Bàn về quyền im lặng của bị can, bị cáo
Nguyễn Văn Hậu (*)/Thanh niên
Ảnh bên: Vụ án Nguyễn Thanh Chấn là một án oan điển hình do cán bộ điều tra không tuân thủ đúng quy trình tố tụng. Trong ảnh là ông Nguyễn Thanh Chấn (giữa) sau khi được tạm đình chỉ thi hành án chung thân vì tội "giết người" - Ảnh: Hà An
Trong bối cảnh sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự lần này, việc xem xét đưa quyền im lặng vào quy định của luật là vấn đề quan trọng, cần được nghiên cứu kỹ càng, trong đó cần tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, tránh các quan điểm bảo thủ.
Theo thông lệ của các nước trên thế giới, quyền im lặng là quyền không khai báo khi không có sự tư vấn, chứng kiến của luật sư để tránh việc người bị bắt tự buộc tội mình, gây thiệt hại cho bản thân. Theo đó, khi bắt giữ một người nào đó phải có luật sư chứng kiến hoặc phải giải thích cho người bị bắt về quyền được mời luật sư, quyền không khai báo.
Quyền này đã và đang được áp dụng tại rất nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, các nước Phương Tây…Chính việc áp dụng, tôn trọng quyền im lặng của nghi can nên tại các nước này mức độ nhân quyền trong lĩnh vực tố tụng hình sự được đánh giá cao và ít xảy ra các trường hợp oan, sai.
Có thể thấy quyền im lặng là một quyền mang tính nhân văn, bảo đảm, thực thi các quyền con người. Tuy nhiên, Bộ luật tố tụng hình sự nước ta hiện nay vẫn chưa có quy định về việc người bị bắt giữ, bị can, bị cáo được quyền im lặng.
Tôi cho rằng Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi lần này cần ghi nhận quyền im lặng của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo vì những lý do sau đây:
Thứ nhất, ghi nhận quyền im lặng để đảm bảo thực thi nghiêm túc các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên:
Nước ta hiện nay là thành viên của các Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người… Đồng thời, ngày 12.11.2013, nước ta cũng được chính thức bầu vào Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Với tư cách này, Việt Nam buộc phải ban hành các quy định pháp luật, đồng thời tạo ra các cơ chế đảm bảo thực thi các quy định về quyền con người một cách nghiêm túc. Và theo tôi, việc luật hóa quyền im lặng là một việc làm cần thiết trong bối cảnh hiện tại, thể hiện cam kết của nước ta đối với thế giới.
Thứ hai, luật hóa quyền im lặng để thực thi quyền được suy đoán vô tội, quyền tự bào chữa, quyền nhờ người khác bào chữa của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo đã được Hiến pháp 2013 ghi nhận
Theo quy định tại Điều 31 Hiến pháp 2013 ghi nhận quyền được suy đoán vô tội của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Cùng với đó, những người này cũng được quy định có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Tuy nhiên, luật và các văn bản dưới luật hiện nay chưa triển khai đầy đủ các quyền được suy đoán vô tội, quyền tự bào chữa, nhờ người khác bào chữa theo quy định nêu trên của Hiến pháp.
Tuy Bộ luật tố tụng hình sự nước ta có một số quy định mang tính chất tiến bộ như trách nhiệm xác định sự thật vụ án, quyền tham gia vụ án của người bào chữa nhưng việc thực hiện các quyền này trên thực tế là rất khó, thậm chí bị cơ quan tố tụng cản trở việc thực hiện quyền.
Cụ thể: Điều 10 Bộ luật tố tụng hình sự quy định “trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Bên cạnh đó, Điều 56 Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do.
Đối với trường hợp tạm giữ người thì trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do.
Luật quy định là vậy nhưng thực tế thì rất hiếm trường hợp luật sư được tham gia ngay từ đầu vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ mình. Từ hoạt động cấp giấy chứng nhận bào chữa của cơ quan điều tra, cho đến việc liên hệ điều tra viên để tham gia các buổi hỏi cung của bị can, luật sư đều bị gây khó dễ, cản trở, từ chối khéo. Và thực tế, giới luật sư chúng tôi thường chỉ được tham gia vụ án khi đã có kết luận điều tra hoặc vụ án đã chuyển qua giai đoạn truy tố của Viện Kiểm sát.
Thứ ba, cần ghi nhận quyền im lặng để tránh oan sai, chống bức cung, nhục hình, mớm cung, các sai phạm trong tố tụng hình sự của các chủ thể tiến hành tố tụng:
Tôi cho rằng việc pháp luật tố tụng hình sự không quy định, ghi nhận quyền im lặng của người bị bắt giữ, bị can là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng án oan, sai trong hoạt động tố tụng nước ta nhiều như hiện nay, nhất là trong bối cảnh tư duy trọng cung hơn trọng chứng của đội ngũ điều tra viên. Những vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn là một trong những án oan điển hình do cán bộ điều tra không tuân thủ đúng quy trình tố tụng.
Việc tham gia của luật sư ngay từ giai đoạn ban đầu sẽ góp phần làm sáng tỏ vụ án. Luật sư tham gia vụ án không phải để làm cản trở hoạt động điều tra mà chỉ nhằm giám sát hoạt động tố tụng của chủ thể tiến hành tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định pháp luật của thân chủ và nhằm làm sáng tỏ vụ án, tránh oan sai.
Chính vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi và Quốc hội cần thiết phải đưa các quy định ghi nhận quyền im lặng của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo vào Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi lần này.
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, luật sư, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM
Nhãn: Lưu
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ