Dấu hiệu vi phạm Điều 258 ở Bộ Luật Hình sự của “Dư luận viên”
Minh Tâm/ VNTB
Trần Nhật Quang được giới Facebook đặt là "Trùm dư luận viên" |
“Trong khoảng 1 tuần qua, tôi liên tục nhận được thư và tin nhắn đe dọa, chửi bới. Cụ thể là một facebook giấu mặt tên hiển thị là Bo Gia thường xuyên nhắn tin đe dọa tôi với những câu đầy sát khí như “Chết đi thằng phản động ranh con”... Từ đó có thể suy ra rằng những tin nhắn vào điện thoại để khủng bố tôi cũng là của người này”.
Bạn đọc Tôn Phi cho biết như vậy. Tình cảnh tương tự này còn xảy ra với nhiều người khác trong thời gian dài. Chưa thấy vụ việc nào được công khai sáng tỏ từ cơ quan hữu trách. Nhiều ý kiến cho rằng đây là chiêu trò từ phía chính quyền trong việc răn đe những ai dám… “nói trái ý của Đảng và Nhà nước”.
Những chiêu trò đó thường được thực hiện bởi “nhóm chuyên gia” mà ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội gọi là “Dư luận viên”.
Trong một phỏng vấn báo chí vào tháng 01-2012, ông Hồ Quang Lợi, cho biết tính đến tháng 12-2011, Thành ủy Hà Nội đã: “Tổ chức nhóm chuyên gia đấu tranh trực diện trên mạng Internet, tham gia bút chiến trên Internet. Đến nay, đã xây dựng được 19 trang tin điện tử, hơn 400 tài khoản trên mạng”.
Số lượng “dư luận viên” tại Hà Nội, tính đến cuối năm 2011 là 900 người.
Điều 88 và Điều 258 của Bộ Luật Hình sự: góc nhìn khác
Không ít tiếng nói của công dân đã bị quy chụp vi phạm Điều 88 Bộ Luật Hình sự “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, để bỏ tù.
Danh sách những người tù “bất đồng chính kiến”, khá dài: Phùng Quang Quyền, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày), Tạ Phong Tần (blogger Sự thật & Công lý), Phan Thanh Hải (blogger AnhbaSG), Trần Đức Thạch, Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Trội, Lê Nguyên Sang, Nguyễn Bắc Truyển, Huỳnh Nguyên Đạo, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Hữu Tình, Nguyễn Kim Nhàn, Ngô Quỳnh, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Lê Công Định, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Lô Thanh Thảo, Nguyễn Ngọc Cường, Đinh Đăng Định…
Theo lời ông Brad Adams, giám đốc Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, thì “chính phủ Việt Nam đã nhiều lần từ chối không chịu sửa đổi hoặc rút lại những điều khoản về an ninh quốc gia trong bộ hình luật, như điều khoản 88, kết tội những người đối lập ôn hoà... và tiếp tục dùng những luật này để bắt những người chỉ trích phải im tiếng”.
Ông cũng phê phán việc “chính phủ Việt Nam coi việc phát biểu quan điểm là một tội phạm”, và kêu gọi chấm dứt “bỏ tù những người bất đồng chính kiến”.
Vấp phản ứng từ các tổ chức nhân quyền thế giới, thời gian gần đây, “bất đồng chính kiến” – như trường hợp của blogger Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào được căn cứ vào Điều 258 “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” của Bộ Luật Hình sự để xét xử. Điều khoản này nằm trong nhóm phạm các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính.
Và câu chuyện của bạn đọc Tôn Phi nói ở trên, có thể từ căn cứ của nhóm tội phạm này để xem xét trách nhiệm hình sự của những kẻ giấu mặt đang lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm quyền và lợi ích của công dân Tôn Phi.
Những kẻ giấu mặt ấy, rất có thể là đội ngũ “dư luận viên” mà Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã nói ở trên.
Bản chất Điều 258 là gì?
Điều 258 quy định hành vi khách quan là lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Điều 258 được áp dụng trong thực tiễn bảo vệ, điều chỉnh các quan hệ xã hội. Lâu nay vẫn có thói quen nhìn nhận khách thể của tội phạm này là lợi ích của Nhà nước. Trong lúc đó, theo các nguyên tắc Hiến định về quyền con người, thì lợi ích hợp pháp của công dân phải là khách thể lợi ích cao nhất.
Việt Nam đã ký cam kết về sự tương thích của pháp luật quốc gia với pháp luật chung của cộng đồng thế giới. Như vậy, Điều luật 258 trong Bộ Luật Hình sự buộc phải có cách hiểu và vận dụng tương thích với các văn bản pháp lý quốc tế về quyền con người. Việc quy định điều luật này là bảo vệ quyền con người nhằm tránh sự xâm phạm, đảm bảo các quyền tự do dân chủ của cá nhân được bảo vệ ở mức cao nhất.
Như vậy, việc bôi nhọ, phỉ báng về một cá nhân, một công dân nào đó trên blog, mạng Internet, các thiết bị kỹ thuật số, điện thoại… là hành vi phạm pháp có tính nghiêm trọng, nguy hiểm hơn nhiều lần và người vi phạm đều phải chịu hậu quả pháp lý tương ứng. Đội ngũ dư luận viên của Ban Tuyên giáo cũng không nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, của Điều 258 - Bộ Luật Hình sự.
Tự do ngôn luận, hoặc tự do phát biểu, bao gồm quyền phát biểu và phổ biến ý kiến của mỗi công dân, là một trong những nhân quyền cơ bản được qui định trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền.
Hãy mạnh dạn lên tiếng
Việc nhắn tin (như phản ánh của độc giả Tôn Phi) mang tính đe dọa giết người kết hợp cùng các hành động khác nhằm làm nạn nhân biết việc này có thể xảy thì sẽ bị khép vào tội Đe dọa giết người, theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Hình sự.
Đối với việc nhắn tin không mang tính đe dọa giết người, mà chỉ là những lời đe dọa thông thường nhằm ép buộc người nhận tin nhắn phải thực hiện các yêu sách của người nhắn tin. Hành vi này không phạm tội hình sự, nhưng bị xử phạt hành chính về hành vi đe dọa người khác được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 40 Nghị định số 83/2011/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông.
Cụ thể người nào lợi dụng hoạt động viễn thông để thực hiện một trong các hành vi “đe dọa, quấy rối, xúc phạm, xuyên tạc, vu khống uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” bị phạt tiền 10-20 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị buộc chấm dứt sử dụng dịch vụ viễn thông.
Đối với việc nhắn tin mang tính đe dọa giết người kết hợp cùng với các hành động khác nhằm làm cho người bị đe dọa biết việc giết người là có thể xảy ra, và làm cho họ tin rằng nếu họ không thực hiện các yêu sách của kẻ đe dọa thì tính mạng của họ hoặc những người thân thích của họ có thể bị đe dọa, hành vi này thỏa mãn tội Đe dọa giết người được quy định tại Điều 103 Bộ luật Hình sự.
Theo đó điều luật quy định “người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm”.
Như vậy, trường hợp như của bạn đọc phản ánh, nếu sắp tới xảy ra nhiều nội dung đe dọa khác, có thể giải quyết vụ việc theo hướng yêu cầu sự bảo vệ của pháp luật về các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đã được Hiến định.
Trước tiên, hãy làm đơn tố cáo hành vi vi phạm của kẻ đe dọa tới cơ quan điều tra công an quận, huyện. Trong trường hợp có đủ cơ sở xử lý về hình sự, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với người vi phạm. Trong trường hợp vi phạm có dấu hiệu phạm tội hình sự nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan công an ra quyết định xử phạt hành chính đồng thời áp dụng một số biện pháp khác theo quy định của pháp luật buộc người vi phạm chấm dứt hành vi.
Để có chứng cứ nộp kèm theo đơn tố cáo, đương đơn cần cung cấp cho cơ quan điều tra các tin nhắn đe dọa khủng bố tinh thần, ảnh chụp lời đe dọa trên trang Facebook, blog… để cơ quan điều tra có thêm thông tin khi giải quyết vụ việc.
Lưu ý, khả năng các đối tượng sử dụng sim rác để quấy rối, đe dọa nên rất khó có cơ sở để các cơ quan chức năng xử lý. Vì vậy, bạn đọc nên tiếp tục kiên trì thu thập, theo dõi diễn biến của nhóm đối tượng này để làm chứng cứ cung cấp cho các cơ quan chức năng. Nếu cơ quan công an từ chối thụ lý vụ việc theo tố cáo của công dân. Khi ấy địa chỉ tiếp theo để bạn đọc yêu cầu được sự bảo vệ là Viện Kiểm sát tại địa phương.
“Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất” (Khoản 3 Điều 107, Hiến pháp 2013).
Theo VNTB
.............................
+ Có thể tham khảo thêm bài viết xoay quanh vụ án liên quan đến ông Nguyễn Bá Thanh, được xét xử theo Điều 258, Bộ Luật Hình sự.
.............................
+ Có thể tham khảo thêm bài viết xoay quanh vụ án liên quan đến ông Nguyễn Bá Thanh, được xét xử theo Điều 258, Bộ Luật Hình sự.
Nhãn: Lưu
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ