Giải trình trước nhân dân
Phạm Duy Nghĩa/ Tuổi trẻ
Khai mạc kỳ họp thứ 8, QH khóa XIII tại nhà QH mới |
Xuân thu nhị kỳ, Quốc hội nước ta họp hai phiên toàn thể. Mỗi phiên họp thường kéo dài từ 30-40 ngày.
Trong phiên họp cuối năm, ngoài các quyết định về ngân sách, Quốc hội còn làm rất nhiều luật, giám sát và thảo luận chính sách như một diễn đàn cao cấp nhất đại diện cho cử tri toàn quốc.
Vấn đề nóng được cử tri quan tâm nhiều nhất hiển nhiên là tình hình phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
Có việc làm, thu nhập ổn định, con cái được học hành tử tế, môi trường sống an toàn là quan tâm bậc nhất của tất cả cử tri. Để người dân tin tưởng, Quốc hội phải góp phần làm ra và giám sát thực thi các chính sách thiết thực ấy.
Muốn làm được điều đó chí ít cần tới hai điều kiện. Một là, Quốc hội phải ưu tiên làm đúng việc. Hai là, hình thức tổ chức và cách hoạt động phải phù hợp, đúng với chức năng của một cơ quan dân cử.
Để trở thành cơ quan quyền lực nhà nước bậc nhất trong một quốc gia, Quốc hội phải giữ lấy quyền quyết định các nguồn thu chi và sử dụng của cải quốc gia, quyết định phân bổ ngân sách và thúc ép thực thi kỷ luật ngân sách.
Đây là vấn đề ưu tiên số 1. Nếu không kiểm soát được vay nợ quốc gia, không kiểm soát được các dự án đầu tư công và bất lực trước kỷ luật ngân sách lỏng lẻo, Quốc hội không thể có thực quyền.
Vì vậy trong kỳ họp này, Quốc hội phải thật sự siết chặt kỷ luật ngân sách, đánh giá tiến độ tái cấu trúc nền kinh tế, nhất là kiểm soát đầu tư công và các chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân.
Suy cho cùng, dân có dễ dàng làm ăn, tự lo được cho bản thân và gia đình, dần dà giàu lên họ mới đóng được thuế. Khi ấy, nguồn thu tăng, có tiền trong tay Nhà nước mới có cơ hội giúp người nghèo.
Hàng chục đạo luật dự kiến sẽ được thảo luận và phần lớn sẽ được thông qua trong kỳ họp lần này phải góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân như một động lực không thể thiếu của nền kinh tế quốc dân. Luật thì nhiều song tư duy phải đơn giản, nhất quán, phải liên kết lại với nhau như một tấm lưới nâng đỡ nền kinh tế tư nhân.
Ngoài các phiên họp toàn thể, Quốc hội còn có nhiều cơ quan khác nhau, chân rết vươn xuống địa phương là 63 đoàn đại biểu. Mỗi đại biểu một phiếu, quy trình nghị viện đảm bảo quyền của 500 đại biểu không hề đơn giản.
Vì vậy phải ủy quyền cho các cơ quan của Quốc hội, chỉ những việc quan trọng bậc nhất mới đem ra thảo luận và biểu quyết tại các phiên họp toàn thể. Làm được như vậy số ngày họp có thể rút ngắn, cuộc thảo luận sẽ tập trung, quy tụ được nhiều ý kiến chuyên gia và đối tượng có liên quan.
Trong thời đại hội nhập ngày nay, Quốc hội Việt Nam cũng phải vươn tới các chuẩn mực hoạt động nghị viện mang tính phổ quát toàn cầu. Việc giám sát nghị viện, ví dụ bỏ phiếu bất tín nhiệm, cũng tiến dần tới chuẩn mực quốc tế.
Tất nhiên, đại biểu Quốc hội phải thạo nghề và chuyên tâm làm công tác dân cử, tránh tình trạng phần lớn đại biểu đóng nhiều vai, có người cùng một lúc đồng thời giữ tới 4-5 chức danh khác nhau trong hệ thống chính quyền, đoàn thể hoặc doanh nghiệp.
Nếu 70% các đại biểu, vì phải kiêm nhiệm quá nhiều chức vụ, không thể chuyên tâm và chuyên nghiệp với nghề đại biểu dân cử, chất lượng hoạt động của Quốc hội chưa thể cao như cử tri mong đợi.
Cuối kỳ họp mùa thu năm ngoái, có đại biểu ước tính mỗi ngày họp Quốc hội tốn kém số tiền không phải nhỏ. Vì thế, tiêu tiền của dân, tất cả các cơ quan nhà nước, kể cả Quốc hội, phải giải trình trước nhân dân về những việc mình làm.
Nhãn: Lưu
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ