Văn học phản kháng và cái giá phải trả
Mặc Lâm/ RFA
Nhà văn Nguyễn Viện ( đeo kính) và nhà thơ Trần Hữu Dũng |
Trong những ngày gần đây nền văn học phản kháng trong nước có vẻ trầm lắng trong khi các hoạt động xã hội dân sự mang tính phản kháng lại nở rộ hơn trước. Mặc Lâm có cuộc nói chuyện với nhà văn Nguyễn Viện, một tác giả có nhiều tác phẩm văn học phản kháng để tìm hiểu thêm về sự việc này.
Luôn hiện hữu
Mặc Lâm: Xin chào tác giả Nguyễn Viện. Là người có những bài viết, tác phẩm được thừa nhận là văn học phản kháng, nhắc tới dòng văn học này anh có thể cho biết sơ qua những tác giả tác phẩm hay phong trào nào hiện nay đang xảy ra, một cách tổng quát thưa anh?
Nguyễn Viện: Về phong trào văn học phản kháng thì tôi nghĩ rằng nó cũng có ý nghĩa trong một chừng mực nào đó, đặc biệt là nền văn học đó nó không thể chính thức xuất hiện trong nước qua những cơ quan thông tấn báo chí hay là truyền thông chính thống trong nước được mà nó thường xuất hiện trên các trang mạng hay các tờ tạp chí ở hải ngoại. Bởi thế việc phổ biến nó với độc giả trong nước không thật sự rộng rãi. Tuy nhiên không phải vì thế mà nó không hiện hữu. Nếu độc giả quan tâm thì họ có thể tìm thấy không những về văn hay thơ, thậm chí cả hội họa trên các trang mạng như Tiền Vệ hay Da Màu hoặc tạp chí Hợp Lưu ở hải ngoại.
Mặc Lâm: Rõ ràng càng ngày thì người đọc càng biết nhiều hơn những tác phẩm nói giùm tiếng nói của họ tuy chúng đang phát hành ở hải ngoại nhưng người đọc trong nước do tiếp cận Internet nhiều nên cũng lan tỏa nhiều lắm. Theo anh thì giới nào theo dõi cũng như quan tâm tới dòng văn học phản kháng nhiều nhất?
Nguyễn Viện: Theo những kinh nghiệm riêng tư của tôi thì lượng người quan tâm tới dòng văn học này nó nằm trong khoảng từ 30 hay 40 trở lên nhiều hơn là tầm 30 trở xuống. Thông qua những gì mà tôi được trao đổi hoặc tìm cách làm quen hay tìm đọc.
Mặc Lâm: Theo tôi nhận thấy thì phong trào hay là dòng chảy của văn học phản kháng hình như khi lên khi xuống tùy vào tính chất thời sự chứ không hẳn do tích lũy và nghiền ngẫm như thời gian trước nữa phải không thưa anh?
Nguyễn Viện: Vâng quả thực điều đó khá rõ ràng. Chẳng hạn khi có những biến động ngoài Biển Đông như việc xâm lược của Trung Quốc hay vụ dàn khoan của họ mới đây xâm phạm vùng biển Việt Nam. Hay vụ năm 2007 Trung Quốc sát nhập Hoàng Sa Trường Sa vào huyện đảo Tam Sa của họ… tất cả những hiện tượng đó nó tạo nên những phong trào văn chương khá là nhộn nhịp, gần như rất mãnh liệt. Người ta phản ứng với một thái độ gần như không khoan nhượng đối với bất cứ sự thỏa hiệp nào hay nhượng bộ hoặc với bất cứ phản ứng tiêu cực nào.
Chịu nhiều áp lực?
Mặc Lâm: Trong một thời gian dài văn học phản kháng có nhóm Mở Miệng đã hoạt động rất sôi nổi và rộng khắp trên nhiều đề tài nhưng trong thời gian gần đây họ đã rút dần vào bóng tối không hoạt động nhiều như trước. Anh có thể chia sẻ thông tin nào về nhóm này thưa anh?
Nguyễn Viện: Có lẽ một phần vì một số anh em trong nhóm Mở miệng mà tôi được biết thì họ lo về vấn dề sinh kế, một nhóm còn trụ lại thì sự sáng tác của họ cũng trở nên lặng lẽ hơn, âm thầm hơn và xuất hiện cũng ít hơn.
Cũng có thể họ phải chịu một áp lực nào đó, hay do một điều kiện kinh tế nào đó hay cảm hứng, cảm xúc nghệ thuật của họ nó cũng giảm bớt theo thời gian… nhưng tuy nhiên tôi thấy riêng với nhóm Mở miệng mặc dù sáng tác của họ, ngoại trừ Bùi Chát ra thì những người khác gần như là không còn thấy phổ biến nữa tuy nhiên việc làm rất đáng ca ngợi của nhóm Mở Miệng là nhà xuất bản Giấy Vụn. Trong thời gian từ lúc nhà xuất bản Giấy Vụn ra đời cho tới nay thì đóng góp của họ trong việc phổ biến các tác phẩm có giá trị về văn học nghệ thuật hay là mang tính thức tỉnh thời sự cũng khá là quan trọng. Tôi nghĩ đó là một đóng góp rất lớn trong dòng chảy của văn học hiện nay cũng như trong sự ý thức thân phận mất nước hay các vấn đề xã hội khác.
Mặc Lâm: Còn về tác giả Nguyễn Viện, anh có tác phẩm nào trong năm vừa qua?
Nguyễn Viện: Trong năm vừa qua, 2013, cùng lúc tôi có hai tác phẩm được xuất bản. Một cuốn là “Nhảy múa để chết” được in bởi nhà xuất bản Tiếng quê hương ở Mỹ và tác phẩm thứ hai là “Điếm thúi” trước đó đã được phổ biến trên trang blog của nhà văn Phạm Thị Hoài, sau đó được nhà xuất bản Trẻ do tôi chủ trương in ấn.
Tuy nhiên sự in ấn này nó phổ biến rất hạn chế vì trong điều kiện và hoàn cảnh ở Việt Nam thì sự phổ biến của nhà xuất bản Trẻ của tôi nó cũng chỉ như là một cái gì mình giữ lại để làm kỷ niệm thôi chứ thật ra anh cũng biết ở Việt Nam thì trong hoàn cảnh xuất bản không chính thức như vậy thì sẽ không phát hành công khai hay rộng rãi được.
Mặc Lâm: Nếu bù lại khi xuất bản trong nước, ngay theo cách nhỏ giọt thì hiệu quả vẫn dễ thấy hơn ở hải ngoại phải không thưa anh?
Nguyễn Viện: Điều này thì đúng là nó hơi có vẻ nghịch thường nhưng nó cũng tùy từng trường hợp. Nếu như anh phổ biến trên mạng thì vấn đề trong hay ngoài nó cũng như nhau thí dụ như tác phẩm “Điếm thúi” của tôi khi in trên trang blog của chị Phạm Thị Hoài và sau đó được một số trang khác đăng lại cũng như đài BBC và RFA phổ biến thì rõ ràng là được rất nhiều người biết tới.
Tuy nhiên khi chuyển sang in giấy thì thật ra chính bản thân tôi cũng không khả năng in nhiều chỉ để tặng vài bạn bè, coi như giữ làm kỷ niệm thôi chứ còn nếu như mình phát hành rộng rãi thì nó có thể rơi vào tình huống mà mình không muốn đó là vi phạm luật xuất bản. Nếu vi phạm luật xuất bản trong nước thì nguy cơ rất cao.
Mặc Lâm: Chúng tôi vừa được biết qua trang blog của nhà văn Phạm Thị Hoài về việc anh bị công an thành phố liên tục triệu tập. Sự thật việc này ra sao, có liên quan tới việc sáng tác của anh hay không?
Nguyễn Viện: Hơn một tuần vừa qua tôi đã bị làm việc hai lần với cơ quan an ninh điều tra thành phố và ngày 10 tháng 10 tôi tiếp tục gặp lần thứ ba. Tất cả đều liên quan tới cái gọi là tôi phổ biến các tác phẩm của mình trên các phương tiện thông tin và họ cho tôi xem một tờ giấy, có đóng dấu đỏ đàng hoàng và họ nói rằng đó là bản giám định của cơ quan chuyên môn kết luận tôi vi phạm điều 87 và 88. Thật ra tôi không bận tâm lắm về điều này và biết đại khái điều 87, 88 là tội chống chính quyền.
Thật ra tôi nghĩ rằng sự phê phán trong một tác phẩm văn chương thì nó không bao giờ có thể là tội chống chính quyền. Bởi vì nó là một tác phẩm văn học, có nghĩa nó là tác phẩm hư cấu. Mặc dù nhận định này hay nhận định kia thì nó cũng chỉ là sự giả định của một nhân vật nào đó. Có thể nhân vật ấy phản ảnh tâm tư hay chính kiến gì của tôi thì cái chính kiến đó nó cũng không phải là cái gì có thể gọi là vi phạm pháp luật. Khi tôi nhìn nhận hay phê phán xã hội theo như tôi đã nhận thấy và tất cả những điều tôi viết ra nó chỉ phản ảnh sự thật chứ không phải tôi vu khống hay đặt điều vì thật sự những điều tôi nói hay viết trong tác phẩm so với thực tế xã hội thì nó cũng chưa là gì.
Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà văn Nguyễn Viện đã cho phép chúng tôi thực hiện bài phỏng vấn này.
Nhãn: Lưu
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ