Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

"Bạn" như thế thì ai cần thêm kẻ thù

Gs Nguyễn Văn Tuấn/ FB Nguyen Tuan 
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh - Ảnh: L.Dũng
NQL: Trăm năm trong cõi người ta/ Bạn của Đại tướng thật là kỳ khôi!

Đọc báo Thanh Niên thấy ông Phùng Quang Thanh dùng chữ "bạn" để đề cập đến cái "nước lạ" đó hơi nhiều. Bài phỏng vấn ngắn (chỉ có 592 chữ) nhưng ông dùng chữ "bạn" đến 4 lần! Đáng ngạc nhiên là vì phóng viên dùng chữ "họ" để đề cập đến Tàu thì ông PQT nhất quyết dùng "bạn" để chỉ cùng đối tượng.


 Chẳng hạn như trả lời câu hỏi của phóng viên về kết quả chuyến thăm và làm việc của ông với đối tác Tàu, ông cho biết "Bạn đón tiếp ta rất nhiệt tình, trọng thị, chu đáo và rất hữu nghị. […]". Đọc mà cảm động tấm thịnh tình của bạn quá! 

Từ điển tiếng Việt định nghĩa "bạn" là "Người quen biết và có quan hệ gần gũi, coi nhau ngang hàng, do hợp tính, hợp ý hoặc cùng cảnh ngộ, cùng chí hướng, cùng hoạt động, v.v." 

Tôi nghĩ Tàu chắc chắn chẳng xem VN ngang hàng với họ. Tàu là nước lớn, VN là nước nhỏ. Tàu từng đứng giật dây cho miền Bắc VN gây chiến tranh và làm Cải cách ruộng đất. Trên báo chí, Tàu chẳng xem VN ra gì. Đặng Tiểu Bình được rất nhiều người VN ngưỡng mộ, nhưng chính y từng nói VN là "côn đồ". Do đó, tôi nghĩ Tàu chẳng bao giờ xem VN ngang hàng với họ. Như vậy khi dùng chữ bạn, có lẽ ngài bộ trưởng đề cập đến nghĩa cùng chí hướng (tức cùng thờ Mao, Mác, Lê) và cùng chí hướng (xã hội chủ nghĩa), chứ không phải ngang hàng. 

Kể cũng lạ. Một nước mà lãnh đạo của nó đem quân đánh nước mình, giết hàng trăm ngàn người của mình, lấn chiếm đất đai và hải đảo của mình, vậy mà trong cộng đồng dân tộc mình có người ngọt ngào gọi lãnh đạo của cái nước đó là "bạn". Đành rằng vì ngoại giao, mình không thể gọi họ là "bọn", "thằng", "tên", "chúng nó", nhưng tiếng Việt còn có những cách gọi trung dung hơn như "họ", mà chẳng hiểu tại sao ngài bộ trưởng không dùng. 

Khi phóng viên hỏi về tình hình Tàu xây dựng trên các đảo mà họ đã đánh chiếm từ Việt Nam, thì ngài bộ trưởng nói "[…] Còn hiện nay trên biển, nói thật là các bên đều có xây dựng. Đài Loan cũng xây dựng, Philippines cũng tiến hành xây dựng đường băng, Malaysia có xây dựng. Việt Nam cũng có hoạt động xây dựng, đó là tôn tạo, nâng cấp, mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, cho các lực lượng đóng quân trên đảo để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, đảm bảo điều kiện sinh hoạt trên đảo. Tuy nhiên nguồn lực của ta còn có hạn nên việc xây dựng quy mô chưa lớn như Trung Quốc." 

Tôi thấy câu trả lời trên nó có cái gì đó mang tính bao biện và … nguỵ biện. Cách trả lời giống như nói rằng "họ xây, nhưng mình cũng xây, nên không trách họ được". Nhưng có lẽ ông quên một điều quan trọng rằng mình xây trên đảo của mình [có chủ quyền], còn họ xây trên đảo họ chiếm từ mình. Một đằng là chủ nhà xây, còn đằng kia là kẻ cướp xây, không thể đánh đồng như nhau được. Vả lại, phóng viên hỏi cụ thể về Tàu đang xây dựng qui mô trên đảo trong khi ngoài miệng thì họ nói là giữ nguyên trạng, đáng lẽ ông nên tập trung cung cấp thông tin liên quan đến câu hỏi đó, chứ phóng viên đâu có hỏi các nước khác có hay không có xây. Thật vậy, không thể và không nên đánh đồng kiểu họ làm thì mình cũng làm, vì họ vào nhà mình.

Người phương Tây có câu "With friends like that, who needs enemies" (với bạn bè kiểu đó ai mà cần thêm kẻ thù). Câu đó rất thích hợp cho người dân Việt Nam để nói về những kẻ đang cầm trịch ở cái nước chúng ta quen gọi là Tàu. 

====

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ