Du lịch VN: tại sao "một đi không trở lại"?
Gs Nguyễn Văn Tuấn/ FB Nguyễn Tuấn
Khi đọc xong bản tin này ("Chỉ 6% khách quốc tế quay lại Việt Nam", 1), phản ứng của tôi là nói thầm: "Đáng đời". Gieo giống nào thì gặt quả đó. Dịch vụ nghèo nàn và văn hoá ứng xử tồi tệ, thì dĩ nhiên khách chỉ đi một lần và không hẹn ngày quay lại là đúng rồi. Thật ra, con số 6% có lẽ còn cao, chứ trong thực tế có thể thấp hơn nữa. Cần nói thêm rằng thống kê cho thấy 55% du khách đến Thái Lan là những người đã từng đi du lịch Thái Lan trước đây. Con số của Thái Lan chắc phải làm cho nhiều người trong kĩ nghệ du lịch VN xấu hổ.
Tôi là người Việt, cũng thương cái đất nước đó lắm, mà khi đi du lịch thì cũng "một đi không trở lại". Người Việt mà còn thế, thì chuyện người nước ngoài đến VN chỉ để biết 1 lần duy nhất cũng không phải là điều quá ngạc nhiên. Việt Nam có đủ những yếu tố để xua đuổi khách du lịch, và để họ có lí do để không quay trở lại.
Có những nơi tôi đi qua và rất muốn quay trở lại, nhưng có những nơi mình thậm chí nghĩ thà đừng đến đó lần đầu làm gì. Một trong những nơi tôi lúc nào cũng muốn quay lại là Thái Lan. Số liệu thống kê nói rằng 55% các du khách đến Thái Lan là những người "returnees" (tức đã từng ghé thăm Thái Lan trước đây). Còn có nơi tôi không muốn quay lại là các nơi ngoài Bắc, đặc biệt là Vịnh Hạ Long, và một số địa điểm trong Nam như Hà Tiên, Vũng Tàu, Mũi Né. Đó là những nơi nguy hiểm cho du khách, những nơi mà đến đó chỉ chuốc lấy phiền phức và sự bất tiện.
Tôi tự hỏi yếu tố gì làm cho mình thích quay lại hay không muốn quay lại. Ngẫm nghĩ một hồi, tôi tự trả lời những yếu tố mang tính môi trường du lịch như sau: không gian, phẩm chất nước uống và nước dùng, phẩm chất cảnh quang thiên nhiên, phẩm chất không khí, mức độ ồn ào, di sản văn hoá, và mức độ thân thiện của người dân địa phương. Cũng có thể nghĩ đến những yếu tố mang tính kĩ thuật một chút như sự chuyên nghiệp trong tổ chức tour, quảng bá, và phẩm chất "sản phẩm" du lịch. Nếu xét qua những yếu tố trên, tôi nghĩ VN đều ở thế thua thiệt, và Thái Lan ở thế thượng phong.
Không gian Việt Nam không có nhiều hấp dẫn như Thái Lan. Đến VN, ngay ở các thành phố hay bất cứ khu đô thị nào, là chấp nhận rủi ro. Rủi ro bị xe đụng, rủi ro bị trộm cướp, rủi ro bị chặt chém trong các nhà hàng và khu du lịch. Ở nơi nào mà có du khách không dám băng qua đường vì sợ bị xe cáng chết, và xe thì cũng chẳng buồn tình nhường cho du khách một bước đi. Đó là nơi mà người ta bận bịu đến nỗi chẳng quan tâm đến an sinh của du khách, thì đến đó làm gì cho phiền phức.
Phẩm chất nước, nói thì đơn giản và chuyện nhỏ, nhưng đối với người nước ngoài thì cả một vấn đề lớn. Chỉ cần dùng nước "bậy bạ" thì bị "Tào Tháo" đuổi, và thế là cả chuyên đi xem như mất vui. Phải nói thẳng là phẩm chất nước ở VN kém quá, kém đến nỗi du khách chỉ dùng nước lọc trong chai. Mà, theo như báo chí phản ảnh, có khi nước lọc trong chai cũng chưa chắc an toàn, bởi vì có những cơ sở dỏm làm nước lọc giả hay nhái thương hiệu.
Còn vệ sinh ở VN là một cơn ác mộng. Đi tìm cầu vệ sinh đã là khó, mà tìm được thì chưa chắc dùng được. Không dùng được vì quá dơ bẩn. Dơ đến mức độ có người thà chịu đau chứ không dám đi cầu! Ở vài nơi thì người ta tính tiền, hình như là 2000 đồng một lần đi. Thật hiếm thấy nơi nào mà du khách đi cầu tiêu tiểu phải trả tiền. Số tiền chẳng là bao nhiêu, nhưng nó nói lên cái thói thừa cơ hội để chặt chém của kĩ nghệ du lịch VN và đất nước / con người Việt Nam.
Nước thì kém như thế, còn phẩm chất không khí thì cũng đáng nói là tệ. Không khí và bầu trời ở VN tuy chưa xám xịt như ở Bắc Kinh bên Tàu, nhưng ở các thành phố lớn như Sài Gòn và Hà Nội thì đó là một vấn nạn. Ô nhiễm không khí không phải chỉ khói xe, mà còn các hãng xưởng ngày đêm xả khói thoải mái ngay trong nội thành! Du khách nước ngoài, chỉ cần đến Sài Gòn, thấy người ta đeo khẩu trang đã ngạc nhiên, nhưng nhìn thấy xe cộ phun khói mịt mù thì họ hiểu rõ tại sao. Ấn tượng đầu đã không đẹp!
Mức độ ồn ào là một vấn đề lớn ở VN. Đi đâu, bất cứ nơi nào, tiếng ồn đều theo đuổi du khách. Người ta đi du lịch là để tìm sự thoải mái tinh thần và tìm nơi vắng vẻ, yên tĩnh. Nhưng đến VN thì khó mà có sự yên tĩnh. Ngay cả ở những nơi êm đềm như Hội An mà du khách cũng không được để yên, bởi vì cứ mỗi sáng, trưa và chiều là bị tra tấn bởi cái loa phường. Thật hiếm thấy nơi nào trên thế giới mà người ta "tra tấn" du khách như ở VN.
Phẩm chất cảnh quang thiên nhiên ở VN phải nói là không cao, nếu không muốn nói là khá tồi tệ. VN chúng ta không có những đền đài hoành tráng như Kampuchea, không có những cảnh thiên nhiên hùng vĩ như Nam Dương, không có những cảnh trí mùa thu đẹp như mơ của Hàn Quốc, không có những bãi biển trong xanh và mê hồn của Thái Lan. Nói chung, VN không có những cảnh thiên nhiên đẹp như chúng ta tưởng.
Cảnh quang thiên nhiên kém nước khác đã đành, nhưng con người còn làm cho cảnh quang tồi tệ hơn vì … rác. Nhìn rác rưởi trên đường phố thì đã thất kinh hồn vía, nhưng khổ nỗi là đi đâu cũng thấy rác, từ những nơi trong thành phố đến những nơi dành cho du khách đều có rác. Thật ra, nơi nào có nhiều du khách, nơi đó có rác nhiều hơn! Cả nước có thể xem như một thùng rác khổng lồ. Rác đang giết các danh lam thắng cảnh của VN. Có thể nói không ngoa rằng Hà Tiên đã chết, Đồ Sơn đã chết, Vịnh Hạ Long đang chết, Nha Trang đang chết, Phú Quốc đang sắp chết vì rác.
Còn nói về di sản văn hoá, thì đó là một câu chuyện buồn. Một anh bạn tôi nhận xét rằng Việt Nam đã trải qua ba thời kì đập phá. Thời kì thứ nhất là sau khi mấy ông cách mạng cướp được chính quyền. Lần thứ hai là Cải cách ruộng đất. Lần thứ ba là miền Nam lãnh đủ. Thật ra, phải kể đến lần thứ Tư nữa, đó là phong trào nhân danh "trùng tu" để đập phá đền chùa để xây cái mới. Sau bốn đợt đập phá như thế thì thử hỏi VN còn gì để gọi là "di sản văn hoá". Thử đi thăm Hoàng Thành ở Huế thì biết người ta trùng tu rất quái đản, mới và cũ chẳng ra thể thống nào cả. Thay vì làm cột bằng gỗ, người ta làm bằng … xi măng giả gỗ! Tương tự, các đền thờ của danh nhân như Nguyễn Trãi cũng làm như thế. Do đó, di sản văn hoá của VN cho du khách coi như không có gì đáng kể hay đáng so sánh với các nước chung quanh.
Du khách đến VN là chấp nhận sự phiền toái. Phiền toái từ những đội quân bán hàng rong, bán vé số, và những nhóm du côn. Có lần tôi đi chơi bãi biển Vũng Tàu nhân ngày cuối tuần mà không bao giờ nghĩ đến ngày ghé đó lần thứ hai. Ở những khu nổi tiếng thì chỉ thấy người ta ăn nhậu bừa bãi ở ngay bãi biển. Ở nơi xa xa một chút, tưởng rằng sẽ được yên tĩnh, nhưng đâu ngờ cũng bị các nhóm ngoài Bắc vào chiếm dụng. Họ rất hung dữ. Đến nỗi có khách đứng dựa một cây để hóng mát mà cũng bị đuổi vì đó là nơi đã … đăng kí. Còn các nhóm bán cua ghẹ ở biển, toàn dân nói tiếng Bắc, thì kinh khủng quá. Họ tự họ giết chết Vũng Tàu. Và, những đồng môn họ cũng đang giết chết Hạ Long bằng những thủ đoạn chặt chém du khách. Mới năm ngoái , anh bạn tôi tổ chức tiệc cho đoàn do anh ấy bảo trợ trong một nhà hàng có tiếng ở Vịnh Hạ Long, đến khi nhận cái bill tính tiền thì mới biết là bị chặt chém. Còn ra đường phố Hạ Long, dù chỉ uống nước mía hay cà phê, thì chặt chém là bình thường, nhất là du khách nói giọng miền Nam. Còn ở trong Nam, đến hầu như bãi biển nào cũng phải thuê dù che! Ngồi chưa yên đã có một đội quân đến chèo kéo mua hàng. Tuy nhiên, điều an ủi là các đội quân chèo kéo trong Nam có vẻ không hung dữ như ngoài Bắc. Do đó, có thể nói mức độ thân thiện của người dân địa phương là rất rất thấp.
Đó là những yếu tố mang tính môi trường bất lợi cho du lịch VN, nhưng các vấn đề kĩ thuật và tổ chức còn là những yếu tố làm cho khách "một đi không trở lại". Sản phẩm du lịch thì nghèo nàn (nhưng có công ti cố gắng làm mới và cải tiến). Cách tổ chức luộm thuộm. Thậm chí có công ti còn bán du khách cho các nhóm khác! Đó là chưa nói du khách còn bị tẩy não, tuyên truyền rất thấp. Đến những địa điểm như viện bảo tàng, nhà tù nổi tiếng, du khách sẽ được nghe hướng dẫn viên ca ngợi công đức trời biển của đảng, hành động anh hùng vĩ đại chỉ có dưới vòm trời Việt, và nghe người ta xuyên tạc chửi bới Mĩ Nguỵ như thế nào. Thử hỏi nếu bạn là người Mĩ mà nghe nói thế thì bạn có muốn ghé thăm VN một lần nữa? Thật là ngây thơ để nghĩ [ai cũng thấp như mình] rằng "mấy thằng Tây nó biết gì đâu". Nói chung, tính chuyên nghiệp của phần lớn các công ti du lịch rất thấp.
Với những vấn đề trên, tôi nghĩ chẳng ai ngạc nhiên khi thấy du khách không có ý định đến Việt Nam lần thứ hai. Họ chỉ đi một lần cho biết, sau đó thì âm thầm nói lời tạm biệt. Ngoài ra, còn phải nói thêm về giá cả quá đắt ở VN, làm cho người ta phải so sánh. Đi du lịch ở Thái Lan, người ta được chào đón một cách thân thiện và chuyên nghiệp, mà giá cả lại rất phải chăng, vậy thì tại sao phải đi VN để vướng vào phiền toái mà còn bị nâng giá một cách quá đáng. Đã nghèo, cảnh quang thì dơ bẩn, dịch vụ thì kém chất lượng mà lại làm chảnh bằng cách nâng giá! Kĩ nghệ du lịch VN tự làm khó họ. Thật ra, ngay cả người Việt ở trong nước cũng nói rằng họ đi du lịch ở Thái Lan còn rẻ hơn đi du lịch ở VN. Còn người Việt ở nước ngoài họ chỉ về thăm bà con thân nhân rồi mua các tour đi du lịch Thái Lan chứ không dám đi du lịch ở VN. Nói cách khác, kĩ nghệ du lịch VN đã thua ngay trên sân nhà. Nếu không có một cuộc làm mới và cải cách thì VN sẽ còn thua nữa.
Nhãn: Lưu
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ