Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

Tòa thánh Vatican và Hà Nội trên đà bình thường hóa bang giao

Tú Anh & Huê Đăng/RFI
Ảnh bên:Đức Giáo hoàng Phanxicô (T) đi đến sảnh đường Phaolô VI trong Tòa thánh Vatican, nơi tiếp kiến các thượng khách. Ảnh chụp ngày 17/10/2014/  REUTERS/Alessandra Tarantino

Ngày 18/10/2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp kiến Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Tòa thánh Vatican. Báo chí Ý chờ đợi cuộc hội kiến sẽ mang lại một số kết quả cụ thể trong quan hệ song phương. Chặng đường bình thường hóa bang giao vẫn còn nhiều chướng ngại sau 8 năm đàm phán. Thông tín viên Huê Đăng phân tích từ Roma.
RFI : Hôm nay 18/10/2014, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô tiếp kiến. Xin anh cho biết thêm chi tiết về cuộc gặp gỡ này ?

Huê Đăng : Vâng, sáng nay, theo lời mời của Tòa thánh Vatican, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đến hội kiến ngay tại Tòa thánh với Đức Giáo hoàng Phanxicô. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng có mặt ở Ý lần này nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu lần thứ 10 đã được tổ chức tại thành phố Milano (Ý) trong hai ngày 16-17/10/2014.

Được biết đây là lần thứ hai Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Đức Giáo Hoàng tại Tòa thánh. Lần thứ nhất là ngày 25/01/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI.

Cũng hồi tháng 3 năm nay 2014, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng trong chuyến công du sang Ý cũng đã có một buổi tiếp kiến với Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Đầu năm 2013, nhân chuyến công du sang Ý, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cũng đã có một cuộc hội kiến với Đức Giáo hoàng Benedicto XVI. Trước đó, hồi cuối năm 2009 cũng nhân chuyến công du sang Ý, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đã có một cuộc hội kiến và cũng với Đức Giáo hoàng Benedicto XVI.

Như vậy là trong vòng thời gian từ năm 2007 đến 2014 các Đức Giáo Hoàng đã tiếp toàn bộ các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, điều này cho thấy là Việt Nam có một vị thế rất quan trọng trong đường lối đối ngoại của Tòa thánh Vatican.

Theo lời tuyên bố của phát ngôn viên Tòa thánh, cha Federico Lombardi, cuộc gặp sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh.

RFI : Trong thời gian gần đây, công luận báo chí cũng nói nhiều đến một khả năng về bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và Việt Nam trong thời gian sắp tới. Thực sự mọi chuyện đang diễn biến như thế nào ?

Huê Đăng : Theo một số tờ báo Ý, cuộc gặp gỡ lần này giữa Đức Giáo Hoàng và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình nhằm đi đến bình thường hóa quan hệ song phương.

Thậm chí có lời ví von rằng … trong thời gian sắp tới Đức Giáo Hoàng Bergoglio sẽ ghi thêm một thành công ngoại giao không nhỏ: Đó là việc tiến đến bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Thực ra thì đây là kết quả của một quá trình gặp gỡ đàm phán lâu dài của phái đoàn hỗn hợp giữa Vatican và Việt Nam từ năm 2007. Cho đến nay đã có 5 vòng đàm phán, vòng chót đã diễn ra ở Hà Nội đầu tháng 9/2014.

Mục tiêu của các cuộc đàm phán là để ấn định rõ ràng các khung định chế về những quy định điều phối mối quan hệ giữa hai Nhà nước, và cũng từ đó đi đến các quy định về sự hiện diện cũng như hoạt động của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam theo tinh thần của quyền tự do tôn giáo.

Quá trình đi tìm bình thường hóa ngoại giao đã bắt đầu từ thời của Đức Gioan Phaolô II (Karol Józef Wojtyła), và cũng đã có những lúc khó khăn, khi trồi khi sụt, những bất thông cảm lẫn nhau, cho đến bước chuyển ngoặc đúng vào thời điểm của Giáo triều của Đức Giáo Hoàng Bergoglio.

Cũng phải công nhận phần lớn công lao là của tân Quốc vụ Khanh Hồng y Parolin, nhân vật mà ngay từ thời Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong vai trò Thứ trưởng Ngoại giao Vatican, đã đứng ra dàn dựng mọi chuyện để tạo những điều kiện đi đến những thỏa thuận đàm phán với phía Việt Nam.

Trong chính sách của Giáo hội tại Châu Á, việc thiết lập lại mối quan hệ với Việt Nam là một trong những điểm then chốt quan trọng. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhiều lần gởi đến Hà Nội nhiều thông điệp, trong đó cổ vũ cộng đồng Công giáo làm việc vì lợi ích chung, vì sự phát triển của đất nước, cải thiện các điều kiện xã hội của người dân.

RFI : Từ năm 2007 đến nay tức là sau gần 8 năm đàm phán, đã có 5 lần gặp gỡ của phái đoàn hỗn hợp. Dù rằng sau mỗi lần gặp gỡ cả hai bên đều có những tuyên bố rất phấn khởi, như anh đã nói, trong quá trình có những lúc thăng trầm khi trồi khi sụt, bất thông cảm lẫn nhau ... Điều đó có nghĩa là gì ?

Huê Đăng : Có một vài tờ báo so sánh rằng các cuộc đàm phán, gặp gỡ lần nào cũng kết thúc với những tuyên bố đôi bên hài lòng với những tiến bộ..., nhưng rồi các cuộc gặp gỡ vẫn phải tiếp tục. Điều này có nghĩa là rất có thể vẫn còn có một số vướng mắc chưa được giải quyết.

Theo tin báo chí thì trong vòng đàm phán chót lần thứ năm hồi tháng 9/2014 vừa rồi, các bên vẫn còn đang đàm phán về việc giải quyết các vấn đề đất đai của Giáo hội ở Việt Nam, và đặc biệt là vấn đề Tòa thánh có thể trực tiếp tấn phong giám mục cho Giáo hội ở Việt Nam.

Như ta đã biết, trong quá khứ, nhà cầm quyền Việt Nam cũng đã đặt ra rất nhiều giới hạn hoạt động cho người Công giáo trong nước, kiểm soát sự đi đứng của giới tu sĩ, giới hạn con số chủng sinh ở các tu viện. Nhưng hiện nay, các kiểm soát của chính phủ không còn nghiêm ngặt như xưa, và các giám mục cũng được nhiều tự do đi lại. Thêm vào đó, các tổ chức từ thiện cũng đang khởi động trở lại một cách dễ dàng những công tác xã hội.

Việt Nam là một quốc gia với 85 triệu dân trong đó có khoảng 6 triệu tín đồ Công giáo. Trong thời buổi khủng hoảng giáo dân ở các nước phương Tây, thì 6 triệu tín đồ cũng là một cộng đồng không nhỏ đối với Tòa thánh Vatican.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ