Dự án cáp treo Sơn Đoòng, nên hay không nên ?
Gia Minh/ RFA
Ảnh bên:Nằm trong quần thể hang động Phong Nha – Kẻ Bàng (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), hang Sơn Đoòng được đánh giá là tài sản thế giới
Dư luận tại Việt Nam đang có những ý kiến khác nhau sau khi có thông tin cho biết ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình bật đèn xanh để một tập đoàn tư nhân triển khai hoạt động khảo sát tiến đến xây dựng tuyến cáp treo từ động Tiên Sơn vào hang Sơn Đòong thuộc quần thể di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha- Kẻ Bàng.
Những người quan ngại về tác động bất lợi đối với môi trường tự nhiên của vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng mạnh mẽ chống đối dự án cáp treo như thế. Còn phía cơ quan chức năng cho rằng cần có dự án để khai thác tiềm năng du lịch thu lợi kinh tế cho địa phương.
Thông tin về dự án
Truyền thông trong nước trích dẫn phát biểu của ông Trương An Ninh, chánh văn phòng kiêm phát ngôn viên Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình, vào ngày 22 tháng 10 vừa qua rằng tỉnh này đã cho phép Tập đoàn Sun Group tiến hành khảo sát để xây dựng tuyến cáp treo tham quan hang động Sơn Đòong, thuộc vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng nằm trong địa phận tỉnh này.
Thông tin mà các báo trong nước như Thanh Niên, Tuổi Trẻ loan đi là tuyến cáp treo nằm trong dự án có tổng kinh phí 4500 tỷ đồng. Đây sẽ là một tuyến cáp treo thuộc hàng dài nhất Đông Nam Á với tổng chiều dài là 11 kilomet. Các nhà ga theo kế hoạch dự án gồm một nằm gần động Phong Nha, một ở động Thiên Đường, một ở Tràng An và một ga ở động Sơn Đòong.
Công tác khảo sát được cho hay đã được tiến hành và sớm có báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình.
Vào sáng ngày 28 tháng 10, chúng tôi gọi điện đến cho ông Trương An Ninh để hỏi thông tin về dự án liên quan và được ông trả lời:
“Cái đó thì bây giờ chúng tôi chưa có hồ sơ cụ thể nào của phía bên Sun Group đệ trình nên tôi chưa trả lời được.”
Giám đốc Ban Quản Lý Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, ông Lê Thanh Tịnh, xác nhận thông tin về chủ trương cho tập đoàn tư nhân tiến hành khảo sát để thực hiện dự án du lịch trong đó có tuyến cáp treo gây quan ngại trong dư luận như vừa nêu:
“Vừa rồi tỉnh Quảng Bình đã có chủ trương cho một tập đoàn kinh tế của Việt Nam, đó là tập đoàn Sun Group, tiến hành khảo sát nghiên cứu để đầu tư tuyến cáp treo tham quan thắng cảnh của Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng nếu như các điều kiện cho phép.
Theo tôi nghĩ điều kiện thứ nhất và là điều kiện tiên quyết đó là việc đầu tư để phát huy giá trị của Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng góp phần phát triển kinh tế- Xã hội nhưng phải bảo đảm công tác bảo tồn các giả trị của di sản. Đó là yêu cầu cao nhất buộc các nhà quản lý và các nhà đầu tư phải tuân thủ. Nếu không đạt được yêu cầu đó thì tuyến cáp treo đó khó có thể đầu tư xây dựng tại Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng.”
Tuy nhiên theo một người từng hoạt động lâu năm trong ngành du lịch lữ hành và tham gia công tác giảng dạy trong ngành này, ông Nguyễn Văn Mỹ, ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Lữ Hành Việt Nam, thì cho rằng theo cách làm việc tại Việt Nam lâu nay mà ông này từng chứng kiến thì một khi cơ quan chức năng như Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã cho phép tiến hành khảo sát thì phần chắc là dự án sẽ được triển khai bằng mọi giá. Ông Nguyễn Văn Mỹ phát biểu:
“Tin này thì chúng tôi biết cách đây mấy tháng rồi, nhưng không biết bằng cách nào thông tin cho các bạn đọc cả vì dù có những người trong cuộc họ cũng bức xúc và khẳng định đây là thông tin có thật. Tôi có ý kiến với các báo nhưng họ nói chưa có cơ sở; nhưng thật ra đến lúc có cơ sở thì mọi chuyện đã rồi rồi. Vì mình biết nhóm đầu tư họ đang tìm cách lobby vận động và ngày 22 tháng 10 vừa qua thì chánh văn phòng của UBND Quảng Bình thông báo đồng ý cho tiến hành khảo sát. Tại các nước thì từ khi khảo sát đến thực hiện còn rất xa, còn nhiều khoản; thế nhưng ở Việt Nam cho khảo sát là gần như đã đồng ý rồi, chỉ là vấn đề thời gian để tiến hành thôi. Từ trước đến nay rất nhiều dự án, mặc tù công bố khảo sát nhưng ( tôi nhắc lại) khảo sát là gần như đồng ý. Trừ một việc và hiếm là chuyện làm thủy điện ở trên sông Đồng Nai liên quan đến Vườn Quốc gia Cát Tiên, sau khi có dư luận phản đối gay gắt, dự án đó mới được ngưng lại thôi. Còn rất nhiều dự án khác, bất chấp những khuyến cáo, nhà nước vẫn cứ tiến hành. Thật ra nhà nước có lý do của nhà nước, nhưng người dân cũng có những quan tâm nên vấn đề quan trọng là phải tìm cho được tiếng nói chung giữa Nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân.”
Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, ông Lê Thanh Tịnh, nêu ra ý kiến nên tiến hành làm dự án để khai thác tiềm năng kinh tế của khu di sản thiên nhiên thế giới này để giúp phát triển địa phương tỉnh Quảng Bình. Ông nói:
“Tôi nghĩ bất cứ hoạt động nào cũng có ảnh hưởng nhất định đến cảnh quan và môi trường tự nhiên; nhưng ở mức độ nào mà thôi. Nếu ở mức độ chấp nhận được thì việc đầu tư để phát huy di sản, theo tôi nghĩ cũng nên làm.
Tiềm năng du lịch của Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng rất lớn nhưng hiện tại chúng tôi chỉ mới khai thác mang tính chất nhỏ giọt và chưa có bài bản đối với tiềm năng du lịch này; nên kết quả mang lại chưa tương xứng với tiềm năng của Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng vốn có. Hiện nay chúng tôi đang thiếu những nhà đầu tư có khả năng về tài chính cũng như kinh nghiệm và phương thức đầu tư khai thác du lịch một cách hiệu quả và bền vững. chúng tôi thiếu những nhà đầu tư tiềm năng như vậy.
Ở Việt Nam hiện nay chưa có vườn quốc gia nào là di sản thiên nhiên thế giới mà được đầu tư xây dựng cáp treo. Nhưng mà những vườn quốc gia là khu di sản trên thế giới được đầu tư rất nhiều nhất là ở Trung Quốc, Australia, Malaysia đều có cả. Đơn cử như ở Trung Quốc có tuyến cáp treo ở khu di sản thiên nhiên như ở Hồ Nam…’
Phản đối
Đối với những ý kiến phản đối dự án cáp treo ở Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng như của ông Nguyễn Văn Mỹ thì việc làm của ngành du lịch Việt Nam lâu nay có những hoạt động bị cho là khác người. Ông Nguyễn Văn Mỹ trình bày:
“Không phải bây giờ dư luận bức xúc mới lên tiếng mà lâu nay Việt Nam có cách làm du lịch không giống ai cả. Những người trong ngành tha thiết với du lịch đều có ý kiến chung nhất là đụng đến chỗ nào là phá hoại cảnh quan môi trường đến đó. Vấn đề Sơn Đòong là hiệu quả tất yếu bởi vì mình không ngăn được chuyện người ta đối xử tệ bạc với Hạ Long: đưa ca nhạc vào trong hang, đốt nến và làm nhiều trò trong đó. Dư luận chưa đủ mạnh để các nhà đâu tư chấm dứt những ý tưởng kỳ cục, hoạt động gọi là đầu tư phá hoại như thế này. Rồi chuyện Fansipan và nay tới Sơn Đòong. Cứ với đà này thì du lịch của Việt Nam sẽ rất khó khăn.
Tôi nhắc lại bản thân chúng tôi là những người làm lữ hành, chúng tôi ủng hộ tất cả những nhà đầu tư. Thậm chí khi có bất cứ khách sạn, nhà hàng nào mới tìm đến và nhờ chúng tôi giúp đỡ, tôi nói thẳng với họ rằng không phải các anh nhờ chúng tôi mà chúng ta đang nhờ nhau, đang cám ơn nhau bởi vì có các nhà đầu tư thì mới có những sản phẩm mới. Người du lịch mới có chọn lựa và hưởng thụ và trách nhiệm của những người như chúng tôi là ủng hộ tất cả những nhà đầu tư chính đáng. Vì họ họ đầu tư hiệu quả thì người khác mời đầu tư; nhưng chúng tôi cũng quyết liệt phản đối những dự án xâm hại. Tôi nhắc lại, không có nước nào trên thế giới này hành xử một cách kỳ cục như Việt Nam. Trước đây chúng tôi phản đối việc phá cảnh quan Đồi Vọng Cảnh ở Huế để xây khách sạn, sau đó là chuyện hòa nhạc trong hang Đầu Gỗ ở Hạ Long và chuyện xâm phạm ngày càng trầm trọng hơn.”
Yêu cầu hỏi ý kiến cộng đồng
Lâu nay nhiều dự án gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường hay công trình công cộng tại Việt Nam khi tiến hành đều không được hỏi ý kiến của người dân. Theo cả hai ông Nguyễn Văn Mỹ và Lê Thanh Tịnh, để vấn đề được giải quyết thỏa đáng, đã đến lúc cần có sự công khai và cần có ý kiến phản biện có nên tiến hành hay không.
Ông Lê Thanh Tịnh đưa ra giải thích vì sao có ý kiến trái chiều trong dự án cáp treo ở Phong Nha- Kẻ Bàng cũng như quan điểm về việc hỏi ý kiến người dân:
“Sở dĩ vừa rồi nhiều báo, nhiều trang mạng đăng tải những thông tin khác nhau về dự án cáp treo ở Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng vì họ chưa nắm đầy đủ mọi vấn đề liên quan dự án này. Người ta chưa thấy được hình hài của dự án trong tương lai ra sao, cho nên nhiều quan điểm đưa ra trong điều kiện đó là không chính xác. The tôi để cho phương tiện truyền thông đại chúng và người dân hiểu thì về phía lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, trên cơ sở kết quả khảo sát báo cáo tiền khả thi của dự án phải công bố công khai. Tôi nghĩ khi nhà đầu tư có báo cáo đánh giá tác động môi trường thì sẽ có mời những nhà khoa học để có phản biện đối với những tác động và phương pháp giải quyết những tác động đó.”
Đề nghị của ông Nguyễn Văn Mỹ trong dự án cáp treo ở Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng như sau:
“ Rất cần buổi đối thoại công khai giữa nhà đầu tư, các nhà khoa học phản biện, các nhà du lịch sinh thái để tìm tiếng nói chung. Tôi xin nhắc lại, tài sản này khi được công nhận là tài sản thế giới thì không còn là của mình nữa mà là của nhân loại. Không thể đối xử như vậy mà cần hạn chế những khác biệt, tìm tiếng nói chung, hiểu nhau hơn và ít nhất người dân được hỏi ý kiến để sau này nếu có tiến hành thì họ cũng phần nào được an ủi vì đã được hỏi ý kiến. Còn bây giờ không thèm hỏi ý kiến ai. Việc đầu tư là tốt, nhưng đụng đến di sản, đến vườn quốc gia là những thứ mà giá trị đã được định hình một cách vô hình và không thể tính toán bằng tiền như vậy thì phải có những bước đi thích hợp chứ không thể đùng một cái rồi làm. Cứ một mình một chợ, làm chẳng giống ai, càng đầu tư càng nguy hiểm, không chỉ tàn phá môi trường, hủy hoại giá trị văn hóa mà còn làm mất niềm tin không chỉ của nhân dân mà của thế giới đối với Việt Nam”.
Liệu những cảnh báo như của ông Nguyễn Văn Mỹ nêu ra có được cơ quan chức năng tại tỉnh Quảng Bình, nơi đang quản lý di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha- Kẻ Bàng với những hang động kỳ vĩ và hệ động- thực vật đặc trưng như thế lắng nghe không? Hay rồi lại như dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên dù biết bao nhà khoa học lên tiếng nhưng cuối cùng vẫn được triển khai và nay mọi tác hại đang bộc lộ rõ.
Nhãn: Lưu
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ