'Thẩm phán ta sợ đủ thứ"
Thái Sơn/ Thanh niên
NQL:Bi hài nhất mọi thời đại trong thế giới này là gì? Đó là "ông quan tòa" của nền tư pháp xhcn. Tiếc thay cho đến lúc này hãy còn nhiều kẻ "vẫn kiên quyết không nhận ra". Những kẻ đó nếu không vô đạo thì cũng lú lấp hoặc có cả hai thứ đó. Rất Sorry. Biết là nặng lời như không thể nói khác
GS-TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) đã “phán” như vậy tại cuộc hội thảo “Liêm chính tư pháp: Các tiêu chuẩn quốc tế và pháp luật VN” diễn ra tại Hà Nội vào hôm qua.
Hội thảo do Viện Chính sách công và pháp luật (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN) phối hợp với Tổ chức hướng tới minh bạch tổ chức, có sự tham gia của Ban Nội chính T.Ư, Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Bộ Tư pháp và các đơn vị liên quan.
“Không độc lập tí nào”
Theo khuôn khổ cuộc hội thảo, chủ đề “liêm chính tư pháp” được đề cập trong nhiều nội dung với nhiều chủ thể nhưng các đại biểu tập trung vào hoạt động của TAND, đặc biệt mổ xẻ về tính độc lập trong xét xử của thẩm phán.
Theo nhiều chuyên gia, mặc dù Hiến pháp và các đạo luật quy định rõ “thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” nhưng trên thực tế đang có không ít rào cản. “Chúng tôi đang thực hiện một nghiên cứu về hoạt động độc lập của thẩm phán và càng đánh giá càng thấy lo sợ. Không độc lập tí nào. Thẩm phán sợ từ ông nhân viên kho bạc trở đi, sợ cả công an, sợ các quy định về thi đua khen thưởng của ngành, sợ địa phương không cấp đất làm trụ sở, làm nhà, đủ thứ”, GS-TS Lê Hồng Hạnh phát biểu.
Theo luật sư Nguyễn Quang Hưng, thành viên ban cố vấn Tổ chức hướng tới minh bạch, nghiên cứu quản trị tòa án cho thấy quy trình tuyển chọn và bổ nhiệm thẩm phán hiện nay đang bị tác động bởi nhiều yếu tố bên ngoài, tạo nên áp lực cho thẩm phán và tác động đến tính độc lập trong xét xử. Có hiện tượng trao đổi, thỉnh thị án đã làm giảm trách nhiệm cá nhân thẩm phán. Ngoài ra, ngân sách cho hoạt động tòa án được cấp theo cùng công thức với cơ quan hành chính. Thực tế cho thấy ngân sách hoạt động tòa án còn thiếu nên nhiều tòa địa phương vẫn tìm cách có được nguồn ngân sách từ chính quyền địa phương.
Không dám tuyên bị cáo vô tội
GS-TS Đào Trí Úc, Chủ tịch Hội đồng Viện Chính sách công và pháp luật, cho rằng cơ chế hiện nay dẫn đến thẩm phán dù thật thà ngay thẳng, chí công vô tư cũng có thể bị coi là không liêm chính khi bị đánh giá bởi nhiều hệ thống giá trị. Trong đó, khi xem xét đến danh hiệu thi đua có ý kiến của chính quyền địa phương, tốt thì không sao nhưng xấu sẽ ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm lại.
Đáng chú ý, cả hai GS-TS Đào Trí Úc và Lê Hồng Hạnh cho rằng đang có hiện tượng, thẩm phán sợ cơ quan công an và công tố. “Qua xét xử, tranh tụng có nhiều tình tiết tòa thấy có thể công bố bị cáo vô tội nhưng thẩm phán không làm được điều đó mà quay trở lại đề nghị công an, kiểm sát điều tra lại, nhiều vụ việc cứ đẩy đi đẩy lại. Vị trí thẩm phán là người thực thi công lý thay vì nói lời phán quyết thì lại bị ràng buộc. Phải làm sao để thẩm phán không sợ công an, không sợ kiểm sát mà tự mình quyết định mọi vấn đề trong phiên tòa, thế mới gọi là độc lập”, ông Hạnh nói.
Đọc thêm: Những vụ án oan: khi quan tòa cũng...chối tội
Lưu Trọng Văn/ Một thế giới
Ảnh bên:Vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn là hồi chuông cảnh tỉnh cho những quan tòa - (Ảnh nguồn từ internet)
Sự kiện nữ thẩm phán Đặng Thị Bích Loan - Tại TAND huyện Phúc Thọ (Hà Nội), trong phiên tòa xử nguyên nhà báo Phạm Đình Huy cưỡng đoạt tài sản, đã nhiều lần chăm chú “nấu cháo” điện thoại, phớt lờ những tranh tụng của luật sư phản biện ý kiến của công tố viên, bào chữa cho thân chủ của mình, đã gây phẫn nộ trong công chúng.
Hành động phản đạo đức, coi thường kỷ cương pháp luật này của chính người đại diện công lý là không thể tha thứ. Không ít vụ án oan sai, hoặc những "vụ án bỏ túi" công khai diễn ra ở nơi tố tụng cung đình bất chấp pháp luật bắt đầu từ chính những vị quan tòa vô lương tâm, vô trách nhiệm như thế.
Mới đây cơ quan tố tụng đã ra quyết định khởi tố nguyên thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao Phạm Tuấn Chiêm người đại diện Tòa án Nhân dân Tối cao phán xét quy tội giết người đối với ông Nguyễn Thanh Chấn dẫn đến cuộc đời của một công dân vô tội đã phải chịu biết bao cay đắng tủi nhục trong đằng đẵng lao tù. Vậy hơn 10 năm trước thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm người cầm cân nẩy mực đại diện cho công lý đã phạm sai lầm gì trong xét xử vụ án Nguyễn Thanh Chấn?
Xin hãy nghe ông quan tòa một thời đầy quyền uy kia trả lời báo chí thanh minh cho sự tuyên sai bản án của mình:
“Khi xét xử mặc dù tôi đã làm hết trách nhiệm, công tâm, nhưng vì trước đó một số cơ quan đã dùng nghiệp vụ làm sai lệch hồ sơ nên dẫn đến kết quả xét xử không đúng. Điều kiện tiên quyết để xét xử đúng là các cơ quan điều tra khởi tố, viện kiểm sát truy tố đúng tội. Chúng tôi không có chức năng điều tra. Chúng tôi chỉ căn cứ vào kết quả điều tra của các cơ quan khác trên cơ sở cơ quan tố tụng. Nhưng họ đã có những thủ đoạn bức cung, dùng nhục hình, bây giờ mới phát lộ đã làm sai lệch hồ sơ vụ án. Trường hợp này hoàn toàn bất khả kháng trong quá trình xét xử vụ án” .
Quan tòa Đặng Thị Bích Loan "nấu cháo" điện thoại (ảnh: Báo Xây dựng)
Vâng chỉ cần nghe sự tường trình với báo chí của vị từng là thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao - tòa án quyền uy và lớn nhất nước này đủ thấy cái gì đã diễn ra bấy lâu nay ở nhiều phiên tòa của nước ta .Lời trần tình rất chân thật của vị quan tòa này đã quá đủ để những ai quan tâm đến chuyện tố tụng phải sởn tóc gáy khi hiểu ra sự thật vì sao có quá nhiều vụ án oan sai đến mức nhiều vị lãnh đạo quốc gia cũng phải lắc đầu ngao ngán.
\
Vậy ra , trách nhiệm duy nhất của quan tòa là nghe cơ quan điều tra và cơ quan tố tụng. Họ đúng thì mình xử đúng còn họ trật thì mình xử trật vô tư à? Thế thì tiếng nói của bị cáo, của các nhân chứng và sự phản biện tức sự cãi của các luật sư bấy lâu nay tại các phiên tòa là làm cảnh về cái gọi tính công minh của pháp luật à?
Thế thì bao năm các vị quan tòa tôi rèn nghiệp vụ, học luật, học về các môn tâm lý, học khả năng nhận biết đúng sai trong một vụ án cùng những trình độ nghiên cứu hồ sơ vụ án, phán xét vụ án, khả năng thường trực dày vò lương tâm trước tiếng kêu oan hay trước sự hoài nghi bằng chứng, để rồi cũng chỉ để làm cảnh cho một vở diễn, ở đó lương tâm không còn chỗ đứng nữa hay sao?
Phải chăng vì cái cách hành xử ngồi trên pháp luật mà nhân danh pháp luật như ông quan tòa Phạm Tuấn Chiêm từ lâu đã quá quen rồi trong nghề xét xử nên bà quan tòa Đặng Thị Bích Loan kia mới có thể ung dung trên ghế chủ tọa phiên tòa trò chuyện điện thoại trong lúc luật sư tranh tụng. Trong mắt bà quan tòa Đặng Thị Bích Loan này cũng như trong mắt ông quan tòa Phạm Tuấn Chiêm hơn 10 năm trước kia thì án đã quyết rồi vì làm quan tòa phải tin tuyệt đối vào cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng tức là “phải tin vào những đồng chí của mình”.
Việc cơ quan tố tụng ra quyết định khởi tố thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm là một động thái rất tích cực được dư luận hoan nghênh và đó cũng chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho những quan tòa như bà Đặng Thị Bích Loan kia.
Nhãn: Lưu
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ