngoài tố tụng nhỏ nhặt như thành lập doanh nghiệp, hồ sơ nhà đất, không đòi hỏi chuyên môn và chất xám nhiều, vì những người không có thẻ luật sư cũng có thể làm được những việc đó, thậm chí tốt hơn.
5. Mặc dù vậy, luật sư Việt Nam cũng xuất hiện nhiều tổ chức hành nghề và luật sư có uy tín tên tuổi trong cả nước và quốc tế, công việc dồi dào, thu nhập khá cao. Nhiều tổ chức hành nghề luật sư và cá nhân luật sư đã chuyên sâu như tư vấn đầu tư nước ngoài, dịch vụ và đại diện về sở hữu trí tuệ. Khá nhiều luật sư đã thành công trong các vụ án ở Việt Nam và có yếu tố nước ngoài. Luật sư thông thạo ngoại ngữ tuy không nhiều nhưng cũng đã giúp nhiều khách hàng nước ngoài tại Việt Nam. Nhiều hãng luật Việt Nam đã có doanh thu hàng chục tỷ đồng một năm, có hãng tới trăm tỷ, đặc biệt những hãng có luật sư trước đây làm trong các văn phòng luật sư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam
6. Cho dù có nhiều vấn đề đối với luật sư, nhưng bắt đầu trong nhân dân và dư luận báo chí, các cơ quan chuyên môn hoặc dân cử, đặc biệt ở Trung ương đã coi trọng nghề luật sư, hỏi ý kiến luật sư về những vấn đề thời sự, hoặc bức xúc. Những cuộc hội thảo về các dự luật, về chính sách, nhiều luật sư đã tham dự và phát biểu như những người phản biện được báo chí quan tâm, trích dẫn. Những vấn đề luật sư nêu ra là nguồn cảm hứng cho những cuộc tranh luận tại các cuộc họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội. Như việc chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về việc tại sao trong luật Việt Nam chưa quy định quyền im lặng của nghi can. Chất vấn này đã làm dậy sóng bàn về chủ đề quyền im lặng trên báo chí trong thời gian hiện nay, bắt nguồn từ việc ông Chủ tịch Quốc hội đã gặp gỡ một số lãnh đạo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trước ngày khai mạc kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Những ý kiến của luật sư về quyền của bị can, bị cáo, quyền hành nghề của luật sư bị thường xuyên xâm phạm đã được ông đặc biệt chú ý và chất vấn lại các vị đầu ngành các cơ quan pháp luật.
7. Những sự kiện gần đây khiến dư luận và nhân dân rất quan tâm đến giới luật sư như:
(i) Yêu cầu của giới luật sư từ các luật sư thường đến các lãnh đạo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam về Thông tư 28 của Bộ Công an, Bộ Công an đã chấp thuận điều chỉnh Thông tư này.
(ii) Việc luật sư Nguyễn Đăng Trừng, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Tp. Hồ Chí Minh bị khai trừ Đảng, vì ông đấu tranh cho quyền tự quản và tự chủ của Đoàn luật sư, chống sự can thiệp bên ngoài vào hoạt động của Đoàn luật sư, mặc mọi âm mưu (kể cả yêu cầu đòi tước thẻ luật sư của ông), đến nay ông vẫn đương nhiệm Chủ nhiệm Đoàn luật sư Tp. Hồ Chí Minh và được sự ủng hộ, thông cảm của không chỉ giới luật sư, mà nhiều giới khác nhau trong xã hội.
(iii) Những vụ oan sai như vụ Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén được phơi bày, những vụ khởi tố và xét xử liên tiếp đối với các thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên làm sai, tiêu cực đòi hỏi vai trò của luật sư phải được nâng cao và các cơ quan tố tụng cần tôn trọng ý kiến của luật sư để tránh oan sai.
(iv) Cuộc tranh luận về quyền im lặng của nghi can, cũng là một dạng của quyền con người phổ quát trên thế giới cho thấy không có luật sư, quyền con người, quyền công dân dễ bị xâm hại. Luật sư là một thiết chế để bảo vệ quyền con người trong một nhà nước pháp quyền, văn minh.
Giới luật sư cần tận dụng những sự chú ý này để tranh luận, trình bày cho các tầng lớp nhân dân thấy được vị thế của giới mình, tránh sa vào những cuộc đấu đá nội bộ giành chức quan luật sư như đã có những hiện tượng gần đây. Đổi mới và hiện đại hóa tổ chức luật sư là nhiệm vụ cấp thiết, để tổ chức luật sư không còn là tổ chức hình thức hành chính, mà thực sự là tổ chức bảo vệ quyền lợi cho giới luật sư, giúp các luật sư tự nâng cao được nghiệp vụ chuyên môn, mở rộng phạm vi hành nghề của mình như những nước văn minh khác.
Nhãn: Lưu
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ