Nổ kho hóa chất, quy hoạch tồi và bệnh không màng tranh đấu
Nguyễn Văn Thạnh/ VNTB
Gần 10 căn nhà bị sập bởi sức công phá của vụ nổ |
Theo tin từ báo mạng Vietnamnet, khoảng 16 giờ chiều 17/10/2014, một vụ nổ lớn xảy ra tại trụ sở Công ty Đặng Huỳnh làm nhiều căn nhà trên đường Lê Thị Riêng, quận 12, TP.HCM bị sập. Tin cho biết thêm, công ty trên sản xuất phân bón và vị trí phát nổ là kho chứa hóa chất thuốc trừ sâu. Vụ nổ có bán kính công phá lên đến 600 m. Một vùng rộng lớn nồng nặc mùi hóa chất cay xè. Chưa có thống kê cuối cùng nhưng có khả năng nhiều người thương vong.
Khoan nói về thiệt hại về vật chất và con người do vụ nổ gây ra, bất cứ ai có chút hiểu biết đều giật mình khi nhìn hình ảnh vụ nổ: xung quanh nhà máy hóa chất là một khu dân cư đông đúc. Chúng ta đều biết rằng, sản xuất công nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là hóa chất thì lại càng ghê sợ hơn nữa.
Ở các nước, người ta luôn nghĩ đến những rủi ro tiềm ẩn trong các hoạt động sản xuất. Để bảo đảm an toàn ở mức cao nhất, họ thường qui hoạch sản xuất vào khu vực riêng, nhất là các ngành sản xuất độc hại như hóa chất, phóng xạ thì phải đặc biệt chú ý. Những nhà máy thuộc loại này phải được bố trí cách xa khu dân cư, cuối nguồn nước, nguồn gió..., để nếu có sự cố sẽ ảnh hưởng tối thiểu đến người dân. Tư duy này hình thành trên nền tảng: mọi hoạt động sản xuất luôn chứa nguy cơ tai nạn và sinh mạng con người là quí giá.
Nước ta thì ngược lại, người ta tư duy như người điếc không sợ súng. Đưa nguyên cả một nhà máy sản xuất với bao hóa chất độc hại vào khu dân cư. Không đợi khi nhà máy bị cháy nổ, trong vận hành bình thường, những rơi vãi hóa chất, những khi độc, những nước độc thải ra xung quanh sẽ như thế nào? Không lẽ không ai nghĩ đến những nguy cơ này?
Truy tìm nguyên nhân, chúng ta sẽ thấy sự yếu kém của người cầm quyền. Có quyền trong tay nhưng họ không lo được việc chung. Một trong những việc chung hàng đầu là qui hoạch. Chúng ta thấy, dù là chính quyền thực dân cách đây hàng trăm năm nhưng người Pháp đã để lại cho chúng ta những khu phố qui hoạch bài bản: đâu là khu hành chính, đâu là khu thương mại, đâu là khu sản xuất...
Sài Gòn sau 40 năm giải phóng đã nát bét về qui hoạch. Rất nhiều khu đô thị tự phát phình to vô tội vạ. Trong các vùng đó đường sá chật hẹp, ngoằn nghèo thường xuyên ngập nước khi mưa xuống. Chưa hết, trong các khu vực này con người buộc phải sống chung tạp nham với việc ăn ở, sản xuất, buôn bán...
Vụ nổ kho hóa chất trên, không chỉ phản ánh một tình trạng tồi tệ trong việc qui hoạch của chính quyền mà còn bộc lộ nhiều nhược điểm của người Việt. Một trong nhược điểm mà ai cũng có thể thấy ngay là bản tính thờ ơ với mọi việc xung quanh. Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn con người sống xung quanh một quả bom nổ chậm như thế mà không ai lên tiếng để chính quyền phải vào cuộc để di dời mối họa ra xa.
Mối họa cận kề trước nhà mà người dân còn không màng tranh đấu thì những việc xa xôi như dân chủ, tự do thiệt là khó quá.
Liệu có bao nhiêu người dân quan tâm để biết: dân chủ sẽ tạo ra chính quyền tốt, có trách nhiệm?
Chính quyền tốt sẽ tuyển được những người tài vào làm việc. Có người tài thì nhiều chuyện sẽ tốt trong đó có việc qui hoạch tốt. Qui hoạch tốt thì sẽ hạn chế được nhiều rủi ro trong cuộc sống hàng ngày, như viêc nổ kho hóa chất trong khu dân cư trên.
Có lẽ phần đông người dân với đầu tắt mặt tối với miếng cơm manh áo sẽ không quan tâm đến lý lẽ này. Và sẽ còn nhiều mối họa chết người do việc qui hoạch tồi gây ra trên khắp nước nữa.
Nhãn: Lưu
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ