Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Lương tâm, có một lương tâm

Tuấn Khanh/ Blog Tuấn Khanh
Trong một vụ án kéo dài suốt nhiều năm, mà nay vẫn còn gây tranh cãi, đó là trường hợp án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn. Trong lần trả lời báo chí mới đây, ông Phạm Tuấn Chiêm, thẩm phán TAND tối cao trong vụ xét xử ông Chiêm có tuyên bố rằng “tôi đã không làm gì trái với lương tâm”.


Ông Chiêm đang trong giai đoạn bị cơ quan điều tra VKSND Tối cao khởi tố vì vụ án oan sai chấn động cả nước, thậm chí tin tức lan ra cả quốc tế.

Trong những lời bộc bạch của ông Chiêm, vừa quẩn vừa mạch lạc, người ta có thể nhìn thấy nhiều thứ từ vụ án này. Một vụ án quái gở năm 2001 biến một người đàn ông lương thiện ở Bắc Giang đột nhiên trở thành kẻ sát nhân. Ông Nguyễn Thanh Chấn, nạn nhân oan ức của vụ án đã chịu tù 10 năm, bị đánh đập, bức cung và án tử hình luôn lơ lửng trên đầu mình. Cả gia đình ông tan nát, sụp đổ. Quan trọng hơn là xóm làng của ông Chấn – những người biết rõ nỗi oan của ông – đã cay đắng với niềm tin rằng công lý là một điều có thật.

Cuộc sống thật khó lường trong những tíc tắc của định mệnh. Mọi thứ thật mong manh và đau đớn. Cái tíc tắc của thời khắc ông Chấn bất ngờ thấy mình bị công an ập đến, còng tay mang đi không khác gì tíc tắc khi ông dồn hết niềm tin và sức mạnh còn lại của một người đã rã rời, trước toà kêu oan với thẩm phán rằng ông bị bức cung chứ không hề có tội.

Nhưng rồi tuyệt vọng là điều duy nhất ông Chấn có được, kể từ bị gán tội cho đến khi ông thẩm phám Phạm Tuấn Chiêm lạnh lùng từ chối tiếp nhận lời kêu oan của ông trước toà. Mười năm gửi đơn, mười năm kêu oan, mười năm tủi nhục… chắc rằng hy vọng của ông Chấn và gia đình ông không còn nhiều, mà mọi hành động chỉ bởi nỗi đau của con người thúc giục muốn đòi công lý, bản năng con người muốn cưỡng lại số phận mình mà thôi.

Ông Chiêm giải thích ông không quan tâm lời kêu cứu về việc bị bức cung của ông Chấn trước toà, vì ông tin rằng bọn tội phạm vẫn hay làm vậy. Và lương tâm của ông vẫn yên ổn. Nhưng vì sao, ông thẩm phán lại không ưu tiên dùng phán đoán của một người làm luật nhiều năm kinh nghiệm để giải quyết lời kêu oan đó, thay vì giải quyết bằng giá trị của một nhà tâm lý học – một lĩnh vực mà ông Chiêm chỉ là người chập chững trong nghề?

10 năm kêu oan, máu và nước mắt… của ông Nguyễn Thanh Chấn cùng gia đình, không thể không một lần đến tai ông Chiêm. Vì sao ông lại có thể lướt qua những số phận người dưới tay mình một cách thản nhiên như vậy? Vì sao lương tâm chưa bao giờ thúc giục ông giở lại, hoặc đề nghị xét lại hồ sơ vụ án để tìm hiểu về hiện trạng?

Thật có quá nhiều điều để nói về lương tâm. Nhất là khi thế giới ngày càng văn minh, người ta có thể bàn về lương tâm với mọi kiểu nguỵ ngôn. Thế nhưng, tận cùng thì lương tâm, vẫn chỉ có một lương tâm thật sự đủ cho giá trị con người đúng nghĩa. 

Trong Monster của tác giả Naoki Urasawa, khi viên thanh tra Heinrich Lunge muốn tìm hiểu sự thật về một tội ác, ông chấp nhận mất việc, tự mình theo đuổi nhân chứng duy nhất là bác sĩ Kenzo Tenma suốt nhiều năm để cuối cùng tìm ra được mọi đầu mối chính là tội ác của chính quyền của chính quyền Đông Đức trên con người. Lương tâm của một con người thúc đẩy khiến thanh tra Lunge không thể dừng lại, ngay khi ông nghĩ mình đã đúng, mọi hồ sơ ông đọc qua là hoàn chỉnh. Lương tâm của một viên thanh tra dẫn ông đến trước mặt con người chịu oan ức nhiều năm để nói một lời xin lỗi, nhìn nhận ông đã sai.

Cùng vì lương tâm, mà trong Les Misérables, viên thanh Javert chấm dứt săn đuổi tên tù khổ sai Jean Valjean để cuối cùng gieo mình xuống sông. Nếu có một lương tâm khác, có lẽ Javert đã yên ổn tiếp tục săn đuổi và phán quyết các vụ án của mình, đổ hết mọi chuyện rằng mình chỉ là người thừa hành.
John Lennon, linh hồn và lương tâm của nhóm nhạc Beatles cũng từng nói rằng “Sống thật dễ khi nhắm mắt lại” (Living is easy with eyes closed). Hãy nhắm mắt lại, bịt chặt tai để không nghe thấy, để giam hãm con người mình với trái tim mù loà, chúng ta cũng sẽ an lòng vì đã không làm gì trái với lương tâm của mình cả.

Cũng may là ông Nguyễn Thanh Chấn đã không chỉ có một lương tâm toà án của ông Phạm Tuấn Chiêm. Cũng có một lương tâm khác của thủ phạm là Lý Nguyễn Chung đã cắn rứt anh, khiến anh đầu thú. Một lương tâm không thể ăn ngon ngủ yên khi thấy kẻ khác đang chịu tội thay mình. Đã có biết bao những vụ án kêu oan trước toà vì bị bức cung, đã chôn theo năm tháng vì không có một lương tâm như Lý Nguyễn Chung, ngoài lương tâm thẩm phán?

Trong những câu chuyện hài hước của người La Mã ghi lại. Có chuyện kể rằng hai ông cháu ăn mày ngồi ở nghĩa trang. Khi thấy một con chó hoang bới mộ và tha cái gì đó đi. Đứa cháu kể lại cho ông nghe, vì ông bị mù. Người ông im lặng cười và nói “có thể đó là mộ Brutus, và cái bị tha là lương tâm của hắn”. Lịch sử La Mã cổ đại ghi rằng năm 44 trước CN, vì lo sợ quyền lực của Caesar, một nhóm trong Viện Nguyên Lão đã tổ chức ám sát Caesar. Trong đó, người đâm nhát gươm chí mạng chính là Brutus, con nuôi của ông. Sau đó, bị dân chúng phỉ báng , Brutus đã phải kêu lên rằng “Tôi hành động vì lương tâm La Mã”.

Mong rằng đất nước này sẽ thôi những điều oan trái. Và lương tâm, chỉ có một lương tâm được vinh danh vì thái độ biết làm người.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ