Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

“Biển Đông đang bình lặng nguy hiểm”

Đặng Thúy thực hiện/Dân Việt 
Thiếu tướng Lê Văn Cương
Một trong những nội dung quan trọng dự kiến được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII là vấn đề trên Biển Đông, đặc biệt là việc Trung Quốc âm thầm xây dựng, cải tạo đảo Gạc Ma và đảo Chữ Thập. Xung quanh vấn đề này, Báo NTNN đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) xung quanh vấn đề dự kiến sẽ làm nóng nghị trường kỳ này.

 Chiến thuật thâm hiểm “không đánh mà thắng”
 
 Trung Quốc đang tiến hành cải tạo, mở rộng việc xây dựng trên đảo Gạc Ma để dần biến hòn đảo này thành căn cứ quân sự. Theo Thiếu tướng, Trung Quốc đang đi nước cờ nào trên bàn cờ Biển Đông hiện nay?
 
 - Sau động thái xây dựng sân bay nhân tạo ở đảo Gạc Ma, Trung Quốc tiếp tục xây dựng sân bay nhân tạo tại đảo Chữ Thập. Đây thực sự sẽ là mối lo ngại của hệ thống phòng thủ quốc phòng của Việt Nam. Nó sẽ thành một cụm từ Gạc Ma-Phú Lâm-Chữ Thập, từ đây Trung Quốc có thể triển khai các máy bay tân tiến như Su-30, J-11 và J-10 mà không phải tiếp dầu ở trên không.
 
Nhìn xa hơn nữa, hành động cải tạo Gạc Ma và Chữ Thập khi tiến hành xong Trung Quốc sẽ thiết lập Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Chúng ta nên nhớ rằng, trong bố trí địa điểm, địa lý ở Trường Sa, 21 đảo chìm đảo nổi mà Việt Nam đang nắm giữ đều nằm phía ngoài Gạc Ma. Một khi Gạc Ma bị biến thành căn cứ quân sự thì ngay việc ra những hòn đảo của chúng ta cũng đã khó khăn. Và một khi Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, việc chúng ta đi lại trên không, trên bộ càng khó khăn hơn.

Chúng ta nhắc lại sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 để thấy, đó chỉ là hành động thử phản ứng của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, không có ý nghĩa gì trong bàn cờ lớn của Trung Quốc. Trung Quốc đã dùng sự kiện giàn khoan để tập trung sự chú ý của cả quốc tế và Việt Nam để họ làm những việc nguy hiểm hơn, đó là cải tạo hai hòn đảo Gạc Ma và Chữ Thập. 

Tôi cho rằng, sắp tới đây, những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông còn căng thẳng và nguy hiểm hơn nữa. Cái nguy ở đây là Trung Quốc âm thầm cải tạo Gạc Ma và để tiến tới lập Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông. Khi ấy trên thực tế Trung Quốc đã chiếm được Biển Đông mà không cần đánh. Trong quá trình như vậy, Trung Quốc đưa những giàn khoan đến thăm dò dầu khí, không nhất thiết phải là giàn khoan lớn, rất nhiều giàn khoan nhỏ, hàng trăm, hàng ngàn tàu cá khai thác hải sản trên vùng biển của Việt Nam. Tất cả những điều này đều nằm trong chiến lược “không đánh mà thắng” của Trung Quốc vạch ra. Phương thức này cực kỳ khó đối phó.
 
Vị trí đảo Gạc Ma của Việt Nam nhìn gần qua công cụ Google Maps.

Thưa ông, chủ quyền lãnh thổ của quốc gia đang bị đe dọa nghiêm trọng như vậy, chúng ta kỳ vọng gì ở nghị trường Quốc hội trong khóa họp lần này?
 
- Được biết, Quốc hội kỳ này sẽ bàn đến Biển Đông thông qua các báo cáo của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Biên giới… báo cáo về tình hình trên bộ, trên biển. Tôi cho rằng, vấn đề Biển Đông phải giải quyết lâu dài, chỉ một kỳ họp Quốc hội không giải quyết được vấn đề đó, song chúng ta cần những tiếng nói, hành động mạnh mẽ hơn về vấn đề Biển Đông. Sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 về bản chất không nguy hiểm bằng việc Trung Quốc cải tạo Gạc Ma. Giàn khoan không ở trong vùng biển Việt Nam vĩnh viễn nhưng cải tạo Gạc Ma là vĩnh viễn, nó án ngữ giữa quần đảo Trường Sa và tiếp tục những hành động phục vụ cho căn cứ quân sự này bằng việc lập Vùng nhận dạng phòng không, bằng việc đưa ra những lệnh cấm đánh bắt cá phi lý, lệnh cấm tàu chiến không được đi gần Gạc Ma 20-30 hải lý…Tất cả những trò này đều có thể xảy ra.

Quan tâm phản ứng của Mỹ về vấn đề Biển Đông

Sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, nhìn bề ngoài, nay tình hình trên Biển Đông có vẻ như bình lặng, nhưng thực chất đó là sự bình lặng vô cùng nguy hiểm. Nếu phản ứng và dư luận của chúng ta cũng bình lặng, liệu có phải chúng ta sẽ “mắc bẫy” mà Trung Quốc đang đặt ra?

- Tôi đồng ý với nhận xét rằng tình hình Biển Đông đang “bình lặng một cách vô cùng nguy hiểm”. Chúng ta đã có những động thái ngoại giao rất tích cực cho vấn đề Biển Đông. Ngay như chuyến công du châu Âu và dự diễn đàn ASEM của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tại các cuộc tiếp xúc bên lề, người đứng đầu chính phủ của chúng ta cũng đã gửi đến thông điệp rõ ràng về việc Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, nhưng vẫn duy trì các mối quan hệ với bạn bè quốc tế.

Việt Nam duy trì các phương thức hòa bình để giải quyết tranh chấp và quan điểm này của chúng ta cũng được cộng đồng quốc tế ủng hộ rộng rãi. Tôi cho rằng, về mặt ngoại giao, chúng ta đã rất tích cực và mang lại hiệu quả, làm cho quốc tế hiểu rằng quan điểm của Việt Nam là quang minh chính đại, chúng tôi có chủ quyền, tuân thủ luật pháp, tôn trọng pháp lý và đạo lý để từ đó quốc tế ủng hộ Việt Nam hơn nữa.

Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề rằng, ngoài việc chú ý đến động thái của Việt Nam, hiện quốc tế quan tâm hơn cả là hành động và phản ứng của Mỹ về vấn đề Biển Đông. Sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam, Mỹ đã có những phản ứng gay gắt, từ đó dư luận quốc tế cũng phản ứng và chỉ trích động thái vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Mọi hành động của Trung Quốc trên Biển Đông bao giờ cũng vừa làm, vừa nghe ngóng phản ứng cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ.

Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề Biển Đông, chỉ dựa vào sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế không thôi là chưa đủ?

- Đúng vậy. Nếu chúng ta không mạnh mẽ, Trung Quốc sẽ lấn tới. Lịch sử quan hệ Việt - Trung đã cho thấy, nếu Việt Nam lùi, Trung Quốc sẽ lấn tới. Quan điểm của tôi vẫn cho rằng, chúng ta không có gì phải sợ Trung Quốc. Họ có nhiều tiền của, nhiều súng đạn hơn Việt Nam hàng chục, hàng trăm lần, nhưng trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc không có đạo lý, không có pháp lý và không có sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. 

Truyền cảm hứng sức mạnh về lòng tự hào dân tộc và chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng đến 90 triệu người Việt Nam - đó là khối sắt thép khổng lồ “nhất hô bá ứng” chứ không hề đơn giản. 

Xin cảm ơn ông!

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ