Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

Từ nhà Quốc hội mới đến con đường cách mạng nghị trường

Vương Trí Dũng/ BVN 
Bình mới rượu cũ


Ngày 6-10-2014 Thường vụ Quốc hội họp phiên đầu tiên tại tòa nhà quốc hội mới, vừa được xây xong. Đè bẹp uy tín lịch sử đồ sộ của hội trường Ba Đình, bỏ ngoài tai khuyến cáo của nhiều vị lão thành, vượt qua mọi sự chống đối, tòa nhà quốc hội mới đã mọc lên để tiếp nhận kỳ họp đầu tiên vào ngày 20-10-2014.

Một tòa nhà trước khi xây dựng đã phải đối mặt với nhiều chướng ngại như vậy do bởi chính chức phận nghị viện quan trọng và vị trí đắc địa của nó, nên đương nhiên được nhiều người chờ đợi ngày nó khánh thành. Một trong số những điều mà nhiều người mong đợi là tòa nhà quốc hội mới có đẹp nguy nga xứng tầm hay không.


Đẹp nguy nga xứng tầm hay không còn phải đợi thời gian, điều đầu tiên khẳng định được ngay rằng, đó là tòa nhà đắt đỏ tốn kém với kinh phí xây dựng không dưới 5,517 tỷ đồng.

Nhưng thực ra, điều người dân quan tâm nhất không phải là đắt đỏ, cũng không phải là nguy nga, mà là những người ngồi trong ngôi nhà đó có xứng đáng hay không?

Đặt ra câu hỏi nhưng ai cũng đã có câu trả lời, rằng những người ngồi trong tòa nhà đó chưa chưa xứng đáng, bởi họ không phải là một quốc hội thực quyền, không đại diện cho quyền lợi đích thực của nhân dân, và không được nhân dân sòng phẳng bầu ra.

Càng chờ đợi tòa nhà quốc hội mới bao nhiêu, người dân sẽ phải thất vọng bấy nhiêu: Bình mới rượu cũ.

Lượng biến thành chất

Nói như thế không có nghĩa là hoàn toàn bi quan và càng không thể hoàn toàn buông tay. Người dân được quyền kỳ vọng các vị đại biểu quốc hội cất tiếng nói trung thực, thực hiện đúng với vai trò chính đáng của mình, để không phải là một quốc hội hình thức.

Dù chỉ còn gần hai năm cho tới kỳ quốc hội mới, thời gian không nhiều những vẫn đủ để cho các vị đại biểu Quốc hội khóa VIII có những đóng góp thiết thực vì lợi ích dân tộc, đúng chức năng là một đại biểu quốc hội, và bù đắp cho những điều chưa xứng đáng trước đây.

Điều trước tiên, trong số những điều nhân dân mong đợi Quốc hội khóa VIII ở những ngày còn lại trong tòa nhà quốc hội mới, là dũng cảm nói lên sự thật, vì quyền lợi của nhân dân, vì quyền lợi dân tộc, không sợ vùng cấm, không sợ bị mất chức đại biểu quốc hội, không sợ bị mất quyền lợi.

Điều tiếp theo, là không ngừng đấu tranh để cải cách thể chế trong đó cải cách quốc hội giữ một vị trí rất quan trọng. Quốc hội khóa tới phải là một quốc hội thực quyền của toàn thể nhân dân, vì quyền lợi của nhân dân, và do nhân dân tự do bàu ra, chứ không phải là một quốc hội hình thức của Đảng cộng sản. Muốn vậy phải đấu tranh tại quốc hội để thông qua được những quyền công dân cơ bản nhất trong đó có các quyền tối thiết yếu như:

- Quyền tự do thành lập hội đoàn đảng phái
- Quyền tự do ngôn luận
- Quyền tự do biểu tình
- Quyền tự do bầu cử
- Quyền phúc quyết Hiến pháp

Các quyền trên đây ở Việt Nam đều đã được nêu ra, nhưng chỉ là hình thức. Điều mà nhân dân mong đợi chính là một nền dân chủ đích thực, một quốc hội thực quyền.

Trước khi hết nhiệm kỳ, và có thể là về hưu, người dân có quyền mong chờ ở lương tâm của các đại biểu Quốc hội khóa VIII, hãy dũng cảm thực hiện đúng vai trò đại biểu quốc hội. Đấu tranh của các đại biểu Quốc hội khóa VIII trong những ngày còn lại ở tòa nhà quốc hội mới có thể chưa đưa đến những thay đổi căn bản. Nhưng “Lượng biến thành chất”, nó có thể góp phần để cho quốc hội khóa tới dần trở nên không hình thức.

Cách mạng nghị trường

Nhân dân Việt Nam đang khát khao đợi chờ một thay đổi lớn để thoát khỏi sự tụt hậu so với bè bạn quốc tế, và khoát khỏi sự phụ thuộc vào người láng giềng phương Bắc. Trong số những khát khao chờ đợi của người dân, phải kể đến hai đợi chờ đau đáu: 1. Đảng cộng sản Việt Nam tự đổi mới; 2. Đổi mới Quốc hội.

1. Đảng cộng sản Việt Nam tự đổi mới

Bản thân lãnh đạo cũng như hàng triệu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đều thấy phải đổi mới, và đang loay hoay đổi mới. Nhiều cựu lãnh đạo của Đảng như cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đã mong muốn Đảng Cộng sản tự đổi mới để cứu lấy đảng. Cựu chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An cũng đã từng hé mở khát khao đổi mới khi ông phát biểu rằng Hiến pháp nước ta càng sửa đổi càng rời xa Hiến pháp năm 1946. Biết bao nhiêu vị lão thành cách mạng đã giãi bày tâm sự đau xót về sự suy thoái của Đảng Cộng sản. Và còn hàng ngàn vị lão thành cách mạng chưa giãi bày công khai, nhưng ngày đêm ứa nước mắt chờ thời khắc cáo chung sự nghiệp mà họ đã cống hiến.

Điều mâu thuẫn căn bản không vượt qua được, chính là những người cầm quyền trong Đảng Cộng sản muốn giữ bằng được sự lãnh đạo độc tôn của Đảng Cộng sản bằng mọi biện pháp, mặc dù điều này đi ngược lại quy luật phát triển của xã hội loài người, kìm hãm tiến trình dân chủ, làm phương hại đến lợi ích của dân tộc. 

Bởi vậy, sự tự đổi mới trong Đảng Cộng sản Việt Nam hiện thời không mang tính căn bản. Và đợi chờ những người hiện thời cầm quyền Đảng Cộng sản Việt Nam tự nguyện rời bỏ quyền lực là một điều hão huyền.

2. Đổi mới Quốc hội và cách mạng nghị trường

Con đường đấu tranh nghị trường là một trong những biện pháp phù hợp và có thể là hiệu quả nhất cho Việt Nam hiện nay. 

Nếu chuyện đợi chờ Đảng Cộng sản tự đổi mới đi đến từ bỏ quyền lực độc tôn là một khát khao không tưởng, thì việc đổi mới Quốc hội lại hoàn toàn nằm trong quyền lực thực sự của nhân dân.

Nếu mọi người dân ý thức được quyền lực đích thực của mình, thì Quốc hội khóa mới sẽ có những biến đổi căn bản. Tòa nhà quốc hội mới phải là khởi đầu cho một cuộc cách mạng nghị trường. 

V.T.D.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ