Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Loạn ‘hoa hậu chợ trời’ gắn mác thế giới

Tâm Khanh/ Pl Tp HCM
Sau nhiều scandal kiện cáo, tố cáo mua bán giải, mới đây các cuộc thi hoa hậu mượn danh Việt Nam ở hải ngoại lại để lộ thêm sự bê bối qua vụ các nghệ sĩ bị bỏ rơi khi tham gia cuộc thi Hoa hậu Việt Nam thế giới 2014 tại Nhật.

Từ nhiều năm nay các bầu show thi hoa hậu ở hải ngoại rất thích chôm chỉa tên gọi và ăn cắp ý tưởng của các cuộc thi sắc đẹp trong nước để làm show. 

Việt Nam có “hoa hậu” gì, hải ngoại có “hoa hậu” đó

Vào thập niên 1980-2000, các cuộc thi hoa hậu của người Việt ở nước ngoài thuần chất là một hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng, diễn ra nhân một sự kiện văn hóa xã hội nào đó của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, do một tổ chức cộng đồng ở hải ngoại tổ chức. Song ba năm trở lại đây, khi mà chuyện bay show qua lại giữa giới showbiz Việt Nam và hải ngoại dễ dàng như cơm bữa thì các cuộc thi hoa hậu ở hải ngoại mất dần ý nghĩa đó. Rất nhiều cuộc thi hoa hậu ở hải ngoại chỉ còn là chuyện làm ăn của riêng một cá nhân bầu show, không khác một show diễn bán vé bình thường. Thậm chí hiện các bầu show tổ chức thi hoa hậu ở hải ngoại còn làm mất luôn nét riêng của các cuộc thi hoa hậu cộng đồng, như Hoa hậu áo dài California. Họ chụp giật làm ăn nên sẵn sàng ăn theo những cuộc thi hoa hậu lớn, đình đám trong nước.

Khi trong nước có cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt thì hải ngoại có ngay cuộc thi với tên gọi y chang, rồi thì Hoa hậu Việt Nam hoàn cầu, Hoa hậu Việt Nam thế giới, Hoa hậu Việt Nam quốc tế. Cuộc thi Hoa hậu quý bà hay Hoa hậu phu nhân vừa xuất hiện trong nước cũng bị bầu show Minh Chánh hải ngoại “luộc” thành Hoa hậu phu nhân người Việt thế giới. Cuộc thi Hoa hậu áo dài Việt Nam trong nước bị nháy thành Hoa hậu áo dài Việt Nam toàn cầu, Hoa hậu áo dài phu nhân. Không chỉ nháy những cuộc thi sắc đẹp dành cho nữ, các bầu show hải ngoại đã bắt đầu ăn theo những cuộc thi sắc đẹp dành cho nam giới. Nếu trong nước vài năm gần đây có cuộc thi Mister Việt Nam và Manhurt Việt Nam để tìm kiếm nam vương thì năm nay ở Mỹ ông bầu Minh Chánh cũng bày ra cuộc thi Nam vương người Việt thế giới. 

Từ “hoa hậu ao làng” đến “hoa hậu chợ trời” 

Đã có một thời gian dài dư luận trong và ngoài nước dùng chữ “hoa hậu ao làng” để mỉa mai những cuộc thi hoa hậu mượn danh Việt Nam ở hải ngoại. Nhưng gần đây từ “ao làng” dường như không còn đủ để mô tả bản chất nhếch nhác lẫn bê bối của các cuộc thi ấy. Bởi “ao làng” chỉ thể hiện được quy mô nhỏ bé của các cuộc thi mang danh quốc tế mà chỉ lèo tèo trên dưới chục thí sinh quy tụ tạp nham, chủ yếu đến từ những người mẫu không tên tuổi, bị rớt từ vòng loại ở các cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam. Bây giờ các cuộc thi trên đã bị gọi thành “hoa hậu chợ trời” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng về chất lượng của nó.

Dạng thi hoa hậu mượn danh đã quơ quào cho xôm tụ, chấp nhận nhiều thí sinh thể hình không đạt chuẩn như mập, lùn làm trò cười cho cư dân mạng, chẳng hạn cuộc thi Hoa hậu Việt Nam hoàn cầu 2011. Các thí sinh còn bị tố sửa sắc đẹp, chưa tốt nghiệp trung học phổ thông, tai tiếng với những hình ảnh ăn chơi tung tóe trong vũ trường, thậm chí là chụp ảnh khỏa thân phản cảm như Ngọc Trinh, Julia Hồ… Khôi hài hơn, có thí sinh đã từng có chồng, có con vẫn nhận giải á hậu như người mẫu Quế Vân. Các thí sinh từ Việt Nam sang thì cứ thi chui thi lủi rồi về chịu phạt như các người mẫu Quế Vân, Thúy Anh, Tường Vy, Kim Duyên… Không chỉ thế, gần như ở cuộc thi nào cũng nổ ra chuyện tố cáo việc mua bán giải.

Ở cuộc thi Hoa hậu phu nhân người Việt thế giới 2012, không chỉ những thí sinh như Nguyễn Thị Ngọc Diễm tố cáo ban tổ chức bán giải, chào mời thí sinh mua giải mà cả ban giám khảo cũng lên tiếng. Bà Chung Ngọc Nhi, chánh chủ khảo cuộc thi trên, đã tố cáo chính bà cũng bị ông Minh Chánh là bầu show tổ chức cuộc thi dụ mua giải hoa hậu. Kết quả của cuộc thi không hề giống kết quả ban giám khảo chấm. Nhiều thí sinh đã gặp bà bức xúc rằng mình bị rớt do không có tiền mua giải như được gợi ý. Hiện trong scandal đổ bể từ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam thế giới 2014 đang diễn ra, song song chuyện các nghệ sĩ từ Việt Nam sang diễn ở cuộc thi bị bỏ rơi, phải lang thang đói khát ở Nhật còn ầm ĩ chuyện hai bầu show đồng tổ chức là Thiên Quang và Tống Kim Giao tố cáo lẫn nhau mua bán giải thưởng.

Nhắm mắt làm ngơ sao đành!

Một thời gian dài ở trong nước xảy ra tình trạng loạn hoa hậu với trên dưới cả chục cuộc thi hoa hậu các loại được tổ chức trong năm, có đủ loại chất lượng thượng vàng hạ cám. Lúc đó trước sức ép của dư luận, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đã ra tay chấn chỉnh tình trạng này thì cái sự loạn thi hoa hậu trong nước mới được dẹp yên. Hiện để đạt một danh hiệu hoa hậu tại Việt Nam chẳng phải dễ dàng gì với quy chế một năm chỉ được tổ chức 1-2 cuộc thi hoa hậu. Thí sinh đoạt danh hiệu hoa hậu phải tốt nghiệp trung học phổ thông, có nhân cách tốt, không gây tai tiếng, chưa từng kết hôn, chưa giải phẫu thẩm mỹ… Một cuộc thi hoa hậu phải trải qua nhiều vòng thi tuyển nghiêm túc ở nhiều địa phương mới có quyền được tổ chức đêm chung kết với danh sách ban giám khảo, số tiền thưởng công bố rõ ràng… 

Bây giờ trên các phương tiện truyền thông, trong các sự kiện văn hóa - giải trí - quảng cáo trong nước bỗng dưng xuất hiện quá nhiều nhân vật xưng là hoa hậu, vương miện lung linh trên đầu, lắm khi khiến người xung quanh ngỡ ngàng trước nhan sắc và chiều cao chẳng tương xứng danh xưng mà không ai biết họ là ai, từ đâu ra. Chẳng lẽ cứ để các hoa hậu trong nước khó khăn lắm mới có danh hiệu bị đánh đồng mãi với các “hoa hậu chợ trời” như thế? Đây là nỗi bức xúc của nhiều người hoạt động trong giới showbiz trong nước. Chẳng lẽ cứ để công chúng bị đánh lận danh xưng hoài bởi những “hoa hậu chợ trời” đang làm xấu đi bộ mặt của làng văn nghệ - giải trí trong nước, làm xấu đi hình ảnh phụ nữ Việt Nam trong mắt công chúng trong và ngoài nước? Tình trạng “loạn hoa hậu” Việt Nam ở hải ngoại quả thực đang cần các cơ quan chức năng dẹp loạn.

Những vụ lùm xùm

- Năm 2011, cuộc thi “Hoa hậu Việt Nam hoàn cầu” của ông bầu Minh Chánh ở Mỹ bị ném đá tưng bừng với danh xưng “hoa hậu ao làng” khi tổ chức bèo nhèo như một show ca nhạc tạp kỷ, còn thí sinh thì khá nhiều bị phát hiện là mập, lùn, xấu. Hai thí sinh đoạt giải hoa hậu, á hậu là Ngọc Trinh và Trà Ngọc Hằng bị đặt dư luận mua giải vì hai cô này một người vô danh, lại thiếu chuẩn thể hình để làm hoa hậu, một người thì đầy tai tiếng với ảnh sex trên mạng, học vấn không đạt chuẩn hoa hậu. Và gần như thí sinh nào từ Việt Nam qua thi cũng đoạt giải.

- Năm 2012, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam hoàn cầu lại bị tung ra bằng chứng mua giải vì hoa hậu Julia Hồ khá nhỏ bé, giải phẫu khuôn mặt và hình thể lộ rõ, cô lại có quá khứ ăn chơi tai tiếng với hình ảnh lưu đầy trên mạng, đường học vấn cũng không rõ ràng.

- Năm 2013, cuộc thi “Hoa hậu người Việt thế giới” cũng do bầu Minh Chánh tổ chức ở Mỹ lại lùm xùm chuyện bán giải khi Quế Vân - một người mẫu kỳ cựu ở TP.HCM từng trải qua nhiều cuộc thi hoa hậu từ nhiều năm trước tại Việt Nam nhưng không thành công, hiện đã có con, từng có chồng lại bỗng dưng đoạt giải á hậu 1. Quế Vân lại là thí sinh đi thi chui, về Việt Nam phải chịu phạt.

- Năm 2013, cuộc thi Hoa hậu phu nhân người Việt thế giới tại Mỹ gây ra scandal lớn khi nhiều thí sinh công khai tố cáo bị chào mời mua bán giải, nổi bật là lời tố cáo của thí sinh Nguyễn Thị Ngọc Diễm. Chuyện càng to hơn khi bà Chung Ngọc Nhi, chánh chủ khảo cuộc thi này vào năm 2012, đã xác nhận với báo chí sự tố cáo của thí sinh Diễm. Bà Nhi cho biết bà và nhiều giám khảo khác đã rất bất bình khi kết quả cuối cùng hoàn toàn khác kết quả ban giám khảo chấm, nhiều thí sinh đã bức xúc nói với bà họ bị mời chào mua giải, không mua thì đánh rớt. Bà khẳng định ông Minh Chánh đã bán giải hoa hậu với giá 85.000 USD, bắt các thí sinh khác đóng mỗi người 500 USD để tài trợ, đồng thời cho danh hài Thúy Nga giải á hậu để lấy tiếng cho cuộc thi mang danh thế giới của ông mà chỉ vỏn vẹn 17 thí sinh tham gia cho tất cả vòng, giải thưởng chiếm gần một nửa thí sinh…

- Từ ngày 11-10-2014 đến nay, cuộc thi Hoa hậu người Việt thế giới 2014 do bầu Thiên Quang của Công ty Việt show tổ chức đã xảy ra scandal bỏ rơi nghệ sĩ đói khát, ngủ lang thang ngoài đường ở Nhật. Từ scandal này lòi ra tiếp hậu trường đầy những nghi vấn mua bán giải khi ông bầu Thiên Quang cùng ê kíp đã tố cáo đối tác đồng tổ chức cuộc thi với mình là Công ty Motiti tại Nhật với bà giám đốc là Tống Kim Giao đã nhiều lần đề cập chuyện mua bán giải ở cuộc thi này. Lập tức bà Tống Kim Giao cũng đăng đàn tố cáo lại Công ty Việt show lừa đảo, muốn mua bán kết quả một mình, phía bà vô tội.

Làm sao dẹp loạn?

Nguyên Tổng Biên tập báo Tiền Phong DƯƠNG XUÂN NAM, người sáng lập cuộc thi Hoa hậu Việt Nam:
Cần có một cơ quan đứng ra dẹp loạn

Đây là một vấn đề gây bức xúc cho công chúng và nhiều người trong giới. Tôi đã từng ra nước ngoài có mặt trong một vài cuộc thi hoa hậu như thế, nó be bé thôi mà về nước nói rình rang, làm rình rang quá. Cứ như tên gọi của nhiều cuộc thi hoa hậu không rõ ràng như hiện nay thì loạn cả lên, không có cái chuẩn nào cả. Tôi chưa nghĩ ra hình thức nào và chưa biết hình thức nào nhưng nên có cách nào đó, có hình thức nào đó để không còn tình trạng loạn hoa hậu như thế. Tôi cũng chưa rõ cơ quan nào có trách nhiệm trong việc này nhưng cần có một cơ quan đứng ra chấn chỉnh, quản lý vấn đề này, ví như là sự liên hệ giữa các cơ quan quản lý văn hóa và truyền thông.
NGUYỄN THÚY HẠNH, nguyên Giám đốc điều hành Công ty Người mẫu Elite Việt Nam, đơn vị từng đưa nhiều hoa hậu Việt Nam tham gia các cuộc thi hoa hậu quốc tế lớn, uy tín:
 
Luật nên thẳng tay cấm các cuộc thi không chính thống

Đây thực sự là một vấn nạn. Sau một thời gian yên ắng bây giờ lại ra ngõ là gặp hoa hậu, ai cũng có thể xưng mình là hoa hậu được. Song công chúng có công nhận hay không? Công chúng hiện nay rất thông minh, họ nhận ra có những danh hiệu hoa hậu chẳng có giá trị gì. Truyền thông chính thống cũng không ủng hộ những hoa hậu không có giá trị như thế. Nhưng vấn đề cũng vẫn ý thức của truyền thông nói chung, làm sao để những cá nhân hoa hậu không có giá trị gì như thế không nên xuất hiện, đừng nói về họ. Khi đưa ra luật thì cần phải ghi rõ ràng là chỉ cấm các cuộc thi hoa hậu người Việt ở nước ngoài không chính thống để phân biệt với các cuộc thi hoa hậu quốc tế khác ở nước ngoài. Chữ chính thống hay không chính thống rất quan trọng vì nếu là chính thống hoa hậu sẽ là người đại diện cho bản sắc, vẻ đẹp, danh dự của phụ nữ Việt Nam.
Hoa hậu Việt Nam 2010 ĐẶNG THỊ NGỌC HÂN:
Danh hiệu không xứng đáng thì công chúng sẽ mau lãng quên

Đúng rằng đang loạn hoa hậu nên người ta bảo ra phố là gặp hoa hậu. Với tôi mỗi cuộc thi hoa hậu đều có giá trị riêng. Công chúng luôn biết ghi nhận đúng giá trị của mỗi cuộc thi để phân biệt được những cuộc thi uy tín như Hoa hậu Việt Nam. Có những danh xưng hoa hậu công chúng sẽ không công nhận và không biết nó như thế nào. Nhưng có danh xưng hoa hậu được công nhận đi nữa công chúng cũng sẽ lãng quên nếu hoa hậu đó không xứng đáng, không biết giữ gìn hình ảnh đẹp, cuộc sống đẹp bằng những hành động thực tế mang tính thiện nguyện, giúp ích cho xã hội.
Anh TẠ NGUYÊN PHÚC, Giám đốc Công ty Người mẫu PL, người đào tạo nhiều hoa hậu:
Cần cấm sử dụng danh hiệu kiểu “hoa hậu chợ trời” trên truyền thông

Ngành giải trí Việt Nam bây giờ tràn lan tình trạng hoa hậu không biết từ đâu ra như vậy rồi nhưng nói hoài thì cũng vậy thôi, đâu có thấy thay đổi gì. Bản thân tôi và những người làm nghề đàng hoàng, tuân thủ đúng quy định của Nhà nước khi đưa thí sinh ra nước ngoài thi hoa hậu là phải được Cục NTBD cấp phép, phải đưa đúng người có danh hiệu trong nước đi… nên nhìn thấy tình trạng này mà nản. Các người mẫu cố tình đi thi chui những cuộc thi dễ dãi ở nước ngoài để lấy danh hiệu về rồi bị phạt cũng đâu có nhằm nhò gì. Phạt xong họ vẫn sử dụng cái danh hiệu kia để lên báo bình thường, lên được báo thường xuyên để tạo tên tuổi. Tôi thấy vấn đề là nằm ở truyền thông, báo chí. Những tờ báo lớn chính thống thì gần như không đưa tin, bài về những “hoa hậu” của những cuộc thi không có giá trị gì. Nhưng tôi biết nhiều cô hoa hậu từ mấy cuộc thi này vẫn thường xuyên tự gửi hình ảnh, tin tức về mình cho phóng viên của mấy tờ báo mạng nhỏ và trả tiền để được đăng. Do vậy, ý kiến không cho phép sử dụng các danh hiệu hoa hậu không được công nhận trong nước xuất hiện ở các phương tiện truyền thông, quảng cáo, các sự kiện là cách làm hay.

Ông PHẠM ĐÌNH THẮNG, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn:
Trách nhiệm nằm ở Bộ TT&TT chứ không phải ở Cục NTBD

Tất cả cuộc thi hoa hậu trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, Cục NTBD - Bộ VH-TT&DL Việt Nam không có trách nhiệm quản lý hay can thiệp vì đó là quyền tự do của người nước ngoài. Với những tổ chức và cá nhân trong nước tổ chức thi hoa hậu hay tham gia thi hoa hậu trong và ngoài nước thì đã có quy định cụ thể về điều kiện để cấp phép tổ chức thi hoa hậu hay công nhận danh hiệu hoa hậu. Với những tổ chức, cá nhân tự ý tổ chức thi hay tham dự thi hoa hậu ở nước ngoài mà không được cấp phép dù mượn danh nghĩa Việt Nam thì về nước vẫn không được công nhận. Khi báo chí - truyền thông trong nước đưa tin, tuyên truyền về các cuộc thi hoa hậu, danh hiệu hoa hậu không được công nhận ở Việt Nam thì báo chí - truyền thông đã sai, phải chịu trách nhiệm và sửa sai. Việc đưa tin, phổ biến, tuyên truyền về các cuộc thi hoa hậu, danh hiệu hoa hậu mượn danh Việt Nam, không được công nhận ở truyền thông là việc góp phần định hướng sai dư luận. Quản lý báo chí - truyền thông không phải là trách nhiệm của Cục NTBD - Bộ VH-TT&DL mà trách nhiệm thuộc về Bộ TT&TT. Tuy nhiên, Cục NTBD đã lưu ý đến vấn đề loạn danh xưng hoa hậu không được công nhận hiện nay để làm việc với Bộ TT&TT nhắc nhở báo chí.
HÒA BÌNH thực hiện

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ