Malala: Biểu tượng mới của niềm hy vọng
John D. Sutter, CNN
Athena chuyển ngữ/ Dân luận
Cô gái Pakistan 17 tuổi, người bảo vệ quyền được đi học của trẻ em nữ, vào ngày thứ Sáu vừa qua đã trở thành người trẻ nhất dành giải thưởng Nobel Hòa Bình chia sẻ trong chương trình “The Daily Show” của Jon Stewart hồi năm ngoái về điều mà cô sẽ nói khi đứng trước một thành viên của Taliban.
“Tôi sẽ nói với anh ta giáo dục quan trọng như thế nào và tôi thậm chí còn muốn mang lại nền giáo dục cho cả con cái của anh ta,” cô bé nói. “Tôi sẽ nói với anh ta rằng ‘Đó là tất cả những gì tôi muốn nói; giờ thì cứ làm điều mà anh muốn đi.’”
Đây là chia sẻ chân thành từ cô gái nhỏ từng bị Taliban bắn vào đầu. Chỉ vì cô bé thực hiện quyền được đi học của mình.
Ở thời điểm đó Malala Yousafzai mới 14 tuổi – và cô bé chỉ 11 tuổi khi bắt đầu viết blog nặc danh cho BBC về những cuộc đấu tranh sinh tồn ở thung lũng Swat của Pakistan.
Câu trả lời sau đó từ Stewart đúng là điều vô giá: “Chú biết bố của cháu đang ở sau cánh gà và ông rất tự hào về cháu, nhưng liệu bố cháu có nổi điên lên không nếu chú nhận nuôi cháu nhỉ?”
Quả thật, không chỉ Stewart muốn vậy. Cả thế giới đều đã “nhận nuôi” Malala.
Cô bé đã gợi nhớ cho chúng ta về sức mạnh của giáo dục, đặc biệt là 31 triệu trẻ em nữ ở độ tuổi học sinh tiểu học, theo báo cáo của UNICEF, không được đến trường trên toàn thế giới.
Và quan trọng hơn cả, cô bé chính là ngọn hải đăng của niềm hy vọng – một lời nhắc nhở rằng tâm hồn của nhân loại chứa trong nó khả năng vô cùng to lớn, sự ấm ấp, tính khiêm nhường và lòng vị tha.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng từng ở vị trí này, khi ông nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2009. Giờ, khi bom đang nổ khắp nơi trên mảnh đất Syria và Iraq, trong một nỗ lực muốn tiêu diệt tổ chức khủng bố từng chặt đầu công dân Mỹ, thì thật khó để tiếp tục nhìn nhận ông Obama giống như những ngày tháng trước đó.
Malala chính là biểu tượng mới của niềm hy vọng.
Buổi diễu hành vì quyền được đi học dường như trở nên lớn mạnh hơn qua mỗi năm. Và trong một thế giới nơi mà ISIS và Boko Haram – tổ chức ở Negeria đã bắt cóc trẻ em nữ và tấn công trường học của các em, thì Malala là người được cần đến hơn bao giờ hết. Việc cô bé chia sẻ giải thưởng này với Kailash Satyarthi, một nhà hoạt động vì quyền trẻ em người Ấn Độ, đã khiến khoảnh khắc này thực sự có ý nghĩa.
“Ủy ban giải thưởng Nobel xem đây là điểm nhấn quan trọng khi một người Hindu giáo và một người Hồi giáo, một người Ấn Độ và một người Pakistan, đều tham gia vào cuộc đấu tranh chung vì giáo dục và chống lại chủ nghĩa cực đoan,” trích từ tuyên bố. Ủy ban này ca ngợi Satyarthi vì đã tiếp nối truyền thống đấu tranh bất bạo động của Gandhi, còn gọi cuộc đấu tranh của Malala là “rất anh hùng.”
Không khó để hiểu tại sao
“Các bạn thân mến, vào ngày 9 tháng Mười năm 2012, tổ chức khủng bố Taliban đã bắn vào trán phía bên trái của tôi. Họ cũng bắn những người bạn của tôi nữa,” Malala phát biểu tại Liên Hợp Quốc vào tháng Bảy năm 2013.
“Họ cứ nghĩ rằng những viên đạn đó sẽ khiến chúng tôi phải câm lặng. Nhưng họ đã lầm. Và rồi, khi sự câm lặng qua đi, là lúc hàng ngàn tiếng nói cất lên. Những kẻ khủng bố đã cho rằng họ có thể thay đổi mục tiêu và lấy đi tham vọng của chúng tôi, nhưng chẳng có gì thay đổi cả: Sự yếu đuối, nỗi sợ hãi và tuyệt vọng chết đi. Sự mạnh mẽ, quyền năng và lòng dũng cảm đã ra đời.”
Điều đó nói lên rằng, theo như ABC News, Malala đang lên kế hoạch sẽ đến trường học vào thứ Sáu. Đó quả là sự quyết tâm đúng đắn. Và đó cũng là niềm hy vọng sẽ trao cho nhiều trẻ em nữ trên toàn thế giới này quyền được làm những điều như thế.
Ảnh chụp Malala Yousafzai trên sân khấu ở Birmingham, Anh, sau khi cô bé được xướng tên lên nhận giải Nobel Hòa bình vào thứ Sáu, ngày 10/10. Hai năm trước, cô gái 17 tuổi này đã bị Taliban bắn vào đầu vì nỗ lực mang lại nền giáo dục cho trẻ em nữ ở Pakistan. Từ đó, sau khi phục hồi sức khỏe từ cuộc phẫu thuật, cô đã khởi động chiến dịch trên toàn thế giới.
Malala cùng gia đình của cô thăm trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York trước buổi gặp tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon vào tháng Tám.
Malala phát biểu trong ngày lễ kỷ niệm Commonwealth Day vào ngày thứ Hai, 10 tháng Ba, ở tu viện Westminster, Luân Đôn. Malala đến sống tại Anh sau khi bị Taliban ám sát.
Malala nói chuyện trước một sự kiện nâng cao năng lực giới trẻ tại sân Wembley, London vào tháng Ba.
Malala trao tặng nữ hoàng Anh Elizabeth II cuốn sách của cô trong buổi tiệc chiêu đãi ở cung điện Buckingham vào tháng Mười năm 2013.
Malala có bài nói chuyện với sinh viên và giảng viên của trường đại học Harvard, bang Massachusetts sau khi nhận giải thưởng Nhân đạo Peter J.Gomes vào tháng Chín năm 2013.
Hoàng hậu Rania của Jordan trao tặng Malala giải thưởng Lãnh đạo trong phong trào Xã Hội Dân Sự tại sự kiện Clinton Global Citizen Awards ở New York vào tháng Chín năm 2013.
Nhạc sĩ Bono, bên phải, và Salli Shetty, tổng thư ký của tổ chức Ân xá Quốc tế, trao tặng Malala Đại sứ của Conscience Award tại tòa nhà Manison ở Dublin, Ireland vào tháng Chín năm 2013. Đây là giải thưởng danh dự nhất của tổ chức Ân xá Quốc tế, ghi nhận những cá nhân thúc đẩy và nâng cao quyền con người.
Malala nhận danh hiệu từ nhà hoạt động dân quyền người Yemen Tawakkol Karman sau khi được vinh danh với giải thưởng Trẻ em Quốc tế vì hòa bình ở The Hague, Hà Lan vào tháng Chín năm 2013. Karman là một trong những người được nhận giải Nobel Hòa Bình năm 2011.
Malala nhận giải thưởng quốc tế Catalonia lần thứ 25 vào tháng Bảy năm 2013 tại Barcelona, Tây Ban Nha. Giải thưởng công nhận những người có đóng góp vào sự phát triển của văn hóa, khoa học và giá trị nhân văn trên toàn thế giới.
Malala được hoan nghênh trước khi phát biểu tại hội đồng thanh niên Liên Hợp Quốc vào đúng sinh nhật thứ 16 của cô bé, ngày 12 tháng Bảy năm 2013.
Malala là một trong bảy nhân vật được lên trang bìa của tạp chí Time trong top 100 có ảnh hưởng nhất vào tháng Tư năm 2013.
Malala quay trở lại trường trung học nữ sinh Edgbaston ở Birmingham, Anh vào ngày 19 tháng Ba năm 2013. Cô bé nói cuối cùng cô đã “đạt được giấc mơ của mình”.
Hình ảnh Malala trong quãng thời gian hồi phục sau khi được điều trị tại bệnh viện nữ hoàng Elizabeth ở Birmingham, Anh. Các bác sĩ đã đặt vào hộp sọ của cô bé một tấm titan. Malala không có chấn thương nghiêm trọng về não hay thần kinh. Cô bé thậm chí còn giữ lại một mảnh vỡ từ hộp sọ của mình như một món quà kỷ niệm cho cuộc chiến của cô.
Các nhân viên y tế ở Pakistan khiêng Malala trên cáng sau khi cô bé bị Taliban bắn vào đầu và cổ vào ngày 9 tháng Mười năm 2012 ở Mingora, Pakistan.
Nhãn: Lưu
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ