Quyền được phát biểu
Gs Nguyễn Ngọc Trân/Tuổi trẻ
Gs Nguyễn Ngọc Trân |
Nhiều ý kiến cho rằng luật cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đại biểu Quốc hội và tôn trọng các quyền, trong đó có quyền phát biểu của đại biểu.
Quốc hội đang thảo luận Luật tổ chức Quốc hội. Nhiều ý kiến cho rằng luật cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đại biểu Quốc hội và tôn trọng các quyền, trong đó có quyền phát biểu, của đại biểu đúng với các quy định của Hiến pháp 2013, tại các điều 79, 80 và 82. Yêu cầu đúng và đúng lúc.
Cử tri có nhận xét, nếu không nói là trách, có quá ít đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến về những vấn đề bức xúc của cuộc sống. Ít phát biểu vì đại biểu Quốc hội dè dặt về mức độ am hiểu vấn đề của mình, ngại đề cập những vấn đề ngoài ngành mà mình đã được cơ cấu vào Quốc hội.
Ngại phát biểu vì mỗi khi có một dự thảo luật hay một dự án quan trọng còn có ý kiến khác nhau, các đại biểu Quốc hội trong ngành thường được bộ chủ quản mời đến sinh hoạt để lắng nghe ý kiến thì ít mà để “dặn dò” nên ủng hộ ý kiến của bộ kiểu như “đã được thảo luận rất nhiều và đã được lãnh đạo thông qua”.
Đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm thường chỉ làm một đến hai nhiệm kỳ. Rời nghị trường, con đường sự nghiệp tùy thuộc trước tiên vào đánh giá của ngành dọc và của địa phương. Đại biểu e rằng đánh giá này sẽ không thuận lợi nếu phát biểu ở Quốc hội không thuận ý ngành dọc chủ quản.
Trên đây là thực tế xuất phát từ sự dè dặt (chưa bàn đến đúng, sai) của đại biểu, giải thích tình trạng các đại biểu ít phát biểu, tranh luận và chất vấn.
Còn có một thực tế khác.
Trong khóa XI, đại biểu của một tỉnh ĐBSCL qua nhiều kênh đã được “nhắc nhở phải thận trọng khi phát biểu, phải nghĩ tới hậu quả đối với các dự án dùng vốn viện trợ phát triển (ODA) của tỉnh” sau khi đại biểu này phát biểu về các bất cập trong phân bổ, quản lý và sử dụng vốn ODA tại hội trường.
Ai cũng mong rằng đó là những trường hợp cá biệt. Thế nhưng vừa qua đã xảy ra việc làm của ông chánh văn phòng một bộ mà thực chất là dùng con đường hành chính để cản trở đại biểu Quốc hội thực thi quyền và nhiệm vụ của mình.
Quyền hạn và trách nhiệm của mình có được tôn trọng hay không, trước hết đại biểu Quốc hội phải vượt lên chính mình, tỏ rõ bản lĩnh của mình trong việc thực thi những gì đã được Hiến pháp quy định.
Nhưng chưa đủ. Sự tôn trọng phải được thể hiện trong Luật tổ chức Quốc hội, cụ thể là phải nghiêm cấm những “kênh tác động” đa dạng và tinh vi như đã từng xảy ra.
Theo Tuổi trẻ
Theo Tuổi trẻ
Nhãn: Lưu
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ