Thủ tướng và vấn đề cải cách hiện nay?
Anh Vũ/ RFA
Ảnh bên:Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị thượng đỉnh Á Âu (ASEM) tổ chức tại Milan, Ý vào ngày 16 tháng 10 năm 2014
Gần đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có đưa ra một số đề xuất cho việc cải cách kinh tế và chính trị. Những đề xuất như thế của Thủ tướng có thể giúp cải cách thể chế ra sao?
Cải cách thể chế chính trị?
Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chính phủ của ông có nhiều đề xuất cho việc cải cách. Đó là việc Thủ tướng ủng hộ việc bỏ con dấu của doanh nghiệp hay Chính phủ đề xuất nên cho phép tự vận động bầu cử tại Việt Nam...
Mới nhất, ngày 16.10.2014 trong chuyến thăm CHLB Đức, trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề dân chủ ở VN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu rằng: nhân quyền, tự do, dân chủ là xu hướng không thể đảo ngược và VN cũng không đứng ngoài xu thế này.
Điều đó đã khiến nhiều cho nhiều người hy vọng và nghĩ rằng Thủ tướng đã và đang xúc tiến tạo tiền đề để thực hiện các vấn đề cải cách được nêu trong thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng.
Đánh giá về các chính sách và phát ngôn của Thủ tướng liên quan đến vấn đề cải cách gần đây, TS. Nguyễn Quang A nguyên Viện trưởng Viện Phản biện IDS cho rằng cần phải hiểu trong khuôn khổ luật pháp và Hiến pháp của VN hiện nay thì cải cách thể chế chính trị là một việc khó. Theo ông đây là điều nhiều người lầm lẫn và dẫn tới lạc quan.
Từ Hà nội TS. Nguyễn Quang A cho biết:
“Tôi nghĩ Thủ tướng nói về các vấn đề dân chủ, nhân quyền không đảo ngược được hay vấn đề cải cách thể chế, đều nằm trong khuôn khổ chủ trương của Đảng CSVN, điều đã ghi rất rõ, đó là cải cách chính trị phải đi đôi với cải cách kinh tế. Ở đây vấn đề là hiểu thế nào là cải cách thể chế? Tôi nghĩ rằng có lẽ đây là vấn đề cải cách thể chế về kinh tế.”
TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ thì cho rằng các chính sách về cải cách của Thủ tướng là cần thiết và đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Đây là các giải pháp nhằm tháo gỡ các trở ngại trong nền kinh tế VN.
TS. Võ Trí Thành nói:
“Tôi nghĩ đây không phải ngẫu nhiên mà gần đây Thủ tướng có nhiều quyết định . Vì đối với một nền kinh tế thị trường hội nhập thì vai trò của Nhà nước là một câu chuyện về phân bổ nguồn lực, là câu chuyện xử lý những nguồn lực không được phân bổ hiệu quả. Đây là một cái nút thắt rất lớn, không phải ngẫu nhiên mà trong ba cái cần tái cấu trúc, điều được các nhà kinh tế coi là cái quyết định nhất. Đó là đầu tư công, ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước, đây là những lĩnh vực cải cách quan trọng nhất. Tất nhiên các lĩnh vực đó liên quan với nhau.”
Trả lời câu hỏi những đề xuất của Thủ tướng có thể giúp cho việc cải cách ra sao?
Chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng đây đã trở thành vấn đề bắt buộc nếu VN muốn hội nhập với thế giới. Theo bà Chính phủ cần đẩy mạnh các chương trình tái cơ cấu kinh tế, cải cách thể chế để tạo động lực cho VN phát triển mạnh hơn.
Bà Phạm Chi Lan nói:
“Càng ngày có lẽ Việt Nam càng thấy rõ hơn sức ép bắt buộc về việc cải cách thể chế và cảm thấy cần làm nhanh hơn nữa. Mặt khác, sức ép từ những cuộc hội nhập mà Việt Nam sắp tham gia từ 2015 trở đi cũng như từ các hoạt động đối ngoại sẽ khiến chính quyền không cải cách không được. Tôi nghĩ thực sự trong thời gian tới Việt Nam sẽ phải thúc đẩy cải cách thể chế mặc dù trong nước còn ngần ngại này khác. Nhưng đến lúc không thể không làm được nữa rồi.”
TS. Nguyễn Quang A hy vọng rằng Thủ tướng sẽ có lời nói đi đôi với việc làm, theo ông các đề xuất của Thủ tướng cần được triển khai và có các biện pháp cụ thể để thực hiện thành công.
TS. Nguyễn Quang A nói:
“Tôi nghĩ rằng nếu thực hiện tốt những điều như Thủ tướng nói sẽ giúp nhiều cho vấn đề cải cách, cả về hành pháp, hành chính. Nếu mà làm được sẽ là một sự cải thiện đáng kể và là điều đáng được hoan nghênh. Vấn đề ở đây là chữ nếu ”.
Dư luân hoài nghi?
Khi được hỏi theo ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thực sự muốn cải cách hay không?
Nhà báo Võ Văn Tạo tỏ ý hoài nghi về các động thái mà ông cho là mang hơi hướng cải cách của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gần đây, điều mà nhiều người đã tin tưởng. Theo ông có nhiều dữ kiện cho thấy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người có các phát biểu không đi đôi với hành động.
Từ Nha trang, Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định:
“Tôi cũng rất muốn tin rằng Thủ tướng thực sự sẽ tiến hành cải cách, nhưng thực tế chua xót cho thấy nó không như mong đợi của mình. Chính Thủ tướng ra trước diễn đàn Quốc hội đề nghị nhanh chóng ban hành Luật Biểu tình, nhưng cũng chính ông ấy khi TQ đưa giàn khoan vào VN thì chính Thủ tướng thông qua các nhà mạng viễn thông chuyển tải tin nhắn yêu cầu bà con không đi biểu tình trái pháp luật. Thử hỏi VN đã có Luật Biểu tình đâu mà trái hay không trái? Tiếc rằng chính ông ta là người dập tắt.”
TS. Nguyễn Quang A tiếp lời:
“Tôi thực sự không biết trong đầu ông Thủ tướng có muốn cải cách thực sự hay không? Nhưng trả lời của tôi với tư cách của một người bên ngoài, một người quan sát thì tôi cho là không”
Nói về các yếu tố cần thiết để thúc đẩy công cuộc cải cách ở VN tiến hành nhanh và mạnh hơn, TS. Nguyễn Quang A thấy rằng đó phải là sự kết hợp giữa các yếu tố: từ bên trong Đảng CSVN, sức ép của người dân và sức ép của cộng đồng quốc tế.
TS. Nguyễn Quang A khẳng định:
“Để thúc đẩy quá trình cải cách nhanh hơn thì nó có 2-3 yếu tố. Một là sự hiểu biết của những người nắm quyền – đó là điều kiện nội bộ”, hai là áp lực của nhân dân, sức ép của người dân thông qua các doanh nghiệp, các tổ chức XHDS và nhân tố thứ ba là áp lực từ bên ngoài, đó là từ cộng đồng quốc tế và các quốc gia khác”.
Đổi mới hay là chết là mệnh lệnh cũng là khẩu hiệu đã giúp Đảng CSVN thành công bước đầu trong công cuộc đổi mới Kinh tế năm 1986. Ngay cả lý luận của Chủ nghĩa Marx - Lenin cũng cho rằng thượng tầng kiến trúc phải phù hợp với hạ tầng cơ sở, do đó việc cải cách kinh tế phải được tiến hành một cách đồng bộ với giải pháp cải cách thể chế chính trị. Đó là một trong những điều kiện tiên quyết giúp cho VN vượt qua tình trạng trì trệ hiện nay và rồi mới có thể cất cánh trong quá trình hội nhập quốc tế.
Nhãn: Lưu
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ