Đã đến lúc cần đánh giá độc lập lại toàn bộ dự án bô xít
Lê Quỳnh (thực hiện)/ Một thế giới
Cần đánh giá độc lập lại ngay toàn bộ dự án bô xít |
Trao đổi thêm với Một Thế Giới về hồ thải quặng bô xít Tân Rai đuôi số 5 (Lâm Đồng) bị vỡ đê khiến bùn thải tràn ra ngoài, ThS Phạm Quang Tú, phó viện trưởng Viện tư vấn phát triển (CODE) cho rằng: đã đến lúc cần đánh giá quy mô, toàn diện và độc lập lại các dự án bô xít hiện nay.
Loại bùn thải trong vụ việc vỡ đê của Tân Rai vừa rồi có nguy hại không thưa ông?
Bùn thải trong khai thác bô xít có hai loại, đều màu đỏ. Loại đầu tiên gọi là bùn thải quặng đuôi, là loại bùn thải từ rửa quặng nguyên khai, chủ yếu chứa đất đá, không chứa hoá chất độc hại. Còn loại thứ hai là bùn đỏ, là loại bùn thải ra từ tinh luyện quặng, rất độc hại vì chứa hoá chất.
Bùn thải quặng đuôi về cơ bản không độc hại. Nếu theo khẳng định của bộ Công thương và tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản (TKV) về bùn tràn ra môi trường vào sáng 8.10.2014, thì đây là bùn thải quặng đuôi.
Tuy nhiên, nếu loại bùn này bị tràn ra ngoài với khối lượng lớn thì sẽ gây nguy hại lớn về môi trường, hoa màu, nuôi trồng, lẫn nguồn nước sinh hoạt của người dân, nhất là khi đây là nước đầu nguồn.
hS Phạm Quang Tú: Cần đánh giá độc lập lại ngay toàn bộ dự án bô xít |
Vừa qua, một đơn vị đã công bố thử nghiệm thành công công nghệ sản xuất thép từ bùn đỏ. Ông đánh giá gì về điều này?
Trong tinh quặng bô xít ở Tây Nguyên, hàm lượng sắt chiếm khoảng trên dưới 30%. Về nguyên lý, người ta hoàn toàn có thể lấy sắt trong bùn đỏ ra. Nếu làm trong phòng thí nghiệm hoặc quy mô nhỏ, thì đây là chuyện bình thường, không có gì lạ đối với giới khoa học.
Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là, liệu sản xuất sắt thép này ở quy mô công nghiệp thì nó có đảm bảo giá cả cạnh tranh với thị trường hay không? Hiện nay chưa tính được con số chính xác lời lỗ ra sao. Trên thế giới tới nay, chưa có một nơi nào xử lý bùn đỏ theo hướng sản xuất sắt thép quy mô công nghiệp, hay đóng gạch từ bùn đỏ,… dù về nguyên tắc, chúng đều làm được. Hiện nay, các quốc gia vẫn chỉ xử lý bùn đỏ bằng cách chôn lấp.
Với một án như bô xít Tân Rai, đã có nhiều tính toán lẫn chứng minh về tính không hiệu quả về kinh tế, chưa kể hoàng loạt phản ánh của người dân sống xung quanh dự án do bị ảnh hưởng nghiêm trọng về nuôi trồng, nguồn nước, chất lượng môi trường sống... Theo ông, có nên dừng lại các dự án bô xít đang thí điểm hiện nay không?
Những tác động này ai cũng thấy rõ rồi. Đây là những bằng chứng, cảnh báo rõ ràng, cụ thể, nghiêm túc nhất về những nguy cơ và ảnh hưởng tiêu cực của dự án. Điều này cũng cho thấy, dự án còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn mà chúng ta chưa đánh giá được hết. Tuy nhiên hiện nay, chủ đầu tư vẫn bao biện nó chưa đáng kể, chưa vượt tiêu chuẩn của Việt Nam…
Theo tôi, bây giờ chưa nên vội vàng nói tiếp tục hay đóng cửa các dự án bô xít. Nhà máy Tân Rai đã vận hành đầy đủ công suất hơn 1 năm nay rồi. Và kết luận 245 của Bộ Chính trị về bô xít Tây Nguyên cũng đã được thực hiện triển khai hơn 5 năm rồi. Điều đó có nghĩa là, thời điểm này đã hội tụ đầy đủ các yếu tố và điều kiện để đánh giá lại nghiêm túc hai nhà máy bô xít thí điểm, đặc biệt là nhà máy Tân Rai. Đây là cơ sở tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội, chủ đầu tư ra quyết định chính xác nhất.
Tôi nhấn mạnh, ngay bây giờ, chúng ta cần phải có ngay một đánh giá quy mô, độc lập và toàn diện về cả kinh tế, xã hội, chính trị, môi trường,… các dự án bô xít này. Và cần mời đơn vị tư vấn độc lập, chứ không thể để chủ đầu tư TKV tự đánh giá mình nữa, vì nó không khách quan.
Việc đánh giá tư vấn độc lập có thể là do một đơn vị tư vấn quốc tế thực hiện, hoặc giao cho Liên hiệp các hội khoa học kĩ thuật Việt Nam (VUSTA), nơi tụ hợp các nhà khoa học Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, chuyên ngành khác nhau. Và nếu giao cho VUSTA thì phải yêu cầu VUSTA đánh giá độc lập khách quan, và phải chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá đó.
Nhãn: Lưu
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ