Xin đừng phá Sơn Đoòng!
Nguyễn Văn Mỹ (UV.BCH Hiệp Hội Lữ Hành Việt Nam)/ Quê Choa
Một trong những điểm tuyến cáp treo Sơn Đoòng |
Cách đây mấy tháng, vài tờ báo và một số facebook lên tiếng báo động về dự án cáp treo ở Phong Nha đang được lobby âm thầm mà mạnh mẽ. Ủy Ban Nhân Dân (UBND) tỉnh Quảng Bình đã lên tiếng trấn an. Rằng “UBND chưa có quyết định giao cho đơn vị nào làm cáp treo ở hang Sơn Đoòng”.
Trực giác của người làm công tác quản lý lữ hành và thiết kế tour, đặc biệt các tour mới lạ, đã mách bảo tôi rằng - tai họa đó sẽ có thật. Nay thì những lời đồn đoán đã thành hiển nhiên. Ngày 22.10, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Quảng Bình thông báo về việc cho phép tập đoàn Sun Group tiến hành khảo sát để xây dựng tuyến cáp treo từ động Tiên Sơn vào hang Sơn Đoòng thuộc quần thể Phong Nha - Kẻ Bàng, di sản thiên nhiên thế giới. Vậy mà tôi và nhiều người đã cố hy vọng, rằng Phong Nha - Kẻ Bàng không phải là Hoàng Liên Sơn; Sơn Đoòng không phải là Fansipan. Sự thật quá trần trụi. Ai cũng bày tỏ sự bàng hoàng lo lắng.
Mấy năm trước, dư luận cũng râm ran chuyện làm cáp treo và xây chùa trên đỉnh Fansipan trong vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn. UBND tỉnh Lào Kai và cả lãnh đạo bộ Văn Hóa Thể Thao Du Lịch đều khẳng định không thể có chuyện đó. “Việc hệ trọng như vậy, nếu có, phải hỏi ý kiến các chuyên gia, nghe phản biện…”. Đùng một cái, lễ khởi công xây dựng cáp treo và chùa trên nóc nhà Đông Dương được tổ chức thần tốc. Buổi lễ được đích thân một phó thủ tướng đến dự và phát biểu ủng hộ bởi“Đó là điểm nhấn, là sản phẩm du lịch hiện đại và cần thiết”. Các nhà khoa học, các chuyên gia sinh thái bị việt vị, chỉ biết vò đầu bứt tai vì chuyện đã rồi. Chính phủ đã quyết vậy thì đành chịu.
Đây không phải lần đầu tiên“nói không mà làm có”, thậm chí làm tốc hành. Từ việc tăng giá xăng, điện, nước, vé máy bay…cho đến việc qui hoạch, giải tỏa. Thật ra, UBND Quảng Bình cũng trung thực chứ không dấu diếm nói không như nhiều sự cố tương tự trước đây. “Chưa” ở thì hiện tại nhưng là “Sẽ” ở tương lai, thậm chí tương lai gần. Chính người phát ngôn của UBND tỉnh Quảng Bình cũng thừa nhận “Đã có đơn vị đến khảo sát và đề nghị. Công ty Olaxis (độc quyền đưa khách khám phá hang Sơn Đoòng) từng dặt vấn đề làm cáp đu trên không (zepline) vào Sơn Đoòng”. Vấn đề khá rõ. Đã có những đơn vị không chỉ dòm ngó mà còn đặt vấn đề và tỉnh “đang xem xét, cân nhắc”; nghĩa là khả năng hiện thực rất cao. Cha ông mình từng nói “Không có lửa sao có khói”. Tôi nghiệm ra, gần như chuyện gì dân đồn cũng gần đúng, trên 95%. Có cán bộ quảng Bình còn cho biết, là lãnh đạo tỉnh đã “bật đèn xanh”. Chỉ còn lấn cấn, làm sao thuyết phục Hội Đồng Nhân Dân tỉnh, đặc biệt là dư luận xã hội để chọn thời điểm thông báo và khởi công??.
“Tiến hành khảo sát” chỉ là thuật ngữ nhằm từng bước trấn an và thăm dò dư luận bởi thực chất, mọi chuyện đã an bài. Đó sẽ là thảm họa, không chỉ cho Sơn Đoòng, cho Phong Nha - Kẻ Bàng mà còn cho du lịch sinh thái, thám hiểm của Việt Nam. Ai cũng biết Sơn Đoòng là tuyệt tác của thiên nhiên ban tặng riêng cho Việt Nam. Đó là hang lớn nhất, hoành tráng và lộng lẫy nhất thế giới, làm sửng sốt và kinh ngạc cả những chuyên gia hang động dày dạn kinh nghiệm của nhân loại, là thương hiệu hàng đầu của du lịch Việt Nam. Hang rộng 100 - 200m, cao 150 - 250m, dài 6km5; vừa soán ngôi kỷ lục thế giới của hang Deer trong vườn quốc gia Gunnung Mulu, Malaysia. Chẳng có nước nào lại đối xử với di sản thế giới, với thiên nhiên tàn nhẫn như Việt Nam.
Theo công ty Oxalis, đơn vị duy nhất có nghiệp vụ và kinh nghiệm tổ chức tour thám hiểm độc nhất vô nhị này thì mỗi tour chỉ tối đa 6 người nhưng cần tới 18 chuyên gia hỗ trợ và người dân phục vụ. Hành trình 7 ngày 6 đêm với giá 3.000 usd/ người. Thái tử Sheikh Khalifa bin Zayed bin Sultan Al Nahyan của tiểu vương Abu Dhabi (cũng là thủ đô) của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) vừa hoàn thành chuyến khám phá Sơn Đoòng tuyệt vời từ ngày 6 - 11.2.2014. Mỗi năm chỉ tổ chức tối đa được khoảng 240 người và lịch đăng ký đã kín đặc hết năm 2015. Nếu muốn tham dự, phải nhanh chân thì mới kịp năm 2016. Một sản phẩm quá tuyệt vời, thuộc hàng top ten của du lịch thế giới. Không hiểu sao Oxalis lại còn đề nghị làm zipline??.
Đơn vị chủ đầu tư của dự án là tập đoàn Sun Group, cũng là chủ đầu tư của 2 công trình cáp treo lên Bà Nà và cáp treo lên Fansipan. Hình như Việt Nam đang có hội chứng cáp treo?. Cũng giống như hội chứng nhà máy, bia, đường, xi măng, thép, cảng, lễ hội... Hễ chỗ nào có núi là làm cáp treo, dù là vườn quốc gia hay di sản thế giới. Tỉ lệ cáp treo ở Việt Nam cũng thuộc hàng top trong các nước. Thiên hạ chẳng ai làm vậy. Kinabalu (Malaysia), núi cao nhất Asean; Everest (Nepal), núi cao nhất thế giới mà thuộc Việt Nam thì đã có cáp treo từ khuya. Hết cáp treo lên núi giờ quay sang động. Việt Nam đúng là lắm trò khác đời. Có kẻ còn đề nghị xây khách sạn và nhà hát trong hang. Thật quá quắt, nhưng ở Việt Nam, tất cả đều có thể. Nhiều khách nước ngoài rất dị ứng với chương trình tổ chức ca nhạc trong hang Đầu Gỗ trên vịnh Hạ Long.
Dự án cáp treo ở hang Sơn Đoòng có dự toán ban đầu là 4.500 tỷ. Không biết chừng nào mới thu hồi vốn được. Trước mắt du khách đổ về Quảng Bình có thể đông hơn và doanh thu nhiều hơn nhưng lợi bất cập hại. Thương hiệu Sơn Đoòng và Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ giảm giá thê thảm bởi những tác hại ghê gớm của cáp treo, của sự tùy tiên đối với môi trường . Chưa kể sự phản đối của Hiệp Hội Hang Động thế giới và Unesco. Khách chưa tới đông mà thuyền trên sông Son vào Phong Nha đã nhếch nhác, quán xá xô bồ và chẳng cái nào ra hồn, không thể đón khách đoàn quốc tế…Nếu Sun Group thật lòng muốn hỗ trợ du lịch Quảng Bình thì hãy đầu tư dịch vụ thuyền trên sông Son; cải tạo và nâng cấp các nhà hàng, lập lại trật tự quán xá trước động Phong Nha và xây thêm khách sạn ở Đồng Hới. Bài học nhãn tiền về việc “đầu tư phá hoại” ở Quảng Bình còn đó. Suối Bang, suối nóng nhất Việt Nam, 104o, có thể luộc gà cách thủy, có cả dòng suối mát bên cạnh, nơi phục hồi sức khỏe dã chiến của binh đoàn Trường Sơn năm xưa; giờ tan hoang vì kiểu “đầu tư phá hoại”. Động Thiên Đường, dù giá vé hơi đắt, nhưng đáng đồng tiền bát gạo, bởi nhà đầu tư chăm chút và chuyên nghiệp.
Viết những dòng này, tôi nhớ cảm giác quá đã khi khám phá động Phong Nha vào những năm 90 của thế kỷ trước. Cái cảnh phải khiêng máy đèn, chế chụp ánh sáng và mò mẫm vào hang. Tôi cũng nhớ cảm giác xúc động nghẹn ngào vào tối 02/7/2003; từ Paris, anh Phan Lâm Phương, lúc đó là phó chủ tịch UBND tỉnh, thành viên đoàn Việt Nam thông báo cho tôi và nhờ chuyển tới bạn bè rằng “Unesco đã công nhận Phong Nha là di sản thế giới”. Từ đó đến nay, Phong Nha - Kẻ Bàng có thêm các danh thắng như hang khô Tiên Sơn cạnh động Phong Nha. Cách đó chừng 15 km là động Thiên Đường. Rồi một loạt các hang động kỳ bí được phát hiện, trong đó có Sơn Đoòng. Phong Nha - Kẻ Bàng còn ẩn chứa nhiều bí ẩn bất ngờ đang chờ khám phá.
Xin hãy nói KHÔNG, kiên quyết nói KHÔNG với thảm họa cáp treo ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Xin đừng phá Sơn Đoòng.
*Nguyễn Văn Mỹ (UV.BCH Hiệp Hội Lữ Hành Việt Nam)
Tác giả gửi Quê Choa.
Mời đọc thêm:
Nhãn: Lưu
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ