Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2014

Bóc bí ẩn 160.000 tỷ đồng nợ xấu

Thùy Liên/ Đầu tư
Ảnh bên:Nguy cơ đổ vỡ của các ngân hàng không còn, song mối lo về sở hữu chéo, quản trị ngân hàng và nợ xấu vẫn chưa vơi

Ngày mai (1/11), Quốc hội sẽ nghe báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thảo luận về tái cơ cấu nền kinh tế. Dù nguy cơ đổ vỡ của các ngân hàng không còn, song mối lo về sở hữu chéo, quản trị ngân hàng và nợ xấu vẫn chưa vơi.

 Loại dần ngân hàng và lãnh đạo yếu kém

Chỉ trong vòng 2 năm gần đây, toàn hệ thống đã giảm bớt được 7 ngân hàng yếu kém. Không những thế, việc hàng loạt lãnh đạo cao cấp tại Ngân hàng TMCP Xây dựng, Ngân hàng TMCP Đại Dương bị bắt cũng cho thấy, ngành này đang ráo riết rà soát, thanh lọc, loại khỏi hệ thống những tổ chức, cá nhân lợi dụng ngân hàng để tham nhũng, trục lợi.

 Nhìn lại quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng 2 năm qua, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân cho rằng, thành công lớn nhất là thanh khoản hệ thống được cải thiện và tính kỷ luật của ngân hàng được nâng lên. Tuy nhiên, sở hữu chéo và nợ xấu vẫn là những thách thức rất lớn đối với quá trình tái cơ cấu.

Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới ban hành cũng đưa ra nhiều nhận định đáng lo ngại về hệ thống ngân hàng. Báo cáo viết: “Năng lực cạnh tranh của nhiều tổ chức tín dụng chưa cải thiện đáng kể, nhất là áp dụng chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Một số giải pháp thực hiện quá trình tái cơ cấu còn mang tính hành chính, tình thế. Việc xử lý nợ xấu chậm do vướng mắc cả về thể chế và mô hình. Vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng đang thiếu minh bạch, vốn điều lệ không phản ánh đúng thực chất, dẫn đến nguy cơ chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng”.

Bom nổ chậm 160.000 tỷ đồng nợ xấu 

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu sau khi tăng trong những tháng đầu năm đã có chiều hướng giảm dần trong 4 tháng gần đây. Tính đến tháng 9/2014, nợ xấu chỉ còn chiếm 3,88%. Tuy nhiên, đúng như báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội, các ngân hàng thương mại tỏ ra rất lo lắng về nợ xấu, nhất là nợ được cơ cấu lại.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP tiết lộ: “Hiện nay, rất nhiều ngân hàng thương mại đang ‘ôm’ bom nổ chậm, bởi những khoản nợ được cơ cấu lại trước đây đang dần quay lại bảng nợ xấu”.

Đại diện Agribank Chi nhánh TP.HCM cũng thừa nhận, thực tế vừa qua, số doanh nghiệp được Agribank tái cơ cấu nợ theo Quyết định 780/2012/QĐ-NHNN có sức khỏe tốt lên không nhiều.

Trước đó, năm 2012, khi NHNN ban hành Quyết định 780/2012/QĐ-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, hàng trăm ngàn tỷ đồng đáng lẽ bị rơi vào nợ xấu đã được giải cứu. Tuy nhiên, phương thuốc “gửi nợ cho tương lai” đang dần hết tác dụng.

Trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tháng 9 vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận, trong tổng số nợ cơ cấu lại hơn 300.000 tỷ đồng, có khoảng 157.000 tỷ đồng nếu không cơ cấu lại nợ thì đã trở thành nợ xấu. Và số 157.000 tỷ đồng này vẫn đang có nguy cơ chuyển thành nợ xấu. Chính vì vậy, tỷ lệ nợ xấu tính đến tháng 7/2014, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng là trên 4%, song theo tính toán của NHNN (tính cộng cả 157.000 tỷ đồng nợ ‘tiềm năng xấu’ ở trên), tỷ lệ này khoảng 8%.

Một con số bí ẩn nữa về nợ xấu là, theo NHNN, trong 3 năm qua, ngành ngân hàng đã xử lý được 249.000 tỷ đồng nợ xấu. Nếu trừ đi số nợ bán cho VAMC, các ngân hàng đã tự xử lý được hơn 160.000 tỷ đồng nợ xấu, chủ yếu bằng trích lập dự phòng rủi ro và bán tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, con số này, theo các chuyên gia là không thực.

Theo phân tích của đại biểu Phạm Huy Hùng, nguyên Chủ tịch HĐQT VietinBank, năm cao nhất, VietinBank chỉ thu được 900 tỷ đồng từ bán trực tiếp tài sản đảm bảo, cộng thêm mỗi năm trích lập dự phòng rủi ro khoảng 2.000 tỷ đồng nợ xấu (các ngân hàng nhỏ chỉ vài trăm tỷ đồng). Từ con số này, ông Hùng cho rằng, thời gian qua, hệ thống ngân hàng chỉ thu được khoảng 5.000 tỷ đồng từ bán tài sản đảm bảo, cộng cả số tiền trích lập dự phòng rủi ro thì cũng không thể nào đạt con số 160.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, việc các ngân hàng báo cáo đã lấy nguồn trích lập để xử lý nợ cũng rất khó tin. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nếu lấy nguồn trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu, các ngân hàng sẽ thiệt hại nặng nề. Chưa kể, nếu cho rằng, nợ xấu đã bán cho VAMC là nợ đã được xử lý là không đúng, bởi khối nợ này hầu như vẫn nằm im. Tính đến cuối tháng 10/2014, VAMC đã mua vào 95.000 tỷ đồng nợ xấu, nhưng mới xử lý được 3.500 tỷ đồng.

Trước thực tế đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần nhìn thẳng vào nợ xấu để có phương án xử lý

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ