Phóng viên Báo GDVN “đột nhập” Tuấn Công thư phòng
Hoàng Tuấn Công/ Blog Tuấn công thư phòng
Chiều 27/10/2014, đang xem lại bài “Những sai lầm của PGS.TS Nguyễn Công Lý...” kỳ II thì nhận được tin nhắn từ G+1 của Thầy giáo Nguyễn Đăng Đường-Hiệu trưởng trường THCS Hưng Long-Yên Lập-Phú Thọ (một độc giả quen thuộc của TCTP): “Bài của bác đang được “luộc” tại đây: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tu-dien-tieng-Viet-Den-la-Cho-vua-o-co-ai-tin-duoc-khong-post151541.gd”.
Theo link sang. Thấy đúng là “món đồ” mới nhất của Thư phòng đã bị Phóng viên Báo GDVN nhanh tay “đột nhập”, đem về trang nhà “trưng bày” dưới dạng một “phiên bản” khác. Nhớ lại vụ “Em là Hải Lý” và báo Đất Việt thấy cũng mệt mỏi nên nhắn tin “đầu hàng”: “Cảm ơn Thầy giáo NĐĐ. Từ điển “luộc” lại Từ điển. Bài viết về Từ điển“luộc” lại bài viết về Từ điển. Báo “lề phải” luộc “ báo không lề”. Mình thấp cổ, bé họng, biết kêu ai bây giờ?”.
Ngồi lại bàn làm việc, muốn quên nhưng thấy hai tai cứ nóng bừng, chẳng viết nổi chữ nào...Thế nên, dù biết rằng lại mất thời giờ, nhưng vẫn quyết định viết mấy dòng chia sẻ cùng bạn đọc, cũng là để không phụ lòng người đã gửi tin nhắn...
Tuần trước (20/10/2014) Tuấn Công thư phòng “Phát hiện Từ điển do “môn đồ cụ Vũ Chất” biên soạn”. Thế là cả một tuần cặm cụi. Cứ rảnh rỗi là lại ngồi vào đọc, viết...tra tra, cứu cứu... Bởi không phải chuyện đùa mà dám "đoán" hai ông Khắc Trí-Trọng Tấn là "môn đồ cụ Vũ Chất". Đến 21h thứ Bảy (25/10/2014), soát lại lần cuối, chụp thêm mấy cái ảnh rồi đăng. Xong việc thấy nhẹ cả người! Đọc soát, bổ sung, chỉnh sửa thêm vài bận nữa thấy ổn, đến gần 0 giờ đêm cùng ngày mới chia sẻ lên FB. Bấy giờ, nhiều “nhà” vẫn còn le lói đèn khuya, sang like, bình luận...Ngày hôm sau (26/10), lại chỉnh sửa thêm mấy chỗ trước khi Quê Choa đăng lại.
Vậy mà chỉ sau có một ngày, (sáng sớm ngày 27/10/2014) bài của Thư phòng đã bị cô Hồng Nhung"phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam" "đột nhập" đem về "luộc" lại dưới cái tên: “Từ điển tiếng Việt “Đền là Chỗ vua ở” có ai tin được không?”. Có lẽ quá tự tin về trình độ "luộc" bài của mình nên cô Hồng Nhung-tác giả bài báo mới dám viết:
“Qua khảo sát tại hà Nội cuối tuần qua, trong cuốn Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh lớp 1,2,3 có in ở mặt sau do NXB Đồng Nai cấp ngày 25/4/2014, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam xin dẫn đăng một số từ được giải nghĩa có trong cuốn từ điển như sau...”
Vậy thực chất “phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam” đã “khảo sát” như thế nào?
Xin thưa rằng, tác giả bài báo đã “khảo” rất “sát” bài của Tuấn Công thư phòng (Hồng Nhung có nghề hơn "Em là Hải Lý" rất nhiều) Tuy nhiên, độc giả không khó nhận ra (ví như Thầy giáo Nguyễn Đăng Đường đã phát hiện và nhắn cho tôi). Bởi 99% lỗi mà Hồng Nhung nêu ra của cuốn "Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh lớp 2-3" đều là những lỗi mà bài viết trước đó Tuấn Công thư đã nêu. (Xin nhắc lại, cuốn Từ điển này còn rất nhiều lỗi. Đặc biệt là các lỗi mới nằm trong hai cuốn xuất bản sau. Vì bài đã dài, chúng tôi có nói trong bài viết là chỉ “lược theo vần” và nêu “lỗi đại diện”). Ví dụ nhỏ, vần Ga (trang 203), chúng tôi chỉ chọn từ "gà (dt) Vật nuôi để lấy thịt và trứng" mục đích đại diện cho loại lỗi giải thích quá chung chung của Từ điển. Trong khi có rất nhiều lỗi khác nặng hơn trong trang chúng tôi bỏ qua, như:
-"Ga (dt) Trạm xe lửa. Ga hành khách.
-Ga xép (dt) Ga xe lửa nhỏ, các tàu xe không đỗ.
-Gả (đgt) Bằng lòng cho con gái mình làm vợ người. Dựng vợ gả chồng.
-Gạ chuyện (đgt) Tìm cách bắt chuyện để gây cảm tình"
......
Khái niệm "xe lửa" đã quá cũ, từ thời tàu đang chạy bằng đầu máy hơi nước, sao bây giờ lại đem giải nghĩa cho trẻ con học? Mặt khác, giải nghĩa về "ga" như vậy là sai. Vì ga không phải là "trạm xe lửa"; ga xép tàu vẫn dừng (loại tàu chợ, tàu chậm). Nếu "tàu xe không đỗ" thì làm nhà ga với mục đích gì? Các từ "gả" (sao lại "làm vợ người" là thế nào?), "gạ chuyện" ("gây cảm tình" đâu phải "gạ chuyện"?) giải thích cũng không đúng. Vậy, nếu "khảo sát" độc lập, tại sao "phóng viên của Báo Giáo dục Việt Nam" không phát hiện ra những lỗi này, mà lại "phát hiện" trùng với lỗi duy nhất trong trang mà chúng tôi chỉ ra: "gà (dt) Vật nuôi để lấy thịt và trứng"?
Những từ giải nghĩa sai mà chúng tôi "dẫn theo vần", Báo GDVN nêu ra cũng xuất hiện lần lượt theo vần (ví dụ: Bắc thang; Bắt rể; Chờm; Dằng; Đền... theo kiểu nhảy cóc, mục đích để bạn đọc thấy vần nào Từ điển cũng có lỗi, chứ không phải chỉ dừng lại chừng ấy lỗi chúng tôi nêu.). Có chỗ chúng tôi thấy cần thiết phải dẫn các từ giải nghĩa sai theo chủ đề để so sánh, nên không cần "nhặt lỗi" theo vần, Ê có thể đến N luôn, Báo này cũng chép lại y nguyên như vậy. Ví dụ: chúng nêu từ "ếch" thì dẫn luôn từ "nhái" để đối chứng. Không biết do đâu, Hồng Nhung lại cũng nêu theo chủ đề “trùng hợp” lạ kỳ như vậy? Thậm chí, đoạn chúng tôi nêu những lỗi thuộc loại chép lại từ điển khác cũng được cô Hồng Nhung nhắc lại không sót tí nào. (Như: anh em; anh chị; bảnh mắt; tâm thần...)
Mặt khác, bài chúng tôi đưa ra bao nhiêu vấn đề đáng phê phán trong Từ điển của Khắc Trí-Trọng Tấn dạng gạch đầu dòng thì bài của Báo GDVN cũng trưng ra bấy nhiêu điều đáng chê trách theo ý lớn. Ví dụ:
-Bài TCTP viết: “Những lỗi trên đây trong cuốn "Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh lớp 2-3"-XB 2012 ("dành cho lớp 2-3" là theo "Lời nói đầu", thực tế ngoài bìa ghi"dành cho lớp 1,2,3").
-Bài Báo GDVN viết: “Sự khó hiểu của cuốn từ điển này còn thế hiện ngay ở sự thiếu thống nhất giữa bìa sách "Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh lớp 1,2,3" và ở phần dẫn lời Nhóm biên tập ngay trang 3: “Do yêu cầu của học sinh lớp 2 & 3, chúng tôi biên soạn cuốn “Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh lớp 2&3”
P/v Hồng Nhung đã không hiểu một điều, thực tế tôi mua cuốn "Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh lớp 1,2,3" cho Bé con học lớp 4 (mua từ ngày 26/3/2014) Bởi vậy, sau khi “phát hiện” sách có “vấn đề”, tôi tập trung tra cứu, nêu ra lỗi của riêng cuốn này. Sau đó, ra hiệu sách (với ý định xem còn NXB nào tái bản nữa không) lại thấy còn có 2 cuốn khác dành cho học sinh lớp 4 và lớp 5 của đồng tác giả Khắc Trí-Trọng Tấn, cùng NXB Đồng Nai. Qua đối soát, thấy cơ bản 3 cuốn giống nhau. Bởi vậy chúng tôi quyết định dùng những lỗi trong cuốn 1 cho học sinh lớp 2-3 (xuất bản 2012) để nêu làm “lỗi đại diện” cho cả 3 cuốn (viết lại sẽ mất công, vì chúng tôi đã dẫn chứng những cái sai theo số trang của cuốn dành cho lớp 2-3). Nếu cùng lúc có trong tay cả 3 cuốn, chúng tôi (và theo lẽ thường) sẽ chọn cách làm hay hơn: xem và viết về cuốn dành cho lớp 5, sau đó so sánh với cuốn dành cho lớp 4 và lớp 2-3. Vì sao? Vì cuốn cho lớp 5 xuất bản sau (thường được sửa chữa bổ sung). Cuốn này lại dành cho lớp lớn nên quan trọng hơn, số lượng học sinh sử dụng sẽ nhiều hơn. Nếu những cái sai đã được sửa thì sẽ có đánh giá đúng mức. Thế nhưng, không rõ phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam “khảo sát” thế nào mà lại làm giống hệt chúng tôi (thực chất là ngược quy trình) là "phát hiện" và đọc cuốn dành cho lớp 2-3 trước, dẫn chứng toàn bộ lỗi từ cuốn này, sau đó mới nhắc đến cuốn dành cho lớp 4-5:
-Bài TCTP viết: “Ra hiệu sách SAHABA tìm hiểu chúng tôi thấy đồng tác giả Khắc Trí-Trọng Tấn NXB Đồng Nai còn có "Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh lớp 4" và "Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh lớp 5"(đều XB quý II/2014)”.
-Bài của Báo GDVN viết: “Không chỉ có cuốn Từ điển Tiếng Việt 1,2,3, hai tác giả Khắc Trí và Trọng Tấn còn là đồng tác giả của hai cuốn từ điển đã xuất bản “Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh lớp 4” và “Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh lớp 5” của NXB Đồng Nai phát hành 2014”.
Thậm chí, có đoạn cảm tưởng như phóng viên của Báo GDVN là “Tri âm” của Tuấn Công thư phòng, nên chúng tôi “gõ bàn phím” ở Thanh Hóa mà tác giả "khảo sát" tận Hà Nội vẫn cảm nhận chính xác từng câu, từng chữ để đưa vào bài viết của mình:
- Bài TCTP viết: “Nội dung hai cuốn xuất bản 2014 cơ bản giống cuốn XB 2012. Nghĩa là lặp lại toàn bộ những cái sai của cuốn trước. Nếu có bổ sung từ mới cũng trong tình trạng nhiều từ giải thích sai hoặc không chính xác”.
-Bài của Báo GDVN viết: “Trong hai cuốn từ điển xuất bản sau (lớp 4,5) có lặp lại toàn bộ những cái sai của cuốn trước (lớp 1,2,3), có bổ sung thêm từ mớinhưng nhiều từ vẫn giải thích sai hoặc không chính xác”.
Không biết "phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam" giỏi giang tới mức nào hay có phép thần thông quảng đại mà chỉ mới "khảo sát tại Hà Nội cuối tuần qua" (cỡ 24-25/10), ấy vậy mà sáng sớm ngày 27/10 đã có bài trình làng, với kết luận "chắc nịch" về nội dung cả 3 cuốn Từ điển như vậy? P/v Hồng Nhung có biết để hạ bút kết luận hai câu có vẻ ngắn gọn, đơn giản ấy chúng tôi đã phải đọc bao nhiêu trang từ điển không? Mỗi cuốn từ điển của Khắc Trí-Trọng Tấn có 623 trang x 3 cuốn = gần 2 ngàn trang. Dẫu có đọc lướt, chúng tôi cũng phải căng mắt vào không dưới ngàn trang sách, so sánh cả 3 cuốn mới có thể dẫn ra và nắm chắc hàng trăm lỗi, thuộc đủ loại, thậm chí dẫn chứng chính xác từng lỗi in sai nằm ở trang nào của sách (từ vần A cho đến vần Y), thời gian cả một tuần ròng rã mới hoàn thành bài viết. Và P/v Hồng Nhung có biết tại sao khi nói về hai cuốn xuất bản sau chúng tôi chỉ dừng ở kết luận "nhiều từ giải thích sai hoặc không chính xác” chứ không nêu cụ thể những từ nào không? Là vì bài đã quá dài (15-16 trang) mà chúng tôi đã liệt kê hàng trăm lỗi, đủ để "trục xuất" hai ông Khắc Trí-Trọng Tấn ra khỏi làng biên soạn từ điển rồi. Còn về phía P/v Hồng Nhung, không biết tại sao cũng biết dừng đúng lúc như chúng tôi vậy?
Có một chi tiết, P/v Hồng Nhung có vẻ "khảo" rất kỹ, đó là phân tích, so sánh hai từ "chờm" và "chườm" như sau: "Chờm (đgt): Áp vào da thịt một vật gì cho bớt đau. Chờm nước nóng (Trong khi cũng trong cuốn từ điển này, từ “Chườm” được giải thích “Áp vật nóng hoặc lạnh vào da để làm giảm đau hoặc giảm sốt. Chườm nước nóng”)
Chúng tôi đọc kỹ từng trang, từng mục từ nên không phải không phát hiện việc từ điển thu nhận cả hai từ này. Tuy nhiên, trong ngôn ngữ, có những trường hợp một từ cùng nghĩa, người ta chấp nhận cả hai cách viết, hoặc hai cách phát âm, nên từ điển có quyền thu nhận cả hai (ví dụ: "giồng" và "trồng", "lẽ" và "nhẽ") Bởi vậy, để tránh gây tranh cãi, chúng tôi nêu từ "Chờm" và đưa ra kết luận ngay "chườm nước nóng" mới đúng. Còn "chờm" là "ngựa chờm vó" (nghĩa là lỗi của Từ điển ở chỗ viết sai chính tả, chứ không phải sai vì thu nhận, giải nghĩa cả hai từ "chờm" và "chườm" có cùng nghĩa giống nhau). Như thế, cô Hồng Nhung định thêm thắt vài ý cho bài viết khác đi, nhưng nó lại chứng tỏ cô không hiểu biên soạn từ điển như thế nào. Không hiểu biên soạn từ điển là thế nào mà dám đi viết bài phê bình từ điển sao? Thế nên, ngay cách đặt tít bài nôm na: “Từ điển tiếng Việt “Đền là Chỗ vua ở” có ai tin được không?" cùng mấy câu mở đầu bài viết khá ngô nghê: "Vừa qua, xã hội bàng hoàng về một cuốn từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh của tác giả Vũ Chất với nhiều cách giải thích từ ngô nghê, khó hiểu, thậm chí không đúng,sai sự thật" cũng đủ thấy trình độ của P/v Hồng Nhung đến đâu. Và vì sao cô lại phải đi "luộc" bài của một Blog, khi trong tay có cả 3 cuốn từ điển đầy rẫy những sai sót đó.
Cuối cùng, không rõ "phóng viên báo Giáo dục Việt Nam" sẽ giải thích thế nào khi trên mép đang còn dính nguyên "hạt cơm cháy": "Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh lớp 2-3" được NXB Đồng Nai cấp Giấy phép ngày 29/5/2012 chứ không phải “cấp ngày 25/4/2014” như Hồng Nhung đã viết. Còn Giấy phép "cấp ngày 25/4/2014" của NXB Đồng Nai là cho hai cuốn từ điển dành cho lớp 4 và lớp 5 (xuất bản sau cuốn lớp Ba 2 năm). Đây vốn chỉ là chút nhầm lẫn của chúng tôi. Sau khi đăng bài (vào sáng ngày 26/10/2014) chúng tôi đã phát hiện ra và thấy không cần thiết nên bỏ luôn (vì bài đã có ảnh minh họa, chụp trang in ngày cấp phép xuất bản). Vậy không hiểu nó có phép lạ nào mà P/v Hồng Nhung "khảo sát" tại Hà Nội lại "khảo" được cả lỗi ngày tháng trong bài viết mà chúng tôi chưa kịp sửa?
Thực tình, khi đặt bút viết bài "Phát hiện Từ điển do "môn đồ cụ Vũ Chất biên soạn"chúng tôi hy vọng và mong muốn nêu vấn đề, chỉ rõ những cái sai của Từ điển do Khắc Trí-Trọng Tấn biên soạn, để "cộng đồng mạng" và báo chí cùng lên tiếng, cơ quan chức năng vào cuộc. Tuy nhiên, dường như hiện nay, có một đội ngũ "phóng viên" trẻ chuyên dạo chơi, "khảo sát" trên mạng, thấy có gì vừa ý, ưng mắt là tự động đem về xào xáo, đánh lừa Tòa soạn và bạn đọc.
Vụ Báo Đất Việt xâm phạm bản quyền bài viết của Tuấn Công thư phòng chúng tôi đã viết: "Blog không phải là một tờ báo đúng nghĩa với những Giấy phép hoạt động, ban bệ quản lý... Tuy nhiên Blog cũng là một phương tiện thông tin đại chúng. Chúng tôi có tên tuổi địa chỉ đàng hoàng và chịu trách nhiệm trước pháp luật cùng bạn đọc về những phát ngôn của mình. Chúng tôi có quyền tác giả đối với những bài viết đã được công bố với sự chia sẻ và xác nhận của bạn đọc. Bởi vậy, Báo Đất Việt chớ nghĩ rằng bài đăng trên Blog thì không có giá trị bản quyền rồi muốn cắt xén, xào xáo, sử dụng lại thế nào tùy ý"
Chúng tôi muốn nhắc lại điều này với Báo Giáo dục Việt Nam. Đồng thời đề nghị Báo đưa ra lời giải thích việc P/v Hồng Nhung của quý Báo đã "khảo sát" Blog Tuấn Công thư phòng để viết bài“Từ điển tiếng Việt “Đền là Chỗ vua ở” có ai tin được không?"
Làm như vậy, liệu có "cho qua" được không, thưa bạn đọc?
HTC/27/10/2014
Lưu ý bạn đọc: GDVN đã gỡ bài đăng (lúc 15h30 ngày 28/10/2014 tìm đã không thấy). Bạn đọc quan tâm có thể đọc bài trên VTC (đăng lại của GDVN):
vtc.vn › Giáo dục
Nhãn: Lưu
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ