Địa danh Ba Đồn có từ bao giờ?
Tất Đạt
NQL: Ai là dân Ba Đồn nên đọc bài này. Đã có nhiều bài giải thích địa danh Ba Đồn, thế mà đến giờ nhiều người Ba Đồn vẫn không biết vì sao có tên Ba Đồn, nhiều người vẫn trương gân cổ lên cãi, nói Ba Đồn là do ba cái đồn của Pháp đóng trên đất Phan Long..
Địa danh Ba Đồn là tên một cái chợ quê có từ lâu và được nhiều người biết đến. Nhưng tại sao lại gọi là Ba Đồn và địa danh ấy có từ thời nào?
Ba Đồn hiện nay là thị trấn và là huyện lỵ huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, cách Đèo Ngang về phía Nam khoảng 20km và cách sông Gianh về phía Tây Bắc khoảng 7km.
Vua Lê ngự giá Nam chinh
Theo chúng tôi địa danh Ba Đồn có nguồn gốc xuất xứ của nó và gắn chặt với thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh.
Năm Nhâm Tý (1672), tháng Tư, mùa hạ, Tây vương Trịnh Tạc cho rằng Nguyễn Phúc Tần, tổng trấn Thuận Quảng, tự xưng Thái úy Dũng Quốc công, đã từ lâu cậy thế hiểm trở, chống lại mệnh lệnh triều đình (vua Lê) không chịu phục, bèn hạ lệnh trưng dụng binh lính các xứ sắm sửa vũ khí, sắp sửa có việc với Nam Hà. Chúa Trịnh tế cáo trời đất, sai Phó đô tướng thái phó Ly Quận công Trịnh Đống làm thống lĩnh đến Nghệ An hợp sức với Thống suất thiếu úy Đào Quang Nhiên, liệu tính bố trí để khống chế nơi biên giới.
Tháng 6, thân phò vua Lê ngự giá Nam chinh, giao cho Tiết chế phủ thái úy Nghị Quốc công Trịnh Căn đem quân đi trước. Tháng 8, mùa thu quân Lê Trịnh tiến đến châu Bố Chính (sau là ba huyện Bình Chánh, Minh Chánh và Bố Trạch) liền sai các tướng chia quân vượt qua sông Đại Linh (sông Gianh) sang bờ nam đóng trại, hiểu dụ quân và dân hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam rằng: Đánh kẻ có tội là để cứu lấy dân, ấy là ý nghĩa dấy quân của vương giả.
Nhân dân các ngươi trong hai xứ vốn là nhân dân và đất đai của Thánh tổ Thần Tông trong Hoàng triều (nhà Lê) ta, chứ không phải là của sở hữu do họ Nguyễn khai thác. Trên nhờ đức Thánh vương xưa, nghĩ tình là chỗ bà con họ mạc, nên mới tâu xin Tiên hoàng đế chuẩn y cho Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng trấn giữ hai xứ, cung nộp cống thuế để góp phần chi dùng trong nước. Nguyễn Hoàng chỉ trời đất mà thề, hứa xin hết đạo làm tôi giữ lòng chung thủy...".
Sau khi phân tích những điều phải trái, những uẩn khúc, Trịnh Căn nói, đối xử với Nguyễn là việc làm bất đắc dĩ, nay phải dấy quân là tình thế phải làm. Nay, các ngươi quân và dân trong hai xứ nếu biết bỏ chỗ tối ra chỗ sáng, xa lánh kẻ bạo ngược, theo về với người nhân đức, hoặc trở giáo đầu hàng, hoặc đến cửa quân xin đầu thú thì hễ là dân thường thì được giảm sưu nhẹ thuế.
Ảnh minh họa. |
Trịnh - Nguyễn đều xây đồn ở sông Gianh
Tháng 10, mùa đông, Vua Lê xa giá tiến đóng ở xã Chánh Thủy, chúa Trịnh vào doanh Bố Chính, chia quân đóng đồn từ xã Phú Xá đến lũy Trấn Ninh, sai Tiết chế Trịnh Căn đưa quân thủy đóng ở sông Đại Linh (sông Gianh) đánh các đồn quân Nam ở bãi biển. Tiết chế quân Nam (quân của chúa Nguyễn) là Hiệp Quận công bèn chia quân ra cố sức đánh, hai bên đều bị thiệt hại nặng.
Tháng 11, chúa Trịnh rước xa giá vua Lê rút về đóng ở Phù Lộ, xã Vĩnh An thuộc châu Bắc Bố Chính. Chúa Trịnh cho rằng đất Hóa Châu ẩm thấp, gặp giữa mùa đông lại càng giá buốt, quân lính khó ở lâu được, bèn xin vua Lê kéo quân về, phàm những trai gái già trẻ bắt được đều cấp cho tiền và gạo cho về. Sai Lê Thời Hiến trấn giữ xứ Nghệ An kiêm trấn giữ châu Bố Chánh. Binh bộ Tả Thị Lang bồi tụng Lê Sĩ Triệt làm đốc thị, tả thị lang, Nguyễn Danh Thực làm phó đốc thị, khống chế biên cương, giữ gìn an ninh cho dân địa phương, dùng sông Đại Linh làm giới hạn.
Để phòng những cuộc tấn công lẫn nhau, chúa Trịnh cũng như chúa Nguyễn đã xây dựng một hệ thống đồn lũy khá kiên cố. Ở phía Bắc sông Gianh, chúa Trịnh đã xây dựng ba cái đồn và một cái lũy. Lũy xây bằng đá từ Đèo Ngang kéo dài lên tận Xuân Sơn. Hiện nay, dấu vết của lũy thành còn nhiều đoạn. Ở bờ Nam sông Gianh chúa Nguyễn cũng xây dựng một hệ thống đồn lũy gồm ba cái đồn ở Ba Đề, Cao Lao Thượng, Cao Lao Hạ. Trong đó Cao Lao Hạ là đồn chính. Đồn này có xây thành lũy bao bọc, hiện nay dấu vết vẫn còn nguyên.
Ba cái đồn của chúa Trịnh gồm có: Đồn Trung Thuần đóng tại làng Trung Thuần (còn gọi là làng Trung Ái) nay thuộc xã Quảng Lưu. Đồn Thuận Bài đóng tại làng Thuận Bài nay thuộc xã Quảng Thuận và Đồn Ròn đóng tại vùng Ròn.
Đào kênh nối ba đồnĐồn Ròn có nhiệm vụ án giữ Đèo Ngang và cửa Ròn. Đồn Thuận Bài là đồn tiền tiêu của Chúa Trịnh đối diện với đồn Cao Lao Hạ (nay thuộc xã Hạ Trạch) của chúa Nguyễn. Đồn Thuận Bài được trang bị mạnh, quân lính đông để đối phó trực tiếp với quân của chúa Nguyễn. Đồn Trung Thuần là đồn chính trong hệ thống đồn lũy của chúa Trịnh.
Đây cũng là nơi ở lại nghỉ ngơi của chúa Trịnh và thuộc hạ mỗi khi vào công cán vùng Bắc sông Gianh. Đồn Thuận Bài và Đồn Ròn hiện nay không còn dấu vết gì. Riêng Đồn Trung Thuần còn có một số di tích qua các địa danh gồm: Ao Cái, Chợ Cổng, Hòn Cột Cờ, đồng Mũi Súng, Xóm Kho... Vùng Ao Cá là trung tâm của Đồn Trung Thuần. Chợ Cổng là chợ họp ở cổng đồn. Hòn Cột Cờ là hòn núi có cắm cờ của chúa Trịnh.
Ba cái đồn đó tạo thành một thế chân vạc khá vững chắc để bảo vệ phần đất của Đàng Ngoài từ Đèo Ngang đến sông Gianh. Nhưng ba cái đồn này cách nhau khá xa. Vì vậy, chúa Trịnh phải tiến hành đào một hệ thống kênh đào nối liền giữa ba cái Đồn. Chúa Trịnh cho đào một kênh từ Ròn qua Xuân Kiều vào Thổ Ngọa rồi nối liền với sông Gianh. Từ sông Gianh (đoạn thuộc xã Quảng Thanh hiện nay) chúa Trịnh lại còn cho đào con kênh thứ hai qua Hướng Phương, Tô Xá rồi vào Trung Thuần.
Tranh minh họa. |
Ngày hội Ba Đồn
Sau khi hoàn thành hệ thống kênh đào nói trên, việc đi lại và tiếp tế giữ ba đồn trở nên dễ dàng và hết sức thuận lợi. Chúa Trịnh liền cho phép quân lính của cả Ba Đồn hàng tháng được mở ba ngày hội vào các ngày mồng sáu, mười sáu và hai mươi sáu, gọi là ngày hội Ba Đồn. Địa điểm tổ chức ngày hội lúc đầu tại đồng Quai Mõ trên bờ bắc sông Gianh (nơi gần bến đò cửa Bắc hiện nay).
Mục đích của những ngày hội Ba Đồn làm cho quân lính của cả ba Đồn được ăn chơi, nhảy múa để bớt nhớ nhà, nhớ vợ con, bản quán. Và ngày hội của ba đồn tự nhiên mang thêm nội dung mới: Ngày nhân dân trong vùng đem hàng hóa, sản phẩm đến để trao đổi mua bán, là nơi trao đổi sản phẩm tự sản tự tiêu.
Suốt thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, ngày hội Ba Đồn vẫn tiến hành đều đặn mỗi tháng ba ngày. Lúc đầu tham gia ngày hội chủ yếu là quân lính của ba đồn, nhưng dần dần nhân dân trong vùng đã trở thành lực lượng chính. Từ chỗ vui chơi của quân lính dần dần trở thành nơi trao đổi hàng hóa của nhân dân nên nó đã trở thành nội dung chính của ngày hội.
Chính vì vậy, sau khi chấm dứt thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, ngày hội ba đồn của quân lính chúa Trịnh không còn nữa, nhưng nhân dân trong vùng đã trở thành truyền thống cứ đến ngày 6, 16, 26 hằng tháng vẫn tụ hồi về đây để trao đổi hàng hóa như cũ. Và ngày hội ba đồn của quân lính chúa Trịnh trước đó đã trở thành ngày chợ phiên của nhân dân trong vùng. Và chợ đó được gọi là chợ Ba Đồn.
Năm 1954, để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, UBND huyện Quảng Trạch cho phép chợ Ba Đồn được mở thêm ba phiên nữa vào các ngày mồng một, mười một và hai mươi mốt. Từ đó tới nay chợ Ba Đồn mỗi tháng có 6 phiên. Tuy vậy, nhân dân trong vùng vẫn coi các ngày 6, 16, 26 là các phiên chợ chính và các phiên chợ đó nhân dân đến chợ đông nhất.
Ba Đồn là chợ xưa nay, tụ nhân tụ hóa mười ngày một phiên. Nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh Ba Đồn là như vậy.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ