Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Jimmy Lai và nhân viên Apple Daily của ông bị sách nhiễu

Mạnh Kim/FB Manh Kim
Tỉ phú truyền thông,Lai Chee-Ying, tức Jimmy La- Lê Trí Anh
Epoch Times cho biết, từ chiều tối 11-10, hàng trăm người mang khẩu trang bắt đầu vây kín tòa soạn Next Media, chặn bít các lối vào và cản trở phát hành tờ Apple Daily (Bình Quả nhật báo), khiến Apple Daily phải dùng cần cẩu “bốc” báo lên xe tải. 

Sáng hôm nay 14-10, một quan tòa Hong Kong lên tiếng: tự do báo chí là quan trọng, đồng thời ra lệnh cấm lực lượng “dân chủ Hoa lục” ngưng cản trở các con đường dẫn vào Next Media, nơi sở hữu Apple Daily. 

Kể từ khi Chiếm lĩnh Trung hoàn nổ ra, nhiều nhân viên Apple Daily đã bị khủng bố tinh thần bằng các cuộc gọi nặc danh. Vài người nhận đến 200 cuộc mỗi ngày. Phóng viên Apple Daily cũng bị đánh khi đang phỏng vấn. Hôm qua 13-10, 5 hiệp hội đã ra tuyên bố chung, lên án tình trạng tấn công truyền thông (gồm Hiệp hội ký giả Hong Kong, Hiệp hội phóng viên ảnh Hong Kong, Hiệp hội ban thời sự Minh Báo…). 

Next Media là kẻ thù của Trung Cộng. Apple Daily đã nhiều lần chọc bút vào mắt Bắc Kinh. Nói đến Next Media không thể không nhắc ông Lê Trí Anh (Lai Chee-Ying, tức Jimmy Lai). Sinh năm 1948 tại Quảng Đông, năm 12 tuổi, Lê Trí Anh vượt biên sang Hong Kong bằng thuyền. Thoạt đầu kiếm sống trong một xưởng may với lương 8 USD/tháng, Lê Trí Anh dần được thăng chức lên quản lý. Đến năm 1975, Lê Trí Anh đã có thể thành lập chuỗi cửa hàng quần áo (mang tên Giordano; đến nay có hơn 1.700 cửa hàng khắp thế giới). Năm 1989, khi dán mắt vào truyền hình CNN theo dõi sự kiện Thiên An Môn, Lê Trí Anh bắt đầu nghĩ đến việc thành lập tờ báo theo khuynh hướng dân chủ. Ấn bản Next Magazine đầu tiên ra đời vào tháng 3-1991. Nó lập tức thu hút nhờ các phóng sự về hội Tam Hoàng, các vụ điều tra tham nhũng, các sự kiện chính trị Hoa lục mà báo chí Hoa lục không được phép mở miệng… Lê Trí Anh tỏ ra khinh bỉ giới lãnh đạo Trung Cộng. Ông từng gọi Thủ tướng Lý Bằng là “đứa con sinh ra từ trứng rùa” (BusinessWeek 27-7-2003). 

Trang nhất tờ Apple Daily ngày 13-10 cho thấy những kẻ quấy rối ngăn chặn việc phát hành vào tối ngày 12.
Năm 1995, khi Hong Kong sắp được chuyển giao, Lê Trí Anh tung ra Apple Daily. Hai năm sau, lượng phát hành Apple Daily vọt lên 400.000 bản. Năm 2006, hai tờ Sudden Weekly và Next Magazine của tập đoàn Next Media được xếp nhất và nhì thị trường tạp chí Hong Kong; trong khi Apple Daily nằm hạng nhì thị trường nhật báo. Next Media tất nhiên bị cấm tại Hoa lục. Không công ty nhà nước nào của Hoa lục được phép quảng cáo trên các tờ báo Next Media. Thậm chí nhiều tập đoàn lớn của Hong Kong, do quan hệ làm ăn với Hoa lục, cũng né quảng cáo trên Next Media. Trụ sở Next Media nhiều lần bị đập phá. Nhà riêng Lê Trí Anh bị cài thuốc nổ. Và các cửa hàng Giordano tại Hoa lục bị đóng cửa… 

Như L. Gordon Crovitz viết trên Wall Street Journal (5-10-2014), tự do thông tin đã tồn tại suốt lịch sử phát triển Hong Kong kể từ thời thực dân. Một thành phố toàn cầu như Hong Kong chẳng khác gì “cánh cửa của thế giới”, mà việc cố đóng lại nó, sẽ chỉ làm “lộ ra chân tướng thật sự của giới lãnh đạo Trung Quốc”. Hong Kong đúng là một trong những nơi mà tự do báo chí phát triển nhất châu Á. Các phóng viên phương Tây bị cấm cửa tại Hoa lục đều có thể sang Hong Kong làm việc. Điều đó cho thấy, việc phá rối hệ thống tự do ngôn luận Hong Kong chỉ là hành động của những kẻ bế tắc và lúng túng, khi cố lội ngược, để cản dòng chảy bằng việc xây bức tường, bằng bùn. Bùn nhơ. 

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ