Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

5 lý do cáp treo vào Sơn Đoòng là thảm họa!

Cô Giáo Đi Bụi/ Triết học đường phố 
Ảnh bên:Trong ảnh, bạn Mike đang choáng ngợp trước sự kỳ vĩ của Sơn Đoòng.

1. Bài toán kinh tế

2014 năm thử nghiệm tour du lịch mạo hiểm vào Sơn Đoòng, 223 khách đi, mỗi khách đóng khoảng $3000. 2015, số giấy phép sẽ được cấp ra là 450 – 500 giấy. Và với tốc độ đăng ký hiện nay thì vấn đề bán hết số giấy phép đó là dễ như trở bàn tay. Tỉnh nhẩm nhanh thôi cũng thấy doanh thu từ cách khai thác Sơn Đoòng hiện nay dễ dàng lên đến 30 tỷ mỗi năm, mà ảnh hưởng đến môi trường là rất ít, hầu như không có (chuyên gia của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh luôn đi chung với khách ngoài công tác hướng dẫn khoa học, còn để đảm bảo không một cái gói kẹo rơi lại trong hang).

Thêm vào đó, với cách hoạt động hiện nay của Oxalis, toàn bộ lực lượng phục vụ đoàn là người bản địa. Chưa kể bản thân Oxalis là một tổ chức thực hiện trách nhiệm xã hội rất tốt. Mùa hè vừa rồi, họ vừa hoàn thành việc xây dựng trường Tiểu học số 2 Tân Hóa cho bà con nơi đây.

Còn Sun Group đầu tư 4500 tỷ. Để thu hồi vốn sau 4-5 năm, thì nôm na mỗi năm phải doanh thu 1000 tỷ. Hiện tại, công ty chưa công bố giá vé. Nhưng giá vé cáp treo và tham quan 1 ngày ở Bà Nà là 500.000VND. Tạm tính giá vé Sơn Đoòng gấp 4 lần số đó là 2 triệu đồng một vé (một cái giá phải nói là trên trời, chỉ để được bó gối trong 1 cái hộp). Để thu 1000 tỷ, công ty phải bán khoảng 500.000 vé một năm. Hãy tưởng tượng tác động của môi trường từ chưa đến 500 người một năm lên 500 ngàn người một năm. Chỉ riêng lượng ánh đèn flash thôi cũng đủ giết chết những sinh vật dưới lòng đất quen sống với môi trường tối đen như mực và yên lặng như tờ của Sơn Đoòng rồi.


Trong ảnh, bạn Mike đang choáng ngợp trước sự kỳ vĩ của Sơn Đoòng.
 

Đừng tìm cách sở hữu mọi thứ! Đừng biến mọi thứ thành tiền! Đừng khai thác tận gốc! Đừng nhìn ngắn hạn! Đừng vin vào cái nghèo!


2. Ảnh hưởng đến môi trường

Không như bài toán kinh tế, ảnh hưởng môi trường khó có thể lấy máy tính ra mà bấm. Và quan trọng hơn nữa, là ta không thể để nó xảy ra rồi mới tính. Vì vậy, hãy tạm dùng những tiền đề về các dự án cáp treo trước của Sun Group cũng như trên thế giới.
Đồi Bà Nà là công trình cáp treo tiêu biểu của Sun Group. Nhưng có lý do cả mà “dân gian” lưu truyền câu:
“Chưa đi chưa biết Bà Nà
Đi rồi mới biết ở nhà còn hơn.”
Dĩ nhiên, cảm nhận tùy mỗi cá nhân. Riêng tôi, tôi không chịu nổi sự xô bồ, đông đúc, chen lấn ở đó. Tôi không chịu nổi mùi nước tiểu nồng nặc trong bán kính 50 meter chung quanh khu vực vệ sinh. Tôi không chịu nổi sự giả tạo, rẻ tiền, trong những kiến trúc giả cổ, giả Tây, mà chưa đến tầm. So với những ấn tượng tuổi thơ tôi có về Bà Nà, thì ngọn đồi hôm nay đã xuống cấp trầm trọng.



Cảnh xô bồ chen lấn tại trạm cáp treo Bà Nà

Một dự án khác của Sun Group cũng đang làm lòng dân oán hận là cáp treo lên Fansipan. Hồi trước, khi tôi leo Fan, trời lạnh mà mồ hôi ướt đẫm lưng áo. Chính những vất vả đó khiến giây phút đứng trên đỉnh thật xứng đáng. Bạn tôi, Đỗ Tường Duy, một phượt thủ, cũng khẳng định: Fan đẹp không chỉ vì đỉnh núi cao, mà còn vì con đường lên đỉnh lắm thăng trầm. Những rừng trúc, hoa đỗ quyên, hay đơn thuần chỉ là những tảng đá như tấm lưng người khổng lồ.

Hôm nay, “người ta” đang đem xe ủi lên vạt rừng, tróc cây, xây khu vui chơi, ẩm thực, sân golf 18 lỗ, và khách sạn 5 sao (link). Bạn của Duy đang leo Fan báo lại, mái nhà Đông Dương đang biến thành bãi rác công nghiệp. Liệu chúng ta có để Sơn Đoòng biến thành nạn nhân tiếp theo? Mà chưa kể, khác với Fan, rất nhiều sinh vật trong hệ sinh thái của Sơn Đoòng còn chưa được nghiên cứu và ghi nhận hết. Hủy hoại những sinh vật này là có tội với khoa học thế giới.

Nhìn rộng ra khỏi biên giới Việt Nam, công trình cáp treo Zhongtianmen lên đỉnh núi Taishan của Trung Quốc cũng bị lên án kịch liệt. Giáo sư Xie Ninggao, trưởng Trung tâm Nghiên cứu Di sản Thế giới của Đại Học Bắc Kỳ gọi cáp treo này là “vết sẹo lên vẻ đẹp của tự nhiên” hủy diệt thảm thực vật lên đến 19000 mét vuông; trong số đó có hằng trăm thực vật đơn bào không thể phục hội lại được. LIỆU CHÚNG TA CÓ MUỐN LẶP LẠI SAI LẦM CỦA TÀU?

3. Cân bằng nội địa- quốc tế

Một trong những chiêu bài ngôn luận hàng đầu của Sun Group là hình thức thám hiểm hiện tại của Sơn Đoòng phục vụ được quá ít đồng bào Việt Nam, vì 2 lý do: giá tiền và sức khỏe.

Tuy nhiên, thống kê năm vừa rồi của Tổng cục du lịch cho thấy lượng khách Việt Nam đi Châu Âu lên đến vài trăm nghìn lượt. Nôm na, trong số đó một nửa là tự túc, nửa qua các công ty lữ hành thì giá trung bình cũng 3000USD cho một tuần ở xứ người. Đó là chưa kể lượng khách đi Mỹ, Nhật, Úc hay các nước khác có mức phí tương đương. Nói nôm na, người Việt mình đâu có nghèo.

Vậy phải chăng người Việt mình yếu? Đúng là so với thế giới, thể trạng mình không bằng ai, nhưng nếu leo trèo và đi bộ một tuần mà cũng không nổi thì nhục mặt con Rồng cháu Tiên quá. Người lớn tuổi nhất từng chinh phục Sơn Đoòng là một bác người Mỹ (?) 75 tuổi. Chả lẽ hầu hết dân tộc này đều yếu hơn ông cụ 75? Không đúng! Năm 2012, Nguyễn Sơn Lâm chinh phục thành công nóc nhà Đông Dương trên chiếc nạng gỗ của mình. Chứng tỏ người Việt Nam chúng ta có sức mạnh và ý chí. Đừng làm thế giới nghĩ người Việt mình là một bầy heo chỉ muốn di chuyển trong lồng!

Và ngay cả nếu bạn chưa đủ tiền thật, chưa khỏe mạnh cường tráng thật, thì bạn vẫn có thể dành dụm. Tôi chỉ là một cô giáo, cao vỏn vẹn một thước rưỡi. Nhưng tôi bỏ ống heo và tập thể dục suốt 3 năm trời để một ngày được bước chân đến Sơn Đoòng. Tiền có thể để dành, sức khỏe có thể rèn luyện; Nhưng một khi thiên nhiên đã chết, thì không thể cứu lại được.

Mà nói thật ra, về mặt toán học, số người Việt đi Sơn Đoòng đâu phải là ít. Năm đầu tiên thí điểm du lịch mạo hiểm, Sơn Đoòng đón 223 khách, trong đó có ít nhất 7 khách người Việt mà tôi được biết, chiếm tỷ lệ hơn 3%. Trong khi, nếu tính về dân số thế giới (7 tỷ người), thì Việt Nam (90 triệu dân) chỉ chiếm hơn 1%.

Và tận sâu trong đáy lòng, dù yêu đồng bào lắm, tôi vẫn tự đặt câu hỏi giữa Sơn Đoòng hiện nay có 3% du khách nội địa so với Bà Nà có hơn 90%, thì tôi sẽ chọn viễn cảnh nào cho tương lai Sơn Đoòng. (Vì sao khách nước ngoài ngưng đến Bà Nà thì hình trên phần nào lý giải được.)

4. Quyền sở hữu

Đã nói đến đây thì tôi xin được phép đặt một câu hỏi, mặc dù lý luận này của tôi có thể sẽ khiến tôi bị ném đá dữ dội; Và mặc dù tôi là một người con yêu nước lắm, yêu đến xót xa, tôi vẫn tự hỏi: Thật ra Sơn Đoòng có thuộc quyền sở hữu của chính quyền Quảng Bình, hay thậm chí là chính quyền Việt Nam không? Giống như một đứa trẻ sinh ra, có thuộc quyền sở hữu của chính cha mẹ nó không? Vì sao khi cha mẹ bạo ngược với trẻ, chính quyền sẽ can thiệp? Phải chăng là vì, ngoài là con của cha mẹ, đứa trẻ đó còn là một nhân tố của xã hội và vì thế xã hội không thể để mặc cho cha mẹ muốn đối xử với con mình ra sao thì ra.

Khi Việt Nam nhận danh hiệu “Di sản Thiên nhiên Thế giới” của UNESCO trao tặng cùng với những tài trợ đi kèm chính là Việt Nam đang nhận trách nhiệm bảo vệ di sản đó và di sản đó thuộc về thế giới, thuộc về loài người. Đừng vì lợi ích của một nhóm nhỏ trong xã hội mà đánh mất giá trị lâu dài. UNESCO đã từng đe dọa tước lại danh hiệu của Cố đô Huế và Vịnh Hạ Long cũng vì cách quản lý yếu kém ở những nơi đó. Chẳng lẽ Việt Nam muốn mất luôn Phong Nha – Kẽ Bàng hay sao?

Chỉ cần một cây đinh thô bạo đóng vào Sơn Đoòng, là di sản ấy mất tính thiên nhiên và đứng trên bờ vực mất luôn danh hiệu. Trong quá khứ, UNESCO đã từng đe dọa một vài nước, nếu cố tình xâm hại một di sản thế giới, thì tổ chức sẽ tước danh hiệu và rút tài trợ của TẤT CẢ di sản trên đất nước đó. VIỆT NAM CÓ MUỐN TRỞ THÀNH MỘT ĐẤT NƯỚC KHÔNG CÓ DI SẢN?

5. Giá trị của thiên nhiên

Suy cho cùng, mục đích tối thượng của thiên nhiên không phải lúc nào cũng để phục vụ kinh tế cho con người. Có những giá trị lớn hơn đồng tiền. Và trên thế giới họ đã ý thức được điều đó. Ví dụ: hang Leschugilla của Mỹ được đóng cửa vĩnh viễn đối với khách du lịch.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ