Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

Hồng Kông : Người biểu tình lại bị tấn công & Chính quyền 'không suy suyển'

Thanh Hà/ RFI
Ảnh bên: Cảnh sát Hồng Kông bắt giữ một kẻ đeo khẩu trang tấn công người biểu tình sáng ngày 13/10/2014.

Vào sáng ngày 13/10/2014, hàng chục người đeo khẩu trang đã đột nhập vào khu hành chính Admiralty. Hai trong số đó đã bị khống chế. Người biểu tình kêu gọi cảnh sát ngăn chặn hành động của các băng đảng mafia từ Hoa lục đến phá vỡ phong trào dân chủ bất bạo động.

Phát biểu trên đài truyền hình tối 12/10/2014, lãnh đạo đặc khu hành chính Hồng Kông, Lương Chấn Anh kêu gọi người biểu tình chấm dứt chiếm đóng các trục lộ chính tại những khu thương mại và hành chính quan trọng của Hồng Kông. Đồng thời ông Lương Chấn Anh cam kết là cảnh sát Hồng Kông sẽ tránh sử dụng bạo lực tối đa. Về khả năng thương thuyết với Bắc Kinh, lãnh đạo Hồng Kông, vốn bị coi là con rối trong tay nhà cầm quyền Trung Quốc, cho rằng ông không có hy vọng thuyết phục Bắc Kinh thay đổi lập trường.

Tường thuật của thông tín viên đài RFI Florence de Changy :

« Phong trào dân chủ hoa dù tại Hồng Kông bước sang ngày thứ 16. Ba khu vực vẫn còn bị phong tỏa. Nhưng vào sáng nay, cảnh sát đã tháo dỡ được hàng rào tại một vài địa điểm. Tại Mongkok, khu vực chính của người biểu tình, cảnh sát đã thương lượng trong vòng 45 phút, nhưng rồi đã nhượng bộ. Tuy nhiên, cảnh sát đã khai thông được một trục lộ quan trọng ở sát cạnh khu vực này.

Ngoài ra, cảnh sát hiện diện đông đảo tại khu hành chính Admiralty, nơi đặt các công sở. Cũng cần nhắc lại là lâu nay cảnh sát thường vắng bóng tại khu vực này. Sáng nay, nhân viên an ninh Hồng Kông chỉ mặc sắc phục với áo sơ mi màu xanh lơ, chứ không mặc trang phục cảnh sát chống bạo động. Đó là dấu hiệu cho thấy đọ sức không kéo dài.

Tình hình tại chổ khá sôi động trong đêm qua trước cửa nhà in của tập đoàn Next Media. Đây là một tập đoàn truyền thông ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông. Một nhóm côn đồ nói tiếng Quảng Đông đã chặn cổng nhà in, ngăn cản xe cam-nhông chở hàng rời khỏi khuôn viên của Next Media. Nhóm côn đồ nói tiếng Quảng Đông khiến nhiều người nghĩ đấy là những thành phần từ Hoa lục được phái tới Hồng Kông. Nhưng đến khoảng 5 giờ sáng nay, tất cả mọi người đã được điều lên một chiếc xe buýt đặc biệt.

Giờ đây mọi người chờ đợi xem chính quyền đặc khu hành chính Hồng Kông có sẽ chấp nhận đối thoại với giới sinh viên hay không. Ngoài ra dư luận cũng chờ xem Tư pháp và Ủy ban chống tham nhũng Hồng Kông sẽ xử lý ra sao vụ ông Lương Chấn Anh vừa bị kiện không khai khoản tiền 4 triệu bảng Anh mà ông đã nhận được từ một tập đoàn của Úc trong thời gian ông đang giữ chức trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông ».

Theo một số nhà quan sát, không phải tình cờ mà vụ tai tiếng liên quan đến khoản tiền 4 triệu bảng Anh nói trên được tung ra vào thời điểm này. Đây có thể là một lý do để ông Lương Chấn Anh mất ghế lãnh đạo Hồng Kông.

Đọc thêm: Chính quyền Hồng Kông 'không suy suyển'

Theo BBC 
Ảnh bên:Ông Lương Chấn Anh nói cảnh sát có thể được huy động với lực lượng 'tối thiểu'. 

Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông ông Lương Chấn Anh khẳng định Trung Quốc sẽ không thay đổi các quy định cho cuộc bầu cử vào năm 2017, mặc dù có các cuộc biểu tình phản đối kéo dài nhiều tuần lễ.

Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, ông Lương nói các cuộc biểu tình đã đi ra ngoài " tầm kiểm soát" và không loại trừ việc chính quyền sẽ sử dụng vũ lực để chấm dứt nó.

Các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đã thu hút hàng ngàn người xuống đường, làm tê liệt nhiều khu vực của Hồng Kông.

Trung Quốc đã đồng ý các cuộc bầu cử trực tiếp vào năm 2017, nhưng muốn kiểm soát danh sách các ứng viên ra tranh cử.

Số lượng người biểu tình đã thay đổi trong vòng ba tuần qua, nhưng hàng trăm người vẫn cắm trại tại một số đường phố trọng điểm hoặc trung tâm Hồng Kông như Gloucester và Harcourt.

" Lực lượng tối thiểu"

Ông Lương nói với TVB hôm Chủ nhật rằng Bắc Kinh sẽ không thay đổi ý kiến của mình về quy định, hình thức bầu cử.

Nhưng những người biểu tình phản đối nói rằng hình thức bầu cử này sẽ giúp cho Bắc Kinh kiểm soát được những ứng cử viên đứng ra tranh cử.

Khi được hỏi về các trại biểu tình, ông Lương nói:

"Chúng tôi đã dùng đến mọi hình thức thuyết phục... Chúng tôi hoàn toàn không thích giải tán các địa điểm đó, nhưng nếu một ngày nào đó các địa điểm đã giải tỏa, tôi tin rằng cảnh sát sẽ đánh giá bằng chuyên môn của họ và sẽ sử dụng một lực lượng tối thiểu.

"Chúng tôi không muốn thấy người dân của chúng tôi và các sinh viên bị thương vong."

Ông Lương tái khẳng định rằng ông sẽ không từ chức và rằng phong trào biểu tình đã "mất kiểm
 soát".

" Giá trị cốt lõi"

Ông Lương đã hủy bỏ các cuộc đàm phán với người biểu tình hôm thứ Năm, nói rằng việc các sinh viên từ chối chấm dứt việc biểu tình đã làm cho "cuộc đối thoại mang tính xây dựng" không thể diễn ra.

Còn một liên minh của ba nhóm biểu tình đã đưa ra tuyên bố nói rằng:

"Chúng tôi không thể cho phép một người, Lương Chấn Anh, phá hủy các giá trị cốt lõi của Hồng Kông mà chúng tôi rất trân trọng."

Được biết, theo luật pháp ở Hồng Kông, luật cơ bản là một hiến pháp thu nhỏ và có hiệu lực sau khi thuộc địa cũ của Anh được trao lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

Luật này nói rằng mục đích cuối cùng là lựa chọn ra vị trưởng đặc khu hành chính thông qua “phổ thông đầu phiếu” theo đề cử của một ủy ban có đại diện rộng rãi tuân theo các quy trình dân chủ.

Xem thêm: Cảnh sát Hong Kong ồ ạt tiến vào dẹp biểu tình

 Trí Dũng (Theo LATimes)/ Khám phá

Ngày 13/10, cảnh sát Hong Kong bắt đầu huy động lực lượng đông đảo tiến vào để tháo dỡ chướng ngại vật mà người biểu tình đòi dân chủ dựng lên tại một số khu vực ở trung tâm thành phố suốt hai tuần qua.
 - 1
Chướng ngại vật do người biểu tình dựng lên trên đường cao tốc
Lúc sáng sớm nay, khi số lượng người biểu tình thưa thớt nhất, cảnh sát Hong Kong đã ập vào từ phía đông khu vực biểu tình và bắt đầu tháo dỡ các hàng rào sắt của người biểu tình trên con đường cao tốc huyết mạch dẫn vào trung tâm thành phố và chất lên xe tải.

Mặc dù không mặc áo giáp chống bạo động, song cảnh sát vẫn mang theo khiên chắn và tiến dần dần từ phía đông tới khu trung tâm Admiralty, tâm điểm của khu vực biểu tình. Vừa tiến quân, họ vừa tháo bỏ mọi chướng ngại vật do người biểu tình dựng lên trên phố.

Tại khu trung tâm, nhiều sinh viên biểu tình đã phản ứng dữ dội với cảnh sát khi những rào cản mà họ dựng lên suốt nhiều tuần qua bị dỡ bỏ.

Hành động quyết liệt này của cảnh sát được thực hiện sau khi Trưởng Đặc khu Hong Kong Lương Chấn Anh (Leung Chun-ying) tuyên bố rằng lãnh đạo biểu tình “hầu như không có cơ hội nào” trong việc buộc Bắc Kinh rút lại quyết định về cuộc bầu cử năm 2017.
 - 2
Người biểu tình ngủ ngay cạnh hàng rào sắt do họ dựng lên

Người dân Hong Kong muốn tự mình được lựa chọn nhà lãnh đạo trong cuộc bầu cử trưởng đặc khu năm 2017, tuy nhiên Bắc Kinh lại tuyên bố rằng chỉ có 2 đến 3 ứng cử viên được một ủy ban thân Trung Quốc “phê duyệt” mới có thể chạy đua vào vị trí này.

Quyết định này của Trung Quốc đã làm dấy lên nỗi giận dữ trong dư luận Hong Kong và châm ngòi cho cuộc biểu tình rầm rộ suốt 3 tuần qua, với nòng cốt là lực lượng sinh viên. Hôm thứ Sáu tuần trước, kế hoạch đàm phán giữa phe biểu tình và chính quyền Hong Kong đã đổ vỡ sau khi ông Lương Chấn Anh tuyên bố rằng mọi thương thảo chỉ có thể diễn ra trong khuôn khổ các chỉ đạo của Bắc Kinh.

Sáng 13/10, khi cảnh sát tiến vào tháo dỡ vật cản, lãnh đạo biểu tình đã phát đi thông điệp khẩn cấp trên mạng xã hội kêu gọi người biểu tình quay lại “chiến trường”. Trong khi đó, cảnh sát lại tuyên bố rằng họ không “giải tán biểu tình” mà chỉ “tìm cách loại bỏ chướng ngại vật”.
 - 3
Căng thẳng xảy ra giữa người biểu tình và cảnh sát Hong Kong

Tại khu Mong Kok ở gần đó, cảnh sát đã lợi dụng lúc người biểu tình đang ngủ say để tiến vào loại bỏ vật cản lúc 6 giờ sáng. Nhưng hành động của họ bị phát hiện và cả khu trại biểu tình đã ào dậy ngăn cản cảnh sát.

Hồi cuối tuần quan, lãnh đạo sinh viên biểu tình đã công bố thư ngỏ gửi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó nhấn mạnh rằng cuộc biểu tình của họ không phải là cuộc “cách mạng màu” nhằm lật đổ sự cai quản của Trung Quốc đối với Hong Kong mà chỉ là một “phong trào đấu tranh đòi dân chủ”.

Sinh viên Hong Kong cũng yêu cầu ông Tập tôn trọng nguyên tắc “một đất nước, hai chế độ” được đưa ra từ năm 1997, khi Hong Kong được Anh trao trả lại cho Trung Quốc. Thỏa thuận này cho phép Hong Kong duy trì chế độ tự trị cao trong 50 năm tiếp theo và hướng tới hình thức “pổ thông đầu phiếu” để bầu nhà lãnh đạo.

 

 

 

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ