Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Nhà văn…không là ai?

Nguyễn Hưng Quốc/VOA
Liên quan đến chuyện "viết cho ai?", tôi nghĩ, có một vấn đề khác cũng cần được đặt ra: Nhà văn là ai?

Câu trả lời chắc chắn không đơn giản. Khái niệm nhà văn thay đổi theo thời gian: ngày xưa, ở Việt Nam, bất kể ở những tài năng lớn hay nhỏ, tư cách nhà văn đều bị chìm khuất, thật mờ nhạt, đằng sau tư cách của những ông quan, ông đồ, ông cử hay ông tú.

  Khái niệm nhà văn cũng thay đổi theo thể loại: trong ý nghĩa này, nhà văn chỉ là tên gọi chung cho nhiều loại người khác nhau, từ một nhà thơ đến một nhà tiểu thuyết, một nhà tuỳ bút, một nhà viết kịch hoặc một nhà phê bình và lý luận văn học. Khái niệm nhà văn còn thay đổi theo phương pháp sáng tác người ta sử dụng: một nhà cổ điển, một nhà lãng mạn, một nhà hiện thực, một nhà siêu thực, một nhà hiện đại chủ nghĩa hoặc một nhà hậu hiện đại chủ nghĩa... Khái niệm nhà văn cũng thay đổi theo những mục tiêu mà người ta, qua động tác viết, nhắm tới: có người viết để độc giả tiêu khiển, có người viết để tuyên truyền cho một quan điểm và để kích động tâm lý của quần chúng, có người viết để thoả mãn lòng say mê đối với chữ nghĩa, cũng có người viết để chỉ gửi lòng mình vào thiên cổ, với hy vọng, may ra...

Lặn sâu vào những sự đa dạng và phức tạp ấy để tìm hiểu vấn đề "nhà văn là ai?" hẳn là một điều vô cùng thú vị. Tuy nhiên, trong bài này, tôi chọn một góc độ khác không kém thú vị nhưng lại thực tế hơn: nhà văn không là ai?

Cái không là cái vô hạn. Ở đây, tôi chỉ dừng lại ở một số nét chính.

Như, nhà văn không phải là nhà báo, chẳng hạn.

Về phương diện lý thuyết, sự phân biệt giữa nhà văn và nhà báo thật vô cùng đơn giản. Nhà báo trước hết là tình nhân của các vấn đề thời sự, trong khi nhà văn, trước hết, là tình nhân của nghệ thuật. Nhà báo đuổi theo các sự kiện, trong khi nhà văn đuổi theo cái đẹp. Với nhà báo, chữ nghĩa là phương tiện; với nhà văn, chữ nghĩa là cứu cánh. Tiêu chuẩn để đánh giá các nhà báo là tính chính xác và tính kịp thời, trong khi tiêu chuẩn chủ yếu để đánh giá một nhà văn là sự nhạy cảm và sự độc đáo. Đại khái thế.

Sự khác biệt khá rõ ràng. Ít ai có thể lẫn lộn được. Có điều, ở Việt Nam thì khác. Ranh giới giữa nhà văn và nhà báo, cho đến nay, vẫn rất nhập nhằng.

Đầu tiên là nhập nhằng về phương diện sinh hoạt: cả nhà văn lẫn nhà báo đều sử dụng một sân chơi chung: các tờ báo. Hầu hết các nhà văn chuyên nghiệp đều ít nhiều là các nhà báo chuyên nghiệp. Nguồn thu nhập chính của họ không đến từ sách mà là từ báo. Đăng trên báo thì gọi là bài báo; in lại dưới hình thức sách thì thành ra chương sách. Tính chất thông tin và giải trí vốn là đặc trưng của báo chí dần dần trở thành đặc trưng nổi bật của vô số các tác phẩm được gọi là văn học, đặc biệt dưới nhãn phê bình và tiểu luận.

Hậu quả của điều này là sự nhập nhằng trong phong cách viết lách của nhà văn và của nhà báo: khi viết báo, người ta vẫn thích chút văn vẻ sang cả của văn chương, và khi làm văn chương thật, người ta lại không dứt bỏ được thói vội vàng đến cẩu thả của những người đưa tin.

Từ hai sự nhập nhằng trên dẫn đến sự nhập nhằng khác, nhập nhằng trong danh xưng: không hiếm người làm báo, hoàn toàn làm báo, thích mạo nhận là nhà văn và hay lẩn quẩn vào sân chơi văn chương để giành ghế của người này và đòi cụng ly với người khác. Tính chất xô bồ và nhếch nhác trong sinh hoạt văn học Việt Nam lâu nay, trong cũng như ngoài nước, theo tôi, phần lớn xuất phát từ đám người mạo danh ấy.

Trong ba sự nhập nhằng trên, sự nhập nhằng đầu tiên hầu như không thể giải quyết được trong tình hình kinh tế và xã hội hiện nay khi số người đọc sách quá ít và, hơn nữa, quá thấp; sự nhập nhằng thứ ba rất khó giải quyết một phần vì không thể có cá nhân hay tổ chức nào đủ quyền lực để ngăn chận tình trạng mạo danh; phần khác, quan trọng hơn, vì chính giới nhà văn cũng chưa đủ sức để tạo hẳn cho mình một diện mạo và một thế giá riêng, nhờ đó, có thể tự phân biệt mình và những kẻ ăn theo. Nói cách khác, nguyên nhân chính của tình trạng xô bồ và nhếch nhác trong sinh hoạt văn học Việt Nam lâu nay không phải chỉ do sự hiện diện của những kẻ mạo danh mà còn vì, nếu không muốn nói chủ yếu là vì sự bất tài của những kẻ được xem là nhà văn.

Chỉ có sự nhập nhằng thứ hai là có thể giải quyết được. Chỉ cần chút nỗ lực và nhất là, chút tự giác. Nỗ lực giữ ngòi bút của mình không bị trượt vào sự dễ dãi, không bị cuốn theo thói quen, và nhất là, không bị biến thành thứ phương tiện chỉ xài một lần rồi bị vứt bỏ; nỗ lực biến mỗi bài viết thành một công trình kiến trúc hoàn chỉnh bằng ngôn ngữ. Nhưng muốn thế, người ta cần phải, trước hết, tự giác về những đặc điểm và những chuẩn mực của văn chương để có thể, ít nhất, biết được khi nào mình còn ở trong lãnh thổ của văn chương và khi nào thì không; khi nào mình đang làm văn chương và khi nào mình chỉ thải ra chữ.

Cái ý thức tự giác ấy thật ra là một tài năng: đó là sự nhạy cảm về độ, về ngưỡng, về giới hạn, về sợi chỉ mong manh căng qua ranh giới giữa cái đẹp và cái đèm đẹp. Cái ý thức tự giác ấy cũng là một biểu hiện của văn hoá: đó chính là ý thức về giá trị và kỷ luật, ở đây chủ yếu là giá trị văn chương và kỷ luật của nghề làm văn chương. Hai khía cạnh này có quan hệ chặt chẽ với nhau: ý niệm về độ hay ngưỡng bao giờ cũng gắn liền với ý niệm về giá trị và kỷ luật. Bởi vậy, tôi cho điều quan trọng nhất trong việc tách nhà văn ra khỏi nhà báo là các nhà văn, chính các nhà văn,  phải xây dựng và phải tôn trọng bảng giá trị và kỷ luật của văn chương: họ có thể sống như một nhà báo và viết như một nhà báo, nhưng khi đã có ý định làm văn chương thì phải quyết tâm làm văn chương thực sự, phải chấp hành những kỷ luật của văn chương và phải nhắm tới những giá trị văn chương chứ không phải bất cứ một thứ giá trị gì khác; nghĩa là, nói cách khác, phải tích cực đẩy mạnh quá trình chuyên nghiệp hoá văn học.

Biện pháp này, nghĩ cho cùng, cũng có thể áp dụng cho sự nhầm lẫn giữa tư cách nhà văn và tư cách cán bộ.

Đúng ra, đó không phải là một sự nhầm lẫn. Đó là một sự cố tình đồng nhất tư cách nhà văn và tư cách cán bộ để tạo thành một thứ nhà-văn-cán-bộ như cái điều vẫn phổ biến tại Việt Nam từ năm 1945 đến nay. Sự đồng nhất này nằm trong âm mưu hành chính hoá và chính trị hoá văn học, biến văn học thành một bộ phận trong guồng máy nhà nước, ở đó, mỗi người cầm bút là một viên chức được trả lương và phải có nhiệm vụ chấp hành mọi mệnh lệnh từ giới lãnh đạo.

Khi văn hoá văn học bị khống chế bởi văn hoá hành chính, những cái được xem là giá trị không phải là tinh thần sáng tạo mà là sự vâng phục; không phải sự độc đáo mà là sự bình thường; không phải cá tính mà là ý thức tập thể; không phải cái riêng mà là cái chung. Từ văn hoá hành chính, nhà văn xem việc thực hiện trách nhiệm đối với tổ chức quan trọng hơn trách nhiệm đối với văn học, xem cái đẹp không bằng cái có ích, xem việc trung thành đối với các quan điểm và chính sách của đảng là một yêu cầu đạo đức cũng như xem tính hiệu quả trong việc phục vụ cho các quan điểm và các chính sách ấy là thước đo tài năng.

Điều đáng lưu ý là khi văn hoá văn học bị khống chế bởi văn hoá hành chính, không phải chỉ có nhà-văn-cán-bộ mà còn có cả những độc-giả-cán-bộ.

Độc-giả-cán-bộ ở đây không phải là những cán bộ đóng vai độc giả mà là những độc giả đóng vai cán bộ, đọc trong tinh thần của một cán bộ, dù độc giả ấy, trên thực tế, không phải là cán bộ và cũng không phải là người ăn lương của nhà nước, thậm chí, có khi đã di tản hẳn ra nước ngoài.

Đọc trong tinh thần cán bộ là đọc với tâm thế tự nguyện chấp hành kỷ luật và với ý thức bảo vệ những tôn ti trật tự đang có. Một độc-giả-cán-bộ đánh giá tác phẩm trước hết dựa theo cái tên của tác giả: nếu đó là tác phẩm của một người thuộc giới lãnh đạo, họ sẽ đọc với thái độ cung kính của một thuộc hạ; nếu đó là tác phẩm của một người được xã hội xếp vào bậc thầy, họ sẽ đọc với thái độ ngoan ngoãn của một tên học trò; nếu đó là tác phẩm của một người không có chức vị gì đáng kể, họ sẽ đọc với thái độ phê phán có khi khắc nghiệt, có khi suồng sã của một kẻ bề trên hoặc ngang hàng; nếu đó là tác phẩm của một người bị xem là thù nghịch, họ sẽ đọc với thái độ hoàn toàn phủ định và đầy ác ý.

Hơn nữa, khi đọc, điều một độc-giả-cán-bộ cần tìm kiếm nhất bao giờ cũng sự tái khẳng định những điều vốn đã được xem là chân lý bất biến. Họ không bao giờ cảm thấy chán khi đọc đi đọc lại những trích dẫn trùng lặp từ các tác phẩm được gọi là kinh điển hoặc từ các loại sách báo phổ thông. Ngược lại, điều làm họ dị ứng nhất chính là những cái mới lạ: trong tâm lý của một cán bộ, cái mới lạ bao giờ cũng hàm chứa một nguy cơ gây đảo lộn cái trật tự hiện có và cũng chính là cái trật tự họ muốn bảo vệ.

Xuất phát từ văn hoá chính trị, sáng tác là để tập hợp lực lượng, hay nói như ai đó, một cách "gọi đàn". Điều người cầm bút quan tâm nhất là được đồng tình, đồng ý và được chấp nhận. Muốn thế, người ta thường tránh xa mọi sự thách đố. Người ta phải tự mài mòn cá tính của mình, tự bóp chết những giấc mơ tìm tòi và thử nghiệm. Văn hoá chính trị bao giờ cũng là văn hoá của đại chúng: nó đề cao những cái chung chung và những cái tầm tầm. Nó xem phản ứng của quần chúng như một thứ nhiệt kế văn học: tác phẩm được quần chúng hiểu, thích và nhớ là thành công; ngược lại, là thất bại, hoặc thất bại về nghệ thuật (chưa đủ trình độ để chinh phục người đọc), hoặc thất bại về đạo đức (cố tình làm ra vẻ cao vĩ để dối gạt hay hù doạ quần chúng).

Tự bản chất, một thứ văn hoá như thế rất xa lạ với văn hoá văn học.

Khác với các lãnh vực khác, văn học là thế giới của sự riêng tây. Văn học không làm người ta tụ lại với nhau mà làm cho mỗi người tách ra một cõi riêng. Từ cả việc viết lẫn việc đọc, người ta đều một mình. Chức năng cao cả nhất của văn học, theo tôi, là nuôi dưỡng cái "một mình" ấy: một mình mình đối diện với chính mình; một mình mình lắng nghe những tiếng thì thầm của ngôn ngữ; một mình mình đi vào thế giới mênh mông vô cùng vô tận của sự sáng tạo. Trong những cuộc hành trình một mình đi vào cõi riêng tây như thế, chỉ có những khám phá mới mẻ hoặc những cách thể hiện mới mẻ mới thực sự có ích: chúng làm cuộc hành trình đẹp hơn và làm cõi riêng giàu có hơn.

Chính vì vậy, với tư cách là một công việc sáng tạo, mọi cái viết chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó thách đố lại với thói quen và định kiến, khi nó gây hấn với mọi lối mòn và mọi quy ước. Một nhà văn lớn là người, bằng tác phẩm của mình, góp phần mở ra những biên giới mới hoặc đưa ra định nghĩa mới cho các khái niệm văn học hoặc thể loại văn học. Cũng chính vì vậy, văn học có thể đi liền với cách mạng nhưng lại rất khó song hành với chính trị: khi các lực lượng cách mạng đã giành được chính quyền thì cũng là lúc văn học bị lâm nguy.

Nói tóm lại, trong phạm vi bài này, tôi chưa dám khẳng định nhà văn là ai, nhưng tôi biết chắc một điều: dù là ai đi nữa thì nhà văn, ít nhất là lúc cầm bút làm văn chương, nhất định không phải là một nhà báo, kẻ chỉ xem chữ nghĩa như một phương tiện để rượt đuổi theo các sự kiện không ngừng diễn ra và không ngừng bị vùi lấp. Nhà văn cũng nhất thiết không phải là một cán bộ, kẻ chỉ biết phục tùng; một nhà chính trị, kẻ chơi trò mị dân, chỉ thích đầu tư trên cái vốn chung và cũ của tập thể; một nhân viên xã hội, kẻ đầy tinh thần trách nhiệm đối với xã hội và vì tinh thần trách nhiệm ấy, sẵn sàng hy sinh cả nghệ thuật.

Nhãn:

Nợ công, phí xe máy và con đập bị vỡ

Hiền Lương/ VNTB
Con đập bị vỡ làm gia tăng nợ công. Nợ công thúc đẩy việc thu phí xe máy trong hàng trăm thứ thuế khác. Tưởng là ba, nhưng thực ra là một. Nó hình thành bởi chính sự thờ ơ của người dân trong việc giành quyền làm chủ của mình, từ sự vô trách nhiệm của những người đứng đầu Chính phủ, Quốc hội cho đến xã, huyện, tỉnh…

 Con đập vỡ và nợ công

Việt Nam bắt đầu vào mùa mưa lũ. Cũng là thời điểm mà nhiều người dân sống ven sông, vùng hạ lưu, cạnh đê đập, thủy điện phải nơm nớp lo sợ.

Lo sợ vì sự khắc nghiệt của thiên tai, nhưng trên hết là nỗi lo chất lượng các công trình công ấy… Bởi bấy lâu nay, vấn đề rút ruột trong các công trình xây dựng cơ bản gần như là điều hiển nhiên.

Năm 2012, một đập bê tông dài 60m, cao 20m của thủy điện Đak Mek 3 bị một xe tải tông đổ sập hoàn toàn.

Năm 2014, 5.000 người dân thuộc thị trấn Đầm Hà (huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) bị cô lập khi sáng ngày 30/10, đập phụ số 2 của đê Đầm Hà bị vỡ.

Bên cạnh việc thiếu chủ động điều tiết nước nhằm đảm bảo an toàn hồ chứa, đập khi mưa lũ dâng cao thì chất lượng công trình là nguyên nhân chính yếu nhất của sự vụ.

Được khởi công vào tháng 4/2006, đến tháng 12/2011 thì hoàn thành. Nghĩa là chưa được 3 năm. Số vốn đầu tư đập lên đến 500 tỷ đồng, lấy từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ và ngân sách địa phương.

“Vụ việc trên cho thấy lỗ hổng trong quản lý xây dựng đập hồ. Vỡ đập tức là đập này sẽ không còn trữ nước, trong khi mùa màng đang tới”. Ông Hoàng Văn Thắng, Tổng cục trưởng Thủy lợi khẳng định trong cuộc trao đổi với báo Vnexpress.

Dù không phải nói ra, nhưng ai cũng biết rằng cái “lỗ hổng” đó chính là thất thoát đầu tư công, tham nhũng trong quá trình xây dựng các công trình cơ bản như đập phụ số 2.

“Lỗ hổng” đó cũng góp phần dẫn đến các vụ việc tương tự như Cao tốc Nội Bài - Lào Cai bị nứt sau ngày khánh thành, đường Uông Bí - Hạ Long vừa thông xe đã lún (2.800 tỷ); hạng mục vỉa hè trị giá 2 tỷ đồng nằm trong dự án đường vành đai 1, đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu (975 tỷ đồng) bị lún nứt, gãy vỡ, bó vỉa sau vài ngày sử dụng; cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình lún nứt sau 5 tháng thông xe (8.974 tỷ đồng); cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây (28.000 tỷ) bị lún nứt; Cầu Vĩnh Tuy lún nứt (5.500 tỷ đồng)…

Điệp khúc “nứt, lún, sụp” trong các công trình xây dựng từ nguồn vốn vay/ ngân sách (hàng trăm ngàn triệu tỷ đồng) chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng nợ công như hiện nay.

Cuối năm 2013, nợ công bằng 54,2% GDP (trong đó nợ Chính phủ 42,3%, nợ Chính phủ bảo lãnh 11,1%, nợ của chính quyền địa phương 0,8%) và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 37,3% GDP. Thì dự kiến cuối năm 2014 nợ công khoảng 60,3% GDP (trong đó nợ Chính phủ 46,9%, nợ Chính phủ bảo lãnh 12,6%, nợ của chính quyền địa phương 0,8%) và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 39,9% GDP.

Các chỉ tiêu này được bên chính phủ tuyên bố là “nằm trong giới hạn cho phép theo nghị quyết của Quốc hội.” bởi nó tính theo cách của… Việt Nam. Còn theo chuẩn quốc tế thì nợ đó đã vượt quá ngưỡng cho phép từ rất lâu.


“Nợ công và phí xe máy”

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phùng Quốc Hiển, thừa nhận thực trạng tính ảo trong nợ công hiện nay, theo đó, “nếu tính đủ các khoản thì nợ công đã chạm mức giới hạn theo nghị quyết của Quốc hội là 65%. Hơn nữa, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách năm 2014 ước đạt 25,9% và sang 2015 dự kiến ở mức 31,9%. Điều này hàm ý rằng, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ đã vượt mức quy định là 25%. “

Đó là hệ quả của việc bỏ rơi kiểm soát và quản lý có hiệu quả nguồn vốn vay cho các dự án đầu tư công bấy lâu nay.

Trong buổi họp Quốc Hội sáng ngày 30/10, đại biểu Lê Thị Nga đã cho rằng: “Hiện có tâm lý thích dùng ODA, mà chưa có nhận thức đúng về những hệ lụy của nguồn vay này”.

Chưa nhận thức được có nghĩa là vay xài thoải mái, không tính toán, không kiểm soát nguồn vốn. Do đó, nợ ngày một tăng, trong khi khả năng trả nợ ngày một thấp. Và để đối phó với nợ công hiện nay, ở bên ngoài, chính quyền tiến hành vay tiếp để đảo nợ, ở trong nước thì gia tăng xuất khẩu tài nguyên, và tăng các loại phí thuế lên đầu người dân để trả nợ.

Ngày 1/11/2014, chính thức thu phí sử dụng đường bộ với xe máy, theo thông tư 133/2014/TT-BTC của Bộ Tài Chính. Theo đó, mức thu đối với xe máy dung tích dưới 100cm3 là 50.000 đồng/năm, xe từ 100-175cm3 là 120.000 đồng/năm và xe có dung tích trên 175cm3 là 150.000 đồng/năm.

Cùng với phí đường bộ, thuế, qua xăng dầu…, nay người dân tiếp tục è mình để nộp khoản phí mới. Một hình thức lạm thu từng được báo giới chính thống đề cập với tần suất dày đặc trong những năm qua.
Không nhiều người hiểu rằng, mình buộc phải nộp phí đó chính là vì sự kém hiệu quả của nhà nước trong việc quản lý, kiếm soát nguồn vốn vay. Họ (người dân) buộc phải nộp thuế, phí chồng phí để “bù đắp” cho ngân sách đang bội chi lên đến 4,5-5,3% trong nhiều năm liền nhưng hiệu quả đem lại không tương xứng. Chi trả cho việc “tiêu hoang” của doanh nghiệp nhà nước với mức vay nợ lên đến 1,6 triệu tỷ USD. Buộc phải giữ mức lương cơ bản, trong tình trạng vật giá leo thang chóng mặt, buộc phải chịu cái “khuất” của nhà nước trong quỹ bảo hiểm… để “đảm bảo duy trì” nguồn vốn cho các ông lớn liên kết trong ngoài nhằm tham nhũng công…

20 triệu đồng nợ công, hàng trăm thứ phí thuế, là những gì mà người dân “xứng đáng” hưởng trong hiện tại.


“Chung cha không ai khóc”

Nợ công tưởng như to tát, nhưng nó chính là phí thuế xe máy hàng ngày. Một người dân có thể sửng sốt với phí xe, nhưng lại thờ ơ với vấn đề nợ công.

Họ (người dân) không hiểu về sự liên quan giữa nợ công với phí thuế? Hay là họ đang tìm cách chối bỏ điều đó?

Cái điều mà họ cho rằng, vấn đề to tát, vĩ mô đó, để cho mấy ông lãnh đạo (Đảng, Nhà nước) lo.

Họ vẫn cặm cụi kiếm từng đồng qua ngày để nộp phí thuế, để chứng tỏ mình là một người yêu nước, một công dân tốt.

Nhưng mấy ai biết, đồng phí thuế mà họ đổ mồ hôi, sôi nước mắt làm ra lại được một số kẻ, một nhóm người nhân danh lãnh đạo Đảng, nhà nước tiêu hoang. Trong đó, có nhóm lợi ích mang tên “Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng”.

Nó không còn là nguồn phí thuế để “Góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” như những tranh ảnh cổ động, bảng hiệu tuyên truyền được đặt dày đặc trên các tuyến đường khắp mọi miền đất nước nữa. Mà góp phí, thuế đó để “sửa sai” cho chính lối làm ăn vô trách nhiệm của các quan chức Việt Nam, để cung cấp cho sự tham nhũng vô tội vạ của thể chế. Mà ở đó, “nhân dân” được đôn lên “làm chủ”, nhưng lại chỉ có hư quyền, trong khi “nghĩa vụ” nộp các khoản tiền nuôi bộ máy ngày một lớn, và kém hiệu quả lại là thật.

Trong 90 triệu con người, ai lo nỗi lo riêng nhưng mà chung đó?

Trong khi, đất nước và nguồn lực vẫn bị các con buôn chính trị vắt kiệt. Sự tự ái, sĩ diện đối với một công chức mẫn cán, có tâm, có tài với quốc gia dường như ít thấy tồn tại ở những người lãnh đạo đất nước Việt Nam này. Tư duy vùng miền, tư duy cục bộ, tư duy nhiệm kỳ là tất cả những gì đặc trưng khi nói đến cán bộ Việt Nam.

Vì thế, càng lên cao, họ càng trở nên vô liêm sỉ, với chính đồng bào người Việt, với chính mảnh đất Việt này.
Giống như một kẻ ở trọ thuê, họ sẵn sàng bòn rút mọi thứ, nếu vỡ nợ, họ đã có thẻ xanh, thẻ đỏ và nguồn tài sản khổng lồ ở nước ngoài để di tán. Vì ngay trong thời điểm hiện tại, nhận thức của những quan chức nhà nước chỉ tóm gọn trong câu, “sống chết mặc bay”.

Điều đó không phải viễn tưởng, nó là thực tế. Vì ngay từ ông Chủ tịch Quốc hội, người vốn đang “suy tư, lo lắng” về nợ công thời gian gần đây, cũng từng phát biểu những vô trách nhiệm: “Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai”.

Hay câu nói trước đó “Tai nạn xảy ra là điều không ai mong muốn, song đừng đề cập đến trách nhiệm thuộc về ai, ngành nào, mà trách nhiệm thuộc về toàn dân” của ông Nguyễn Đạt Tường, TGĐ Tổng công ty đường sắt Việt Nam.

Đòi hỏi trách nhiệm thực đối với việc quản lý nguồn đầu tư công trước và sau dường như là một điều viển vông, dù bản thân người Việt và các quan chức đang sống ở “thiên đường” Xã hội chủ nghĩa.

Ngay cả lời tuyên bố “Chịu trách nhiệm trước nhân dân” của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ là câu nói vỗ về những kẻ mộng tưởng, ngây thơ, trước khi ông ta hạ cánh.

Có vẻ như thể chế đang thử sức giới hạn chịu đựng của người Việt Nam.

Nợ công, phí xe máy, con đập vỡ. Rồi sẽ còn gì nữa?

Sức chịu đựng của một dân tộc sẽ đến mức độ nào, mà nơi đó, người dân nhiều năm liền được cho là “hạnh phúc, lạc quan nhất thế giới”? 

Nhãn:

Bao giờ cho đến tháng ba…?

Chuyện về Đổi Mới Giáo Dục
Hạ Đình Nguyên/ BVN
Ảnh bên:Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc với Bộ GD&ĐT. Ảnh: TTXVN

Một tối, cách đây hơn 20 năm, tôi nằm ngủ cùng đứa con trai. Đêm yên tĩnh, sắp vào giấc ngủ tôi nghe một tiếng lay nhẹ, và một câu thỏ thẻ: “Ba ơi, tại sao phải đào núi và lấp biển, để làm gì ba, sao uổng vậy ba?”.

  Thật là bất ngờ.

Nó đang học lớp 2, hai chị nó cũng lần lượt qua lớp 2, cũng bài thơ ấy, cũng học thuộc lòng và không thắc mắc, nay bỗng dưng lại thành chuyện. Bài thơ ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà hàng triệu đứa trẻ Việt Nam nhiều thế hệ đều thuộc:

“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên!”

Có thể nó là đứa dốt chăng, nên không hiểu ý bài thơ? Và nữa, nó không có khái niệm gì về bác Hồ. Nó vô tư toàn diện, về bác Hồ, về thể chế, về thời đại. Nhưng vô tình nó đã chạm vào một điều lớn lao mà nó không biết. Một nền giáo dục đặc biệt, nằm trong tư duy hệ thống xã hội chủ nghĩa! Vấn đề không nằm ở chỗ bài thơ, hay chỗ tác giả. Vấn đề là ở những “con người” đã thiết kế nên nền giáo dục, và đã đưa bài thơ ấy vào chương trình lớp 2 cấp1. Bài thơ ấy, lẽ thường không phải để ở chỗ này.
 
Chuyện tuy nhỏ như hạt cát, nhưng nó đã là một chủng tử* không đúng và nguy hại cho một nền giáo dục định hướng lệch lạc, bởi mục đích không rõ ràng. Không phải là nhà giáo, tôi không tìm hiểu có bao nhiêu hạt cát, bao nhiêu sỏi đá, thậm chí là bao nhiêu cục đá tảng trong chương trình, đã khơi mào, nén chặt vào đầu óc trẻ thơ, và nhồi cho đến lúc lớn, khi vào đại học, rồi sau đại học?

Tôi nhỏ nhẹ trả lời theo cách đắn đo vừa phải, để cho qua chuyện: “Những câu thơ ấy là nói về cái ý chí, chứ đào núi và lấp biển để làm gì, thì ba cũng không rõ!”. 

Nó yên lặng đi vào cơn mộng mị nuối tiếc nào đó, còn tôi cũng rơi vào một cuộc rắc rối của riêng mình. 

Những nghịch lý, khi quen tai, quen mắt đều trở nên bình thường như là chuyện đương nhiên. Xét kỹ, đó là điểm khởi đầu nguy hiểm, biểu hiện của một nền giáo dục mà trước hết là mơ hồ về mục đích.
 
Khi tôi học bậc tiểu học của một nền giáo dục thời thực dân Pháp, đang chuyển sang thời “Mỹ-Ngụy” lúc mà ông Ngô Đình Diệm vừa mới lật đổ vua “bù nhìn” Bảo Đại, một câu trong sách giáo khoa, có chủ đề tương tự , rất ngắn: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Câu này hoàn chỉnh, có mục đích rõ ràng mà con nít có thể hiểu, và cũng có tính xây dựng, “nên kim”, chứ không phải mơ hồ về mục đích, lại mang tính chất phá hoại thiên nhiên, và cả những điều to lớn vượt quá sức: “đào núi, lấp biển”, để chứng tỏ cái khí phách “đội đá vá trời” và dẫn tới “cơm bắp mắm cà tiến lên chủ nghĩa xã hội”, lại tiếp tục cuộc mơ hồ hoành tráng kiên định, đến “cuối thế kỷ mà cũng chưa chắc hoàn thiện”.
 
Tôi còn bất mãn nhỏ nhặt về các trường mẫu giáo mang tên thời thượng “Bé Ngoan”. Thế nào là ngoan? Ngoài ngoan là hư? Cái ấy ở đâu ra? Đứa trẻ vừa sinh ra đã mang một định mệnh “lý lịch”, vào mẫu giáo thì phân ngoan và hư theo một quán tính áp đặt rất mù mờ, lớn lên phải chấp hành làm “cánh tay” không phải thì trái, của một đường lối chính trị mà những người bạn học ngồi bên bỗng dưng thành kẻ chỉ đường, vì sau lưng nó là Đảng. Và trong tương lai gần, chúng sẽ đứng vào hàng ngũ “cách mạng” giữ vai trò chỉ huy, hoặc bị chỉ huy, hoặc lọt vào “thế lực thù địch” cũng mơ hồ nốt.
 
Không phải từ “hạt cát” rồi tôi hồ đồ suy diễn, mà đó là logic của một hệ tư tưởng được áp dụng xuyên suốt vào toàn xã hội... Các nhà trí thức, nhà văn, nhà giáo dục chân chính, nếu không nói là 40 năm thì cũng 60-70 năm qua, đã kêu gào thống thiết mà không suy suyễn, nền giáo dục ấy cứ lì lì tồn tại, tiếp diễn. Chứng minh thêm cũng thừa, chỉ nói về một hệ quả nhãn tiền.

Kể từ thời kỳ ấy, tại Sài Gòn, Hà Nội và một số tỉnh thành đã từng xuất hiện một cụm từ mới: “Tị nạn giáo dục”. Nó đồng hành và cũng không kém phần gay gắt so với các loại tị nạn khác. Tị nạn giáo dục đã dần dần hình thành một trào lưu của giới có tiền, không phân biệt cán bộ hay nhân dân, sau đó lan sang mọi giới. Khuynh hướng chọn lựa này ngày càng khẳng định như là sự đương nhiên và trở nên bình thường, không còn ai phê phán hay dị nghị trong xã hội. Càng hơn là khẳng định, qua năm tháng cuộc “tị nạn học vấn” càng trở thành niềm mơ ước của số đông, nhất là khi nhiều con em quan chức “xuất dương” ào ạt. Cánh nhà nghèo thì đành chịu, nhưng cá biệt cũng có những em đánh giày, chạy xe ôm cũng liều chết ra đi và cũng có kẻ sau này thành đạt vẻ vang. Những người ra nước ngoài bằng cách vượt biên hay bằng các ngã hợp pháp vì nhiều lý do, trong đó có nguyện vọng chính đáng là mưu cầu cái học cho con em mình.

Phận “Rau răm” thì ở lại, chịu đựng một nền giáo dục “đắng cay” [Gió đưa cây cải về Trời. Rau răm ở lại chịu đời đắng cay]. Mà lạ thay, trong dư luận xã hội không xuất hiện lòng ghen tị đáng kể nào. Họ nói, mong con các quan chức chóng thành đạt để quay về mà giải cứu đất nước, với cái đầu mới mẻ của mình. Ý nghĩ ấy có thể nhận lấy sự bẽ bàng. 

Đó là niềm tin bất đắc dĩ, một hy vọng đáng cảm động, xuất phát từ một nỗi tuyệt vọng lớn lao của đông đảo dân chúng. Người dân không những nhìn thấy bản chất của một nền giáo dục không hứa hẹn, mà còn bi quan về một xã hội không thể đi lên. Họ đáng được hưởng một nền giáo dục tốt hơn, mà đành phải chịu đựng một nền giáo dục lạc lối, và ngày càng khốn khổ, từ cấp mẫu giáo “Bé Ngoan” cho đến bậc cao “Tiến sĩ”, và mọi thứ như nó đang diễn ra. 21 trường đại học nước ngoài giả đang lừng lững hiện diện, nhờ những cái bắt tay trong bóng tối từ các góc cung đình! 

Khi nói lên sự trốn chạy nền giáo dục, cũng đủ hiểu sự thật của nền giáo dục ấy ra sao! 

Một nền giáo dục đã 40 năm vẫn tiếp tục bị nhân dân kêu gào, vẫn miên man được nhà nước chi tiền cho kế hoạch đổi mới, và luôn là đổi mới không thành công. Nó tiếp tục “định hướng”, như một trò chơi luẩn quẩn và đáng gọi là phi nhân của những người vô trách nhiệm và mang bệnh hoang tưởng vi cuồng (cuồng điên vì cái nhỏ nhặt hẹp hòi).

Một câu hỏi lớn của nền giáo dục: Tại sao nó như thế? Những người lãnh đạo đất nước muốn dắt dẫn dân tộc đi tới đâu?

Không có câu trả lời. Vì không có ai có trách nhiệm để trả lời. Nền giáo dục đang là biểu trưng bi đát lớn nhất cho dân tộc, mà cũng là của thể chế.

Có lẽ không cần thiết các cuộc bàn bạc lớn lao, dài ngày ở Quốc hội, cùng với kinh phí khổng lồ và thời gian vô tận, như đã từng bàn cãi, từng diễn ra, để rồi được kết thúc theo cách rất hư vô: “Giáo dục là Quốc sách hàng đầu”! 

Có lẽ cũng không cần dùng một nghìn công nhân cùng nhau xây một tòa nhà cao tầng bằng lý luận, thậm chí bằng cơ bắp và tiền bạc, mà không cần một Tổng công trình sư và một số kỹ sư thiết kế đúng nghĩa, đúng người. Ngược lại, không cần số lượng công nhân và số tiền bạc khổng lồ ấy. Chỉ cần một nhóm người kia, họ không thiếu trong nhân dân nhưng khan hiếm trong bộ máy đảng, cũng đủ thiết kế một nền giáo dục tiên tiến ngang với thời đại. Thời ông Ngô Đình Diệm, chỉ trong vài năm dù đối phó nhiều bề, cũng đã hình thành nên một triết lý giáo dục cho đến nay cũng chưa từng lạc hậu, vì họ biết dùng người trí thức liêm chính và biết hướng đến nhịp đập tiến bộ của thời đại.

TBT Nguyễn Phú Trọng đi chỉ đạo Bộ Giáo dục [1], hỏi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Bây giờ thì đã xây dựng được cái triết lý giáo dục chưa? Ông Phạm Vũ Luận trả lời: Dạ, đã bám theo “nghị quyết” 29 của Trung ương Đảng! Thế là xong, Quốc hội yên chí, đã hạ quyết tâm một cách đẹp đẽ: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu!”. Xong! Hai bên, phía trình - phía duyệt đều win-win, và có thông qua thảo luận sôi nổi.

Đổi mới toàn diện, hay đổi mới khiếm diện, cũng đều là đổi mới trình diện, quày quả cho qua ngày tháng tranh trái cuối mùa. 

Tạm trích 3 cái phát biểu tiêu biểu:

- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận:

“Tôi xin khẳng định triết lý trực tiếp của giáo dục chúng ta là Nghị quyết 29 của Trung ương… Ở đây thể hiện cả truyền thống tinh hoa, kinh nghiệm của cha ông ta trong quá trình phát triển và làm giáo dục và cả những vấn đề cập nhật, hội nhập theo quan điểm của chúng ta" (Lại có một cái “tôi” dám khẳng định về cái “triết lý trực tiếp” (!). Cha ông ta dù có tinh hoa đến đâu cũng không thể không lạc hậu, còn “chúng ta” thật ra chẳng có quan điểm gì!).

- TBT Nguyễn Phú Trọng

“Sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng… Ai cũng phải giáo dục, tự mình giáo dục mình, rèn luyện mình, người đi giáo dục cũng phải được giáo dục... nỗ lực hoàn thành tốt sứ mệnh thiêng liêng cao cả mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó – chăm lo sự nghiệp trồng người”. (Thì ra, cái triết lý giáo dục nó u u minh minh là thế, nó bình dân giáo dục đến thế, và cũng không quên cái vụ “trồng” người!).

- Ông Vũ Cao Đàm: 

“…mạnh dạn từ bỏ không nuối tiếc các chương trình giáo dục của quá khứ để đi vào tương lai, mà chúng tôi chưa nhìn thấy le lói một ý tưởng nào khi được “liếc trộm” đề án trình Quốc hội tại phiên họp đang diễn ra trong những ngày này.

Ông Vũ Cao Đàm, sau khi “liếc trộm” (đã là may!), có vẻ uể oải viết đôi dòng trên mạng Bauxite Việt Nam [2] như trên, làm cho người đọc thêm buồn lây lất, và nhắc đến tác phẩm nổi tiếng Future Shock của nhà tương lai học Alvin Toffer, nói về nền giáo dục hiện đại của thế giới đã là “sự bảo lưu ngu xuẩn của quá khứ”. Thế mà, cái triết lý định hướng thiển cận thì đã có sẵn trong túi áo ông Tổng bí thư, từ gốc xuất phát “có niên đại trên 150 năm”. Nhưng quá khứ của quá khứ, và ngu xuẩn của ngu xuẩn có khi trở thành mới mẻ, vì mọi sự đều có thể quay vòng. Nếu thế thì ông Nguyễn Phú Trọng với tài dự đoán xa dài đến cuối thế kỷ, có thể đã là một “nhà nghiên cứu tầm cỡ” về tương lai học. 

Thời gian đã kéo dài 40 năm cho một nền giáo dục dở khóc dở cười, nhưng niềm tin lãng mạn và viển vông ấy vẫn tiếp tục diễn ra như thường lệ.

Bao giờ cho đến tháng ba,
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng…

Không thể có cái nghịch lý ấy, nên không thể có một triết lý giáo dục khác ra đời, chừng nào mà cái triết lý của niên đại 150 năm trước không còn đem ra sử dụng, và con người có khả năng tiên tri về quá khứ ấy, đứng thuyết giảng trên bục diễn đàn với cử tọa phía dưới toàn là những chiếc ghế trống.
 
Bao giờ cho đến tháng ba…! ?

 
30-10-2014
H.Đ.N.

clip_image004

Cuộc đời vẫn đẹp sao!

Chú thích:
1. http://www.tienphong.vn/giao-duc/can-hinh-thanh-mot-triet-ly-ve-giao-duc-588785.tpo
* Chủng tử nghĩa là mầm sống, hạt mầm, hạt giống. Thuật ngữ này vốn chỉ hạt giống thực vật, nhưng được dùng trong Phật giáo với ý nghĩa ẩn dụ là nguyên nhân của mọi vấn đề, đặc biệt là nhân gây ra phiền não; hay tiềm năng của một cái gì đó sẽ phát sinh.

 

Nhãn:

Về cáo buộc của Cơ quan An Ninh Điều Tra Việt Nam đối với ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy

Lê Quốc Tuấn/ FB Con đường Việt Nam
Anh Ba Sàm cùng gia đình chụp năm 1992
Ngày 30/10/2014, Cơ quan An ninh Điều tra (Bộ Công an) đã ra Bản kết luận điều tra số 14/KLĐT cáo buộc ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy vi phạm Điều 258, Bộ luật Hình sự và đề nghị Viện kiểm sát Tòa án nhân dân tối cao truy tố trước pháp luật.

Bản kết luận điều tra này nêu rõ ông Vinh và bà Thúy đã đăng tổng cộng 24 bài viết (có danh sách kèm theo) trên hai trang mạng là diendanxahoidansu.wordpress.com và chepsuviet.wordpress.com, với mô tả là “có nội dung sai sự thật, không có căn cứ; tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bôi nhọ các cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức; đưa ra cái nhìn bi quan một chiều, gây hoang mang lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo đất nước của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. 

Trước thông tin này, Con Đường Việt Nam bày tỏ quan điểm như sau: 

1. Nếu tất cả những cáo buộc dành cho ông Vinh và bà Thúy là đúng sự thật như bản Kết luận điều tra mô tả, thì ông Vinh và bà Thúy hoàn toàn không vi phạm pháp luật khi chỉ thực hiện một phần quyền tự do ngôn luận của mình bằng cách đăng tải lại bài viết của người khác. Quyền tự do ngôn luận đã được quy định rõ tại Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước về các quyền dân sự và dân sự năm 1966 của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn. Quyền cơ bản này không thể bị hạn chế bởi những điều luật mơ hồ như Điều 258, Bộ luật Hình sự. 

Điều 258 đã bị các tổ chức xã hội dân sự trong nước cũng như các tổ chức quốc tế lên án vì tính mơ hồ và tính dễ bị lạm dụng để bắt giữ và giam cầm các nhà hoạt động nhân quyền. Trong phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày 05/02/2014, các nước Pháp, Úc và Canada đã khuyến nghị Việt Nam cần phải sửa đổi điều luật này để đảm bảo quyền tự do ngôn luận theo pháp luật quốc tế. 

2. Việc bắt giữ ông Vinh và bà Thúy hội đủ các điều kiện bắt giữ tùy tiện theo quy định của Liên Hợp Quốc khi được tiến hành không có căn cứ pháp lý và bản thân họ bị bắt giữ chỉ vì thực thi quyền tự do ngôn luận đã được ghi nhận tại Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và các công ước quốc tế khác của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam là thành viên. Con Đường Việt Nam cho rằng, quyết định bắt giữ khẩn cấp đối với ông Vinh và bà Thúy ngày 05/05/2014 cũng đồng thời hoàn toàn trái với quy định về bắt khẩn cấp tại Điều 81, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2013. 

Do đó, chúng tôi yêu cầu Cơ quan An ninh Điều tra (Bộ Công an) trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy, thực hiện mọi biện pháp cần thiết để khôi phục danh dự, uy tín, nhân phẩm và tài sản của họ đã bị xâm phạm. 

Đồng thời, chúng tôi cũng yêu cầu Quốc hội đưa việc hủy bỏ Điều 258, Bộ luật Hình sự vào nghị trình sửa đổi Bộ luật này trong kỳ họp gần nhất và đảm bảo quyền tham gia của người dân. 

TM. Con Đường Việt Nam
Lê Quốc Tuấn

Nhãn:

Dấu hiệu vi phạm Điều 258 ở Bộ Luật Hình sự của “Dư luận viên”

Minh Tâm/ VNTB 
Trần Nhật Quang được giới Facebook đặt là "Trùm dư luận viên"
“Trong khoảng 1 tuần qua, tôi liên tục nhận được thư và tin nhắn đe dọa, chửi bới. Cụ thể là một facebook giấu mặt tên hiển thị là Bo Gia thường xuyên nhắn tin đe dọa tôi với những câu đầy sát khí như “Chết đi thằng phản động ranh con”... Từ đó có thể suy ra rằng những tin nhắn vào điện thoại để khủng bố tôi cũng là của người này”.

Bạn đọc Tôn Phi cho biết như vậy. Tình cảnh tương tự này còn xảy ra với nhiều người khác trong thời gian dài. Chưa thấy vụ việc nào được công khai sáng tỏ từ cơ quan hữu trách. Nhiều ý kiến cho rằng đây là chiêu trò từ phía chính quyền trong việc răn đe những ai dám… “nói trái ý của Đảng và Nhà nước”.

Những chiêu trò đó thường được thực hiện bởi “nhóm chuyên gia” mà ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội gọi là “Dư luận viên”.

Trong một phỏng vấn báo chí vào tháng 01-2012, ông Hồ Quang Lợi, cho biết tính đến tháng 12-2011, Thành ủy Hà Nội đã: “Tổ chức nhóm chuyên gia đấu tranh trực diện trên mạng Internet, tham gia bút chiến trên Internet. Đến nay, đã xây dựng được 19 trang tin điện tử, hơn 400 tài khoản trên mạng”.

Số lượng “dư luận viên” tại Hà Nội, tính đến cuối năm 2011 là 900 người.





Điều 88 và Điều 258 của Bộ Luật Hình sự: góc nhìn khác

Không ít tiếng nói của công dân đã bị quy chụp vi phạm Điều 88 Bộ Luật Hình sự “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, để bỏ tù.

Danh sách những người tù “bất đồng chính kiến”, khá dài: Phùng Quang Quyền, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày), Tạ Phong Tần (blogger Sự thật & Công lý), Phan Thanh Hải (blogger AnhbaSG), Trần Đức Thạch, Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Trội, Lê Nguyên Sang, Nguyễn Bắc Truyển, Huỳnh Nguyên Đạo, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Hữu Tình, Nguyễn Kim Nhàn, Ngô Quỳnh, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Lê Công Định, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Lô Thanh Thảo, Nguyễn Ngọc Cường, Đinh Đăng Định…

Theo lời ông Brad Adams, giám đốc Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, thì “chính phủ Việt Nam đã nhiều lần từ chối không chịu sửa đổi hoặc rút lại những điều khoản về an ninh quốc gia trong bộ hình luật, như điều khoản 88, kết tội những người đối lập ôn hoà... và tiếp tục dùng những luật này để bắt những người chỉ trích phải im tiếng”.

Ông cũng phê phán việc “chính phủ Việt Nam coi việc phát biểu quan điểm là một tội phạm”, và kêu gọi chấm dứt “bỏ tù những người bất đồng chính kiến”.

Vấp phản ứng từ các tổ chức nhân quyền thế giới, thời gian gần đây, “bất đồng chính kiến” – như trường hợp của blogger Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào được căn cứ vào Điều 258 “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” của Bộ Luật Hình sự để xét xử. Điều khoản này nằm trong nhóm phạm các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính.

Và câu chuyện của bạn đọc Tôn Phi nói ở trên, có thể từ căn cứ của nhóm tội phạm này để xem xét trách nhiệm hình sự của những kẻ giấu mặt đang lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm quyền và lợi ích của công dân Tôn Phi.

Những kẻ giấu mặt ấy, rất có thể là đội ngũ “dư luận viên” mà Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã nói ở trên.

Bản chất Điều 258 là gì?

Điều 258 quy định hành vi khách quan là lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Điều 258 được áp dụng trong thực tiễn bảo vệ, điều chỉnh các quan hệ xã hội. Lâu nay vẫn có thói quen nhìn nhận khách thể của tội phạm này là lợi ích của Nhà nước. Trong lúc đó, theo các nguyên tắc Hiến định về quyền con người, thì lợi ích hợp pháp của công dân phải là khách thể lợi ích cao nhất.

Việt Nam đã ký cam kết về sự tương thích của pháp luật quốc gia với pháp luật chung của cộng đồng thế giới. Như vậy, Điều luật 258 trong Bộ Luật Hình sự buộc phải có cách hiểu và vận dụng tương thích với các văn bản pháp lý quốc tế về quyền con người. Việc quy định điều luật này là bảo vệ quyền con người nhằm tránh sự xâm phạm, đảm bảo các quyền tự do dân chủ của cá nhân được bảo vệ ở mức cao nhất.

Như vậy, việc bôi nhọ, phỉ báng về một cá nhân, một công dân nào đó trên blog, mạng Internet, các thiết bị kỹ thuật số, điện thoại… là hành vi phạm pháp có tính nghiêm trọng, nguy hiểm hơn nhiều lần và người vi phạm đều phải chịu hậu quả pháp lý tương ứng. Đội ngũ dư luận viên của Ban Tuyên giáo cũng không nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, của Điều 258 - Bộ Luật Hình sự.

Tự do ngôn luận, hoặc tự do phát biểu, bao gồm quyền phát biểu và phổ biến ý kiến của mỗi công dân, là một trong những nhân quyền cơ bản được qui định trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền.

Hãy mạnh dạn lên tiếng

Việc nhắn tin (như phản ánh của độc giả Tôn Phi) mang tính đe dọa giết người kết hợp cùng các hành động khác nhằm làm nạn nhân biết việc này có thể xảy thì sẽ bị khép vào tội Đe dọa giết người, theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Hình sự.

Đối với việc nhắn tin không mang tính đe dọa giết người, mà chỉ là những lời đe dọa thông thường nhằm ép buộc người nhận tin nhắn phải thực hiện các yêu sách của người nhắn tin. Hành vi này không phạm tội hình sự, nhưng bị xử phạt hành chính về hành vi đe dọa người khác được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 40 Nghị định số 83/2011/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông.

Cụ thể người nào lợi dụng hoạt động viễn thông để thực hiện một trong các hành vi “đe dọa, quấy rối, xúc phạm, xuyên tạc, vu khống uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” bị phạt tiền 10-20 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị buộc chấm dứt sử dụng dịch vụ viễn thông.

Đối với việc nhắn tin mang tính đe dọa giết người kết hợp cùng với các hành động khác nhằm làm cho người bị đe dọa biết việc giết người là có thể xảy ra, và làm cho họ tin rằng nếu họ không thực hiện các yêu sách của kẻ đe dọa thì tính mạng của họ hoặc những người thân thích của họ có thể bị đe dọa, hành vi này thỏa mãn tội Đe dọa giết người được quy định tại Điều 103 Bộ luật Hình sự.

Theo đó điều luật quy định “người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm”.

Như vậy, trường hợp như của bạn đọc phản ánh, nếu sắp tới xảy ra nhiều nội dung đe dọa khác, có thể giải quyết vụ việc theo hướng yêu cầu sự bảo vệ của pháp luật về các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đã được Hiến định.

Trước tiên, hãy làm đơn tố cáo hành vi vi phạm của kẻ đe dọa tới cơ quan điều tra công an quận, huyện. Trong trường hợp có đủ cơ sở xử lý về hình sự, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với người vi phạm. Trong trường hợp vi phạm có dấu hiệu phạm tội hình sự nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan công an ra quyết định xử phạt hành chính đồng thời áp dụng một số biện pháp khác theo quy định của pháp luật buộc người vi phạm chấm dứt hành vi.

Để có chứng cứ nộp kèm theo đơn tố cáo, đương đơn cần cung cấp cho cơ quan điều tra các tin nhắn đe dọa khủng bố tinh thần, ảnh chụp lời đe dọa trên trang Facebook, blog… để cơ quan điều tra có thêm thông tin khi giải quyết vụ việc.

Lưu ý, khả năng các đối tượng sử dụng sim rác để quấy rối, đe dọa nên rất khó có cơ sở để các cơ quan chức năng xử lý. Vì vậy, bạn đọc nên tiếp tục kiên trì thu thập, theo dõi diễn biến của nhóm đối tượng này để làm chứng cứ cung cấp cho các cơ quan chức năng. Nếu cơ quan công an từ chối thụ lý vụ việc theo tố cáo của công dân. Khi ấy địa chỉ tiếp theo để bạn đọc yêu cầu được sự bảo vệ là Viện Kiểm sát tại địa phương.

“Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất” (Khoản 3 Điều 107, Hiến pháp 2013).
Theo VNTB

.............................

+ Có thể tham khảo thêm bài viết xoay quanh vụ án liên quan đến ông Nguyễn Bá Thanh, được xét xử theo Điều 258, Bộ Luật Hình sự.

Nhãn:

Sự quan trọng của “Quyền im lặng”

Mặc Lâm/ RFA 
Rất tốt cho người dân

“Quyền im lặng” được hiểu một cách phổ quát trong hiến pháp nhiều nước là nhằm bảo vệ sự công bằng của luật pháp tránh áp đặt hay sử dụng kỹ thuật bức cung trá hình đối với một cuộc điều tra không có sự hiện diện của luật sư đại diện cho nghi can. Trong khi đó nhiều chục năm qua Quốc hội Việt Nam lại không muốn thông qua quyền này. Trên nhiều bộ phim hình sự của Mỹ người xem thường thấy cảnh sát Mỹ bắt một nghi can với một câu nói bắt buộc phải đọc cho chính nghi can đó nghe trước khi giải giao về đồn cảnh sát như sau:

“You have the right to remain silent; Anything you say can be used against you in a court of law; You have the right to consult with a lawyer and have that lawyer present during the interrogation; If you cannot afford a lawyer, one will be appointed to represent you”.

Bạn có quyền giữ im lặng; Bất cứ điều gì bạn nói có thể được sử dụng để chống lại bạn trong một tòa án của pháp luật; Bạn có quyền tham khảo ý kiến ​​một luật sư và có luật sư hiện diện trong cuộc thẩm vấn; Nếu bạn không thể đủ khả năng một luật sư, một luật sư sẽ được bổ nhiệm làm đại diện cho bạn.

Câu nói của cảnh sát Mỹ theo luật Miranda bắt buộc một người bị bắt được quyền có một luật sư ngồi kế bên khi cảnh sát thẩm vấn để tránh trường hợp mớm cung, bức cung hay thậm chí áp lực người bị hỏi cung để họ khai những điều không có thật. Đây là “Quyền Im lặng” được bảo vệ bởi hiến pháp Mỹ và không một luật sư hay cảnh sát nào của Mỹ không biết.

Giáo sư Lan Cao, Giảng dạy môn luật Quốc tế tại Đại học Chapman University cho biết về Luật này tại Hoa Kỳ như sau: 

“Ở Mỹ có luật được gọi là Miranda v. Arizona. Tòa tối cao của Mỹ nói khi một người bị cảnh sát hay công an tin là đã làm điều gì không đúng và bị công an hay cảnh sát hỏi cung thì người cảnh sát phải nói cho người bị hỏi trước là người đó có quyềm im lặng, không cần trả lời những gì mà cảnh sát hỏi. Nếu cảnh sát không cho người bị hỏi cung biết là họ có cái quyền đó thì những gì mà người dân khai, bất cứ nói cái gì, thí dụ như nói rằng tôi có lỗi, hay nhận lỗi… thì tất cả những lời khai ấy sẽ không được sử dụng trước tòa. Cái luật này rất tốt cho người dân.”

Tại Việt Nam, đất nước đang cố gắng cải tổ hiến pháp, cụ thể hay hợp thức hóa những luật đã được ghi nhằm nâng cao tinh thần thượng tôn luật pháp trong đó có luật im lặng, một đạo luật đang được nhiều nước áp dụng. Luật sư Trần Đình Triển cho biết tuy chưa ban hành chi tiết thi hành nhưng thực ra luật im lặng đã có trong hệ thống pháp luật Việt Nam ông cho biết:

Tôi cho rằng quyền im lặng, thực tế, đã được qui định trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Thứ nhất là Công ước quốc tế về quyền dân chủ và chính trị được Việt Nam đã phê chuẩn và tham gia năm 1982. Thì đó chính là những bản qui định về quyền im lặng. Thứ hai là trong bộ luật hình sự của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam qui định “nếu như thành khẩn khai báo thì được hưởng chính sách khoan hồng và được coi là một tình tiết giảm nhẹ” trong điều 46 của bộ luật hình sự. Không có một điều nào trong luật qui định là người đó  im lặng thì người đó phải chịu tình tiết tăng mạnh hay là nghiêm cấm việc không khai báo cả. 

Đấy là trong bộ luật hình sự. Còn bộ luật tố tụng hình sự thì cũng qui định “trách nhiệm chứng minh hành vi có tội hay không có tội là trách nhiệm của cơ quan thi hành tố tụng”. Qui định của bộ luật hình sự thì “quyền khai báo là quyền của bị can, bị cáo”. Bảo là quyền thì người ta có thể thực hiện hay là không thực hiện. Ở đây không qui định nghĩa vụ họ phải khai báo. Trong qui định của hệ thống pháp luật Việt Nam như là hiến pháp nói về quyền con người, quyền tự do ngôn luận... Tất cả những điều đó đã thể hiện được rằng bị can, bị cáo có quyền im lặng cũng là  đã thể hiện một cách tổng thể trong các đơn lẻ của hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như là điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Chỉ có điều là chưa cụ thể quá bởi những điều luật để cho người ta  rõ ràng, rành mạch hơn thôi. Vì vậy tôi cho rằng là đang tranh luận với nhau ở điểm đó.

Luật sư Trần Thu Nam cho biết những lợi ích nếu quyền im lặng được tôn trọng triệt để:

Có nhiều cái có lợi cho bị can, bị cáo nếu như được áp dụng quyền im lặng khi họ hiểu biết pháp luật. Nếu hiểu biết pháp luật không cao thì việc họ khai báo mà không có luật sư bên cạnh sẽ là điều bất lợi cho họ. Thứ hai là lời khai báo của họ có thể là chứng cứ chống lại họ. Cho nên nếu họ không bị bắt buộc phải khai báo mà quyền im lặng được thông qua thì họ sẽ hạn chế những bằng chứng đã khai ra chống lại họ thì đó là việc rất có lợi cho bị can, bị cáo. Khi thực hiện quyền im lặng của mình, việc luật sư vào để bảo vệ cho họ thì nó sẽ được thuận lợi hơn; Nó giúp cho họ việc khai báo như thế nào, khai báo trong mức độ như thế nào trước khi tố tụng.

Đại biểu Quốc Hội Đỗ Văn Đương, nguyên là một Kiểm sát viên cho rằng hiến pháp mới của Việt Nam đã có những tiến bộ rất lớn trong việc thi hành luật qua việc cho phép luật sư có mặt trong các cuộc điều tra ông cho biết:

Bây giờ hiến pháp mới qui định rồi đấy. Trước đây mình dùng khung hình bào chữa từ khi khởi tố bị can. Sau đó năm 2003 thì mình mở ra bào chữa từ khi bị can bị tạm giữ. Bây giờ mình mở ra nữa tức là ngay khi bị bắt thì luật sư nhảy vào có thể bào chữa ngay. Tức là rất tiến bộ rồi. Thế này thì sau này cơ quan điều tra hết sức mệt mỏi đây.”

Tình trạng luật sư quá mỏng 

Tuy nhiên trong khóa họp Quốc hội lần này khi đại biểu đề nghị thảo luận “Quyền Im lặng” thì Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Quốc hội cho rằng “Quyền im lặng áp dụng có hiệu quả hay không còn liên quan đến nhận thức, hiểu biết của người dân. Nếu cứ cho im lặng có thể sẽ dẫn đến cản trở hoạt động điều tra”.

Giáo sư Lan Cao phản bác lý do mà ông Đinh Xuân Thảo đưa ra để cản trở Quốc hội không đưa vào chương trình nghị sự về quyền im lặng, bà nói:

“Người dân càng ít học thì cái luật này càng quan trọng thêm. Chính phủ gì mà nói rằng người dân không có trình độ thành ra không cần cái luật im lặng thì điều đó không có lý.

Tại vì mình càng không hiểu biết thì càng cần luật đó. Cảnh sát ngay cả bên Mỹ chứ không riêng gì Việt Nam nhiều khi đem mình vô nó hỏi mình 10 tới 12 tiếng đồng hồ. Không có luật sư ngồi đó với mình nhiều khi người ta nói trật bị cảnh sát lừa, cảnh sát dùng chuyện người ta nói trật để nhốt người ta thêm thành ra cần có luật đó để bảo vệ người dân. Giáo dục của người dân càng ít thì luật này càng quan trọng thêm. Không phải người ta phải thông minh hay là có giáo dục rồi mới có luật đó.”

Quyền im lặng nếu áp dụng tại Việt Nam thì cản trở lớn nhất là tình trạng luật sư quá mỏng hiện nay. Tuy nhiên để khắc phục tình trạng này, nhà nước có thể yêu cầu Hội Luật sư cung cấp luật sư tập sự hay ngay cả sinh viên luật cũng có thể làm nhân chứng tại buổi làm việc đầu tiên của công an đối với một nghi can.

Khi nào “Quyền im lặng” còn nằm im lặng trong tòa nhà Quốc hội thì lúc ấy oan sai vẫn sẽ tiếp diễn như từ trước tới nay trong rất nhiều vụ án, đó là chưa nói chính bản thân nghi can có thể bị tra tấn đến chết như vẫn thường xảy ra từ nhiều năm nay.


Nhãn:

Thêm 2 blogger Việt Nam bị đề nghị truy tố vì điều 258

Trà Mi/ VOA
Ông Nguyễn Hữu Vinh, người sáng lập trang anh Ba Sàm
Thêm hai blogger trong nước bị đề nghị truy tố về tội danh ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’ bất chấp sự chỉ trích và phản đối mạnh mẽ đối với điều luật 258 Bộ luật Hình sự Việt Nam mà cộng đồng quốc tế cho là vi phạm các quyền tự do căn bản của công dân.

Cơ quan an ninh điều tra của Việt Nam nói ông Nguyễn Hữu Vinh (sinh năm 1956), chủ nhân trang blog Ba Sàm nổi tiếng, và người đồng sự Nguyễn Thị Minh Thúy (sinh năm 1980) từ tháng 9 năm ngoái đến lúc bị bắt hồi tháng 5 năm nay đã phổ biến nhiều bài viết trên hai trang blog ‘Dân quyền’ và ‘Chép Sử Việt’ có nội dung chống nhà nước.

Bản kết luận điều tra cáo buộc những thông tin ông Vinh và bà Thúy đăng tải là ‘sai sự thật, không có căn cứ, tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước’, ‘đưa ra cái nhìn bi quan một chiều, gây hoang mang lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo đất nước của đảng, chính phủ…’

Tuy nhiên, cơ quan điều tra không nêu rõ những bài viết đó không đúng sự thật điểm nào hoặc làm ‘ảnh hưởng’ ‘lòng tin’ nhân dân cụ thể ra sao.

Kết luận điều tra cũng không đề cập tới trang Ba Sàm do ông Vinh sáng lập vào năm 2007, trái với các thông tin báo chí nhà nước đồng loạt đăng tải khi hai blogger này bị bắt nói rằng vụ án có liên quan trực tiếp đến trang Ba Sàm.  

Thậm chí, báo Pháp luật Việt Nam hôm 10/5 từng tố cáo “Nguyễn Hữu Vinh còn kết nối quan hệ với Việt Tân – một tổ chức ở Mỹ chuyên chống Việt Nam – thông qua ‘cầu nối’ Đinh Ngọc Thu – một thành viên của Việt Tân, nhận sự chỉ đạo trực tiếp, đạo diễn của Thu cho những bài viết chống Việt Nam trên trang blog của mình.”

Bà Đinh Ngọc Thu, một cộng sự của ông Vinh tại Mỹ đảm trách điều hành trang Ba Sàm, phản ứng trước nội dung kết luận điều tra của cơ quan an ninh Việt Nam:

“Những thông tin cơ quan an ninh điều tra đưa ra buộc tội anh dính tới điều 258 là hoàn toàn không đúng. Bản kết luận điều tra này tôi thấy rất lạ, hoàn toàn không có chữ nào nhắc tới trang Ba Sàm, khác với thông tin báo chí trước đây đã đưa, hoàn toàn mâu thuẫn với tất cả những thông tin mà báo chí đã đăng tải từ trước tới giờ.”

Theo kết luận điều tra của Bộ Công An ngày 30/10, ‘đây là vụ án nghiêm trọng’ ‘xảy ra trong tình hình các thế lực thù địch trong và ngoài nước đang gia tăng sử dụng internet.’

Văn bản đề nghị truy tố viết rằng hai blogger Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy ‘không khai nhận hành vi phạm tội’, ‘cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật.’

Đại diện pháp lý của ông Vinh và bà Thúy cho biết chưa có đủ cơ sở chứng cứ buộc tội thân chủ của ông và rằng vụ án có nhiều sai phạm cần phải được làm rõ trước pháp luật.
Luật sư Hà Huy Sơn:

“Có nhiều điều chúng tôi sẽ nói trong vụ án này. Có nhiều vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng theo Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam. Kết luận của cơ quan điều tra chưa có cơ sở khẳng định rằng những chứng cứ đó liên quan đến ông Vinh và bà Thúy. Dựa theo luật Việt Nam, chưa có cơ sở khẳng định đây là những chứng cứ của vụ án để mà cáo buộc họ.”

Blogger Ba Sàm và thư ký Minh Thúy bị cáo buộc vi phạm điều 258 giữa lúc ngày càng gia tăng các nỗ lực từ giới hoạt động trong và ngoài nước, quốc tế, và các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới mà gần đây nhất là cuộc quốc tế vận của các blogger Việt Nam ra trước Liên hiệp quốc vận động buộc Việt Nam hủy bỏ điều luật này.

Luật sư Hà Huy Sơn là người tham gia nỗ lực đó. Ông cũng là một trong số ít luật sư trong nước tham gia nhiều vụ án 258 trước nay.

Luật sư Sơn chia sẻ:

“Tôi sẽ đấu tranh cho việc hủy bỏ điều 258 vì điều này không rõ ràng, dễ bị các cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước lợi dụng để xâm phạm quyền của công dân đã được quy định trong Hiến pháp 2013.”

Luật sư Sơn nói để các nỗ lực vận động bảo vệ nhân quyền đó có hiệu quả hơn, mọi người cần ý thức trách nhiệm công dân và hiểu rõ những quyền chính đáng được hưởng cũng như những quyền hợp pháp bị xâm hại:

“Yếu tố quyết định vẫn là những người dân trong nước. Giới trí thức và những người đấu tranh phải nhận thức ra cái sai trái, vô lý của điều 258. Từ đó, nó lan tỏa ra xã hội mới tiến tới việc có áp lực buộc nhà nước hủy bỏ điều này. Theo tôi, các sự vận động cũng có kết quả bước đầu mà quy trình tất yếu là nó phải từng bước một.”

Luật sư nói thêm điểm ‘mơ hồ, vô lý’ ở 258 thể hiện rõ ngay ở cụm từ ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’:

“Quyền tự do dân chủ là quyền đương nhiên của người ta rồi, không thể nói người ta ‘lợi dụng’. Lợi dụng tức là xâm phạm vào một cái tội nào đó được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự Việt Nam. Chứ còn nói khái niệm ‘lợi dụng’ thì rất là khó hiểu. Cái mơ hồ nằm ở chỗ đó.”

Tổ chức Theo dõi nhân quyền Human Right Watch tố cáo việc bắt giữ ông Vinh và bà Thúy là vi phạm quyền tự do ngôn luận và tự do thông tin của người dân.

Ủy ban Bảo vệ Ký giả CPJ nói vụ án này cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam hoàn toàn không có ý định nới lỏng chiến dịch đàn áp những tiếng nói bất đồng quan điểm trên mạng bất chấp chỉ trích gia tăng từ quốc tế.

CPJ và Human Rights Watch kêu gọi phóng thích vô điều kiện tất cả các blogger và nhà báo độc lập đang bị giam giữ tại Việt Nam.

Blogger Nguyễn Hữu Vinh là con trai ông Nguyễn Hữu Khiếu, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động từng làm đại sứ Việt Nam tại Liên Xô.

Bản thân ông Vinh từng là cán bộ an ninh do nhà nước đào tạo, nhưng đã xin ra khỏi ngành. Ông từng bị bắt khẩn cấp vào tháng 7 năm 2012.

Nếu bị tòa tuyên là có tội, ông Vinh và bà Thúy có thể đối mặt với án tù lên tới 7 năm.

Nhãn:

Dân năn nỉ, "quan" có nghe?...

Hà Văn Thịnh/ Một thế giới
Đọc bài “71.000 dân năn nỉ tỉnh đừng xây thủy điện...” (Motthegioi, 09:42, 30.10.2014), có lẽ không ai không thấy nao lòng. Chưa bao giờ trong lịch sử nước nhà lại xảy ra chuyện tất cả dân cư trong một huyện – bao gồm từ lãnh đạo đến người dân bình thường lại đồng lòng đến thế khi kêu cứu, có nghĩa là, sự việc đã trở nên cấp bách lắm, những hệ lụy khó lường của vấn nạn thủy điện tắc trách, thiển nghĩ, ngắn nhìn đã hiển hiện, cận kề...

Tại sao cấp tỉnh vẫn phớt lờ khi cấp huyện ‘năn nỉ’, lãnh đạo coi như không có dù dân đen năn nỉ? Đã có biết bao lần năn nỉ, bao nhiêu ngàn vụ việc năn đi, nỉ lại, năn nỉ mãi hoài vẫn tựa như nước đổ lá môn? Giật mình, mới chợt ngẫm ra xung quanh cái chuyện ‘năn nỉ’ có vô số thứ phải bàn.
 
Người dân năn nỉ các cơ quan chức năng hàng chục năm nay hãy giảm bớt các loại giấy tờ phiền hà; thế nhưng, dường như giấy tờ ngày một... nhiều hơn. Chỉ lấy một ví dụ nhỏ hơn cả chuyện “Con dế vất cây vĩ cầm trên cỏ/ Úp mặt vào thương nhớ khóc đơn côi”: Để vận chuyển 45 nghìn tấn mật ong ra khỏi địa phương, sẽ cần tới 225 nghìn giấy kiểm dịch. Giả sử cấp 1 giấy phép hết 1 ngày thì số thời gian cần tới 225 nghìn ngày, tương đương 616 năm và nếu mất 2 ngày cho 1 giấy phép thì sẽ cần 1.232 năm (Tin 247.com, 07:26, 29.10.2014).
 
 Dư luận năn nỉ xin các quan tòa đừng ‘vô ý’ hết năm này sang năm khác, để đến nỗi án oan sai chất chồng lớp này lên lớp khác. Người bị oan đau khổ, người đóng thuế mất tiền đền bù cho sự ‘vô ý’ của các quan kém khả năng (hoặc kém công minh): Chỉ riêng một vụ án xử oan ông Lương Ngọc Phi mà Tòa án Nhân dân Thái Bình ‘phải’ lấy... tiền công bồi thường cho nạn nhân 668 triệu đồng (TT, 14:50, 28.10.2014). Hàng trăm hay hàng ngàn vụ tương tự, dân năn nỉ các quan tòa hãy rủ lòng thương đối những khoản tiền mà các quan nghĩ là èo ọp của dân nghèo quanh năm gạt bèo vợt tép.
 
Báo chí năn nỉ hết bài này đến trang khác về những chuyện hàng ngày xa xót nào là nhầm lẫn 2 tỷ USD, nào là tính sai 800 tỷ thành 34.000 tỷ đồng, nào là “đội vốn tí tẹo’ mấy trăm triệu USD cho một đoạn đường, nào là nhà Quốc hội mới xây nhưng phóng viên phải tác nghiệp từ... sàn nhà, nào là dự án sân bay đắt gấp đôi người ta nhưng vận chuyển hành khách lại kém người... Thử hỏi, một đất nước mà chuyện buồn hàng ngày cỡ động trời nhiều hơn cả số ngày trong một năm thì lấy gì để tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc cho tới ngày mai?... 

Năm hết tết đến, để chạy theo lợi nhuận bất lương, không ít doanh nhân rủ nhau ‘chế biến’ dầu bẩn, thịt thối để lường gạt dân lành. Dân năn nỉ các cơ quan chức năng hãy lo đúng, làm đủ những việc phải làm để ngăn chặn, loại trừ những hiểm họa. Phát hiện ra dầu bẩn, thịt thối là điều đáng ghi nhận nhưng sẽ tốt hơn nếu như những thực phẩm tồi tệ ấy không thể đem lên bàn ăn của các cháu để đến nỗi ăn rồi mới... biết. 

Một vài ví dụ trên đây chỉ là những “phác thảo” xám xịt liên quan đến những điều cần năn nỉ. Trở lại chuyện 71.000 dân năn nỉ thì xin thưa rằng, đó không thể là chuyện nhỏ. Cần phải có sự cứu xét, tính toán, thẩm định kỹ càng mọi ngõ ngách của vấn đề. Hơn nữa, tại sao quan được bầu ra để làm ‘đầy tớ’ cho dân mà lại không nghe lời dân... năn nỉ? 

Trong cuộc đời, người ta tin vào sự năn nỉ với 3 điều kiện. Thứ nhất, người ta nghĩ rằng người được năn nỉ ‘chưa đến nỗi nào’. Thứ hai, dù ít hay nhiều thì đối tượng của sự năn nỉ vẫn còn có chút tình cảm từ người đi năn nỉ. Thứ ba, vấn đề liên quan đến sự năn nỉ vẫn ở trong tầm kiểm soát, có thể thay đổi được.
 
Từ 3 cái lẽ giản dị trên đây, các quan lớn rất nên mừng là vẫn còn được người dân năn nỉ... 

Huế, 31.10.2014

Nhãn:

Giải trình dự án sân bay Long Thành mù mờ

Nam Nguyên/ RFA
Mô hình dự án xây dựng Sân bay Quốc tế Long Thành.
Chính phủ Việt Nam vẫn cố gắng tạo niềm tin công chúng về siêu dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, mặc dầu Quốc hội xác định không tiến hành việc biểu quyết về chủ trương đầu tư siêu dự án này trong kỳ họp thứ 8 khóa 13 kéo dài từ 20/10 đến 28/11/2014.

Thảo luận chứ không biểu quyết?

Sáng 29/10/2014 Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã thay mặt Thủ tướng trình bày trước Quốc Hội bản báo cáo giải trình bổ sung về dự án xây dựng sân bay Long Thành và tới ngày 14/11 sắp tới Quốc hội mới tiến hành thảo luận về chủ trương đầu tư siêu dự án này. Xin nói rõ chỉ thảo luận cho ý kiến mà không tiến hành biểu quyết.

TS Nguyễn Quang A một nhà phản biện độc lập, nguyên Viện trưởng Viện Phát triển IDS từ Hà Nội nhận định về việc Quốc hội đang trì hoãn Dự án Sân bay Long Thành.

“Tôi nghĩ nó phản ánh sự lo lắng chung của toàn xã hội mà ngay trong các đại biểu quốc hội thì những đại biểu thí dụ của Đồng Nai chẳng hạn thì rất sốt sắng để làm, còn những đại biểu khác nhất là những thành viên của Ủy ban Ngân sách, Ủy ban Kinh tế Quốc hội thì người ta rất là băn khoăn vì nhiều chi phí chưa được tính đến và nhiều chi phí được vống lên rất là cao và điều đấy cũng dễ hiểu bởi vì những người muốn làm thì cố gắng nói là chi phí thấp không lấy nhiều từ ngân sách, nhưng thực sự họ còn bỏ sót rất nhiều khoản chi phí phải tính mà chưa được tính đến. 

 Thực sự cái báo cáo đó lẽ ra phải gởi cho các đại biểu Quốc hội 6 tháng trước thì người ta mới gởi hồi đầu tháng này và báo cáo bổ sung thì mới gởi được cho đại biểu Quốc hội một ngày trước khi thảo luận và tôi nghĩ rằng việc làm cập rập ấy cũng gây ra một tâm lý cho các đại biểu Quốc hội về việc cho ý kiến, việc hoãn quyết định dù chỉ là về chủ trương đầu tư cho đến một kỳ họp sau của Quốc hội. Tôi nghĩ nó phản ánh cái thực trạng ý kiến của công luận Việt Nam hiện nay.”

Theo TS Nguyễn Quang A việc phải xây một sân bay mới cho Saigon là một nhu cầu có thực, việc đó không sớm thì muộn cũng phải làm, nhưng mà làm lúc nào ở qui mô nào, tốn bao nhiêu tiền thì đấy thực sự là việc phải cân nhắc bởi vì hiện nay việc chi tiêu của nhà nước đang rất gay cấn đang có nợ nần tăng cao.

Một loạt các báo mạng như VnEconomy, Tiền Phong, VnExpress đưa tin cho thấy Chính phủ cố gắng biện minh cho dự án sân bay Long Thành. Các báo cũng đồng thời đưa tin về một nội dung báo cáo cho đại biểu Quốc hội vào ngày 30/10/2014, theo đó tình trạng nợ công đã vượt trần, nếu tính đủ cả số nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ trái phiếu Chính phủ, nợ xây dựng cơ bản.

Trong dịp trả lời chúng tôi, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế hiện sống và làm việc ở Hà Nội nhận định:

“Trong bối cảnh hiện nay các cơ quan chức năng trình Chính phủ thì nói là tính cấp thiết và sự quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất nếu mở rộng thì không có hiệu quả bằng xây dựng sân bay Long Thành. Nhưng điều này để đánh giá một cách chính xác thì rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng như người dân đòi hỏi là phải có tư vấn độc lập đặc biệt của nước ngoài vào đánh giá một cách khách quan thì khi đó lòng tin vào dự án này mới có được.”  

Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam, báo cáo thẩm tra của ủy ban Kinh tế Quốc hội về báo cáo đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành do ông Nguyễn Văn Giàu chủ nhiệm Ủy ban trình bày sáng 29/10 tại Quốc hội cho thấy sự ủng hộ đối với quan điểm cần có một cảng hàng không quốc tế hiện đại đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không, góp phần phát triển kinh tế xã hội gắn với nhiệm vụ quốc phòng an ninh. Tuy nhiên các thành viên Ủy ban đặt ra nhiều câu hỏi như tính cấp thiết của dự án và nên chọn thời điểm đầu tư thích hợp. Một số câu hỏi mà báo chí ghi nhận từ Ủy ban thể hiện sự nghi ngờ những lời giải đáp cũng như những số liệu mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra liên quan đến thị phần hàng không, sự quá tải của Tân Sơn Nhất cũng như luận điểm cho rằng mở rộng Tân Sơn Nhất hay cải tạo sân bay Biên Hòa là không khả thi.

Đáp câu hỏi của chúng tôi là liệu có quá khó để xác minh làm rõ những số liệu thổi phồng không trung thực của Bộ Giao thông Vận tải và ngành hàng không. TS Nguyễn Quang A nhận định:

“Tôi nghĩ rất là dễ nhưng mà người ta cố tình làm cho tình hình thông tin nó tù mù đi. Bởi vì đằng sau sự tù mù thông tin này là những lợi ích rất đáng kể của những nhóm đặc lợi. Tôi nghĩ ở đâu cũng như vậy thôi nhưng để giảm bớt tình trạng này thì có công cụ duy nhất là minh bạch, minh bạch… minh bạch và có nhiều tổ chức cơ quan có thể nêu lên tiếng nói của mình rằng con số này của ông đưa ra đằng sau nó là những động cơ gì… tất cả những thứ đó đều được phơi bày cho công chúng, tất nhiên cho những nhà hoạch định chính sách. 

Giấc mơ trung chuyển quốc tế?

Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đã trình một loạt ý kiến của giới khoa học phản biện các lập luận lẫn số liệu mà Bộ Giao thông Vận tải và ngành hàng không đưa ra để cổ vũ cho siêu dự án sân bay Long Thành. TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ & Quản lý TP.HCM chứng minh rằng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất chỉ mất khoảng 2 tỷ USD thay vì hơn 9 tỷ USD như báo cáo của Bộ  Giao thông Vận tải. Theo TS Phúc sân bay Tân Sơn Nhất có hai đường băng tiêu chuẩn quốc tế, đường phía Bắc dài 3.200 mét  rộng 45 mét, đường phía Nam dài 3.800 mét rộng 45 mét có khả năng tiếp nhận những máy bay chở khách lớn nhất thế giới như Airbus 380 hay Boeing 747-400. TS Nguyễn Bách Phúc nêu ví dụ sân bay Hong Kong cũng chỉ có 2 đường băng rộng 45 mét dài 3.800 mét nhưng có năng lực 87 triệu hành khách/năm. Nếu Tân Sơn Nhất quá tải trong tương lai với 25 triệu hành khách năm thì ở đây liên quan đến khả năng điều hành sân bay của ngành hàng không.

Trong bài khác trên báo điện tử Giáo Dục, TS Nguyễn Bách Phúc đã bác bỏ giấc mơ trung chuyển quốc tế của các tác giả dự án Long Thành. Vị trí địa lý khiến cho Long Thành chỉ có thể trung chuyển cho 3 nước là Indonesia, Philippines và Australia nhưng hai nước Indonesia và Philippines rất gần Long Thành sẽ hiếm có cơ hội làm trung chuyển cho họ. Nghĩa là chỉ còn lại một nước Úc, nhưng tất cả các sân bay Quốc tế ở Đông Nam Á đều có khả năng này. Vẫn theo TS Nguyễn Bách Phúc, các sân bay Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur có số lượng hành khách khổng lồ không phải vì vai trò trung chuyển mà là hành khách trực tiếp đến Thái Lan, Malaysia và Singapore để du lịch và kinh doanh.

Cũng trên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Hữu Minh trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội chứng minh rằng chi phí dự kiến sân bay Long Thành đắt đỏ đến kinh ngạc. Dẫn các số liệu ông Minh cho biết, chi phí xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn I là 156 USD/hành khách tức 7,8 tỷ USD cho 50 triệu hành khách. Trong khi đó sân bay Suvarnabhumi Thái Lan chỉ có suất đầu tư 90USD/hành khách hay sân bay Changi của Singapore một sân bay vào hàng tốt nhất thế giới cũng chỉ có mức đầu tư 101 USD/hành khách.

Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, TS Nguyễn Quang A nhận định:

“Xét cho cùng vấn đề đầu tư bất luận người ta đặt ra là tiền ngân sách hay là tiền ở đâu chăng nữa thì cái cuối cùng cũng vẫn là khoản đầu tư có mang lại hiệu quả hay không? Số tiền đầu tư rất là nhiều hiệu quả mang lại có vẻ rất là lớn người ta nói tới mấy chục phần trăm. Nhưng mà tính tất cả những giả định về số lượng hành khách…là đều được thổi phồng cả về hai mặt, một mặt với sân bay Tân Sơn Nhất và một mặt là triển vọng với sân bay Long Thành và tôi nghĩ là các đại biểu Quốc hội đã khá cân nhắc về tính hiệu quả kinh tế của bản thân dự án này ra sao. Để hiểu rõ  hiệu quả kinh tế thì thực sự cần rất nhiều thông tin chi tiết hơn mà các đại biểu Quốc hội cũng không có; bản thân người dân cũng không có. Tình hình hiện tại là như vậy.”

Trên trang điện tử Người Đô Thị, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, tiến sĩ kỹ thuật hàng không đại học Sydney Úc; thạc sĩ quản trị hành chánh công đại học Harvard Hoa Kỳ; nguyên chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không Đại học Bách khoa TP.HCM đã chứng minh một cách khoa học là số liệu sản lượng hàng không của sân bay Tân Sơn Nhất đã được thổi phồng. Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống dựa vào số liệu niên giám thống kê Cục Thống kê TP.HCM, số liệu của Tổng Công y Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) và số liệu 100 sân bay đông khách nhất thế giới năm 2011 để dẫn tới kết luận rằng, số liệu về sản lượng hàng không của sân bay Tân Sơn Nhất đã được thổi phồng để tuyên truyền về tình trạng quá tải của nó và dự báo nhu cầu ảo rất lớn trong tương lai cho sân bay Long Thành. Tổng Công y Cảng Hàng không Việt Nam nơi cung cấp số liệu cho báo cáo đầu tư Dự án sân bay Long Thành được cho là đã nâng số lượng hành khách qua Tân Sơn Nhất năm 2011 từ 9,4 triệu khách theo niên giám thống kê lên tới mức 16,7 triệu hành khách. Trên thực tế sân bay Tân Sơn Nhất không có tên trong danh sách 100 sân bay đông khách nhất thế giới năm 2011 mà chót bảng là sân bay Aucland của New Zealand có số lượng hơn 14 triệu khách vào năm 2011.

Theo VnExpress, ông Dương Trung Quốc đại biểu Quốc hội đơn vị Đồng Nai nơi dự án long Thành tọa lạc, nhấn mạnh đến việc xây dựng lòng tin trong nhân dân cả nước và cách tốt nhất là phải tìm sự phản biện độc lập. Vẫn theo ông Dương Trung Quốc, dự án này tầm cỡ quốc tế vì vậy việc phản biện cũng cần đến những tổ chức uy tín của thế giới thì mới thuyết phục được nhân dân.


Nhãn:

Không thể phớt lờ quyền tự ứng cử của công dân

Thụy My/ RFI
Toàn cảnh QH khóa 13 kỳ họp thứ 8, khai mạc tại Hà Nội ngày 20/10/2014.
Ngày 28/10/2014, một số tổ chức dân sự với vai trò khởi xướng trong đó có Hội Nhà báo Độc lập, đã ra Tuyên bố về quyền tự ứng cử của công dân. Tuyên bố này được đưa ra vào thời điểm đang diễn ra kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIII (20/10 đến 28/11/2014), với hai phần ba thời lượng được dành cho việc xây dựng các luật. Được biết đây là kỳ họp có số lượng luật được Quốc hội thông qua và cho ý kiến nhiều nhất từ trước đến nay.


RFI Việt ngữ đã đặt câu hỏi với nhà báo Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập về vấn đề trên.

RFI : Xin chào nhà báo Phạm Chí Dũng. Anh có thể cho biết lý do vì sao bản tuyên bố về quyền tự ứng cử của công dân được nêu ra vào thời điểm này?

Nhà báo Phạm Chí Dũng : Ngay thời điểm này, Quốc hội Việt Nam đang họp kỳ cuối năm 2014 và sẽ bàn về bầu cử đại biểu Quốc hội - một vấn đề mà trong con mắt những người độc tôn đảng trị là hết sức “nhạy cảm”. Nhưng lại đang có những dấu hiệu Ủy ban Thường vụ Quốc hội muốn phủi tay một vấn đề rất thiết thân với quyền đương nhiên của nhân dân là quyền tự ứng cử.

Từ Hiến pháp 1992 đến Hiến pháp 2013 đều quy định: Công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân. Thế nhưng trong suốt 68 năm qua, quyền tự ứng cử của công dân vẫn chỉ là một vật trang trí bị rẻ rúng. Lúc cần thì mang ra bài trí cho “dân chủ cơ sở”, nhưng thực chất là bóp nghẹt ngay tức khắc những ai muốn tự mình cất lên tiếng nói.

Một minh chứng rất rõ cho tình trạng bóp nghẹt đó là hình thức ứng cử thông qua tổ chức, cơ quan, đơn vị giới thiệu luôn áp đảo so với việc ứng cử của bất kỳ cá nhân nào. Cứ gần mỗi kỳ bầu cử, các cấp từ quận huyện, tỉnh thành đến trung ương đều ra sức “vận động” và cả đe dọa những người tự ứng cử, kể cả đảng viên, để rút tên.

Chẳng hạn các điều các điều 34, 35, Luật bầu cử đại biểu lại quy định chặt chẽ việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương. Chính lối bầu cử áp đặt theo cơ chế “Đảng cử dân bầu” trên đã tạo ra sự bất bình đẳng sâu sắc và xúc phạm nặng nề đối với việc tự ứng cử của công dân.

Kết quả ba cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội gần đây đã cho ra những con số quá thấp về tự ứng cử. 

Chẳng hạn Quốc hội khóa XI cả nước có 67 người tự ứng cử, kết quả chỉ có 2 người trúng cử. Quốc Hội khóa XII cả nước có 238 người tự ứng cử, chỉ duy nhất 1 người trúng cử; còn đến Khóa XIII thì công tác vận động “thành công” đến mức số người tự ứng cử chỉ còn có 15, trúng cử 4 người.

Còn lần này, Quốc hội sẽ bàn về luật bầu cử đại biểu, nhưng hầu như chắc chắn họ sẽ lặp lại lối mòn cũ là áp đặt cơ chế “đảng cử dân bầu”, và sẽ hạn chế đến mức tối thiểu những người tâm huyết muốn tự ứng cử để gánh vác việc nước và giương cao ngọn cờ phản biện.

RFI : Trước đây ông Hồ Chí Minh từng khẳng định: Hễ những ai muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử…

Không chỉ ông Hồ Chí Minh, mà Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị năm 1966, tại Điều 25 ghi rõ: Bầu cử và ứng cử trong các cuộc bầu cử định kỳ chân thực, bằng phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín nhằm đảm bảo cho cử tri tự do bày tỏ ý nguyện của mình.

Còn Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948 nhấn mạnh: Ý chí của nhân dân phải là cơ sở của quyền lực của nhà nước. Ý chí này thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và chân thực, tổ chức theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín hoặc bằng những tiến trình bầu cử tự do tương đương.

Nói như vậy và vào lúc Nhà nước Việt Nam đã là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, tự ứng cử đã trở thành một trong những quyền chính trị cơ bản và thiêng liêng nhất của một con người cần phải tôn trọng triệt để. Cùng với quyền bầu cử, quyền ứng cử phải được thực hiện như một trong những quyền cơ bản nhất của con người mà thể chế cần bảo đảm. Bầu cử chỉ thực sự tự do và công bằng khi mọi công dân thực thi quyền tự ứng cử mà không bị cản trở trong bất kỳ trường hợp nào.

RFI : Trong Tuyên bố về quyền tự ứng cử của công dân, các hội đoàn dân sự đã nêu những khuyến nghị trọng tâm nào?

Việc đầu tiên là phải xóa bỏ cơ chế “Đảng cử, dân bầu” tồn tại từ nhiều năm qua. Thứ hai là phải minh bạch hóa trong công tác đối với người tự ứng cử. Không kỳ thị trong cách tuyên truyền bầu cử, không phân biệt trong điều kiện vận động bầu cử của các ứng viên, không có hành vi cản trở đối với những người tự ứng cử nhằm thể hiện tính công bằng, khách quan.

Đặc biệt, chúng tôi yêu cầu Quốc hội bổ sung điều luật quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục trong việc thực hiện quyền tự ứng của công dân trong Luật bầu cử Quốc hội. Ủng hộ người dân tự ứng cử để thể hiện thực chất ý chí nhân dân trong bầu cử.

Chúng tôi cũng yêu cầu xóa bỏ những bất công và bất hợp lý trong Quyết định số 244-QĐ/TW về ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

RFI : Anh có thể cho biết rõ hơn về những bất công trong Quyết định 244 trên đây ?

Có tới “9 không” trong quyết định này. Điều 13 của Quy chế nhấn mạnh đến 6 việc “không được” và 3 việc “không có”. Theo đó, cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của cấp ủy.
Ở các hội nghị của ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do ban thường vụ cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của ban thường vụ cấp ủy.

Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị.

Nói chung là một cơ chế cực kỳ độc đoán và áp đặt!

RFI : Được biết Chính phủ đã có văn bản đề nghị Dự luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân bổ sung quy định theo hướng mở rộng các hình thức bầu cử. Anh nghĩ gì về động thái này?

Tất nhiên chúng tôi có thể đồng thuận với bất kỳ hành động nào của Chính phủ có lợi cho dân chủ và người dân. Chỉ có điều phải xem xét một cách biện chứng xem Chính phủ có thực tâm “vì dân” hay chỉ vì quyền lực và lợi ích riêng của họ.

Thực ra, Chính phủ đã đưa ra khá nhiều hứa hẹn về cải cách thể chế nhưng vẫn chưa có kết quả nào đáng chú ý.

Suốt ba năm qua, kể từ tháng 11/2011 khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra trước Quốc hội đề nghị Luật biểu tình, cho đến giờ tất cả vẫn lặng câm. Những vấn đề khác như Luật lập hội, Luật trưng cầu dân ý và “dễ” nhất là Luật tiếp cận thông tin cho tới nay vẫn chưa thấy tăm hơi đâu. Vào tháng 8/2013, Chính phủ đã đưa ra tuyên bố "quyền phúc quyết thuộc về nhân dân", khiến dư luận và báo chí được một phen thấp thỏm hy vọng. Nhưng từ đó đến nay, tình trạng nhân dân vẫn bị hết nhóm lợi ích kinh tế đến nhóm lợi ích chính trị đè đầu cưỡi cổ đã cho thấy "quyền phúc quyết" thực chất là thế nào.

Lối so sánh biện chứng lịch sử không tránh khỏi như thế đang khiến người dân khó có thể hiểu khác hơn là ngay trước một kỳ họp Quốc hội, giới quan chức chính phủ muốn lặp lại kịch bản "lấy điểm" mà không phải xuất phát từ lòng thành tâm tối thiểu của họ.

RFI : Còn về phía Ủy ban Thường vụ Quốc hội, liệu họ có chấp nhận quyền tự ứng cử của công dân?

Chỉ mới cách đây hơn hai tháng, vào trung tuần tháng 8/2014, Ban soạn thảo dự án luật thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho rằng "để bảo đảm sự công bằng, khách quan thì không nên bổ sung quy định hình thức người ứng cử tự mình vận động bầu cử", với lý do "thực tiễn cuộc bầu cử vừa qua cho thấy có tình trạng người ứng cử sử dụng vật chất ủng hộ cho cá nhân hoặc địa phương nơi mình ứng cử, tạo sự không công bằng với ứng cử viên khác”.

Một lần nữa trong không biết bao nhiêu lần từ quá nhiều năm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại dính vào tính thủ cựu không làm sao sửa được. Bất cần biết lý do trên có tính thực chứng hay không, cho đến nay vẫn chỉ có hai hình thức vận động "đảng cử dân bầu" là thông qua hội nghị cử tri do Mặt trận Tổ quốc tổ chức và vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thế nhưng người dân Việt Nam lại biết quá rõ trong quá khứ các kỳ vận động bầu cử, đã chỉ có một số ít ỏi ứng viên độc lập dùng tới “lực lượng vật chất” và “lực lượng truyền thông” để tự ứng cử. 

Những người này lại thuộc về thành phần doanh nghiệp chứ không phải là các trí thức túng thiếu tiền bạc nhưng luôn thừa thãi lòng tự trọng.

Phần đa còn lại là các ứng viên được “cơ cấu” theo cách không thể nào trượt. Đó là những quan chức mặt trận và chính quyền theo ba cấp phường xã, quận huyện và tỉnh thành. Chính những ứng viên này mới được trang bị đầy đủ bởi ngân sách nhà nước cùng đội hậu bị hùng hậu của báo chí quốc doanh.
Xét theo phương châm bất di bất dịch đó, quan chức nhà nước được coi là “ăn đủ”, còn những người có gan tự ra ứng cử trong quá khứ như các ông Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân… đều rớt sạch. Không những rớt, các ông này sau đó còn đi thẳng vào nhà tù !

Tuy vậy, đó là dĩ vãng. Còn hiện thời, những thông tin sôi trào từ dư luận người dân cho thấy nếu một cuộc bầu cử tự do được chấp thuận, các ứng cử viên tự do và trên hết là người có tinh thần yêu nước sẽ chiến thắng.

Có lẽ quá lo ngại tinh thần yêu nước và “chủ nghĩa tự do vô chính phủ” như thế nên Quốc hội Việt Nam và những người “cương lĩnh Đảng quan trọng hơn Hiến pháp” vẫn âm thầm làm mọi cách để không cho phép bất kỳ nhân vật nào của Xã hội dân sự bén mảng vào chốn nghị trường.

Vì thế, tôi cho là tính thủ cựu và lợi ích nhóm chính trị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chưa thể chuyển ngay, mà phải kéo dài một thời gian nữa.

RFI : Người dân phản ứng thế nào về tính thủ cựu và lợi ích nhóm như thế?

Nhiều dư luận trong nhân dân Việt Nam đang cho rằng Quốc hội không còn là một cơ quan “của dân, do dân và vì dân” nữa. Nói khác đi, Quốc hội đang là tổ chức của những nhóm lợi ích về kinh tế và nhóm thân hữu về chính sách. Bản Hiến pháp 2013 đầy bất công về “sở hữu đất đai toàn dân” được thông qua với tỉ lệ cực kỳ áp đảo đã cho thấy các nhóm lợi ích và bảo thủ trong Quốc hội ghê gớm như thế nào.

Với các nhóm lợi ích kinh tế, họ chiếm một phần trong Quốc hội với tư cách kiêm nhiệm, còn các nhóm thân hữu chính sách cũng thế. Cho dù đã nhiều đề nghị phải nâng tỉ lệ đại biểu chuyên trách lên 30% hoặc 50%, nhưng cho tới nay số kiêm nhiệm vẫn còn quá nhiều theo cách “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Nhưng nhiều người dân còn cho rằng không chỉ có thế, các nhóm lợi ích đang hành xử theo lối “vừa ăn cướp vừa la làng” ngay trong nghị trường, xóa lấp những tổn hại và di hại mà họ gây ra đối với dân chúng. Ví dụ điển hình nhất chính là dự án sân bay Long Thành mà các nhóm tài phiệt và chính sách “vẽ” đến hàng chục tỉ USD, chủ yếu vay mượn từ nguồn ODA, bất kể tương lai đổ nợ lên đầu con cháu như thế nào.

Đã đến lúc người dân nhận ra là Quốc hội của họ đã “gật” quá nhiều và quá dễ dãi đối với các nhóm lợi ích, khiến cho đất nước rơi vào cảnh tàn mạt về kinh tế và đạo đức xã hội như ngày hôm nay. 

Ngay cả một số đại biểu Quốc hội cũng bắt đầu phản ứng với não trạng và cung cách làm việc của bộ phận đầu não trong Quốc hội.

Quốc hội không thể đi ngược với xu thế chung. Quốc hội và Bộ Chính trị đảng không thể lũng đoạn mãi quyền tự ứng cử của công dân. Chắc chắn trong vài năm tới họ sẽ phải tự thay đổi, sẽ phải để cho người dân tự ứng cử, để nhân dân tự cứu mình và cứu vãn đất nước mà không thể trông chờ vào một chế độ điều hành quá yếu kém và đầy rẫy tham nhũng. Nếu không tự thay đổi, Quốc hội sẽ trở thành con số 0 trong mắt cử tri và trước sau cũng bị giải tán theo quá nhiều kinh nghiệm lịch sử ở các nước trên thế giới.

Ít ra, họ phải còn một chút liêm sỉ tối thiểu!

RFI : Xin chân thành cảm ơn nhà báo Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.

Nhãn: