Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

Dự án cáp treo Sơn Đoòng, nên hay không nên ?

Gia Minh/ RFA
Ảnh bên:Nằm trong quần thể hang động Phong Nha – Kẻ Bàng (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), hang Sơn Đoòng được đánh giá là tài sản thế giới 
 
Dư luận tại Việt Nam đang có những ý kiến khác nhau sau khi có thông tin cho biết ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình bật đèn xanh để một tập đoàn tư nhân triển khai hoạt động khảo sát tiến đến xây dựng tuyến cáp treo từ động Tiên Sơn vào hang Sơn Đòong thuộc quần thể di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha- Kẻ Bàng.


Những người quan ngại về tác động bất lợi đối với môi trường tự nhiên của vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng mạnh mẽ chống đối dự án cáp treo như thế. Còn phía cơ quan chức năng cho rằng cần có dự án để khai thác tiềm năng du lịch thu lợi kinh tế cho địa phương.

Thông tin về dự án 

Truyền thông trong nước trích dẫn phát biểu của ông Trương An Ninh, chánh văn phòng kiêm phát ngôn viên Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình, vào ngày 22 tháng 10 vừa qua rằng tỉnh này đã cho phép Tập đoàn Sun Group tiến hành khảo sát để xây dựng tuyến cáp treo tham quan hang động Sơn Đòong, thuộc vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng nằm trong địa phận tỉnh này.

Thông tin mà các báo trong nước như Thanh Niên, Tuổi Trẻ loan đi là tuyến cáp treo nằm trong dự án có tổng kinh phí 4500 tỷ đồng. Đây sẽ là một tuyến cáp treo thuộc hàng dài nhất Đông Nam Á với tổng chiều dài là 11 kilomet. Các nhà ga theo kế hoạch dự án gồm một nằm gần động Phong Nha, một ở động Thiên Đường, một ở Tràng An và một ga ở động Sơn Đòong.

Công tác khảo sát được cho hay đã được tiến hành và sớm có báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình.

Vào sáng ngày 28 tháng 10, chúng tôi gọi điện đến cho ông Trương An Ninh để hỏi thông tin về dự án liên quan và được ông trả lời:

“Cái đó thì bây giờ chúng tôi chưa có hồ sơ cụ thể nào của phía bên Sun Group đệ trình nên tôi chưa trả lời được.”

Giám đốc Ban Quản Lý Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, ông Lê Thanh Tịnh, xác nhận thông tin về chủ trương cho tập đoàn tư nhân tiến hành khảo sát để thực hiện dự án du lịch trong đó có tuyến cáp treo gây quan ngại trong dư luận như vừa nêu:

“Vừa rồi tỉnh Quảng Bình đã có chủ trương cho một tập đoàn kinh tế của Việt Nam, đó là tập đoàn Sun Group, tiến hành khảo sát nghiên cứu để đầu tư tuyến cáp treo tham quan thắng cảnh của Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng nếu như các điều kiện cho phép.

Theo tôi nghĩ điều kiện thứ nhất và là điều kiện tiên quyết đó là việc đầu tư để phát huy giá trị của Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng góp phần phát triển kinh tế- Xã hội nhưng phải bảo đảm công tác bảo tồn các giả trị của di sản. Đó là yêu cầu cao nhất buộc các nhà quản lý và các nhà đầu tư phải tuân thủ. Nếu không đạt được yêu cầu đó thì tuyến cáp treo đó khó có thể đầu tư xây dựng tại Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng.”

Tuy nhiên theo một người từng hoạt động lâu năm trong ngành du lịch lữ hành và tham gia công tác giảng dạy trong ngành này, ông Nguyễn Văn Mỹ, ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Lữ Hành Việt Nam, thì cho rằng theo cách làm việc tại Việt Nam lâu nay mà ông này từng chứng kiến thì một khi cơ quan chức năng như Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã cho phép tiến hành khảo sát thì phần chắc là dự án sẽ được triển khai bằng mọi giá. Ông Nguyễn Văn Mỹ phát biểu:

 “Tin này thì chúng tôi biết cách đây mấy tháng rồi, nhưng không biết bằng cách nào thông tin cho các bạn đọc cả vì dù có những người trong cuộc họ cũng bức xúc và khẳng định đây là thông tin có thật. Tôi có ý kiến với các báo nhưng họ nói chưa có cơ sở; nhưng thật ra đến lúc có cơ sở thì mọi chuyện đã rồi rồi. Vì mình biết nhóm đầu tư họ đang tìm cách lobby vận động và ngày 22 tháng 10 vừa qua thì chánh văn phòng của UBND Quảng Bình thông báo đồng ý cho tiến hành khảo sát. Tại các nước thì từ khi khảo sát đến thực hiện còn rất xa, còn nhiều khoản; thế nhưng ở Việt Nam cho khảo sát là gần như đã đồng ý rồi, chỉ là vấn đề thời gian để tiến hành thôi. Từ trước đến nay rất nhiều dự án, mặc tù công bố khảo sát nhưng ( tôi nhắc lại) khảo sát là gần như đồng ý. Trừ một việc và hiếm là chuyện làm thủy điện ở trên sông Đồng Nai liên quan đến Vườn Quốc gia Cát Tiên, sau khi có dư luận phản đối gay gắt, dự án đó mới được ngưng lại thôi. Còn rất nhiều dự án khác, bất chấp những khuyến cáo, nhà nước vẫn cứ tiến hành. Thật ra nhà nước có lý do của nhà nước, nhưng người dân cũng có những quan tâm nên vấn đề quan trọng là phải tìm cho được tiếng nói chung giữa Nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân.”

Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, ông Lê Thanh Tịnh, nêu ra ý kiến nên tiến hành làm dự án để khai thác tiềm năng kinh tế của khu di sản thiên nhiên thế giới này để giúp phát triển địa phương tỉnh Quảng Bình. Ông nói:

“Tôi nghĩ bất cứ hoạt động nào cũng có ảnh hưởng nhất định đến cảnh quan và môi trường tự nhiên; nhưng ở mức độ nào mà thôi. Nếu ở mức độ chấp nhận được thì việc đầu tư để phát huy di sản, theo tôi nghĩ cũng nên làm. 

Tiềm năng du lịch của Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng rất lớn nhưng hiện tại chúng tôi chỉ mới khai thác mang tính chất nhỏ giọt và chưa có bài bản đối với tiềm năng du lịch này; nên kết quả mang lại chưa tương xứng với tiềm năng của Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng vốn có. Hiện nay chúng tôi đang thiếu những nhà đầu tư có khả năng về tài chính cũng như kinh nghiệm và phương thức đầu tư khai thác du lịch một cách hiệu quả và bền vững. chúng tôi thiếu những nhà đầu tư tiềm năng như vậy. 

Ở Việt Nam hiện nay chưa có vườn quốc gia nào là di sản thiên nhiên thế giới mà được đầu tư xây dựng cáp treo. Nhưng mà những vườn quốc gia là khu di sản trên thế giới được đầu tư rất nhiều nhất là ở Trung Quốc, Australia, Malaysia đều có cả. Đơn cử như ở Trung Quốc có tuyến cáp treo ở khu di sản thiên nhiên như ở Hồ Nam…’

Phản đối

Đối với những ý kiến phản đối dự án cáp treo ở Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng như của ông Nguyễn Văn Mỹ thì việc làm của ngành du lịch Việt Nam lâu nay có những hoạt động bị cho là khác người. Ông Nguyễn Văn Mỹ trình bày:

“Không phải bây giờ dư luận bức xúc mới lên tiếng mà lâu nay Việt Nam có cách làm du lịch không giống ai cả. Những người trong ngành tha thiết với du lịch đều có ý kiến chung nhất là đụng đến chỗ nào là phá hoại cảnh quan môi trường đến đó. Vấn đề Sơn Đòong là hiệu quả tất yếu bởi vì mình không ngăn được chuyện người ta đối xử tệ bạc với Hạ Long: đưa ca nhạc vào trong hang, đốt nến và làm nhiều trò trong đó. Dư luận chưa đủ mạnh để các nhà đâu tư chấm dứt những ý tưởng kỳ cục, hoạt động gọi là đầu tư phá hoại như thế này. Rồi chuyện Fansipan và nay tới Sơn Đòong. Cứ với đà này thì du lịch của Việt Nam sẽ rất khó khăn.

Tôi nhắc lại bản thân chúng tôi là những người làm lữ hành, chúng tôi ủng hộ tất cả những nhà đầu tư. Thậm chí khi có bất cứ khách sạn, nhà hàng nào mới tìm đến và nhờ chúng tôi giúp đỡ, tôi nói thẳng với họ rằng không phải các anh nhờ chúng tôi mà chúng ta đang nhờ nhau, đang cám ơn nhau bởi vì có các nhà đầu tư thì mới có những sản phẩm mới. Người du lịch mới có chọn lựa và hưởng thụ và trách nhiệm của những người như chúng tôi là ủng hộ tất cả những nhà đầu tư chính đáng. Vì họ họ đầu tư hiệu quả thì người khác mời đầu tư; nhưng chúng tôi cũng quyết liệt phản đối những dự án xâm hại. Tôi nhắc lại, không có nước nào trên thế giới này hành xử một cách kỳ cục như Việt Nam. Trước đây chúng tôi phản đối việc phá cảnh quan Đồi Vọng Cảnh ở Huế để xây khách sạn, sau đó là chuyện hòa nhạc trong hang Đầu Gỗ ở Hạ Long và chuyện xâm phạm ngày càng trầm trọng hơn.” 

Yêu cầu hỏi ý kiến cộng đồng

Lâu nay nhiều dự án gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường hay công trình công cộng tại Việt Nam khi tiến hành đều không được hỏi ý kiến của người dân. Theo cả hai ông Nguyễn Văn Mỹ và Lê Thanh Tịnh, để vấn đề được giải quyết thỏa đáng, đã đến lúc cần có sự công khai và cần có ý kiến phản biện có nên tiến hành hay không.

Ông Lê Thanh Tịnh đưa ra giải thích vì sao có ý kiến trái chiều trong dự án cáp treo ở Phong Nha- Kẻ Bàng cũng như quan điểm về việc hỏi ý kiến người dân:

Sở dĩ vừa rồi nhiều báo, nhiều trang mạng đăng tải những thông tin khác nhau về dự án cáp treo ở Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng vì họ chưa nắm đầy đủ mọi vấn đề liên quan dự án này. Người ta chưa thấy được hình hài của dự án trong tương lai ra sao, cho nên nhiều quan điểm đưa ra trong điều kiện đó là không chính xác. The tôi để cho phương tiện truyền thông đại chúng và người dân hiểu thì về phía lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, trên cơ sở kết quả khảo sát  báo cáo tiền khả thi của dự án phải công bố công khai. Tôi nghĩ khi nhà đầu tư có báo cáo đánh giá tác động môi trường thì sẽ có mời những nhà khoa học để có phản biện đối với những tác động và phương pháp giải quyết những tác động đó.”

Đề nghị của ông Nguyễn Văn Mỹ trong dự án cáp treo ở Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng như sau:

“ Rất cần buổi đối thoại công khai giữa nhà đầu tư, các  nhà khoa học phản biện, các nhà du lịch sinh thái để tìm tiếng nói chung. Tôi xin nhắc lại, tài sản này khi được công nhận là tài sản thế giới thì không còn là của mình nữa mà là của nhân loại. Không thể đối xử như vậy mà cần hạn chế những khác biệt, tìm tiếng nói chung, hiểu nhau hơn và ít nhất người dân được hỏi ý kiến để sau này nếu có tiến hành thì họ cũng phần nào được an ủi vì đã được hỏi ý kiến. Còn bây giờ không thèm hỏi ý kiến ai. Việc đầu tư là tốt, nhưng đụng đến di sản, đến vườn quốc gia là những thứ mà giá trị đã được định hình một cách vô hình và không thể tính toán bằng tiền như vậy thì phải có những bước đi thích hợp chứ không thể đùng một cái rồi làm. Cứ một mình một chợ, làm chẳng giống ai, càng đầu tư càng nguy hiểm, không chỉ tàn phá môi trường, hủy hoại giá trị văn hóa mà còn làm mất niềm tin không chỉ của nhân dân mà của thế giới đối với Việt Nam”. 

Liệu những cảnh báo như của ông Nguyễn Văn Mỹ nêu ra có được cơ quan chức năng tại tỉnh Quảng Bình, nơi đang quản lý di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha- Kẻ Bàng với những hang động kỳ vĩ và hệ động- thực vật đặc trưng như thế lắng nghe không? Hay rồi lại như dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên dù biết bao nhà khoa học lên tiếng nhưng cuối cùng vẫn được triển khai và nay mọi tác hại đang bộc lộ rõ.




Nhãn:

Đòi hỏi cải cách cấp thiết ở Việt Nam

  
Ảnh bên:Hoa Kỳ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam

Mặc dù gần đây Washington dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí đối với Hà Nội nhằm nâng cao quan hệ giữa hai nước nhưng cho đến nay quan hệ Việt–Mỹ vẫn còn nhiều bế tắc.

Nhà nước pháp quyền, pháp luật chuẩn mực và quyền con người – các giá trị cốt lõi của cả hai nước – vẫn còn là điểm mà hai bên chưa thể đạt được sự đồng thuận.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Tom Malinowski đã nêu rõ trong chuyến thăm Hà Nội kéo dài 5 ngày mới đây rằng quan hệ Việt–Mỹ có cơ hội tiến xa hơn hiện nay nếu Việt Nam ‘cải cách pháp luật’ và ‘chứng minh đạt được tiến bộ về vấn đề nhân quyền’.

Đảng cầm quyền tại Việt Nam có thể không thấy hoặc phớt lờ các điểm đó nhưng tuyên bố vừa qua của Hoa Kỳ rất rõ ràng: quan hệ Việt–Mỹ sẽ tùy thuộc vào việc liệu Việt Nam sẽ cải cách như thế nào và cải cách sâu rộng đến đâu. Ông Malinowski cũng đặc biệt nêu lên quan ngại về những hạn chế liên quan đến quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội tại Việt Nam.

Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã nhiều lần tìm cách tiếp cận với Việt Nam, từ việc trợ giúp Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho đến dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương. Điều này phần nào cho thấy ý định của Hoa Kỳ muốn củng cố mối quan hệ gần gũi hơn với Việt Nam.

Trong khi đây không phải là lần đầu tiên Hoa Kỳ lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam nhưng lần này Washington có một số điểm khác biệt có thể giúp gia tăng sự ảnh hưởng lên chính quyền cộng sản Việt Nam, đặc biệt giữa lúc Hà Nội cần sự hỗ trợ của Washington trong vấn đề an ninh hàng hải tại Biển Đông và gia nhập TPP.

Hoa Kỳ và Việt Nam đang ngày càng có nhiều nhiều điểm tương đồng trong môi trường địa chính trị lẫn kinh tế, nhưng để theo đuổi những mục tiêu này thì cũng cần đặt nặng đến quyền của người dân vốn là lợi ích cốt lõi của cả hai nước.

Đối với Việt Nam, đây có lẽ là lúc để cùng thỏa hiệp nhằm giảm thiểu cũng như giải quyết một số điểm nóng mà đảng cầm quyền đang đối mặt, đặc biệt là sự lấn lướt quá giới hạn của Bắc Kinh ở khu vực Biển Đông lẫn sự phụ thuộc quá lớn vào nền kinh tế Trung Quốc.

Cải cách từ nền tảng

Cải cách là cấp thiết đối với Việt Nam. Tuy nhiên, đối với một số đảng viên bảo thủ trong Đảng Cộng sản Việt Nam thì bất kỳ chủ đề cải cách nào được đưa ra thì họ cũng cho rằng Hoa Kỳ đang cố gắng tìm cách lật đổ chế độ tại Hà Nội. Nhưng điều quan trọng khác mà đảng cầm quyền không nhìn thấy là họ không thể tiếp tục giữ nguyên hiện trạng như hiện nay mãi được. Sự thôi thúc cải cách không chỉ đến từ các nước phương Tây mà đây còn là nhu cầu của chính người dân trong nước.

Ngược lại, nếu Việt Nam mong muốn thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ thì Hà Nội cũng nên sẵn sàng thể hiện qua các hành động cụ thể, và việc này không chỉ mang tính biểu tượng như trả tự do cho một vài tù nhân chính trị. Đảng Cộng sản Việt Nam cần thực hiện chương trình cải cách cụ thể và sự cải cách này phải mang lại hiệu quả thực sự.

Mặc dù Hoa Kỳ không trực tiếp kêu gọi Việt Nam cải cách chính trị nhưng để cải thiện tình trạng nhân quyền tồi tệ và pháp luật chồng chéo thì việc này tất yếu phải cần cải tổ chính trị. Điều này có thể chưa phải là điểm cấp thiết đối với Washington nhưng là điều tất yếu đối với tất cả người Việt trong lẫn ngoài nước.

Đối với một số người trong đảng cầm quyền ủng hộ quan điểm xích gần lại phương Tây thì cải cách chưa hẳn là mất khả năng kiểm soát quyền lực mà chính là cơ hội để định hình lại tương lai của Việt Nam.

Cải cách quốc gia lâu dài phải được xây dựng dựa trên nền tảng dân chủ và tuân thủ các nguyên tắc về quyền con người. Cải cách chính trị để có một nhà nước cộng hòa chính danh không đồng nghĩa với việc loại bỏ đảng cầm quyền ra khỏi sinh hoạt chính trị của đất nước, mà để tất cả mọi thành phần trong xã hội có đồng đều cơ hội cùng nhau tham gia vào quá trình phát triển đất nước. Trước khi nói đến vấn đề ai hoặc đảng chính trị nào cầm quyền tại Việt Nam, nếu diễn ra, thì quyền làm chủ của nhân dân phải được tôn trọng trong thực tế để thủ tục bầu cử dân chủ có thể diễn ra một cách công bằng.

Việc khuyến khích các hoạt động dân chủ bằng cách đối thoại ôn hòa với các tổ chức chính trị của người Việt Nam là cần thiết, và cũng là trách nhiệm của đảng cầm quyền.

Ngoài ra, thiết lập nền tảng cơ bản bẳt đầu bằng bản Hiến pháp dân chủ là điều cấp thiết, từ đó tạo cơ sở để xây dựng các tiêu chuẩn cơ bản về luật lao động phù hợp với quốc tế để Việt Nam gia nhập TPP. Quan trọng hơn hết, cải cách từ nền tảng còn giúp Việt Nam tháo gỡ gút mắc về quyền tự do lập hội vốn đang trong vòng lẩn quẩn từ nhiều năm qua và là nguồn gốc của việc Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền không chính danh.

Theo đó, những lời kêu gọi của ông Malinowski không nên bị coi là mối đe dọa hoặc một chướng ngại vật mà cần xem đây là một cơ hội để phát triển mối quan hệ hai nước Việt–Mỹ lẫn đảng cầm quyền và người dân Việt Nam.

Nền móng vững chắc cho mối quan hệ giữa chính quyền và người dân cũng như giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đều cần dựa trên những giá trị cốt lõi cơ bản mà các bên đều đồng ý: nhà nước pháp quyền và pháp luật chuẩn mực.

Trong khi đây là cơ hội để đảng cầm quyền tại Việt Nam nắm bắt thì Hoa Kỳ cũng nên tận dụng ảnh hưởng của mình để giúp Hà Nội đạt được những bước đầu tiên trong quá trình cải cách cũng như xây dựng nền tảng nhà nước pháp quyền.

Trong thời gian tới, bất kỳ sự tiến bộ nào liên quan đến quan hệ kinh tế và an ninh giữa Washington và Hà Nội cũng đều dựa trên quyết định cải cách chính trị của đảng cầm quyền tại Việt Nam. Và cải cách chính trị cơ bản đó cần bắt đầu từ nền tảng Hiến pháp dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân.

Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong riêng của các đồng tác giả, từ Việt Nam và nước ngoài.


Nhãn:

Bản dịch tiếng Pháp Thời của thánh thần xuất bản tại Paris



Tiểu thuyết “ Thời của Thánh Thần”của nhà văn Hoàng Minh Tường đã  được ba dịch giả: Hieu Constant, Catherine Fremont, Lê Ngọc Diệp  chuyển dịch từ nguyên bản tiếng Việt ( NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2008) sang tiếng Pháp, với tựa đề : LE TEMPS DES GENIES INVINCIBLES . 

Nhà xuất bản La Fremillerie, một nhà xuất bản có uy tín chuyên xuất bản các tác phẩm về Việt Nam đã cho phát hành trên toàn nước Pháp cuốn tiểu thuyết dày 650 trang, được coi là một câu chuyện truyền kỳ của người Việt ( UNE SAGA VIETNAMMIENS) từ ngày 1/11/2014.


Đồng thời, Le temps des Genies Invincibles cũng được xuất bản trên trang mạng toàn cầu Amazon.fr  

Xin chúc mừng nhà văn Hoàng Minh Tường!


Nhãn:

Ông Huỳnh Uy Dũng trả lời phỏng vấn độc quyền của báo NTNN: Chính quyền tỉnh đang như muốn “bức tử” Cty Đại Nam

Linh Đan thực hiện/ Dân Việt
Ông Huỳnh Uy Dũng
Ông Huỳnh Uy Dũng (chủ Khu du lịch Đại Nam, tỉnh Bình Dương) vừa có một tuyên bố gây sốc sẽ đóng cửa Khu du lịch (KDL) Đại Nam nếu chính quyền tỉnh Bình Dương o ép Công ty cổ phần Đại Nam. Xung quanh lời tuyên bố này, ngày 3.11 phóng viên NTNN đã có cuộc trò chuyện với ông Huỳnh Uy Dũng.
Thưa ông, dư luận cho rằng ông vừa tuyên bố đóng cửa KDL Đại Nam không kinh doanh nữa, chỉ là một lời tuyên bố mang tính… dọa thôi, ông nghĩ sao? 

- Những gì mà cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang làm đối với KDL Đại Nam khiến cho hàng ngàn cán bộ, nhân viên của tôi thật sự rất hoang mang, không thể yên tâm để làm việc. Chính quyền đang o ép, như muốn “bức tử” Công ty cổ phần Đại Nam, khiến công ty gặp khó khăn đến con đường cùng. Sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận (ngày 4.7.2014) về vụ tôi tố cáo Chủ tịch tỉnh Bình Dương thì công ty tôi phải chịu đựng cách xử sự phải nói là “không giống ai” của chính quyền địa phương.
 Khu du lịch Đại Nam là một trong những khu du lịch lớn nhất nước, thu hút đông đảo du khách.

Ngày 8.9.2014, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ra quyết định số 2173/QĐ-UBND, thu hồi thời hạn “lâu dài” đối với quyền sử dụng đất khu đất ở 61,4 ha của Công ty Đại Nam đã được cấp tại Khu công nghiệp Sóng Thần 3. 

 Ngày 9.9.2014, Sở TNMT tỉnh Bình Dương ra văn bản yêu cầu Đại Nam nộp hồ sơ và giấy chứng nhận quyền sử dụng 61,4ha khu đất ở. Đến ngày 16.9.2014, Công an tỉnh Bình Dương đã ra giấy mời một số cán bộ, nhân viên Công ty Đại Nam xét hỏi về nội dung kinh doanh của Công ty Đại Nam liên quan đến khu đất trên… Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo phúc tra lại nội dung liên quan đến đơn tố cáo của tôi mà Thanh tra Chính phủ kết luận, xem xét lại nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Cho nên tuyên bố đóng cửa KDL Đại Nam của tôi không phải là dọa. Nếu tỉnh Bình Dương vẫn không thay đổi cách cư xử như hiện nay, tôi sẽ quyết định đóng cửa KDL Đại Nam và dần dần sẽ là các hoạt động khác của Công ty Đại Nam, để chờ đợi chỉ đạo giải quyết của Thủ tướng Chính phủ. 

Nhưng KDL Đại Nam là những gì mà cả đời ông tâm huyết đổ vào đó. Ông cũng mong muốn có một nơi thờ tự linh thiêng về mặt tâm linh để mọi người dân có một nơi tìm về cội nguồn văn hóa dân tộc và tín ngưỡng? 

- Thật sự cả đời tôi rất tâm huyết đầu tư vào KDL Đại Nam không chỉ để kinh doanh mà mong muốn có một nơi thờ tự thiêng liêng về mặt tâm linh cho con cháu đời sau có một nơi để tìm về. Từ lâu tôi đã tách khu đền thờ riêng để mở cửa miễn phí cho mọi người dân tìm đến dâng hương, lễ Phật. Còn khu kinh doanh của KDL tôi cũng đã chia sẻ hết phần lợi nhuận trong 16 năm tới để dành mổ tim cho trẻ em nghèo cả nước. Tôi không tìm kiếm lợi nhuận gì từ KDL Đại Nam cả. Việc đóng cửa Đại Nam có chăng chỉ ảnh hưởng đến việc hưởng lợi của trẻ em nghèo có trái tim cần chữa trị mà thôi. Tôi muốn buông tất cả, tôi may mắn đã kiếm đủ tiền để thực hiện những hoài bão lớn lao của đời mình và tôi đang thực hiện điều đó qua việc tài trợ rất nhiều ca mổ tim cho trẻ em nghèo. 

Việc ông tố cáo chủ tịch tỉnh Bình Dương thì Thanh tra Chính phủ kết luận, rồi Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo phúc tra. Chuyện nào ra chuyện đó. Nếu đóng cửa KDL Đại Nam rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động văn hóa du lịch của tỉnh Bình Dương chứ?

- Nếu tỉnh Bình Dương tách bạch chuyện đó thì làm gì có chuyện tôi phải tuyên bố đóng cửa KDL Đại Nam? KDL Đại Nam đóng cửa rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến ngành du lịch nhưng chuyện đó là ngành du lịch quan tâm, còn tôi chỉ quan tâm đến hàng ngàn cán bộ công nhân viên gắn bó với tôi từ trước đến nay và hàng ngàn trẻ em nghèo cần chia sẻ tiền để mổ tim mà thôi. 

Nếu buộc phải đóng cửa KDL Đại Nam thì dự kiến bao giờ ông sẽ tiến hành?

- Nếu họ không thay đổi cách cư xử với doanh nghiệp thì khoảng 10 ngày nữa tôi sẽ tiến hành thôi chứ làm để làm gì nữa. Trong thời buổi khó khăn này, doanh nghiệp trụ được đã quá mệt mỏi rồi mà còn chịu đựng thêm cách hành xử của chính quyền như thế nữa thì không thể tiếp tục làm được. Trước mắt, tôi sẽ cho cán bộ, nhân viên nghỉ vài tháng, vẫn hưởng lương 100% rồi tính tiếp. 

Trước khi đóng cửa khu vực kinh doanh thì tôi sẽ có kế hoạch mở cửa miễn phí để tri ân khách hàng, không thu bất cứ phí gì cả. Tôi muốn làm để dâng hiến cho đời mà họ đã không muốn thì thôi tôi sẽ buông bỏ, không làm nữa. 

Xin cảm ơn ông!

Tỉnh Bình Dương không muốn sự việc đi theo hướng tiêu cực 

Trao đổi với NTNN chiều 3.11 qua điện thoại, một lãnh đạo của tỉnh Bình Dương cho biết, việc ông Dũng tuyên bố đóng cửa KDL Đại Nam hay không đó là quyền của ông ấy. Tuy nhiên, tỉnh tin đó  chỉ là lời hăm dọa của ông Dũng, khó có chuyện đã đổ vào đây hàng ngàn tỷ đồng nhưng chỉ vì những mắc mớ chưa rõ ràng đã đòi đóng cửa. Trong trường hợp đóng cửa thì phần thiệt hại chắc chắc chỉ có phía doanh nghiệp, còn tỉnh nếu có cũng chỉ ở khía cạnh thuế mà thôi. Tuy nhiên, tỉnh vẫn muốn giải quyết các vướng mắc (nếu có) theo đúng các quy định của pháp luật, chứ không muốn đi theo hướng tiêu cực như vậy.    

Nguyên Khôi 


Nhãn:

Kiện dân biểu được không?

Ts Nguyễn Sĩ Dũng/ Lao động
ĐBQH Đỗ Văn Đương
ĐBQH Đỗ Văn Đương phải xin lỗi, nếu không ông sẽ bị kiện ra tòa. Đó là thông điệp thấm đẫm tinh thần thiện chí của giới luật sư trong nước.

Các luật sư đã rất bức xúc với vị dân biểu nói trên vì nhận xét “Thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền” của ông. Công khai dọa kiện một vị dân biểu ở Quốc hội quả là chuyện xưa nay hiếm. Tuy nhiên, xưa nay hiếm, thì chắc gì nay mai cũng lại sẽ hiếm theo.

Vấn đề đặt ra là giới luật sư có quyền kiện một vị dân biểu vì phát biểu của vị này không? Câu trả lời là: Trên thế giới thì không, nhưng ở Việt Nam thì có. Đơn giản là vì ở Việt Nam các vị dân biểu chỉ có quyền miễn trừ, mà không có đặc quyền.

Quyền miễn trừ là quyền không bị truy tố vì các tội hình sự. Theo pháp luật Việt Nam, đây là một thứ quyền khá hạn chế vì với sự đồng ý của Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ QH thì việc truy tố vẫn có thể xảy ra. “Không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội; trong trường hợp đại biểu Quốc hội phạm tội quả tang mà bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định” (Điều 81, Hiến pháp 2013). Đó là tất cả những gì Hiến pháp quy định về quyền miễn trừ.

Đặc quyền thì lại khác. Đặc quyền là quyền của các vị dân biểu không phải chịu trách nhiệm về hình sự và dân sự vì phát biểu (cũng như biểu quyết) của mình tại Quốc hội. Đặc quyền là một thứ khá xa lạ với hệ thống pháp luật chịu ảnh hưởng của mô hình xôviết. Chính vì vậy, trong hệ thống pháp luật của nước ta, ngoại trừ trong Hiến pháp năm 1946, đặc quyền của các vị dân biểu đã không được ghi nhận. 

(Trong Hiến pháp năm 1946, đặc quyền của các vị dân biểu được ghi nhận như sau: “Nghị viên không bị truy tố vì lời nói hay biểu quyết trong Nghị viện”- Điều 40, Hiến pháp năm 1946). Không được ghi nhận, thì có nghĩa là các vị dân biểu phải chịu trách nhiệm về dân sự và hình sự về phát biểu của mình (thậm chí kể cả biểu quyết của mình). Chính vì vậy, các vị dân biểu ở Quốc hội, cũng như ở Hội đồng nhân dân hãy cẩn trọng khi phát biểu ý kiến!

Trong quá trình sửa đổi Hiến pháp 1992, một số chuyên gia đã đề nghị cần phải hiến định đặc quyền của các vị dân biểu. Rất tiếc, đề nghị này đã không được tiếp nhận. Tuy nhiên, cơ hội để khắc phục thiếu sót này vẫn còn. Quốc hội đang xem xét Dự Luật Tổ chức Quốc hội. Đặc quyền của các vị dân biểu có thể đưa được vào dự luật nói trên.

Đặc quyền không phải chỉ là chuyện thêm quyền cho các vị dân biểu. Đặc quyền là điều kiện hết sức quan trọng để vận hành thể chế. Quốc hội sẽ rất khó vận hành trong một nền kinh tế thị trường nếu các vị dân biểu không có được đặc quyền.

Nhãn:

Biển Đông : Việt Nam cần tỉnh táo trước đòn chiêu dụ của Trung Quốc

Ảnh bên:Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh tiếp đón Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì - Ảnh : Reuters

Trong tháng 10/2014, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đã trở nên "thân hữu" trở lại, với một loạt những cuộc gặp cấp cao, từ cuộc gặp song phương giữa hai Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Lý Khắc Cường bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Á Âu ngày 16/10 tại Ý, cho đến những chuyến thăm viếng lẫn nhau giữa các quan chức cao cấp.

Đáng chú ý nhất là chuyến ghé Hà Nội hôm 26/10/2014 của Ủy viên Quốc vụ đặc trách ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì, trên danh nghĩa là để đồng chủ trì cuộc họp thường kỳ lần thứ 7 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam–Trung Quốc, nhưng trong thực tế là để thảo luận thêm với Hà Nội về hồ sơ Biển Đông.

Trước đó, vào trung tuần tháng 10, một phái đoàn hơn 10 tướng lãnh Việt Nam do chính Tướng Phùng Quang Thanh dẫn đầu cũng chính thức sang thăm Trung Quốc với kết quả là hai bên đồng ý nối lại quan hệ quân sự và cam kết xử lý tốt hơn các tranh chấp chủ quyền biển đảo.

Không khí thân thiện lần này trái ngược hẳn với thời điểm tháng 5-6/2014, vào lúc Bắc Kinh cho kéo giàn khoan HD-981 vào cắm trong thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời hầu như cắt đứt mọi tuyến liên lạc với Hà Nội.

Hòa dịu là sách lược, độc chiếm Biển Đông là chiến lược

Giới quan sát tuy nhiên vẫn duy trì thái độ thận trọng trước các động thái mềm mỏng về mặt ngoại giao của Trung Quốc hiện nay, được cho là mang tính chất sách lược – tránh khuấy động tình hình trước hai sự kiện quan trọng là Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh cũng như Hội nghị Trung ương 4 của đảng Cộng sản Trung Quốc - trong khi dụng tâm độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh là mục tiêu chiến lược.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long, trường Đại học Maine - Hoa Kỳ, đã lồng các động thái hòa dịu của Trung Quốc hướng về Việt Nam vào trong xu hướng mềm dẻo chung của Trung Quốc trong lãnh vực ngoại giao hiện nay. Tuy nhiên, đối với Giáo sư Long, Trung Quốc còn nuôi dưỡng âm mưu lôi kéo Việt Nam vào quỹ đạo của họ. Do đó, để đối phó với thủ đoạn của Trung Quốc, Việt Nam phải tỉnh táo đừng để sập bẫy.

Trả lời phỏng vấn của RFI về các diễn biến mới trong quan hệ Việt Nam Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, giáo sư Long trước hết nêu bật tác động từ bối cảnh khu vực và quốc tế :

Ngô Vĩnh Long : Vì có các hội nghị APEC, ASEAN, EAS… nên các nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc, phải làm sao để tạo ra hình ảnh là mọi người đang tìm cách cùng nhau bảo vệ an ninh trong khu vực, làm sao để cho các vấn đề đang tranh chấp không rắc rối thêm, làm sao cho kinh tế toàn khu vực phát triển được.

Đó là vấn đề chung cho khu vực. Vấn đề thứ hai là quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mỹ có vấn đề là tuần này có bầu cử (Quốc hội), và trong hai năm tới sẽ chuẩn bị bầu lại Tổng thống. Cho nên vấn đề của chính quyền Obama là phải chứng minh cho dân chúng Mỹ thấy là đường lối ngoại giao của Mỹ sẽ đem đến hòa bình, ổn định và phát triển cho Mỹ nói riêng và các nước khác nói chung để Mỹ có lợi. Đây là vấn đề rất quan trọng.

Gần đây, Trung Quốc đã "xuống nước"

Thành ra Mỹ, cùng với Trung Quốc, đã có những chuẩn bị rất tích cực, để cuộc viếng thăm của Obama gặp các lãnh đạo Trung Quốc được thành công. Đó là lý do vì sao gần đây Trung Quốc đã xuống nước, và đang xoa dịu Mỹ, và Mỹ cũng có thái độ mềm dẻo đối với Trung Quốc.

Khi hai nước lớn, Trung Quốc và Mỹ đang hòa dịu với nhau, đang mềm dẻo với nhau vì những lý do tôi vừa nói, hoặc nhiều lý do khác, như vấn đề kinh tế chẳng hạn - Mỹ hiện là nước đang có kinh tế phát triển mạnh nhất thế giới, và các nước khác đang cần đến Mỹ như là đầu tàu, và trong đó có Trung Quốc, trong đó có Nhật và có Âu Châu – thì Trung Quốc không muốn có thái độ căng thẳng đối với Mỹ vì điều đó có thể tác hại tới nền kinh tế Trung Quốc.

Hơn thế nữa Trung Quốc sắp mở Hội nghị Trung ương 4, cho nên Trung Quốc cũng không muốn làm cái gì xáo động trước Hội nghị đó…

RFI : Đối với Việt Nam, Trung Quốc cũng thể hiện thái độ hòa dịu, đặc biệt là nhân chuyến thăm Việt Nam mới đây của ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ phụ trách toàn bộ ngành ngoại giao Trung Quốc. Giáo sư nhận định ra sao về các cuộc gặp giữa ông Dương Khiết Trì với giới lãnh đạo Việt Nam ?

Ngô Vĩnh Long : Trước hết cuộc gặp giữa ông Dương Khiết Trì và giới lãnh đạo Việt Nam, là do phía Việt Nam mời… Việt Nam muốn bắt Trung Quốc nhấn mạnh trở lại sự kiện là những thỏa thuận đã ký kết với Việt Nam không được họ thi hành.

Do đó tại phiên họp giữa Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh và ông Dương Khiết Trì tại Hà Nội ngày 27/10, hai bên cho rằng quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc đang phát triển lành mạnh, và việc ổn định tình hình giữa hai bên là phù hợp với nguyện vọng giữa hai nước, có lợi cho hòa bình cũng như ổn định và phát triển của khu vực.

Ông Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh vấn đề này, còn ông Dương Khiết Trì cũng một lần nữa, nói lại rằng vấn đề khôi phục giao lưu và hợp tác giữa hai nước là vấn đề rất quan trọng.

Ý đồ của Bắc Kinh : Lôi kéo Việt Nam vào quỹ đạo của Trung Quốc 

Nhưng mà tôi nghĩ rằng ông Dương Khiết Trì còn có một ý khác nữa : Lôi kéo Việt Nam trở lại quỹ đạo quan hệ với Trung Quốc.

Nếu Việt Nam không hiểu rằng thái độ mềm dẻo của Mỹ hiện nay đối với Trung Quốc bắt nguồn từ việc Trung Quốc hiện đang « xuống nước » vì nhiều lý do, và nếu Việt Nam tưởng rằng các cuộc gặp của ông Dương Khiết Trì lúc đi thăm Mỹ - như đi đến nhà của bộ trưởng Ngoại giao Kerry, ăn tối ở đó và có vẻ thân thiện - là Mỹ và Trung Quốc đang có những bàn tán đi đêm gì đó, qua đó Việt Nam sợ và đánh giá không đúng và tự nhân nhượng Trung Quốc một cách quá lố, thì tôi nghĩ đây Việt Nam phải suy nghĩ lại, bởi vì các nước lớn có những chính sách lâu dài. Trong ngắn hạn người ta thường mềm dẻo và coi trọng đối tác.

RFI : Bắc Kinh muốn kéo Việt Nam vào quỹ đạo của Trung Quốc Phản ứng của Việt Nam ra sao ?

Ngô Vĩnh Long : Việt Nam hiện nay có nhiều cơ quan làm ngoại giao …Thành ra vấn đề rất khó nói, bởi vì ở Việt Nam, ngoài Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thương mại cũng làm ngoại giao… Phản ứng của mỗi bên mỗi khác.

Trước hết là phản ứng của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh : trước những lời dẫn dụ của ông Dương Khiết Trì, thì dĩ nhiên là mềm dẻo, và nói như một nhà ngoại giao là coi trọng việc phát triển quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc.

Buộc được Trung Quốc tái cam kết thực hiện những gì đã ký kết (về Biển Đông)

Ổng nhấn mạnh là hai bên cần triển khai hiệu quả những thỏa thuận đã đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Lê Hồng Anh. Và ông nói thêm là để khôi phục giao lưu hợp tác, kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động nào phức tạp mở rộng tranh chấp.

Tất nhiên, theo tôi hiểu, là ông Phạm Bình Minh đã nói rằng Trung Quốc đã không thi hành những vấn đề đó, và bây giờ Trung Quốc nên đàng hoàng hơn, thì mới có thể đẩy mạnh cái quan hệ với Việt Nam.

Đó là phía bên Bộ trưởng Ngoại giao. Ông cũng nhắc lại vấn đề Biển Đông, nhắc lại những vấn đề Trung Quốc đã đồng ý với Việt Nam. Và ông Dương Khiết Trì cũng phải đồng ý với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, và nói là ông nhất trí hay là Trung Quốc nhất trí tăng cường chỉ đạo các cơ quan hữu quan Trung Quốc triển khai các thỏa thuận đã đạt được tại phiên họp vừa qua.
Tức là Trung Quốc cũng công nhận là họ đã không thi hành những thỏa thuận.

Qua phản ứng và những lời nói của ông Dương Khiết Trì, tôi nghĩ là Việt Nam đã gặt hái được kết quả là nhắc nhở với Trung Quốc và cho mọi người biết rằng Trung Quốc đã không nghiêm chỉnh thi hành những gì đã ký kết với Việt Nam và ông Dương Khiết Trì bắt buộc nhận xét rằng bây giờ họ sẽ thi hành tốt hơn.

Họ có làm hay không là chuyện khác, nhưng ít ra Việt Nam một lần nữa nhắc nhở Trung Quốc và cho các nước trong khu vực và cho dân chúng mình biết rằng Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách mà Việt Nam đã ký kết với Trung Quốc, và những chính sách đó có lợi cho an ninh của Việt Nam cũng như an ninh của các nước khác trong khu vực.

RFI : Hoạt động "ngoại giao" của Bộ Quốc phòng Việt Nam : ý nghĩa và hiệu quả ?

Ngô Vĩnh Long : Không ngoài chủ trương củng cố quan hệ với Trung Quốc đã bị sứt mẻ rất lớn, và để lập lại quan điểm của Việt Nam, cũng như – tôi nghĩ – mua thời gian để củng cố quốc phòng cho Việt Nam.

Phát biểu "nhiệt tình" với Trung Quốc làm nhiễu thông điệp của Việt Nam 

Nhưng Đại tướng Phùng Quang Thanh lại tỏ vẻ rất nhiệt tình khi ông tiếp xúc với báo chí trong hành lang Quốc hội ngày 20/10/2014, hãnh diện cho biết là : « Bạn đón tiếp ta rất nhiệt tình, trọng thị, chu đáo và rất hữu nghị ». 

Trước đó thì theo tường thuật từ phía Bắc Kinh, ông Phùng Quang Thanh đã nói với đồng nhiệm Trung Quốc Thường Vạn Toàn : « Đảng và Quân đội Việt Nam chân thành mong tăng cường giao lưu và hợp tác với Trung Quốc, mong Quân đội hai nước trở thành lực lượng nòng cốt trong việc giữ gìn tình hữu nghị Việt Nam Trung Quốc, cùng nhau giữ gìn hòa bình và ổn định trong khu vực ».

Phát biểu này không có gì sai, nhưng tôi nghĩ rằng vấn đề tỏ ra rất nhiệt tình có thể bị đánh giá sai, hay là chính ông Phùng Quang Thanh đã quá nhiệt tình, nếu vậy thì có thể gây khó khăn cho vấn đề ngoại giao của Việt Nam, có thể làm sứt mẻ quan hệ giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng của Việt Nam.

Nhưng mà tôi không ở trong, nên tôi không biết là người ta phân chia công việc với nhau như thế nào. Nhưng tôi chỉ muốn chỉ ra cái sự khác biệt trong cách đối xử với Trung Quốc giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng. Tôi mong rằng Bộ Quốc phòng – hay ông Phùng Quang Thanh – « nhiệt tình » như thế là để cho Trung Quốc không có cớ mà hùng hổ với Việt Nam, để mua thởi gian cho Việt Nam để củng cố nền quốc phòng hiện rất yếu.

RFI : Nhưng các tuyên bố như thế có nguy cơ làm nhiễu thông điệp của Việt Nam ?

Ngô Vĩnh Long : Đúng như vậy. Thành ra, đối với những tuyên bố, thông báo như trên, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, bằng không thì rất có thể bị Trung Quốc hay các nước khác lợi dụng để chia rẽ nội bộ của Việt Nam.

RFI : Nguy cơ các nước ủng hộ Việt Nam sau vụ giàn khoan HD-981 thấy rằng Việt Nam lại đi theo Trung Quốc, nên sẽ lơ là Việt Nam ?

Ngô Vĩnh Long : Có nguy cơ đó, nhưng hiện nay, các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, các nước Châu Âu, kể cả Đức, đang có thái độ mềm dẻo đối với Trung Quốc vì nhiều lý do, trong đó có vấn đề kinh tế thế giới, và những cuộc họp quan trọng sắp tới đây… Đối với Việt Nam, vấn đề mềm dẻo với Trung Quốc vào lúc này do đó cũng không có gì khác thường.

Có điều là khi Trung Quốc đặt giàn khoan (vào bên trong thềm lục địa của Việt Nam), lẽ ra Việt Nam phải nắm lấy thời cơ đó để kiện Trung Quốc và đưa họ ra trước Liên Hiệp Quốc và các cơ quan quốc tế khác.

Bây giờ, cơ hội đã mất, cho nên vấn đề quan trọng là bắt Trung Quốc phải nhấn mạnh và đồng ý là những cái ký kết với Việt Nam, Trung Quốc đã không thi hành, do đó từ nay về sau Trung Quốc phải đàng hoàng hơn, nếu không thì Việt Nam sẽ kiện Trung Quốc.

Vấn đề là từ nay cho đến lúc chuyện đó xẩy ra, Việt Nam phải vận động các nước trong và ngoài khu vực, và phải có một tiếng nói rõ ràng, để các nước hiểu rõ Việt Nam muốn gì.

Nhãn:

Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Du lịch VN: tại sao "một đi không trở lại"?

Gs Nguyễn Văn Tuấn/ FB Nguyễn Tuấn
Khi đọc xong bản tin này ("Chỉ 6% khách quốc tế quay lại Việt Nam", 1), phản ứng của tôi là nói thầm: "Đáng đời". Gieo giống nào thì gặt quả đó. Dịch vụ nghèo nàn và văn hoá ứng xử tồi tệ, thì dĩ nhiên khách chỉ đi một lần và không hẹn ngày quay lại là đúng rồi. Thật ra, con số 6% có lẽ còn cao, chứ trong thực tế có thể thấp hơn nữa. Cần nói thêm rằng thống kê cho thấy 55% du khách đến Thái Lan là những người đã từng đi du lịch Thái Lan trước đây. Con số của Thái Lan chắc phải làm cho nhiều người trong kĩ nghệ du lịch VN xấu hổ. 

Tôi là người Việt, cũng thương cái đất nước đó lắm, mà khi đi du lịch thì cũng "một đi không trở lại". Người Việt mà còn thế, thì chuyện người nước ngoài đến VN chỉ để biết 1 lần duy nhất cũng không phải là điều quá ngạc nhiên. Việt Nam có đủ những yếu tố để xua đuổi khách du lịch, và để họ có lí do để không quay trở lại. 

Có những nơi tôi đi qua và rất muốn quay trở lại, nhưng có những nơi mình thậm chí nghĩ thà đừng đến đó lần đầu làm gì. Một trong những nơi tôi lúc nào cũng muốn quay lại là Thái Lan. Số liệu thống kê nói rằng 55% các du khách đến Thái Lan là những người "returnees" (tức đã từng ghé thăm Thái Lan trước đây). Còn có nơi tôi không muốn quay lại là các nơi ngoài Bắc, đặc biệt là Vịnh Hạ Long, và một số địa điểm trong Nam như Hà Tiên, Vũng Tàu, Mũi Né. Đó là những nơi nguy hiểm cho du khách, những nơi mà đến đó chỉ chuốc lấy phiền phức và sự bất tiện. 

Tôi tự hỏi yếu tố gì làm cho mình thích quay lại hay không muốn quay lại. Ngẫm nghĩ một hồi, tôi tự trả lời những yếu tố mang tính môi trường du lịch như sau: không gian, phẩm chất nước uống và nước dùng, phẩm chất cảnh quang thiên nhiên, phẩm chất không khí, mức độ ồn ào, di sản văn hoá, và mức độ thân thiện của người dân địa phương. Cũng có thể nghĩ đến những yếu tố mang tính kĩ thuật một chút như sự chuyên nghiệp trong tổ chức tour, quảng bá, và phẩm chất "sản phẩm" du lịch. Nếu xét qua những yếu tố trên, tôi nghĩ VN đều ở thế thua thiệt, và Thái Lan ở thế thượng phong. 

Không gian Việt Nam không có nhiều hấp dẫn như Thái Lan. Đến VN, ngay ở các thành phố hay bất cứ khu đô thị nào, là chấp nhận rủi ro. Rủi ro bị xe đụng, rủi ro bị trộm cướp, rủi ro bị chặt chém trong các nhà hàng và khu du lịch. Ở nơi nào mà có du khách không dám băng qua đường vì sợ bị xe cáng chết, và xe thì cũng chẳng buồn tình nhường cho du khách một bước đi. Đó là nơi mà người ta bận bịu đến nỗi chẳng quan tâm đến an sinh của du khách, thì đến đó làm gì cho phiền phức. 

Phẩm chất nước, nói thì đơn giản và chuyện nhỏ, nhưng đối với người nước ngoài thì cả một vấn đề lớn. Chỉ cần dùng nước "bậy bạ" thì bị "Tào Tháo" đuổi, và thế là cả chuyên đi xem như mất vui. Phải nói thẳng là phẩm chất nước ở VN kém quá, kém đến nỗi du khách chỉ dùng nước lọc trong chai. Mà, theo như báo chí phản ảnh, có khi nước lọc trong chai cũng chưa chắc an toàn, bởi vì có những cơ sở dỏm làm nước lọc giả hay nhái thương hiệu. 

Còn vệ sinh ở VN là một cơn ác mộng. Đi tìm cầu vệ sinh đã là khó, mà tìm được thì chưa chắc dùng được. Không dùng được vì quá dơ bẩn. Dơ đến mức độ có người thà chịu đau chứ không dám đi cầu! Ở vài nơi thì người ta tính tiền, hình như là 2000 đồng một lần đi. Thật hiếm thấy nơi nào mà du khách đi cầu tiêu tiểu phải trả tiền. Số tiền chẳng là bao nhiêu, nhưng nó nói lên cái thói thừa cơ hội để chặt chém của kĩ nghệ du lịch VN và đất nước / con người Việt Nam.

Nước thì kém như thế, còn phẩm chất không khí thì cũng đáng nói là tệ. Không khí và bầu trời ở VN tuy chưa xám xịt như ở Bắc Kinh bên Tàu, nhưng ở các thành phố lớn như Sài Gòn và Hà Nội thì đó là một vấn nạn. Ô nhiễm không khí không phải chỉ khói xe, mà còn các hãng xưởng ngày đêm xả khói thoải mái ngay trong nội thành! Du khách nước ngoài, chỉ cần đến Sài Gòn, thấy người ta đeo khẩu trang đã ngạc nhiên, nhưng nhìn thấy xe cộ phun khói mịt mù thì họ hiểu rõ tại sao. Ấn tượng đầu đã không đẹp! 

Mức độ ồn ào là một vấn đề lớn ở VN. Đi đâu, bất cứ nơi nào, tiếng ồn đều theo đuổi du khách. Người ta đi du lịch là để tìm sự thoải mái tinh thần và tìm nơi vắng vẻ, yên tĩnh. Nhưng đến VN thì khó mà có sự yên tĩnh. Ngay cả ở những nơi êm đềm như Hội An mà du khách cũng không được để yên, bởi vì cứ mỗi sáng, trưa và chiều là bị tra tấn bởi cái loa phường. Thật hiếm thấy nơi nào trên thế giới mà người ta "tra tấn" du khách như ở VN. 

Phẩm chất cảnh quang thiên nhiên ở VN phải nói là không cao, nếu không muốn nói là khá tồi tệ. VN chúng ta không có những đền đài hoành tráng như Kampuchea, không có những cảnh thiên nhiên hùng vĩ như Nam Dương, không có những cảnh trí mùa thu đẹp như mơ của Hàn Quốc, không có những bãi biển trong xanh và mê hồn của Thái Lan. Nói chung, VN không có những cảnh thiên nhiên đẹp như chúng ta tưởng. 

Cảnh quang thiên nhiên kém nước khác đã đành, nhưng con người còn làm cho cảnh quang tồi tệ hơn vì … rác. Nhìn rác rưởi trên đường phố thì đã thất kinh hồn vía, nhưng khổ nỗi là đi đâu cũng thấy rác, từ những nơi trong thành phố đến những nơi dành cho du khách đều có rác. Thật ra, nơi nào có nhiều du khách, nơi đó có rác nhiều hơn! Cả nước có thể xem như một thùng rác khổng lồ. Rác đang giết các danh lam thắng cảnh của VN. Có thể nói không ngoa rằng Hà Tiên đã chết, Đồ Sơn đã chết, Vịnh Hạ Long đang chết, Nha Trang đang chết, Phú Quốc đang sắp chết vì rác. 

Còn nói về di sản văn hoá, thì đó là một câu chuyện buồn. Một anh bạn tôi nhận xét rằng Việt Nam đã trải qua ba thời kì đập phá. Thời kì thứ nhất là sau khi mấy ông cách mạng cướp được chính quyền. Lần thứ hai là Cải cách ruộng đất. Lần thứ ba là miền Nam lãnh đủ. Thật ra, phải kể đến lần thứ Tư nữa, đó là phong trào nhân danh "trùng tu" để đập phá đền chùa để xây cái mới. Sau bốn đợt đập phá như thế thì thử hỏi VN còn gì để gọi là "di sản văn hoá". Thử đi thăm Hoàng Thành ở Huế thì biết người ta trùng tu rất quái đản, mới và cũ chẳng ra thể thống nào cả. Thay vì làm cột bằng gỗ, người ta làm bằng … xi măng giả gỗ! Tương tự, các đền thờ của danh nhân như Nguyễn Trãi cũng làm như thế. Do đó, di sản văn hoá của VN cho du khách coi như không có gì đáng kể hay đáng so sánh với các nước chung quanh. 

Du khách đến VN là chấp nhận sự phiền toái. Phiền toái từ những đội quân bán hàng rong, bán vé số, và những nhóm du côn. Có lần tôi đi chơi bãi biển Vũng Tàu nhân ngày cuối tuần mà không bao giờ nghĩ đến ngày ghé đó lần thứ hai. Ở những khu nổi tiếng thì chỉ thấy người ta ăn nhậu bừa bãi ở ngay bãi biển. Ở nơi xa xa một chút, tưởng rằng sẽ được yên tĩnh, nhưng đâu ngờ cũng bị các nhóm ngoài Bắc vào chiếm dụng. Họ rất hung dữ. Đến nỗi có khách đứng dựa một cây để hóng mát mà cũng bị đuổi vì đó là nơi đã … đăng kí. Còn các nhóm bán cua ghẹ ở biển, toàn dân nói tiếng Bắc, thì kinh khủng quá. Họ tự họ giết chết Vũng Tàu. Và, những đồng môn họ cũng đang giết chết Hạ Long bằng những thủ đoạn chặt chém du khách. Mới năm ngoái , anh bạn tôi tổ chức tiệc cho đoàn do anh ấy bảo trợ trong một nhà hàng có tiếng ở Vịnh Hạ Long, đến khi nhận cái bill tính tiền thì mới biết là bị chặt chém. Còn ra đường phố Hạ Long, dù chỉ uống nước mía hay cà phê, thì chặt chém là bình thường, nhất là du khách nói giọng miền Nam. Còn ở trong Nam, đến hầu như bãi biển nào cũng phải thuê dù che! Ngồi chưa yên đã có một đội quân đến chèo kéo mua hàng. Tuy nhiên, điều an ủi là các đội quân chèo kéo trong Nam có vẻ không hung dữ như ngoài Bắc. Do đó, có thể nói mức độ thân thiện của người dân địa phương là rất rất thấp. 

Đó là những yếu tố mang tính môi trường bất lợi cho du lịch VN, nhưng các vấn đề kĩ thuật và tổ chức còn là những yếu tố làm cho khách "một đi không trở lại". Sản phẩm du lịch thì nghèo nàn (nhưng có công ti cố gắng làm mới và cải tiến). Cách tổ chức luộm thuộm. Thậm chí có công ti còn bán du khách cho các nhóm khác! Đó là chưa nói du khách còn bị tẩy não, tuyên truyền rất thấp. Đến những địa điểm như viện bảo tàng, nhà tù nổi tiếng, du khách sẽ được nghe hướng dẫn viên ca ngợi công đức trời biển của đảng, hành động anh hùng vĩ đại chỉ có dưới vòm trời Việt, và nghe người ta xuyên tạc chửi bới Mĩ Nguỵ như thế nào. Thử hỏi nếu bạn là người Mĩ mà nghe nói thế thì bạn có muốn ghé thăm VN một lần nữa? Thật là ngây thơ để nghĩ [ai cũng thấp như mình] rằng "mấy thằng Tây nó biết gì đâu". Nói chung, tính chuyên nghiệp của phần lớn các công ti du lịch rất thấp. 

Với những vấn đề trên, tôi nghĩ chẳng ai ngạc nhiên khi thấy du khách không có ý định đến Việt Nam lần thứ hai. Họ chỉ đi một lần cho biết, sau đó thì âm thầm nói lời tạm biệt. Ngoài ra, còn phải nói thêm về giá cả quá đắt ở VN, làm cho người ta phải so sánh. Đi du lịch ở Thái Lan, người ta được chào đón một cách thân thiện và chuyên nghiệp, mà giá cả lại rất phải chăng, vậy thì tại sao phải đi VN để vướng vào phiền toái mà còn bị nâng giá một cách quá đáng. Đã nghèo, cảnh quang thì dơ bẩn, dịch vụ thì kém chất lượng mà lại làm chảnh bằng cách nâng giá! Kĩ nghệ du lịch VN tự làm khó họ. Thật ra, ngay cả người Việt ở trong nước cũng nói rằng họ đi du lịch ở Thái Lan còn rẻ hơn đi du lịch ở VN. Còn người Việt ở nước ngoài họ chỉ về thăm bà con thân nhân rồi mua các tour đi du lịch Thái Lan chứ không dám đi du lịch ở VN. Nói cách khác, kĩ nghệ du lịch VN đã thua ngay trên sân nhà. Nếu không có một cuộc làm mới và cải cách thì VN sẽ còn thua nữa. 


Nhãn:

“Đổi mới thể chế”, giã từ “đường ray cũ”…?

Bùi Hoàng Tám/ Dân trí
Minh họa: Ngọc Diệp
Những gì là trì trệ, là giáo điều, là khuôn mẫu… đang cản trở sự phát triển của chúng ta cần phải được loại bỏ. Phải chăng đã đến lúc cần “đổi mới thể chế”, giã từ “đường ray cũ" để đưa đất nước đi lên?

 Cụm từ “đổi mới thể chế” lại một lần nữa được cất lên ngay tại nghị trường Quốc hội.
Đây không phải lần đầu tiên bởi trước đó, trong Thông điệp đón năm mới 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã viết:

“Trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã chậm lại. Xã hội có không ít vấn đề bức xúc. Một trong những nguyên nhân là động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân.

Vừa qua, một lần nữa thông điệp về đẩy mạnh cải cách thể chế lại được cả Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trong phiên khai mạc Quốc hội sáng 20/10…

Ngày 31/10, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh tiếp tục đề nghị. “Chúng ta phải đổi mới thể chế, pháp luật, chứ không thể dùng lời khuyên, mong muốn để thay đổi”.

Lý giải cho yêu cầu này, Bộ trưởng Vinh nói: “Không đổi mới cán bộ không đổi mới được nền kinh tế, vì các chuyên gia quốc tế nói rằng, nếu ông đổi mới doanh nghiệp Nhà nước mà vẫn để nguyên những cán bộ đã từng sinh ra những doanh nghiệp đó, lãnh đạo doanh nghiệp đó thì hôm nay họ không tự chặt chân mình đâu. Phải có người khác đến đổi mới. Cho nên, đổi mới cán bộ cũng là một yếu tố phải tác động mới làm đổ mới được…”.

Nhìn lại gần 30 năm qua, tinh thần Đổi mới (1986) đã mang lại những thành tựu to lớn trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, đường lối thời Đổi mới đã trải qua một thời gian khá dài trong khi sự phát triển của thế giới và trong nước hôm nay cần phải có những thay đổi theo từng tháng, từng năm, thậm chí từng ngày, từng giờ.

Nói các khác, 30 năm qua, tình hình cả trong nước và thế giới đã thay đổi rất nhiều nên mọi mô hình đều cần phải có sự thay đổi kịp thời, nhanh chóng và mạnh mẽ.

Nếu không có sự thay đổi quyết liệt, chúng ta sẽ tụt hậu và điều đó đã và đang là nguy cơ hiện hữu.

Xin mượn lời của ĐB. Trương Trọng Nghĩa khi ông có cách nói khá hình ảnh rằng đất nước chưa thoát được mô hình và công thức tăng trưởng cũ thì không thể có ngay sự thay đổi: "Ta vẫn đang chạy trên đường ray cũ thì làm sao nhìn thấy chân trời mới".

Những gì là trì trệ, là giáo điều, là khuôn mẫu… đang cản trở sự phát triển của chúng ta cần phải được loại bỏ.

Vì vậy phải chăng cần “đổi mới thể chế”, giã từ “đường ray cũ” để đưa đất nước đi lên?

Nhãn:

Sau "tứ đại ngu", nghị Phước viết blog công kích ĐBQH Trương Trọng Nghĩa

 Lê Kiên Tuổi trẻ/ V.V. Thành/ Báo mới 
Ông Trương Trọng Nghĩa (trái) và ông Hoàng Hữu Phước
 Đại biểu QH Trương Trọng Nghĩa vừa gửi báo cáo đến Chủ tịch nước và lãnh đạo Đoàn đại biểu QH TP.HCM. Báo cáo đề cập chuyện ông Hoàng Hữu Phước (đại biểu QH TP.HCM) viết blog “có nội dung công kích, vu khống, bôi nhọ và có chủ đích làm nhục” ông Nghĩa.

Chiều 3.11, trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Trần Du Lịch cho biết: “Ông Trương Trọng Nghĩa đã gửi văn bản cho đoàn, lãnh đạo đoàn và tôi đã nhận được văn bản này rồi, vì vậy đoàn phải có cuộc họp và có ý kiến. Mấy ngày qua thì đoàn chưa có lịch trống, tới đây chắc sẽ phải họp”. 
Ông Trần Du Lịch nói tiếp: “Trong văn bản (dài 10 trang A4 - PV) ông Nghĩa nêu hàng loạt vấn đề; yêu cầu ông Phước phải chứng minh những điều ông Phước viết về ông Nghĩa. Tôi nghĩ rằng nếu họp đoàn thì cũng sẽ yêu cầu ông Phước chứng minh những gì ông ấy nói. Bởi vì đây là vấn đề danh dự của một đại biểu Quốc hội, quan điểm cá nhân tôi là phải đưa ra đoàn để thảo luận vấn đề này”.
“Nếu không đồng tình với quan điểm của tôi, ông Phước hoàn toàn có thể góp ý với tư cách cá nhân, góp ý ở đoàn, tranh luận ở Quốc hội, thậm chí là viết blog. Nhưng tôi không thể chấp nhận cách viết blog mà dùng câu chữ thiếu văn hóa để thóa mạ, hạ nhục người khác như vậy”.

Ông Trương Trọng Nghĩa 
Trả lời câu hỏi của phóng viên về chuyện ông Phước viết blog về ông Nghĩa, cũng như trước đây đã từng viết để công kích ông Dương Trung Quốc, thì thái độ của đoàn thế nào, ông Lịch nói: 
“Quan điểm cá nhân tôi là hoàn toàn phản đối cách viết blog để chỉ trích cá nhân, thậm chí xúc phạm. Nếu có những vấn đề, quan điểm khác nhau thì nên công khai trao đổi một cách trực diện sẽ tốt hơn. Khi ông Phước viết bài “tứ đại ngu” để nói về đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã mời ông Phước làm việc trực tiếp, góp ý với ông Phước rồi. Bây giờ ông Phước lại viết tiếp về ông Nghĩa nữa thì câu chuyện lại khác rồi”.
Trong báo cáo gửi lãnh đạo là các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, đại biểu Trương Trọng Nghĩa trình bày: “Bắt đầu từ ngày 8.7.2014, Hoàng Hữu Phước đã đăng trên blog của anh ta những bài viết có nội dung công kích, vu khống, bôi nhọ và có chủ đích làm nhục tôi. Cho đến nay, Hoàng Hữu Phước đã đăng ít nhất bốn bài có nội dung nói về tôi với chủ đích như trên. Bài gần nhất và nặng nhất đăng vào ngày 17.10.2014”.
Kết thúc báo cáo, đại biểu Trương Trọng Nghĩa “đề nghị lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM yêu cầu Hoàng Hữu Phước trả lời các câu hỏi và cung cấp bằng chứng về những lời công kích, bôi nhọ… và có biện pháp bảo vệ danh dự, nhân phẩm của tôi và không để Hoàng Hữu Phước tiếp tục những việc làm càn quấy, mất uy tín của Quốc hội VN và đại biểu Quốc hội TP.HCM”.
Chiều 3.11, phóng viên tìm gặp ông Hoàng Hữu Phước bên lề kỳ họp Quốc hội và đề nghị ông trả lời phỏng vấn về vấn đề trên. Tuy nhiên, ông Phước từ chối trả lời và nói rằng ông không biết có chuyện ông Trương Trọng Nghĩa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM. Ông Phước đồng thời cũng nói rằng sẽ tiếp tục viết blog và phản biện, tuy nhiên có thể ông sẽ không đề cập đến tên tuổi cá nhân người khác nữa.
Cũng trong chiều 3.11, ông Trương Trọng Nghĩa cho biết sau khi nhận được báo cáo, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã đề nghị ông Phước xin lỗi ông Nghĩa, nhưng cho đến nay ngoài việc sửa một số câu chữ trên blog, ông Phước không đưa ra lời xin lỗi.
Chiều 3.11, trao đổi với PV về báo cáo của đại biểu Trương Trọng Nghĩa liên quan đến đại biểu Hoàng Hữu Phước, một nữ đại biểu cũng là thành viên của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM xác nhận đã nhận được báo cáo cách đây nhiều ngày và đã nghiên cứu kỹ lưỡng.

Theo nữ đại biểu này, quy định pháp luật mà trực tiếp là Luật tổ chức Quốc hội đã quy định những quyền hạn và nghĩa vụ cụ thể của các đại biểu Quốc hội, các đại biểu hơn ai hết là người nắm rõ quy định thì nên có ứng xử phù hơp. Việc đại biểu Trương Trọng Nghĩa thu thập và phản ảnh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và cơ quan nhà nước hữu quan là hoàn toàn phù hợp với trách nhiệm của mình. 

Nhãn: