Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Yêu cái đình làng

 Nguyễn Quang Lập 
 Té ra cái tản văn “ Một mình làm cả cái đình” nổi tiếng phết. Mình về quê, gặp mười người thì có đến sáu, bảy người nhắc đến bài đó. Mình khoe với thằng Lợi râu, bạn học thời phổ thông, nó cười cái xoẹt, nói mi đừng có tưởng bở. Cái đình làng mình hay, đâu phải bài mi hay. Thằng Lợi nói cũng phải, cái đình làng là niềm tự hào của dân Ba Đồn, hễ có bài nào viết về đình làng người ta đều tranh nhau đọc. Không chỉ riêng dân Phan Long, dân gốc của Thị trấn Ba Đồn, hãnh diện về cái đình to đẹp nhất nước ( nhiều người bảo to đẹp nhất Đông Nam Á), mà dân tứ xứ về đây lấy cưới vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái cũng rất hãnh diện. 


 Dân làng nào cũng cố tìm được cái gì đó của làng để mà tự hào. Dân Ba Đồn cũng vậy. Xưa thì tự hào có cái chợ to nhất miền Trung. Thời kháng Pháp thì tự hào có anh hùng liệt sĩ Nguyễn Tiến Nhẫn, chiến sĩ tình báo tí hon thông minh quả cảm, bị địch bắt lúc ông mới 15 tuổi, Pháp đem ra đình chợ bắn vẫn không một chút sợ hãi, vẫn ngẩng cao đầu hô to bốn tiếng “Việt Nam muôn năm!”. Nhà nước không phong anh hùng ( nghe đâu chỉ vì nhà ông Nguyễn Tiến Nhẫn có người anh theo tề) nhưng dân Ba Đồn hết thảy đều gọi ông là anh hùng. Kịp đến thời chống Mỹ, Thị trấn Ba Đồn chẳng bắn được chiếc máy bay nào lại bị bom Mỹ san phẳng, dân Ba Đồn vẫn tìm được niềm tự hào, ấy là anh cu Kỷ, người đầu tiên tỉnh Quảng Bình bắt được phi công Mỹ. Bây giờ dân Ba Đồn có gì để tự hào nhỉ? A cái đình làng, thằng Lợi râu vỗ tay đánh bốp kêu to, trông mặt nó hớn hở như bắt được vàng. 

Lợi râu ít nói, ai nói gì cũng cười cái, nói ừ. Xong lại ngồi im, chẳng nói gì. Nhưng khi bắt được mạch nó nói rất hay, đặc biệt chuyện quê nhà thuở xa xưa nó nói không biết chán. Nó bảo sau bảy lăm, Thị trấn Ba Đồn bạc phếch, tàn tạ vì đói nghèo, ai nấy sấp mặt kiếm ăn, tưởng không còn có cơ nào có thể ngước mặt lên cùng thiên hạ. Chẳng ngờ vật đổi sao dời, đất nước vào kì đổi mới, Ba Đồn lại khấm khá như xưa, đến nay đã hoàn toàn thay da đổi thịt, nhiều thứ ngày xưa có nằm mơ cũng không có bây giờ giăng đầy. Xe hơi là một ví dụ, dân Thị trấn đi xe hơi còn nhiều hơn ngày xưa đi xe máy. Tuy vậy giàu sang phú quí thì dân Ba Đồn là cái đinh so với nhiều nơi khác. Không là cái đinh thì mình có cái đình, Lợi râu nói thế rồi ngửa cổ cười ha ha ha. Nhìn nó cười thật đã.

 Cái biệt danh “Lợi râu” có từ thuở con nít, mình đã kể rồi. Năm 1969 đoàn kịch trung ương (không nhớ là đoàn nào) về diễn vở Đêm tháng bảy, người ta lấy xăng ngậm mồm phun trước mồi lửa, lửa bùng lên to bằng cái nong, rất vui. Con nít tụi mình đua nhau ngậm xăng phun mồi lửa, có đứa nuốt xăng đầy bụng, say nhừ. Thằng Lợi cũng ngậm xăng phun mồi lửa, chuẩn bị phun thì cười sặc, lửa bám vào mặt nó cháy bùng. May có người lớn dập được lửa đưa nó đi cấp cứu. Nó ra viện với có cái sẹo dày cộp ở cằm như là bộ râu sẹo. Khổ thân nó đẹp trai ngời ngời vì bộ râu sẹo đâm ra ế vợ. Ngày xưa trai ba mươi chưa vợ gọi là ế, nó 35 tuổi kiếm được cô gái Huế xinh đẹp mừng húm. Hi hi. 


Tuần trước mình về chịu tang ông ngoại mấy đứa nhỏ, nó từ Huế ra chơi với mình hai ngày. Bạn bè cùng quê gặp nhau chỉ uống rượu Ba Đồn, rượu tây xịn mấy cũng không thích. Giống rượu Mao Đài, rượu Ba Đồn có mùi khê rất đặc trưng, chưa quen thì khó uống, quen rồi đâm nghiện, uống rượu khác thấy nhạt phèo. Bạn bè cùng lớp thuở ấu thơ, bây giờ kẻ làm thợ người làm thầy, kẻ tiền tỉ người tiền nghìn, kẻ quan lớn người thảo dân… mỗi lần về quê là dính nhau như keo, chẳng thèm phân cao thấp sang hèn, ngồi với nhau hết đêm này sang đêm khác không biết chán, tán đủ chuyện trên trời dưới đất, mày tau chi tớ loạn xị, nói tục văng miếng, rất vui.

Mình và Thằng Lợi râu ngồi nhậu lai rai. Lát sau có thêm thằng Dũng Ấm Đường, thằng Đại Phúc, thằng Thái Bình và thằng Xô Viết. Món văn hóa Phan Long  thì thằng Xô Viết là nhất.  Nó baỏ Ba Đồn xưa gọi là Phan Long, đình làng Phan Long có từ thời hậu Lê, có lẽ đình được dựng lên bởi thành hoàng làng Nguyễn Đức Tuân, dân kính cẩn gọi là quan tả vì ngài có tước phong của vua Lê là Tả Quân Công, phụ trách Bắc Bố Chính, tức phía bắc Quảng Bình bây giờ. Chỉ có ngài mới có khả nặng dựng nên cái đình chứ dân Phan Long ngày đó có một nhúm, nghèo khô xác mướp, làm sao dựng nổi cái đình.

Đến năm 1965 đình làng Phan Long bị bom Mỹ san phẳng. Từ đó cho đến năm 2007 không ai nghĩ đến chuyện dựng lại đình, quá nửa dân Ba Đồn không còn nhớ vị trí ngôi đình xưa, nhiều người còn không biết đã từng có một đình làng tồn tại gần ba trăm năm ở nơi đây. Rất may có một người nhớ đến cái đình, đó là thằng Đức ( Nguyễn Xuân Đức), nó nhớ quay quắt, đến nỗi quyết định bỏ ra cả triệu đô để xây lại cái đình. Chuyện này mình đã kể trong bài “ Một mình làm cả cái đình”, thôi không nói nữa.

Thằng Lợi râu, vẫn thằng Lợi râu, tụi mình vẫn gọi nó là thằng hoài cổ, nói đông nói Tây thế nào rồi cũng nhắc đến cái đình làng.  Nó bảo khi nghe tin thằng Đức bỏ tiền ra xây đình dân làng Ba Đồn ai cũng phấn khởi đồng tình. Ừ thì nó có tiền làm được cái đình cũng vui. Vui thì vui vậy thôi nhưng ít ai quan tâm làm đình để làm gì, tại sao lại phải làm đình. Dân Ba Đồn có đời sống phố phường quen rồi, bao nhiêu nét đẹp của văn hóa làng đều quên sạch. Đến khi đình làng xây xong, to đẹp gấp mười đình làng cũ thì ai nấy mới vỡ ra chính đình làng là nơi cất giữ hồn làng. Bấy lâu nay hồn làng phiêu tán khắp nơi, bây giờ tụ cả vào đình làng. Ba Đồn lâu nay như cái xác không hồn, ai nấy nhởn nhơ sống mà không biết mình đang ở trong cái xác không hồn. Thật là đáng sợ. Thế mới biết một triệu thằng Đức bỏ ra là rẻ, quá rẻ. Giữ được hồn làng cho con cháu muôn đời, ai bảo một triệu đô là đắt.

Lợi râu nói đúng. Từ ngay có đình làng dân tha hương tứ xứ đều háo hức muốn về làng, hễ gặp nhau là hỏi nhau hè này tết này có về làng không, có ghé thăm đình làng không. Dù Ba Đồn bây giờ là thị trấn, mai mốt sẽ lên thị xã thì đối với dân Ba Đồn đấy cũng chỉ là ngôi làng của họ. Nếu thằng Đức không cố công dựng cái đình làng, ý niệm làng sẽ tan dần trong phố thị, cái tình làng cũng theo đó mà tan theo. Bây giờ khác rồi, người ta không nói về Ba Đồn mà nói về làng mình, hai tiếng làng mình vang lên mới ấm áp gần gũi làm sao.
 
Hội làng Phan Long ( Ba Đồn) diễn ra tại đình làng vào ngày rằm tháng giêng hàng năm
 Từ ngày có đình làng dân Ba Đồn mới có tục cô dâu chú rễ ra đình làng thắp hương vái cụ tổ trước khi vào lễ thành hôn. Đám tang người làng đều phải đi qua đình làng , dừng lại trước cửa đình để thầy cúng và người nhà dẫn vong vào bái biệt đình làng, lần cuối cùng bái biệt quê hương. Rồi hội làng quên bẵng nửa thế kỉ nay đã nhanh chóng được hồi phục, nửa thế kỉ mình mới thấy lại những trò chơi thủa bé thơ đã thấy. Thấy cây đu , thấy cờ thẻ, thấy kéo co, thấy bài chòi, thấy gà chọi, thấy thi nấu cơm…và lại thấy hai cái giếng làng.


Giếng Cau ở phía đông, Giếng Cát ở phía tây được coi là long mạch của làng, thiêng lắm. Thiêng thế nhưng từ ngày Thị trấn phình to ra, dân Thị trấn hết thảy dùng nước máy thì hai cái giếng cũng bị bỏ quên, cả hai đều bị đất cát vùi lấp không còn dấu tích.  Khi làng biến mất thì giếng làng cũng chẳng có ý nghĩa gì, buồn thế đấy. Thằng Đức lại bỏ ra mấy trăm triệu để khôi phục lại hai cái giếng. Long mạch làng được hanh thông thì dân làng mới ăn ra làm nên, nghĩ thế nên dù làm xong cái đình tiền đã hết sức đã kiệt thằng Đức vẫn cố dốc túi dồn sức gây dựng lại giếng làng.

Mình và thằng Lợi râu theo thằng Liên đi thăm hai cái giếng. Thằng Liên bạn học thuở vỡ lòng của tụi mình, bây giờ nó là chủ tịch Thị trấn oách lắm nhưng mình vẫn gọi nó bằng thằng, hi hi. Tụi mình vẫn trêu nó, nói mày làm quan nhưng mà tốt. Nó cười khì, nói cu Liên không tốt thì ai tốt. Quả thế thật. Việc khôi phục hai cái giếng, thằng Đức đề nghị từ lâu chẳng ai quyết, người ta bảo dân dùng nước máy rồi đào lại giếng làm gì. Chỉ đến khi thằng Liên lên làm chủ tịch Thị trấn, thằng Đức chưa nói hết câu nó đã ok, cho làm liền. 

Đến giếng nào thằng Lợi râu cũng  cúi xuống soi mặt mình rất lâu. Nó vỗ vai thằng Liên, nói tau đề nghị như ri: Ngày hội làng hằng năm, mi bắt dân Ba Đồn phải lần lượt tới hai cái giếng làng, tự soi mặt mình xuống giếng xem mình có xứng đáng là dân Ba Đồn  nữa hay không.

 Lợi râu dừng lời cười rất tươi nhưng mắt lại ướt nhòe, sũng nước. Bộ râu sẹo của nó giật giật rung rung. Chơi thân với nó gần trọn kiếp, bây giờ mình mới để ý mỗi khi cảm động một điều gì, bộ râu sẹo của nó lại giật giật rung rung.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ