Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Đổi mới tư duy là thế nào?

Nguyễn Trần Sâm/ Quê Choa
Năm 1986, noi gương Mikhail Gorbachëv tiến hành “cải tổ” ở Liên Xô, đảng CSVN cũng khởi xướng công cuộc “đổi mới” ở VN. Vì “đảng ta” vốn giàu truyền thống sáng tạo nên trong cuộc đổi mới này đã nghĩ ra một khẩu hiệu nghe “sang” hơn cải tổ của LX. Đó là “đổi mới tư duy”.

Vậy “đổi mới tư duy” là phải làm gì?

Để thử tìm câu trả lời (tôi nói thử tìm chứ không nói sẽ tìm được), ta hãy xét vài ví dụ về việc đổi mới những thứ cụ thể trong cuộc sống hàng ngày, trong học thuật và trong quản lý xã hội.

Khi nói đến đổi mới cách bài trí trong một gian phòng, ta nghĩ đến việc sắp xếp lại những đồ đạc, tiện nghi trong đó, có thể kèm theo việc thay thế hoặc thêm bớt một số thứ. Như vậy, đổi mới cách bài trí là thay thế hệ thống các đồ đạc, tiện nghi cũ và sự sắp xếp chúng bằng một hệ thống các đồ đạc, tiện nghi mới và sự sắp xếp mới. Để việc sắp xếp lại được thực hiện hợp lý, chủ nhà cần “động não”, tức là TƯ DUY ít nhiều.

Nghiên cứu khoa học là môi trường trong đó sự đổi mới diễn ra liên tục. Trong nhiều trường hợp, đổi mới mang tính cách mạng: một lý thuyết mới ra đời đánh đổ hẳn lý thuyết cũ. Trong quan niệm về cấu tạo của vũ trụ, người thời xưa đã từng TIN vào hệ Địa Tâm, trong đó Trái Đất là trung tâm cố định của vũ trụ. Đó là một niềm tin vô cớ, xuất phát từ sự cảm nhận thô thiển. Nhưng đến thế kỷ XVII, khi có những người thông minh bắt đầu quan sát kỹ chuyển động của các thiên thể và suy nghĩ (TƯ DUY) nghiêm túc về các quy luật của chuyển động thì người ta bỗng phát hiện ra rằng Trái Đất không đứng im, mà chính nó mới quay quanh Mặt Trời (cùng với một số hành tinh khác). Thay thế cho hệ Địa Tâm bây giờ là hệ Nhật Tâm. Ở đây đã xảy ra sự đổi mới quan điểm về vũ trụ. Trước khi đổi mới, con người chỉ tin một cách mù quáng, hầu như không tư duy. Việc tư duy nghiêm túc đã dẫn đến sự thay thế một hệ thống cũ trong quan niệm về vũ trụ bằng một hệ thống mới. 


Tiếp tục quan sát và tư duy theo cách nghiêm túc như vậy, các nhà thiên văn học và vũ trụ học lại phát hiện ra rằng Mặt Trời cũng không đứng yên mà cùng với các hành tinh trong Thái Dương hệ quay quanh tâm của “thiên hà của chúng ta” (một trong rất nhiều những thiên hà tạo nên phần vũ trụ mà ngày nay con người quan sát được),… Như vậy, có thể nói vũ trụ học là môn khoa học đổi mới không ngừng. Sự đổi mới không ngừng đó là kết quả thường xuyên của quá trình quan sát và tư duy ở tầm cao, với cường độ cao.

Trong quan niệm về xã hội và sự phát triển của nó, chúng ta từng TIN TUYỆT ĐỐI vào sự anh minh tuyệt đối của các lãnh tụ như Stalin, Mao Trạch Đông,… Chúng ta chấp nhận vô điều kiện những lời phán truyền của những vị này. KHÔNG TƯ DUY! Tư duy có nghĩa là đặt ra những câu hỏi: Vì sao họ nói như vậy? Liệu phát biểu của họ có tuyệt đối đúng không? Mà hỏi như vậy là mầm mống của “chủ nghĩa xét lại”, thứ bị xem như loại bệnh dịch hãi hùng nhất. Tự tìm chân lý là tự xếp mình vào hàng trí thức, loại người ban đầu được xem là kẻ thù số Một của “cách mạng”, sau đó thì được “cách mạng” dùng như một loại công cụ trong sự kiềm chế ngặt nghèo. “Lenin, Stalin, Mao Chủ Tịch không bao giờ sai” – đó là “luận điểm cơ bản” của “cách mạng”. Và các vị đó “dạy” rằng thị trường, nhất là thị trường chứng khoán, là “sản phẩm thối tha” của chủ nghĩa tư bản.

Đến giữa những năm 1980, khi cái đói hành hạ dạ dày của dân các nước XHCN, lãnh đạo các nước này buộc phải “xét lại” những “luận điểm cơ bản” kiểu đó. Kinh tế tư nhân và cơ chế thị trường được thừa nhận. Nhưng họ không dám gọi việc này là “xét lại”. Họ gọi là “đổi mới”. Sự đổi mới đó, dù còn rất xa những đòi hỏi của lương tri và thời đại, nhưng đã làm cho đa số người dân thoát khỏi bần cùng. (Chỉ có điều không thể tính công cho những người khởi xướng “đổi mới”. Thực ra họ có tội vì lẽ ra không được kìm kẹp người dân và nền kinh tế như họ đã làm mấy chục năm trời.)

Cuộc “đổi mới” nói trên trong chính sách kinh tế là sự thay thế một hệ thống quản lý phản động cực đoan bằng một hệ thống đỡ phản động hơn. Sự đổi mới đó là kết quả của việc các nhà lãnh đạo đã bắt đầu động não tí chút, bắt đầu HỌC TƯ DUY (tuy còn quá ít), bắt đầu bỏ được thói quen chấp nhận vô điều kiện mọi giáo điều mà mấy “bậc tiền bối” phán truyền một cách liều lĩnh.

Như vậy, muốn đổi mới một thứ gì đó thì phải TƯ DUY. Muốn đổi mới liên tục để nhận thức và hành động ngày càng đúng thì phải tư duy liên tục.


Đó là đổi mới các thứ, các đối tượng. Thế còn đổi mới chính cái sự tư duy thì có nghĩa là sao? Một đồng chí cấp cao thực hiện “đổi mới tư duy” nghĩa là đồng chí ấy làm gì với “cái tư duy” của đồng chí ấy. Và khi đồng chí ấy dạy chúng ta phải “đổi mới tư duy”, thì khi học theo đồng chí ấy, ta phải làm gì với “cái tư duy” của ta đây? Khó quá! Thưa quý vị, chẳng biết quý vị thấy sao, chứ tôi thì tôi còn chẳng thấy được cái tư duy của tôi nó có hình thù thế nào thì đổi mới nó thế quái nào được! Tôi chỉ biết là để đổi mới cách bài trí trong phòng thì phải tư duy, để đổi mới thế giới quan cũng phải tư duy, và để đổi mới quản lý kinh tế thì cũng phải thế (dù không nhiều lắm), chứ không bao giờ hình dung được việc đổi mới tư duy của chính tôi.

Albert Einstein khi phát minh ra lý thuyết tương đối, ông đã tư duy sâu hơn bất cứ ai cùng thời về các khái niệm không gian, thời gian, chuyển động, về các khái niệm “thước đo”, “đồng hồ”,… Nhờ đó, ông đã đổi mới được nhận thức về các khái niệm này, đầu tiên là cho chính ông, sau đó là cho các nhà khoa học khác. Nhưng ông có “đổi mới tư duy” không? Nếu có thì ông đã đổi mới nó như thế nào? Có lẽ không thể (và cũng không cần) trả lời câu hỏi này. Những ý tứ mới lạ mà ông phát hiện ra là do ông tư duy sâu hơn mọi người, đến mức như mọi người rồi vẫn còn tư duy tiếp, tìm kiếm tiếp, chứ không hẳn là “đổi mới tư duy”.

Còn về cuộc “đổi mới” bắt đầu từ năm 1986 ở ta, các đồng chí thượng cấp đã “đổi mới tư duy” ư? Đổi mới ra sao? Chẳng ra sao cả. Không phải là “đổi mới tư duy” mà đơn giản là bắt đầu tập tư duy chút thôi. Nói “đổi mới tư duy” nghe oai, nhưng kỳ thực hổng phải dzậy. Đó là lý do vì sao các nước khác không nêu khẩu hiệu “đổi mới tư duy”.

Để đổi mới mọi thứ, cần tư duy. Còn đổi mới chính tư duy thì chẳng cần nói đến làm gì, vì nếu có cái thứ đó thì nó cũng mông lung lắm. 

Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ