Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2014

Ông Đỗ Văn Đương không có "Quyền im lặng"


Ls Nguyễn Trọng Quyết/ Quê Choa 
 Quyền im lặng không phải là quyền của con người”. Đó là nguyên văn phát ngôn của ông Đỗ Văn Đương – đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trong chương trình  Sự kiện & Bình luận của Đài truyền hình Việt Nam. 
 
Và đây, khi “im lặng” không phải là quyền của con người!

Mày có khai không, tao cho mày chết”. Ông Nguyễn Thanh Chấn thuật lại lời của một điều tra viên. Việc buộc phải mở miệng để bịa đặt ra những tình tiết không có trên thực tế là khởi nguồn mang tính quyết định đẩy ông Chấn vào quãng đời đằng đẵng 10 năm tù tội. Điều này có xảy ra không nếu luật pháp quy định cho ông Chấn được “quyền im lặng”, thưa ông Đương? 
 
Khi tiếng khóc ngất của ông Chấn còn chưa dứt thì tại Sóc Trăng, một vụ động trời khác tiếp tục được phanh phui. 07 thanh niên bị ép nhận tôi giết người bởi dùi cui của chính những người thực thi công vụ. Những công dân vô tội này và cả công lý đã trở thành nạn nhân của lối tư duy buộc phải mở miệng, đúng thế không ông Đương? 
 
Rồi trường hợp 08 công dân bị khởi tố, truy tố oan sai trong vụ án “trộm cắp tài sản” năm 2001 tại Bắc Giang có xảy ra không, nếu im lặng được thừa nhận và tôn trọng là quyền hiển nhiên của con người, ông Đương nghĩ sao? 
 
Nỗi oan ức chất nghẹn lên số phận nghiệt ngã của những người bị khởi tố, truy tố, xét xử oan sai, dựa trên những lời khai không đúng sự thật với phần lớn là sản phẩm của ép cung, dùng nhục hình ở nơi quyền lực có sức mạnh tuyệt đối… thật không thể biện hộ hay cảm thông bởi bất cứ lý lẽ nào. 
 
Luật thực định trọng “chứng” hay trọng “cung”? 
 
Có một quy định mà bất kỳ ai trở thành người tiến hành tố tụng đều biết rất rõ. Đó là “lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án”. Vì thế, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) đã ghi rõ: “Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội” – Điều 72. 
 
Điều này có nghĩa rằng, ngay cả khi bị can, bị cáo không nhận tội, bằng cách cãi bay cãi biến hay “im lặng”, vẫn còn đó hàng loạt nguồn chứng cứ khác chứng minh hành vi phạm tội của họ. Bởi ngoài nguồn chứng cứ này, Khoản 2 Điều 64 BLTTHS còn quy định một loạt nguồn chứng cứ phục vụ cho hoạt động chứng minh như: vật chứng; lời khai của người làm chứng; lời khai của người bị hại; lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; kết luận giám định; biên bản về hoạt động điều tra, xét xử; các tài liệu, đồ vật khác …
 
Chính vì lẽ đó, “hỏi cung bị can” chỉ là một trong rất nhiều biện pháp thu thập chứng cứ mà cơ quan tiến hành tố tụng có quyền thực hiện, trong đó có: khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản; khám nghiệm hiện trường; khám nghiệm tử thi; xem xét dấu vết trên thân thể; thực nghiệm điều tra; giám định; lấy lời khai người làm chứng, người bị hại … 
 
Như vậy có thể thấy: nếu phải “cân, đo”, quy định hiện hành của BLTTHS trọng “chứng” hơn trọng “cung”. Vì “cung” – lời khai là kết quả biểu hiện ra bên ngoài ý thức chủ quan của con người, nên luôn có nguy cơ mất/giảm đi tính khách quan (đặc tính có thật của chứng cứ) dưới tác động của vô vàn yếu tố. 
 
Cho nên, tại sao cứ phải băn khoăn về trạng thái “im lặng” của bị can, bị cáo, nhất là khi “cơ quan điều tra của Việt Nam thuộc hàng giỏi nhất thế giới”, ông Đỗ Văn Đương? 
 
Giải mã phát ngôn “đi thẳng vào lịch sử” của ông Đương!
 
Không thể phủ nhận, luật định “quyền im lặng” cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo sẽ gây ra không ít khó khăn cho hoạt động chứng minh tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Nhưng mặt khác, quyền pháp lý này sẽ đóng vai trò quyết định để triệt tiêu sự ra đời của những tù nhân kiểu “Nguyễn Thanh Chấn”. 
 
Nếu phải đánh đổi giữa một bên là khó khăn trong hoạt động chứng minh tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng và một bên là không ít số phận được minh oan khỏi vòng lao lý nhục nhằn do lời khai vô căn cứ của chính mình, trên tư cách là dân biểu, ông Đỗ Văn Đương sẽ chọn bên nào? 
 
Nhưng có một điều chắc chắn rằng, khi phát ngôn “quyền im lặng không phải là quyền của con người”, hình ảnh của ông Nguyễn Thanh Chấn, của 07 thanh niên ở Sóc Trăng, của 08 công dân hàm oan ở Bắc Giang và tất thảy công dân bị truy cứu trách nhiệm hình sự oan sai khác đã bị hất văng ra khỏi TÂM THỨC của ông Đương hoặc … chưa bao giờ gây được ấn tượng với ông?! 
 
Cuối cùng, ông Đỗ Văn Đương phải trả lời những vấn đề được đặt ra trong bài viết này vì “quyền im lặng” cũng không phải là quyền của ông như chính ông đã thản nhiên tuyên bố, trừ khi … 
 
    Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

·        Tài liệu tham khảo:

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ