Nhìn Hoàng Chi Phong nghĩ đến VN
Gs Nguyễn Văn Tuấn/ FB Nguyen Tuan
Phải ghi nhận rằng người Tàu hơn chúng ta người Việt mình một bậc. Tôi không nói về những nhân tài trong khoa học và văn nghệ (mà cộng đồng người Tàu hơn hẳn chúng ta), chỉ cần nhìn cuộc biểu tình ở Hồng Kông khởi xướng bởi một em sinh viên chưa đầy 18 tuổi là tôi thấy họ đã hơn ta rất xa.
Tìm hiểu về Joshua Wong (Hoàng Chi Phong - HCP) mà tôi thấy nể phục em quá. Sinh năm 1996, đến nay em chưa tròn 18 tuổi, sinh viên năm thứ nhất khoa xã hội học (social sciences) của Trường đại học Mở Hồng Kông (Open University of Hong Kong). Mới xấp xỉ 18 tuổi nhưng em đã được xưng tụng như là một lãnh đạo chống lại bộ máy kinh khủng ở Bắc Kinh. Những người đang cầm quyền ở Bắc Kinh vừa nhức đầu vừa tức tối với HCP.
Mà, chính quyền Tàu ngán HCP cũng có lí do. Năm 15 tuổi, em và các bạn học đã khởi xướng phong trào Scholarism (Học Dân Tư Triều) và thành công ngăn chận việc Bắc Kinh muốn đưa vào chương trình giáo dục phải trung thành với Tàu cộng (có lẽ giống như yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa), mà thực chất là chính trị hoá giáo dục. Hoàng Chi Phong nói về chương trình mà Bắc Kinh muốn đưa vào giáo dục rằng "Đó là một môn học rất thiếu tính khách quan. Không thể nào tự hào khi những người như bị cầm tù như Liu Xiabo (giải Nobel) và Ai Weiwei (nghệ sĩ) và những xì căng đan về sữa." Cuối cùng thì chính quyền Bắc Kinh phải rút lui trước sự phản đối của học sinh và sinh viên có lúc lên đến hàng trăm ngàn người.
Có thể nói Hoàng Chi Phong đã thách thức cả một hệ thống chính trị khổng lồ của Tàu. Khả năng ảnh hưởng của HCP không chỉ là ý tưởng mà còn là cách diễn đạt ý tưởng trước công chúng. Điều đáng nể là dù tuổi đời còn trẻ như thế, nhưng khả năng hùng biện, lí lẽ logic, và cách nói lôi cuốn cho thấy em là một chính khách có tài, chắc chắn có tài và nhiều ý tưởng hơn nhiều chính khách ở Bắc Kinh. Có một câu nói của em tôi thấy rất ấn tượng: "Fear has been deeply rooted in our genes through the past 65 years. The majority of China’s 1.3 billion people are not true citizens – most of the people are simply submissive" (nỗi sợ hãi đã bắt rễ sâu xa trong gen của chúng ta suốt 65 năm qua. Phần lớn 1.3 tỉ người ở Tàu không phải là công dân thực thụ, họ chỉ là những người bị khuất phục). Xem ra câu này cũng có thể áp dụng cho Việt Nam và người Việt Nam.
Câu nói đó làm tôi nhìn người lại nghĩ đến ta. Ở miền Nam trước 1975, sinh viên và học sinh xuống đường biểu tình là chuyện tương đối bình thường. Biểu tình chống chiến tranh, biểu tình chống Mĩ, thậm chí biểu tình chống chính phủ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, v.v. xảy ra khá thường xuyên. Chính phủ ông Thiệu cho phép biểu tình nhưng thỉnh thoảng cũng đàn áp biểu tình (tuy không dã man như hiện nay). Phong trào "phản chiến" nở rộ trong giới sinh viên và hoạt động khá xôm tụ. Nói chung, phải nói chế độ ông Thiệu cư xử với sinh viên biểu tình không quá tệ.
Sau này chúng ta biết rằng một số (?) cuộc biểu tình đó là có sự can thiệp hay dàn dựng của mấy người "nằm vùng". Những người nằm vùng sau này nắm nhiều vị trí quan trọng trong chính quyền. Thế nhưng chúng ta biết sau 1975 thì biểu tình hầu như bị triệt tiêu. Nhưng theo cái logic và truyền thống trên, thì người ta có lí do để ngạc nhiên khi không thấy sinh viên ngày nay bày tỏ chính kiến trước những vấn đề lớn của đất nước. Ngay cả xuống đường biểu tình chống Tàu cộng số sinh viên tham gia có vẻ rất khiêm tốn, và bị đàn áp thô bạo.
Câu hỏi đặt ra là tại sao? Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh đưa ra 3 lí do: (a) một là những người trước đây sách động biểu tình trong giới sinh viên nay đã theo đảng hoặc đã bị thuần hoá rồi; (b) hai là một số không theo đảng thì đã bỏ nước ra đi sau khi bị đi tù cải tạo; và (c) ba là sinh viên ngày nay chỉ như học sinh cấp 4, bị kìm kẹp rất dữ và họ chẳng "cựa quậy" đâu được. Nói tóm lại là những người "đầu tàu" đã không còn và hệ thống giáo dục hiện tại đã "thuần hoá" sinh viên qua biện pháp đe nẹt và trói buộc (1).
Còn một người từng tham gia hoạt động Đoàn TNCSHCM nhận xét rằng sinh viên thời nay là sản phẩm của một hệ thống toàn trị, mà trong đó tư tưởng của họ bị nhào nặn theo hướng của đảng. Từ đó, một số thì theo đảng, một số thì nghĩ rằng chính trị là cái gì cao siêu chỉ có người có quyền mới tham gia (1).
Tất cả các lí giải trên có thể tóm tắt bằng một chữ: thanh niên và sinh viên ngày nay đang ở trong tình trạng liệt kháng.
Tôi nghĩ ngoài những lí do trên còn có lí do là hệ thống răn đe, đàn áp rất hiệu quả. Để so sánh, cần nói thêm rằng trước đây, chế độ VNCH thời ông Thiệu, tuy chẳng có gì tuyệt vời, nhưng cái hệ thống hành pháp và tư pháp thời đó không có chính sách truy sát như trong hệ thống Mao-Stalin. Bằng chứng là dù ông Nguyễn Thành Trung ném bom Dinh Độc Lập và bỏ vào bưng nhưng gia đình và con cái của ông không hề bị Chính phủ ông Thiệu làm khó hay truy sát. Còn hôm nay thì bất cứ nhân vật bất đồng chính kiến nào cũng bị đày đoạ, cắt đường kinh tế, và có khi bị truy cho đến chết. Đọc bài "Đất nước những năm tháng thật buồn" (2) thấy tác giả nhắc đến việc các nhà bất đồng chính kiến trong chế độ theo mô hình Mao – Stalin có khi bị thủ tiêu không cần xét xử, và "Không chỉ có thế, bố mẹ, vợ con, anh em họ hàng, bạn bè đều bị liên đới, bị truy sát, bị đe dọa, bị quản thúc, bị cô lập, bị ngược đãi. Không chỉ một năm, mà cả đời. Không chỉ ở quê nhà, mà khắp mọi nơi cư trú. Một kiểu truy sát bạo tàn kiểu Thương Ưởng." Tác giả cho rằng chính sách truy sát kiểu thời Trung cổ đang "tiêu diệt hết mọi khả năng tỏa sáng, dẫu sự tỏa sáng đó có lợi cho tiến bộ xã hội, nhưng mà bất lợi cho kẻ cầm quyền." Với những tấm gương như thế, không nói ra thì cũng biết phần lớn sinh viên muốn bày tỏ chính kiến cũng không dám.
Nhãn: Lưu
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ