Tuấn Công thư phòng tiếp tục bị Phóng viên Báo Gia đình.net “đột nhập”
Hoàng Tuấn Công/ Theo Tuấn Công thư phòng
Thư phòng của Tuấn Công |
Sáng 30/10/2014, ngồi viết mấy dòng thông báo với bạn đọc về vụ “Phóng viên Báo GDVN “đột nhập” Tuấn Công thư phòng”. (P/v Hồng Nhung đã gửi thư thừa nhận sai sót, thành khẩn xin lỗi. Báo GDVN cũng đã chỉnh sửa, bổ sung thông tin trong bài đăng, dẫn nguồn sử dụng tư liệu từ trang cá nhân của HTC).
Tôi thầm nghĩ: việc này coi như xong, chuyển sang việc khác. Bỗng lại nhận được tin nhắn từ G+ của Nhà giáo Nguyễn Duy Xuân (nguyenduyxuan.net) “ Thêm một tên trộm nữa: http://giadinh.net.vn/giao-duc/kham-pha-3-cuon-tu-dien-kieu-vu-chat-vua-duoc-phat-hien-20141028162321774.htm
Kịp nói mấy lời cảm ơn rồi lại theo link sang. Bài của “tên trộm” đặt tít: “Khám phá” 3 cuốn từ điển “kiểu Vũ Chất” vừa được phát hiện,- tác giả Nguyên Quốc. Đọc lướt, thấy hai tai lại nóng lên...
Tuy nhiên, so với Báo GDVN, vụ trộm của P/v Báo Gia đình và xã hội táo bạo, manh động và nghiêm trọng hơn nhiều. Nghĩa là ông Nguyên Quốc, đã “thuổng” gần như “nguyên con” bài viết Phát hiện Từ điển do “môn đồ cụ Vũ Chất” biên soạn của Tuấn Công thư phòng. Từng câu, từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy, thậm chí cả ảnh minh họa... Cái khác là thay vì dẫn nguồn: “theo Blog Tuấn Công thư phòng” thì ông Nguyên Quốc lại viết: “Qua tìm hiểu của phóng viên” (!) Thế là sau khi “tìm hiểu” bài viết của chúng tôi, ông “Thuổng” bỏ bớt một số đoạn vì quá dài rồi đưa ra 5 dòng kết luận cho “hành trình gian lao” của mình:
“Các nhà làm từ điển, làm sách tại TP HCM thì cho rằng, "nhóm" biên soạn này đã "mua" giấy phép xuất bản của NXB Đồng Nai để thực hiện các cuốn từ điển này. Điều này thấy rõ ở "hành trình" ra thị trường của các cuốn từ điển: Từ nhà sách Cao Minh đến CTy TNHH MTV dịch vụ văn hoá Khang Việt. Được in xong và nộp lưu chiểu vào quý III năm 2012, còn rất "nóng" trên thị trường sách”.
Như vậy, chỉ trong vòng 2 ngày, Tuấn Công thư phòng hai lần bị các Phóng viên Báo “viếng thăm”. Bài Phát hiện Từ điển do “môn đồ cụ Vũ Chất” biên soạnchúng tôi đăng lúc 21h/25/10/2014. P/v Báo GDVN “đột nhập” đem về chế biến, đăng lúc 07h22 ngày 27/10; P/v Báo Gia đình.net “trộm” về đăng lúc 05h53, ngày 28/10. (Nếu tính cả vụ Báo Đất Việt là 3 lần trong hai tháng).
Hôm viết bài ““Phóng viên Báo GDVN “đột nhập” Tuấn Công thư phòng”, tôi đăng lúc 2 giờ sáng 27/10/2014. Ông Thiền Phong Phạm Văn Tuấn (Viện Hán Nôm) đang tu nghiệp bên Đài Loan nhớ quê nhà không ngủ, vào Thư phòng đọc xong, (cười) hỏi: “Bài của bác tôi đọc từ hôm nọ...nhóm nhà báo họ xào nhanh lắm! Sao bác cứ làm cho họ ăn thế?” Tôi trả lời: “Biết làm sao được, chẳng nhẽ bây giờ Thư phòng chống trộm bằng cách không làm ra của cải, mua sắm gì hết?” Đêm qua (29/10), anh bạn Lương Ngọc (người gần đây nhiệt tình đóng góp thiết kế Thư phòng) lại nhắn tin: “Chỉ tại các bài viết của anh quá hay nên mới có nhiều báo chôm về. Nhiều Blog chỉ mong họ chôm về nhưng chẳng ai thèm chôm (cười)”. Tôi chẳng dám nhận bài của Thư phòng “quá hay”, càng không muốn nhận niềm “vinh hạnh” vì “được trộm cắp” ấy. Nhưng cũng đùa lại: “Chẳng nhẽ bây giờ Thư phòng lại chống trộm bằng cách làm cho “đồ đạc” của mình méo mó, xấu xí đi?” Đâu ngờ trong lúc đùa cợt ấy đã có thêm một P/v Báo khác dùng "thuật" Lai vô ảnh, khứ vô hình đột nhập...
Trở lại câu chuyện Phóng viên Báo Gia đình và Xã hội đánh cắp bài của Thư phòng. Với những bạn đọc không theo dõi từ đầu, hoặc đọc bài của Tuấn Công thư phòng sau, rất có thể sẽ nghi ngờ chính chúng tôi mới là kẻ “chôm đồ” của Báo Nhà nước về trang trí cho Thư phòng của mình. Tuy nhiên, hiện tại chứng cớ Phóng viên Báo Gia đình.net.vn trộm bài viết của chúng tôi đem về đăng đã quá rõ. Chúng tôi không phân tích, so sánh gì nhiều (bạn đọc có thể đọc hai bài viết và dễ dàng nhận ra)
Với Thư phòng, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ thông tin miễn phí với bạn đọc và Báo chí, nhưng không chấp nhận kiểu lặng lẽ đột nhập “xẻ”, “chia” bài vở của Thư phòng đem về dùng như cách làm của một số Phóng viên Báo Đất Việt, Giáo dục Việt Nam, Gia đình và Xã hội... Bởi vậy, chúng tôi xin gửi niềm “vinh hạnh được trộm cắp” này trở lại P/v Nguyên Quốc và Ban biên tập Báo Gia đình.net.vn. Đề nghị quý báo giải thích tại sao chữ nghĩa của Tuấn Công thư phòng lại bị ông Nguyên Quốc ngang nhiên đem về Gia đình.net.vn làm tài sản riêng?
HTC/Thanh Hóa 30/10/2014
Độc giả có thể đọc bài “của” ông Nguyên Quốc trên Báo Gia đình.net.vn tại đường link này: http://giadinh.net.vn/giao-duc/kham-pha-3-cuon-tu-dien-kieu-vu-chat-vua-duoc-phat-hien-20141028162321774.htm, hoặc đọc bài chúng tôi copy dưới đây. Chữ màu đen là “nguyên thuổng” bài viết của chúng tôi; chữ màu đỏ, có dấu hiệu gạch bỏ là ông Nguyên Quốc thêm vào:
"Khám phá" 3 cuốn từ điển "kiểu Vũ Chất" vừa được phát hiện
Trước tiên, về khoản cợt nhả, trêu ngươi, tù mù chữ-nghĩa, nói một đường hiểu một nẻo thì tác giả “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh lớp 2, 3” không thua kém gì của Vũ Chất từng gây nên bức xúc trong dư luận vừa qua. Không hiểu những đứa bé lên 8-9 tuổi, sử dụng cuốn từ điển này sẽ "học" được những gì?
-Ai điếu (danh từ): Bài văn chia buồn với người… đã chết (Lưu ý, về nguyên tắc trích dẫn, không được tự ý diễn đạt lại cách giải nghĩa của Từ điển như kiểu đặt dấu chấm giống ông Nguyên Quốc đã làm-HTC)
-Ẩy (động từ): Xúi giục. VD: Ẩy mèo bắt chuột.
-Bắt rể (đgt): Đem rể về… nuôi tại nhà mình.
-Cào cấu (đgt): Cào và cấu. Rất dễ hiểu.
-Cảm quan (dt): Các bộ phận cơ quan thuộc về… cảm giác
-Chết (đgt): Hết sống.
-Con ếch (dt): Loại nhái mình lớn, thịt ngon.
-Nhái (dt): Loại ếch nhỏ.
-Chồn (dt): Loại thú thường bắt gà.
-Bai (dt): Dụng cụ của thợ nề. (Viết cho đúng là Bay).
-Đền (dt): Chỗ vua ở. Chỗ thờ phụng lớn.
-Tâm thần (dt): Tâm trí và tinh thần. Rất đơn giản như là… đang giỡn.
-Tao (dt): Lấy vợ từ thuở nghèo hèn (!?)
-Ca khúc (dt): Một bản nhạc ngắn.
(đoạn này chúng tôi dẫn chứng rất nhiều mục từ. Nhưng có lẽ do bài dài nên ông Nguyên Quốc cắt bớt. Hoặc có sự cố nào đó trong khi cắt xén nên cuối cùng chỉ còn lại mỗi hai mục từ-HTC chú thích)
Bức ảnh đăng trên Gia đình.net do Tuấn Công thư phòng soi đèn chụp lại ban đêm |
Gọi là Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh lớp 2, 3, nhưng sách không hề có tiêu chí biên soạn hay dấu hiệu nào gọi là “dành cho học sinh lớp 2, 3”. Ví dụ với học sinh tiểu học, những từ liên quan đến nhận biết thế giới xung quanh, mô tả màu sắc, hương vị rất quan trọng (các em thường xuyên phải sử dụng trong các bài văn miêu tả); cần có cách diễn đạt, giải nghĩa riêng, phù hợp với cấp học.
Tuy nhiên phần lớn từ điển không ghi nhận, giải thích: Đỏ chót, đỏ chói, đỏ ửng, đỏ lòm, đo đỏ... Đen sì, đen kịt, đen sạm, đen nhức, đen ngòm, đen đen...; Trắng toát, trắng ngần, trắng nõn, trắng ngà, trắng xanh, trăng trắng..; Xanh ngắt, xanh ngát, xanh rờn, xanh non, xanh mơn mởn, xanh mướt, xanh đen...Thơm nức, thơm lừng, thơm lựng, thơm ngát...không thấy có trong từ điển.
Tuy nhiên, sách lại “giới thiệu” rất nhiều từ kiểu như: Đĩ; Đĩ đực (hai từ này bị giải nghĩa sai); Bao cao su; Điếm; Đĩ điếm; Quang dẫn; Triết thuyết; Duy vật (giải nghĩa sai); Trinh; Trinh tiết; Màng trinh; Bán dâm; Bạo dâm; Cuồng dâm; Hồ, Xự, Xang, Xê, Cống (5 cung); Ban bạch (bệnh); Bán hạ (vị thuốc) Thục địa (thuốc) An tức hương (một thứ nhựa thơm) Bát nhã...
Từ điển ghi ngoài bìa có 2 phần “Giải nghĩa từ và Mở rộng vốn từ”. Phần“Mở rộng vốn từ” là dấu hiệu duy nhất của “từ điển tiếng Việt dành cho học sinh lớp 2, 3”. Tuy nhiên phần này chỉ có 16 trang trong tổng số 623 trang, liệt kê (không giải nghĩa) một số từ thông dụng. Ví dụ:
-Mục “Tên một số loài chim gọi theo hình dáng”, từ điển liệt kê “chim két, chim sáo...”. Nhưng hai loài chim này được đặt tên dựa theo tiếng kêu (Chim két vừa bay vừa kêu: két...két, chim sáo đậu trên cành cao, thỉnh thoảng huýt như tiếng sáo thổi vi vu trong gió).
-Mục “Tên cách loài chim gọi theo cách kiếm ăn” liệt kê “chim cú, chim bìm bịp...”. Nhưng hai loài chim này được gọi tên dựa theo tiếng kêu. Chim cú đi ăn đêm hay kêu: cú rúc...cú rúc (còn gọi là “cú bói”); chim bìm bịp hay kêu: bịp...bịp... trong bụi cây.
Xin nói thêm, lỗi chế bản của Từ điển rất nhiều. Ví dụ: Báo oán thành bá oán (45); mút (mút kẹo) thành nút (tr.129) Nghèo túng thành nghèo tùng (144); Chắt lọc thành chất lọc (174) Rừng thành rừn (tr316) Cây vầu thành cây vẩu (564) chiều chuộng thành chìu chuộng; cưng chiều thành cưng chìu (tr608) Cuộc đời thành xuộc đời (tr612)...
Bức ảnh này cũng do TCTP chụp |
Chất lượng từ điển là vậy, thế nhưng trong Lời nói đầu “Nhóm biên soạn” đã tự tin giới thiệu: “Với cách trình bày chính xác, rõ ràng, mạch lạc, ngắn gọn, dễ hiểu, lại vừa đủ tinh tế...”; “...phương pháp giải nghĩa dựa trên cách nghĩ, cách nhận cảm (đúng ra phải là “cảm nhận”) kiểu tư duy của người Việt...” (!?)
Cả ba cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh của Khắc Trí-Trọng Tấn với đầy rẫy những sai sót nêu trên đều được Cục xuất bản xác nhận Kế hoạch xuất bản và NXB Đồng Nai cấp Quyết định xuất bản.
Như vậy, tổng cộng, P/v Báo Gia đình và Xã hội chỉ viết chừng 12 dòng chữ trong tổng số gần 3 trang viết sao chép từ bài: Phát hiện Từ điển do “môn đồ cụ Vũ Chất” biên soạn.của Tuấn Công thư phòng. Vậy mà cuối bài, dám ký tên NGUYÊN QUỐC (!)
Cũng cần nói thêm: “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh lớp 1, 2, 3” Khắc Trí-Trọng Tấn biên soạn, NXB Đồng Nai phát hành năm 2012. Còn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh "lớp 4", "lớp 5" xuất bản 2014. Tuy nhiên, vì chôm đồ nên ông Nguyên Quốc không nhập tâm và cho đẩy lùi thời gian xuất bản của hai cuốn sau lại hai năm. Ông viết ở phần mở đầu: “Đây là “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh lớp 1, 2, 3” và "lớp 4", "lớp 5" do Khắc Trí-Trọng Tấn biên soạn, NXB Đồng Nai phát hành năm 2012”.
Nhãn: Lưu
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ