Biển Đông: Chủ quyền 'viển vông'?
Nguyễn Hùng/ BBC
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam đã ghi nhiều điểm trong một bộ phận dư luận với những tuyên bố nghe rất kêu.
Khi thăm Đức cách đây vài hôm ông tuyên bố: "Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là điều thiêng liêng với tất cả các quốc gia trên thế giới.
"Việt Nam chúng tôi, có lẽ cũng như tất cả các quốc gia và các nước trên thế giới sẽ bằng mọi biện pháp để bảo vệ độc lập chủ quyền của mình theo đúng pháp luật quốc tế.
"Tôi cho rằng biện pháp pháp lý là một biện pháp hòa bình, tiến bộ mà cả thế giới, cả nhân loại đều ủng hộ."
Phát biểu của ông Dũng có thể làm người ta nghĩ rằng thủ tướng Việt Nam có vẻ sẵn sàng kiện Trung Quốc ra tòa ở một thời điểm nào đó.
Hồi giữa năm nay ông Dũng thậm chí phát biểu mạnh hơn: "Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng.
"Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó".
Nhưng rồi sau đó việc kiện Trung Quốc cũng không đi tới đâu và ông đá quả bóng sang Bộ Chính trị, cơ quan mà ông nói sẽ quyết định khi nào kiện Trung Quốc.
Một số nhà quan sát nói sở dĩ có vụ kiện là do Trung Quốc đưa giàn khoan ra Biển Đông. Nay giàn khoan không còn đó nữa thì khả năng kiện cũng gần như không có.
Trong khi đó một luật sư trong nước nói với BBC đây chính là thời điểm cần kiện Trung Quốc nhất do các hành động xây dựng của Bắc Kinh ở Trường Sa.
Tại Hoàng Sa, Trung Quốc cũng đang thúc đẩy các hoạt động du lịch của người dân nước họ tới đây nhằm làm tăng tính chính danh của họ tại quần đảo mà họ chỉ tranh chấp với riêng Việt Nam chứ không phải một nhóm nước như trong trường hợp của Trường Sa.
Trung Quốc được cho là đang "thực thi chủ quyền" của họ tại những vùng lãnh hải mà họ tuyên bố chủ quyền.
Tại sao không kiện?
Câu hỏi này đã được đặt ra từ nhiều tháng nay và theo như tuyên bố của ông Dũng thì người ta có thể hiểu rằng do Bộ Chính trị không muốn kiện.
Người đứng đầu Đảng Cộng sản và đứng đầu Bộ Chính trị, ông Nguyễn Phú Trọng, vẫn được xem là muốn giải quyết các tranh chấp thông qua kênh của hai đảng.
Và nếu Bộ Chính trị quyết định không kiện Trung Quốc thì số người ủng hộ ông Trọng trong nhóm 16 ủy viên của cơ quan quyền lực cao nhất này vượt trội hơn so với nhóm còn lại.
Nhưng nếu không kiện Trung Quốc để tăng tính chính danh của Việt Nam trong các đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông thì liệu "thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó" mà ông Dũng nói tới đang quay trở lại?
Những người phản đối chính quyền trong nước thường trích lời cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu "Đừng nghe những gì Cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm" để phản bác lại những thông điệp hoa mỹ của chính trị gia Việt Nam.
Thực tế cho thấy không nhất thiết những gì mà các nhà lãnh đạo Việt Nam tuyên bố sẽ dẫn tới những hành động cụ thể.
Chỉ còn hơn một năm nữa Đảng Cộng sản lại nhóm họp để quyết định các vị trí quan trọng hàng đầu ở Việt Nam.
Củng cố chỗ đứng cho bản thân hoặc những người thân tín có lẽ quan trọng hàng đầu đối với nhiều chính trị gia Việt Nam.
Cũng có nhà quan sát nói không ít lãnh đạo ở Hà Nội sẵn sàng có cách tiếp cận "thân với Trung Quốc" để bảo vệ sinh mạng chính trị hay thậm chí "sinh mạng cá nhân".
Và họ cũng sẵn sàng thay đổi thái độ khi cần thiết.
Nhà nước pháp quyền
Việc Việt Nam bàn tới khả năng kiện Trung Quốc hồi đầu năm nay cũng gợi ra những suy nghĩ về một nhà nước thượng tôn pháp luật ở chính Việt Nam.
Một loạt các luật sư trong đó có các ông Lê Công Định, Cù Huy Hà Vũ hay Lê Quốc Quân đều bị cho là đã gặp khó khăn với chính quyền một phần vì muốn đòi công lý.
"Bản chất tòa án của Việt Nam chỉ là cơ quan của Đảng," một luật sư nói với BBC.
"Thẩm phán phải là đảng viên và họ phải trình báo như là cơ quan hành chính," vị luật sư nói và giải thích thêm điều này khác hẳn với hệ thống tư pháp "hoàn toàn độc lập và tự do trong đó thẩm phán chỉ quyết định theo pháp luật và lương tâm".
Luật sư này nói thêm trình độ của các thẩm phán Việt Nam cũng thấp trong khi luật pháp Việt Nam cũng không chuẩn.
Trong cả vấn đề Biển Đông và vấn đề "rừng luật" ở Việt Nam, lối ra vẫn "không ở dưới chân mình" như người Trung Quốc nói.
Nhãn: Lưu
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ