Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Việt Nam và Trung Quốc cố hàn gắn quan hệ song phương & Trung Quốc muốn có sân bay phi pháp tại Trường Sa


Thanh Phương/ RFI
Ảnh bên:Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (hàng thứ hai, bên trái) trong ảnh chụp ngày 16/10/2014 với một số lãnh đạo tham gia Thượng đỉnh Á Âu tại Milano (Ý). Ở hàng trước, bên phải là Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. REUTERS/Alessandro Garofalo 


Trung Quốc và Việt Nam đồng ý nối lại quan hệ quân sự và xử lý tốt hơn các tranh chấp chủ quyền biển đảo. Đó là kết quả cuộc gặp gỡ giữa hai bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và Trung Quốc Thường Vạn Toàn (Chang Wanquan) ngày 17/10/2014 tại Bắc Kinh.

Quan hệ Việt-Trung đã trở nên đặc biệt căng thẳng kể từ khi Bắc Kinh vào tháng 5/2014, đã đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại khu vực quần đảo Hoàng Sa mà hai nước đang tranh chấp. Tàu của hai bên đã va chạm nhau nhiều lần ở khu vực giàn khoan và nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc dẫn đến bạo động gây chết người đã nổ ra ở một số khu công nghiệp của Việt Nam.

Nhưng với chuyến đi Trung Quốc của tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Hà Nội cố hàn gắn những rạn nứt trong quan hệ với Bắc Kinh, đặc biệt với việc tăng cường quan hệ quân sự.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, khi gặp đồng nhiệm Trung Quốc Thường Vạn Toàn hôm qua, ông Phùng Quang Thanh đã cho rằng, về tổng thể, quan hệ hai nước « vẫn đang phát triển tốt, chỉ tồn tại bất đồng về chủ quyền trên biển ». Ông còn cam kết là Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ nỗ lực cùng với Quân đội Trung Quốc « góp phần đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung có bước phát triển lành mạnh, ổn định ».

Về kết quả cụ thể của chuyến đi Trung Quốc lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, đáng chú ý là hai bên đã ký Bản ghi nhớ kỹ thuật về việc thiết lập đường dây điện thoại trực tiếp giữa hai bộ trưởng Quốc phòng.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, trong cuộc gặp gỡ hôm qua với Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn, ông Phùng Quang Thanh cũng đã đề nghị là quân đội hai nước « không dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong giải quyết tranh chấp trên biển », cũng như « cư xử nhân đạo với ngư dân và không tịch thu phương tiện làm ăn của ngư dân ».

Nhưng không biết là phía Trung Quốc đáp lại những yêu cầu này như thế nào, để chấm dứt tình trạng nhiều ngư dân Việt Nam trong những năm qua vẫn bị Trung Quốc bắt giữ tàu cá, tịch thu trang thiết bị, đánh đập... khi đánh bắt cá tại khu vực Hoàng Sa-Trường Sa.

Về phần Tân Hoa Xã thì loan tin là trong cuộc hội đàm hôm qua giữa ông Phùng Quang Thanh và ông Thường Vạn Toàn, hai bên đã đạt được ba « nhận thức chung nguyên tắc » về việc tiếp tục phát triển quan hệ giữa hai quân đội Việt Nam và Trung Quốc. Một trong ba nguyên tắc này là hai quân đội sẽ « tăng cường đoàn kết » và « bảo đảm vững chắc cho vị thế cầm quyền của Đảng Cộng sản ở hai nước ».

Cũng như mọi khi, cách đưa tin của Tân Hoa Xã hơi khác với tin của Thông tấn xã Việt Nam. Theo Tân Hoa Xã, bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc hôm qua đã nhấn mạnh rằng chuyến viếng thăm của đồng nhiệm Việt Nam đã thể hiện « nguyện vọng chính trị tích cực của Đảng và quân đội Việt Nam trong việc thúc đẩy cải thiện và phát triển quan hệ Trung -Việt ». Tuyên bố này ngầm cho thấy rằng chính là phía Việt Nam đã muốn hàn gắn những rạn nứt trong quan hệ với Trung Quốc.

Cuộc gặp gỡ giữa hai bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc diễn ra sau khi tại Milano, Ý, ngày 16/10, bên lề cuộc họp thượng đỉnh Á-Âu ASEM, hai Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đồng ý là hai nước sẽ « xử lý thỏa đáng » các tranh chấp trên biển và duy trì quan hệ tốt giữ hai nước.

Trong khi cố hàn gắn quan hệ với Bắc Kinh, Hà Nội vẫn phải tìm hậu thuẫn để đủ sức đối đầu với tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Cường quốc duy nhất có thể giúp Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ chính là Hoa Kỳ.

Đầu tháng 10 vừa qua, Washington cuối cùng đã quyết định giảm nhẹ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, một quyết định đã bị phía Trung Quốc chỉ trích là có tính chất « can thiệp » và « phá vỡ thế cân bằng lực lượng » ở Biển Đông.

Theo RFI

Đọc thêm: Trung Quốc muốn có sân bay phi pháp tại Trường Sa

Theo Một thế giới 
NQL: Cứ theo cách " quan hệ song phương" thế này thì TQ muốn gì trước sau gì họ cũng có. Họ có xong thì ta tuyên bố thắng lợi.

Sau khi hoàn thành sân bay Phú Lâm một cách phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam do Trung Quốc chiếm đóng trái phép), Bắc Kinh lại chuẩn bị có bước leo thang tại bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam do Trung Quốc chiếm đóng trái phép)

Trang Newsweek cho biết để củng cố tranh chấp phi pháp trên Biển Đông, Trung Quốc đã quyết định xây dựng một sân bay trên Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa ngay sau khi hoàn thành chương trình cải tạo đá thành đảo.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn ngang ngược tuyên bố rằng Trung Quốc có quyền thực hiện bất kỳ hoạt động trong "lãnh thổ của mình" và quân đội Trung Quốc lớn tiếng nói rằng các quốc gia có tranh chấp trên biển Đông không có quyền bình luận liên quan đến việc xây dựng trên quần đảo Trường Sa.
Tạp chí Newsweek nói rằng chương trình cải tạo công sự trên Đá Chữ Thập mà Trung Quốc đang xây dựng là dọn đường để xây một sân bay tạo cơ sở thúc đẩy cho hoạt động của Hải quân và Không quân Trung Quốc .

Hiện nay, có bốn sân bay ở quần đảo Trường Sa. Sân bay lớn nhất nằm trên Ba Bình, hòn đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa, bị Đài Loan quản lý phi pháp. Malaysia và Philippines cũng xây sân bay trái phép, với Malaysia trên Đá Hoa Lau và với Philippines là trên đảo Thị Tứ. Các địa danh trên đều thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị nước ngoài chiếm đóng phi pháp. Việt Nam cũng có sân bay trên đảo Trường Sa lớn.

Dù TQ đã xây dựng phi pháp một sân bay trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để mở rộng bán kính hoạt động của máy bay chiến đấu thuộc Hải quân TQ, nhưng nó vẫn còn quá xa để có thể hỗ trợ cho các đơn vị đồn trú phi pháp của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa.

Để ngăn chặn hành động quân sự chống lại Trung Quốc trên biển Đông có thể xảy ra trong tương lai, Newsweek cho biết  quân đội Trung Quốc rất khát khao có một sân bay phi pháp trong khu vực.

Một thời gian dài, Trung Quốc đã tìm cách hợp tác với Đài Loan trong khu vực với hy vọng được dùng ké sân bay Ba Bình. Sân bay ở Ba Bình được xây dựng phi pháp theo lệnh của cựu lãnh đạo Đài Loan Trần Thủy Biển hồi năm 2006. Khi ấy, Trung Quốc chỉ trích việc xây sân bay Ba Bình vì cho rằng nó sẽ được quân Mỹ  sử dụng để giám sát hoạt động của PLA tại Biển Đông.

Sau đó, thái độ của Trung Quốc đã thay đổi khi Mã Anh Cửu lên lãnh đạo Đài Loan. Bắc Kinh hy vọng rằng Mã Anh Cửu sẽ sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để "bảo vệ" quần đảo Trường Sa và cho dùng ké sân bay. Tuy vậy, Đài Loan không mặn mà với lời ve vãn của Bắc Kinh nên Trung Quốc đành tìm cách xây sân bay phi pháp riêng để phục vụ âm mưu thâu tóm biển Đông.
Về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Mọi hoạt động của nước ngoài liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà không được phép của Việt Nam đều là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và không có giá trị pháp lý.




Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ