“Đập bỏ” Tax, một quyết định quá dễ dãi
Doãn Khởi thực hiện/ Người Đô thị
Ảnh bên:Lý ra phải lượng hoá giá trị kinh tế (ảnh trái) lẫn văn hoá của công trình (ảnh tư liệu bên phải) trước khi quyết định số phận thương xá Tax - Ảnh: Quý Hoà
“Thiếu thông tin, thiếu nghiên cứu khoa học, thiếu phản biện độc lập trong quy trình ra quyết định sẽ dẫn đến một quyết định dễ dãi, vội vàng”, đây là nhận định của TS. Nguyễn Lương Hải Khôi - một chuyên gia đang công tác tại Nhật - khi nói về quyết định đập bỏ thương xá Tax để thay vào đó là một tháp thông hơi và cao ốc 40 tầng.
Thưa ông, một quy trình lấy ý kiến nhân dân trong vụ thương xá Tax phải như thế nào mới được coi là rõ ràng?
Nhìn lại quyết định đập bỏ thương xá Tax, tôi thấy quy trình ra quyết định đơn giản quá! Theo quy trình thường thấy ở các nước phát triển, trong suốt quá trình ra quyết định luôn có sự tham gia của ba loại tổ chức sau: tổ chức phi chính phủ (NGO), tổ chức nghiên cứu và phản biện chính sách (think tank), hiệp hội ngành nghề. Người dân, nếu cảm thấy có liên quan đều có thể tham gia các tổ chức này để tranh luận, bàn thảo. Các tổ chức nêu trên đều được quyền yêu cầu công quyền cung cấp thông tin hay trả lời các vấn đề như thương xá Tax, đồng thời họ có thể độc lập tiến hành khảo sát, nghiên cứu, cho ý kiến. Ở Việt Nam chưa có điều này.
Tạm biệt hay vĩnh biệt? Ảnh: Quý Hoà
Từ trường hợp thương xá Tax, liệu chừng có mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế?
Tôi khẳng định bảo tồn không hề mâu thuẫn với việc kiếm tiền (kinh tế). Thực tế của nhiều khu phố cổ trên thế giới như Paris (Pháp), Krakow (Ba Lan) hay Tân Thiên Địa (Trung Quốc) cho thấy, công tác bảo tồn càng tốt, lợi ích kinh tế càng lớn. Các di sản văn hoá mang lại một lợi ích kinh tế rất lớn từ du lịch. Các lợi ích về kinh tế, văn hoá ở những nơi trên đã được lượng hoá để cân đong cụ thể, khoa học chứ không chung chung, cảm tính. Trở lại vụ thương xá Tax, đây là một toà nhà vừa có giá trị kinh tế, vừa có giá trị văn hoá. Tuy nhiên, phía các nhà muốn bảo vệ thương xá Tax bị hai điểm thất thế cả về mặt văn hoá (bảo tồn) cũng như mặt kinh tế (lợi ích) khi muốn tranh luận với nhà đầu tư (SATRA).
Về mặt văn hoá, ai cũng nói bảo tồn sẽ có lợi về văn hoá nhưng lượng hoá những giá trị văn hoá này không dễ. Về mặt kinh tế, vì không có số liệu, tính toán cụ thể nên phía bảo tồn cũng không chứng minh được nếu đập/giữ thương xá Tax sẽ được/mất bao nhiêu tiền. Lợi ích kinh tế được/mất ở đây là lợi ích chung hay chỉ của chủ đầu tư? Ngược lại, phía chủ đầu tư khi đưa phương án cho chính quyền thành phố luôn có những số liệu chứng minh cụ thể, do vậy mang tính thuyết phục cao hơn khi tranh luận. Tất nhiên, vì chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế (tư duy mét vuông), nhà đầu tư sẽ chỉ đưa ra những điểm lợi hơn khi đập bỏ thương xá Tax (4 tầng) để xây trung tâm thương mại 40 tầng.
Tất cả, theo tôi đều phải được lượng hoá. Muốn lượng hoá đòi hỏi phải có sự minh bạch, dân chủ của các bên khi tham gia, tiếp cận thông tin dự án. Dường như điều đòi hỏi này chưa có ở vụ thương xá Tax.
Thông tin từ ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM cho rằng đập bỏ thương xá Tax để xây dựng tháp thông hơi là theo thiết kế của công ty Nhật. Là một tiến sĩ từ Nhật Bản về, ông đánh giá gì về thái độ ứng xử của người Nhật trong bảo tồn di sản và phát triển kinh tế?
Tôi không đủ thông tin và không đủ chuyên môn để trả lời việc có hay không phía Nhật thiết kế tháp thông hơi ngay tại vị trí thương xá Tax. Tuy nhiên, là một người nghiên cứu văn hoá Nhật, tôi khẳng định ý thức bảo tồn di sản của người Nhật rất cao. Ngay những thập kỷ đầu của thế kỷ 20, nước Nhật còn theo chủ nghĩa phát xít, khi Nhật chiếm đóng Trung Quốc hay Triều Tiên, họ gần như không phá hoại di sản của hai quốc gia này. Chỉ có điều, nhiều di sản bị người Nhật mang về nước như một chiến lợi phẩm. Ở một khía cạnh khoa học, chính điều đó đã giúp cho việc bảo tồn các di sản vẫn còn đến bây giờ. Giả sử, nếu di sản vẫn ở Trung Quốc, sau đại cách mạng văn hoá, liệu chừng còn được mấy? Sau này, với một nền dân chủ đã trưởng thành, khi đầu tư ra nước ngoài, người Nhật vẫn giữ nguyên tinh thần bảo tồn di sản. Một thực tế tôi biết được, là khi thiết kế hầm Thủ Thiêm, họ đã chọn vị trí đặt tháp thông gió làm sao không ảnh hưởng đến các công trình xung quanh hay xáo trộn đời sống cư dân.
Ảnh: TL
Nhưng bảo tồn có đồng nghĩa với việc chỉ biết giữ nguyên những gì đang có?
Người Pháp đã để lại ở trung tâm Sài Gòn một chuỗi di sản lớn trên 100 năm ở trung tâm, bây giờ khu vực này đã trở nên pha tạp, mất bản sắc. Thương xá Tax chỉ còn giữ lại cái vỏ bên ngoài, bên trong cũng đã thay đổi hết. Nhìn lại cụm quần thể di sản bị xé lẻ, các công trình từ khách sạn Continental, Rex, Caravelle, nhà thờ Đức Bà, thương xá Tax… bị công trình, không gian mới lấn át, chỏi với không gian, bản sắc cũ. Rộng hơn, khu quận 5 - Chợ Lớn cũng bị biến dạng nhiều. Vậy, chúng ta thay đổi theo hướng cái mới (không gian, kiến trúc) đang loại trừ cái cũ đã thành bản sắc.
Có một thí dụ về bảo tồn, đó là thành phố Warsaw, thủ đô Ba Lan. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Warsaw thành bình địa, hầu hết các công trình cổ chỉ còn là đống gạch vụn. Người Ba Lan bắt tay vào xây dựng một thành phố mới hoàn toàn, điều đặc biệt là họ đã phục dựng được rất nhiều công trình cổ ẩn hồn trong các công trình mới, hiện đại. Trong trường hợp này, bảo tồn đồng nghĩa với sáng tạo. Điều này chúng ta phải học, còn đập hay giữ cái gì, như thế nào không phải là chuyện bất biến.
Nhãn: Lưu
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ