Nếu QH bỏ phiếu sân bay Long Thành: Chính phủ phải chi trước ngay 142,5 triệu USD
Gs Nguyễn Bách Phúc/ GDVN
Ảnh bên:Chỉ cần Quốc hội đồng ý chủ trương ngay lập tức Chính phủ phải chi ngay số tiền không nhỏ từ ngân sách đề thuê Tư vấn thiết kế dự án...
Từ ngày 27/10, các Đại biểu Quốc hội sẽ bắt đầu tuần làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13 với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng, thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và nghe báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư xây dựng dự án.
Nói cách khác, “số phận” dự án xây dựng sân bay Long Thành sẽ được quyết định và ý kiến của các Đại biểu Quốc hội mang ý nghĩa hết sức quan trọng. Được biết, sau khi trình trước Quốc hội và xin ý kiến Đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp thu và báo cáo Bộ Chính trị. Bộ Chính trị sẽ nghe và cho ý kiến về dự án này.
Dù trước mắt, dự án xây dựng sân bay Long Thành chưa có kết luận cuối cùng nhưng chỉ cần Quốc hội cho chủ trương, ngay lập tức ngân sách phải chi ra số tiền không nhỏ cho tư vấn thiết lập Dự án đầu tư (Báo cáo nghiên cứu khả thi).
Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ&Quản lý TP.HCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học EEI đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết phân tích dưới đây:
“Phiên bản” đường sắt cao tốc Bắc Nam
Gần đây báo chí liên tục đưa tin về lời phát biểu của Bộ trưởng Đinh La Thăng về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đại ý rằng tại kỳ họp Quốc hội lần này, Chính phủ chỉ xin Quốc hội “cho chủ trương” xây dựng sân bay Long Thành. Sau khi Quốc hội "cho chủ trương", chủ đầu tư còn phải làm Báo cáo nghiên cứu khả thi, trình Quốc hội vào các kỳ họp sau, chừng nào Quốc hội “ra Nghị quyết về chủ trương đầu tư”, lúc đó mới bắt tay xây dựng.
Nghe Bộ trưởng Thăng nói hẳn nhiều người thở phào nhẹ nhõm, nghĩ rằng kỳ họp này Quốc hội chỉ nói chuyện “khơi khơi”, còn chuyện xây dựng sân bay Long Thành còn lâu mới tính đến. Cũng vì vậy, nhiều người tưởng rằng nếu kỳ này Quốc hội "cho chủ trương" thì “cũng chẳng sao”, Chính phủ chưa phải chi tiền, chưa ảnh hưởng gì đến ngân sách, đến nợ công, đến lãng phí, đến các nhóm lợi ích,…
Thực ra điều mà Bộ trưởng Thăng nói là hoàn toàn đúng với Luật Đầu tư Xây dựng của Việt Nam và Nghị quyết của Quốc hội “Về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư”. Chỉ có điều, ít người biết rành rọt về Luật Xây dựng và Nghị quyết của Quốc hội vì thế tưởng lầm rằng ý kiến của Bộ trưởng Thăng là mới mẻ, là riêng biệt trong kỳ họp Quốc hội này, rồi mới “thở phào nhẹ nhõm”.
Có thể hiểu chính xác, nếu chúng ta nhớ lại câu chuyện “Dự án Đường sắt cao tốc Bắc-Nam” vài năm trước, khi đó Bộ trưởng Bộ GTVT là ông Hồ Nghĩa Dũng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Dự án trước Quốc hội, cũng chỉ là để “xin chủ trương”. Rất may lần ấy các Đại biểu Quốc hội đã sáng suốt bỏ phiếu, số lượng tán thành “cho chủ trương” chỉ có 37%, dự án đó đã bị đình lại, cho đến hôm nay ít người nhắc đến.
Dự án sân bay Long Thành sẽ được trình trước Quốc hội và chờ Đại biểu Quốc hội biểu quyết "cho chủ trương" (ảnh minh họa). |
Lưu ý rằng năm đó công luận cũng ồn ào phản đối, riêng Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM HASCON đã có kiến nghị chính thức, gửi đến Quốc hội trước khi bỏ phiếu 3 ngày. Hội HASCON kiến nghị Quốc hội chưa thông qua chủ trương, và yêu cầu Bộ GTVT làm lại dự án. Kèm theo kiến nghị, Hội đã có một văn bản phân tích chi tiết và chặt chẽ về 8 điều bất cập của dự án này. Đặc biệt, Hội Tư vấn HASCON là đơn vị duy nhất gửi kiến nghị trực tiếp cho Quốc hội.
Nếu năm đó Quốc hội “cho chủ trương”, tức là thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án, thì Chính phủ có quyền thực hiện dự án. Nghĩa là Chính phủ và chủ đầu tư cứ việc bỏ 56 tỷ USD ra thực hiện các bước xây dựng công trình, không cần trình xin Quốc hội thêm gì nữa. Bởi theo Luật Xây dựng, bước đi đầu tiên là Chủ đầu tư phải bỏ tiền ra thuê các Công ty Tư vấn thiết lập Dự án đầu tư (gồm Thiết kế kỹ thuật, Tổng dự toán, mà trước đây dăm năm gọi là “Báo cáo nghiên cứu khả thi”, cho đến nay nhiều người vẫn quen dùng thuật ngữ này).
Câu chuyện Sân bay Long Thành năm nay có khác câu chuyện “Đường sắt cao tốc Bắc-Nam” trước đây một chút.
Nghị quyết của Quốc hội “Về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư” số 49/2010/QH12 do Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng ký ngày 19/6/2010, tại Điều 8 khoản 2 đã bổ sung vào Nghị quyết trước đó câu sau đây: “Trường hợp dự án, công trình có tổng vốn đầu tư rất lớn, thời gian thực hiện kéo dài trong nhiều năm thì Quốc hội có thể xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chung, sau đó trên cơ sở Dự án đầu tư (báo cáo nghiên cứu khả thi), Quốc hội sẽ quyết định chủ trương đầu tư cụ thể".
Như vậy, sân bay Long Thành năm nay nếu được Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chung, thì chủ đầu tư phải bỏ tiền ra thuê các Công ty Tư vấn thiết lập Dự án đầu tư (Báo cáo nghiên cứu khả thi), Chính phủ lại trình Quốc hội vào các kỳ họp sau, chừng nào Quốc hội “ra Nghị quyết về chủ trương đầu tư”, lúc đó Chính phủ và chủ đầu tư mới được phép tiến hành các bước xây dựng công trình tiếp theo.
Nhưng, vấn đề là ở chỗ: Tiền thuê Tư vấn thiết lập Dự án đầu tư (Báo cáo nghiên cứu khả thi) là bao nhiêu? Hầu hết mọi người không hình dung được số tiền này, chỉ có các chuyên gia trong ngành Tư vấn xây dựng mới nắm vững. Chi phí Tư vấn đầu tư xây dựng được Nhà nước quy định rất chặt chẽ, tùy theo loại công trình, tùy theo Tổng dự toán vốn Đầu tư, v.v… Muốn biết chi phí này của Nhà nước, phải tra cứu các Bảng Định mức.
Định mức chi phí cho Dự án đầu tư (Báo cáo nghiên cứu khả thi) dao động trong khoảng 2% đến 3% của Tổng dự toán công trình, trường hợp dự án sân bay Long Thành có thể nói gần đúng là 2,5%.
Tổng dự toán sân bay Long Thành đợt 1.a là 5,7 tỷ USD, thì chi phí này sẽ là khoảng 2,5% x 5,7 tỷ USD = 142,5 triệu USD.
Mỗi Đại biểu sẽ tiết kiệm cho dân 6,3 tỷ đồng
Nếu Quốc hội bấm nút cho chủ trương, lập tức Chính phủ phải rút ngân sách chi cho Bộ GTVT và Chủ đầu tư 142,5 triệu USD. Các Công ty Tư vấn sẽ nhận số tiền thù lao này, sẽ cho ra đời Dự án đầu tư (Báo cáo nghiên cứu khả thi).
Sau này Chính phủ lại đem trình Quốc hội và xin Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Nếu được Quốc hội cho Nghị quyết, thì mới nói chuyện thi công xây dựng.
Còn nếu như Quốc hội không cho Nghị quyết, dự án sẽ đi đến đâu không ai biết và 142,5 triệu USD đã ra đi khỏi ngân sách, sẽ mang lại kết quả gì, cũng là chuyện rất khó lường.
Thực ra 142,5 triệu USD đối với ngân sách một quốc gia không lớn. Nhưng với chúng ta, một đất nước còn nghèo, nợ nần còn chồng chất, chúng ta và con cháu chúng ta đang gồng mình lên trả nợ (năm 2015 Việt Nam phải trả nợ 7 tỷ USD). Nợ công lớn. lại có nhiều cái “nhỏ nhoi” đua nhau đè nặng lên ngân sách Nhà nước, lên chúng ta và con cháu chúng ta.
Mong rằng Đại biểu Quốc hội sáng suốt khi bấm nút “cho chủ trương”. Nếu tiết kiệm được khoản 142,5 triệu USD đồng nghĩa với 500 đại biểu quốc hội, mỗi đại biểu tiết kiệm cho ngân sách 285.000 USD, tương đương 6,3 tỷ đồng.
Nhãn: Lưu
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ