Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Vì sao “Đèn cù” chưa bị chiếu cố?

Thế Thanh/pro&contra
Ngay sau khi tự truyện Đèn cù của Trần Đĩnh ra mắt độc giả, nhiều bài viết nhận định xuất hiện trên mạng với những phần trích dẫn đi kèm. Tôi đọc và thắc mắc tại sao một cuốn sách với nội dung “phản động” như thế, cho dù được xuất bản ở nước ngoài, nhưng bản thân tác giả đang ở trong nước, vậy mà vẫn yên thân, không hề hấn gì. Ba ngày vừa qua, bỏ thời gian đọc trọn cuốn sách này, thắc mắc của tôi đã có phần được giải toả.

1. Trong toàn bộ tự truyện, Trần Đĩnh đã cho thấy rất nhiều lấm lem của một số phần tử trong Đảng, những sai lầm của các nhân vật chóp bu, hoặc lưu manh côn đồ hoặc hèn nhát không dám chống lại cái sai, đã gây ra bao oan khuất, đổ máu, chiến tranh dẫn đến cái chết của mấy triệu mạng người. Kể cả sau khi nội chiến tương tàn kết thúc, vì Trung Quốc đã đạt được mục đích, thì con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa của Việt Nam vẫn không suy suyển, vẫn là đói rách, nghèo nàn, lạc hậu mở rộng ra cho cả nước từ Bắc chí Nam. Đã có bài viết trên mạng nhận định rằng, những gì về sự kiện lịch sử, thậm chí những cái gọi là “thâm cung bí sử” Trần Đĩnh cung cấp cho độc giả trong Đèn cù không mới, đã có nhiều người đề cập đến rồi. Quả thật nhận xét trên cũng có phần đúng. Nhưng cái công lớn của tác giả ở đây là đã thu gom rất nhiều những dữ kiện, chi tiết, rồi sắp xếp và trình bày cho độc giả theo cái logic tự truyện riêng của ông. Thêm nữa, khi dám liều công khai nói ra những sự thật bằng một tác phẩm, tác giả góp phần làm cho nhiều người bớt sợ hơn, dám bộc lộ ra cái chính kiến của mình. Riêng với Đảng, tác giả dù sao cũng có công giúp Đảng công khai cho dân chúng một số phần tử lấm lem (thực tế cũng đã chết), để dụ yên lòng dân. Bằng cách đó, Đảng muốn dân chúng thấy Đảng xem ra rất có thiện chí chỉnh đốn nội bộ, nghiêm túc “phê và tự phê”.

2. Có một điểm mấu chốt, mà theo tôi, Trần Đĩnh chưa chỉ ra được hoặc chưa dám chỉ ra: đâu là nguyên nhân đưa Đảng đến sai lầm, với hậu quả đẩy dân tộc này vào đường cùng, khốn khổ suốt 84 năm, mà cho đến tận hôm nay vẫn chưa sao thoát ra được. Tôi tìm thấy điểm mấu chốt ấy trong truyện ngắn “Cha tôi, tôi và con trai”, Tạ Duy Anh chỉ ra rất rõ cái nguyên nhân đẻ ra hàng triệu, hàng triệu “Lão Khổ” chính là cái thứ rất thối ở trong bình, có “cả thịt chuột, thậm chí thịt người chết đói”. Khốn nạn là cái thứ rất thối ấy, những câu chuyện bịa được đặt tên là chân lý, chính nghĩa ấy, lại được những tín đồ của nó sùng bái là đỉnh cao trí tuệ, là lương tâm nhân loại, là kiến trúc thượng tầng để xây dựng thiên đàng tại thế. Khốn nạn hơn, những tín đồ ấy “đã tin quá lâu vào những câu chuyện bịa, bởi những kẻ thiếu lương tâm, rồi lại tự bịa chuyện để huyền thoại hoá câu chuyện bịa đó.” Người ta đổ tội cho cái bình, nhưng thật ra cái bình chỉ có nhiệm vụ huyền thoại hoá câu chuyện bịa kia, có nhiệm vụ bảo vệ, giữ cái thứ thối ấy trong bình, phân phát, dụ dỗ, bắt ép mọi người phải ngửi, phải dùng nó. Ai ngu ngơ không biết hoặc cố tình ăn phải sẽ đau bụng, ỉa chảy. Những thứ được tuôn ra sau khi đã thu nạp cái thứ thối, thứ bịa kia là gì? Trần Đĩnh chỉ ra trong tự truyện của ông, đó là những khẩu hiệu: “Bạo lực cách mạng”, “Chính quyền ra từ nòng súng”, “Ba dòng thác cách mạng”, v.v.. Thật ra thì bây giờ người ta cũng đã nhìn nhận các thứ thối loại hai này không dùng được nữa. Một ví dụ mới đây, người ta cũng đã phải sửa “giải phóng thu đô” thành “tiếp quản thủ đô”. Trong tác phẩm, tác giả Trần Đĩnh nhắc nhiều đến Bất khuất với phần tự hào vì đã cố tránh không kích động hận thù, không cổ vũ chiến tranh. Nhưng tác giả lại không đề cập đến hậu quả khốc hại, đó là người ta lợi dụng nó để xúi giục, kích động bao lớp thanh niên “bất chấp” một cách ngây thơ, đâm đầu tìm cái chết vô nghĩa cho mình và cho người khác. Người chỉ đạo viết Bất khuất, rồi kiểm duyệt, chỉ thị in ấn và phát không nó (210.000 cuốn, trong đó phát riêng cho quân đội là 160.000 cuốn, tr. 291) lẽ nào lại không có ý đồ gì. Theo tôi, Bất khuất đã được người ta dùng như một thứ gia vị nêm nếm cho cái chất trong bình kia, nhằm đánh lừa vị giác, lôi kéo thanh niên xơi cái chất ấy vào, rồi tự nguyện thí mạng mình để “ba dòng thác cách mạng” thành công.

3. Giờ nói về cái bình. Những chi tiết tác giả cung cấp trong sách cũng đụng chạm đến nhiều nhân vật (phần lớn đã chết), kể cả giải huyền thoại cụ Hồ, nhưng tựu chung vẫn chỉ là vạch ra những sai lầm cá nhân. Còn đối với tập thể cái bình, tác giả dù bị khai trừ, nhưng xem ra vẫn còn cúi rạp trước cái bình ấy một cách rất cung kính, thành khẩn. Khi dính vào vụ án xét lại, tác giả chỉ dám dừng lại ở mức độ tìm cách kêu oan cho mình và cho bạn bè. Trong suốt câu chuyện tả buổi làm việc với an ninh A25 vào năm 1990 (tr. 547 tt), mọi lý luận, trưng dẫn của tác giả với an ninh chỉ nhằm một mục đích duy nhất là chứng minh những góp ý của mình cho Đảng lúc ấy là thành khẩn, là đúng đắn, và Đảng kết tội như vậy là oan sai. Trong câu chuyện, tác giả cũng đề cập đến nội dung một lá thư cá nhân thăm hỏi của Lê Đức Thọ gửi cho vợ của một nhân vật bị án xét lại, trong đó, Trưởng ban chuyên án của 24 năm về trước, phần nào nhìn nhận “nhóm xét lại” bị oan (tr. 545 tt). Có lẽ nhờ Đảng Cộng sản cai trị, mà tự điển Việt Nam phong phú thêm từ “dân oan”! Nếu có dân chủ thực sự, Trần Đĩnh có quyền kiện các cá nhân và cả cái tập thể kia ra toà vì tội vu khống, bôi nhọ, gây thiệt hại vật chất, tinh thần cho ông, v.v., chứ không phải là chắp tay vái lạy, khẩn khoản cái tập thể kia giải oan cho mình. Nếu là một xã hội dân chủ, cái tập thể kia sau khi thua kiện, phải bồi thường cả danh dự lẫn vật chất cho người ta và những cá nhân liên hệ phải vào tù vì những sai lầm đã gây ra. Nếu không làm được như vậy, thì cái tập thể kia đáng phải từ bỏ quyền lực mà nhường việc lãnh đạo đất nước cho người khác có trí tuệ và lương thiện hơn. Có lẽ Trần Đĩnh cũng chưa dám nghĩ đến như Tạ Duy Anh rằng để cho đất nước này tiến lên được, thì phải “chôn chúng [cái bình] xuống gốc khế”.

4. Đặc điểm của nhóm xét lại, trong đó có Trần Đĩnh, là kịch liệt chống Mao và những người có tư tưởng ủng hộ Mao trong cái bình made in Vietnam. Tác giả bộc bạch, ông không đứng về phe Liên Xô để chống Mao, chỉ đơn giản là ông chống chiến tranh và cổ vũ cho đối thoại để tiến tới thống nhất hai miền trong hoà bình và không đổ máu. Đèn cù ra đời với một quan điểm ôn hoà vào thời điểm này xem ra là có lợi cho Trung Quốc, và sẽ được Trung Quốc, cùng những người thân Trung Quốc chớp thời cơ tận dụng triệt để. Hơn lúc nào hết, Trung Quốc đang cần những chất xúc tác xoa dịu sự phẫn nộ của người Việt sau vụ giàn khoan HD-981. Nếu Bất khuất đã đóng trọn vai trò lịch sử của nó theo đúng ý đồ của Mao kích động chiến tranh, cả thế giới chống Mỹ, thì tôi cũng e ngại rằng Đèn cù cũng đang, có thể là vượt ra ngoài ý muốn tác giả, đóng một vai trò lịch sử khác theo rất đúng ý đồ thế hệ thứ ba của Mao – vừa đi cướp của, vừa hô hào chung sống hoà bình.

5. Vẫn chưa thực sự đụng chạm, phê phán cái chất bốc mùi chứa ở trong bình, vẫn còn toàn vẹn cái sự cung kính cái bình, vô tình hay hữu ý góp phần hạ hoả bầu khí chống Trung, đó là ba lý do, theo tôi, khiến Đèn cù chưa bị chiếu cố và tác giả của nó vẫn bình an. Cũng như nhiều người, tôi đang nhờ đợi đọc quyển thứ hai của tác giả, mà như được giới thiệu, là sẽ có nhiều cái mới. Hy vọng rằng, những điều tôi nói trên đây – cái bình và cái chứa ở trong bình, sẽ được bàn đến trong tập hai. Mà nếu rộng hơn nữa, là bàn cả lũ chuột chạy quanh cái bình. Lũ chuột này rất khôn, chỉ khi nào gặp nguy hiểm, chúng mới chạy vào ẩn nấp tạm trong bình. Còn bình thường, chúng chả dại ở trong bình, vì trong đó rất thối, tối tăm và ngột ngạt. Chỉ chờ cái sự hù doạ bên ngoài kia xẹp xuống, chúng túa ra hít thở khí trời và nhăng nhít kiếm ăn ngay.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ