Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Suy nghĩ về thân phận nhà báo Việt Nam

Lê Phú Khải/ BVN
Ảnh bên:Phóng viên ngồi bệt xuống sàn để tác nghiệp - Ảnh: V. Sự - Tuổi trẻ

Xem hình ảnh phóng viên phải ngồi dưới sàn để tường thuật họp Quốc hội trên tuoitre.vn ngày 22/10/2014, là một nhà báo lâu niên, đã cả đời cầm bút “phục vụ” chế độ, tôi thấy ngậm ngùi, đau xót và căm phẫn.

 Toà nhà Quốc hội nguy nga, lộng lẫy xây bằng tiền thuế của dân để cho các ông bà đại biểu “đảng cử dân bầu” ngồi làm cảnh cho nền dân chủ của chế độ toàn trị! Người ta tưởng làm như thế, tưởng là xây nhà Quốc hội thật to… thì càng quảng cáo cho “chế độ dân chủ”!

Tôi nhớ, khi mới tiếp quản Hà Nội, chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi quần thần xây trụ sở đảng ở đâu? Người ta tranh nhau tâng công. Người nói xây trụ sở đảng phải ở bên vườn hoa Ba Đình, người nói phải ở cạnh Hồ Tây… Chủ tịch HCM bảo: Các chú đều nói sai cả! Xây trụ sở đảng trong lòng dân là vững bền nhất (!). 

Không hiểu người ta học tập đạo đức HCM thế nào, mà ngày nay các trụ sở đảng ở các địa phương xây nguy nga tráng lệ đến kệch cỡm như thế, trong lúc ở các bệnh viện Nhi thì ba, bốn cháu phải nằm một giường, các mẹ thì nằm dưới đất!

Nhà Quốc hội để trưng bày cây kiểng thì quá là nguy nga lộng lẫy, đại biểu nào cũng béo tốt phây phây…, dân oan mất đất có tìm đến gặp, thì các vị đầy tớ của dân tìm cách lánh xa những ông bà chủ đói khát rách rưới này. 

Nhưng chuyện còn đau lòng và tức cười hơn nữa về cái nhà Quốc hội nguy nga kia, là các nhà báo khi đến Quốc hội để đưa tin phải ngồi dưới sàn… ngước cổ lên, dướn mình lên mà hành nghề (!). Người ta khinh miệt các nhà trí thức, các nhà báo… đến thế kia à? Hay là họ quên mất thời đại này là thời đại thông tin, thế giới phẳng… nhà báo có một vai trò quan trọng trong thế giới @ đó! Vả lại, nhà báo cũng là một thứ cây cảnh như các vị đang ngồi trên những chiếc ghế sang trọng đến choáng ngợp kia! Sao lại phân biệt đối xử với các loại cây cảnh như thế?!

Viết đến đây tôi nhớ câu chuyện cũng tại Quốc hội cách đây vừa tròn 38 năm. Lúc đó đất nước mới thống nhất, Quốc hội thống nhất họp phiên đầu tiên tại Hà Nội. Tôi được lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam phân công đi làm một cuộc toạ đàm với trí thức Nam Bộ ở Quốc hội thống nhất (1976). Khó khăn lắm tôi mới gặp được đông đủ các vị trí thức Nam Bộ tại nhà khách Thắng Lợi bên Hồ Tây gồm các anh: Lý Chánh Trung, Nguyễn Long, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi… để tiến hành cuộc toạ đàm. Băng ghi âm đã làm xong, tôi mừng lắm, chỉ còn đưa phát sóng là hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng hiềm một nỗi là, thiếu bà Ngô Bá Thành, một trí thức Nam Bộ nổi tiếng. Tôi bèn nghĩ ra một “mẹo” là vô Quốc hội, giờ giải lao tìm gặp đại biểu Ngô Bá Thành. Tôi nói với bà Ngô Bá Thành: 

- Trong cuộc toạ đàm với trí thức Nam Bộ tại Quốc hội kỳ này, tôi đã gặp các anh (…) nhưng còn thiếu mỗi bà, tôi xin phép được “ăn gian” giới thiệu tên bà ở đầu cuộc toạ đàm cho nó… sang.

Bà Ngô Bá Thành đã cười phá lên và nói: 

- Tôi mà Nam Bộ cái gì! Tôi là con mẹ Bắc Kỳ sinh ở phố Nhà Thương Chó tại Hà Nội này. Anh muốn giới thiệu tôi vào đâu cũng được!

Cũng xin mở ngoặc nói thêm để bạn đọc rõ, phố Nhà Thương Chó là phố Yersin ở Hà Nội, do ở đó có một căn nhà chuyên nhốt chó dại để thí nghiệm nên người Hà Nội gọi như thế. Lâu ngày “chết” tên luôn! Giống như Ngã Năm Chuồng Chó ở Sài Gòn, Phố Lò Bánh Mỳ, Phố Cửa Hàng Thịt ở Paris vậy. 

Lại nói về cái buổi chiều ở Quốc hội thống nhất năm đó. Sau khi được bà Ngô Bá Thành đồng ý cho đưa tên vào chương trình toạ đàm, tôi tìm đến chỗ các đồng nghiệp báo chí đang hành nghề ở Quốc hội, và chứng kiến một câu chuyện nhớ đời! Ở đây đang diễn ra một cuộc tranh cãi nẩy lửa! Một phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã chửi thề: ĐM…! Thế ra ba thằng bồi bút không bằng một con bồi bàn!

Số là, Quốc hội họp, có phát phiếu để các đại biểu và những người phục vụ tại Quốc hội mua hàng ngay tại quầy hàng tại chỗ. Thời bao cấp, phiếu mua hàng giá cung cấp giá trị lắm. Thời đó có câu ngạn ngữ: Bán như cho, mua như cướp! Phiếu mua hàng mua được cả áo len “giá như cho” thì quý lắm! 

Nhưng chẳng hiểu thế nào, các chị nhân viên bưng bê, phục vụ giải khát giờ giải lao tại Quốc hội cũng được phát mỗi người một phiếu. Trong khi đó các nhà báo thì ba người mới được một phiếu nên phải bốc thăm (!). 

Vì thế mới có “tuyên bố hùng hồn”: - Thì ra ba thằng bồi bút mới bằng một con bồi bàn!!!

Câu nói “bất hủ” đó được mau chóng lan truyền đi, đã đến tai Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh.

Hết giờ làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh đã yêu cầu triệu tập họp báo. Tại cuộc họp mặt đó, ông Trường chinh đã xin lỗi các nhà báo.

Sau cuộc họp, tôi thấy các đồng nghiệp của tôi bàn tán và tỏ ra kính trọng thái độ của ông Trường Chinh. 

Không biết cái văn hoá xin lỗi ấy có còn đến bây giờ với những nhà thiết kế cái nhà Quốc hội nguy nga tráng lệ kia khi họ quên không làm chỗ hành nghề cho các nhà báo! Không biết ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có cảm thấy nhục khi để các nhà báo phải ngồi tác nghiệp dưới sàn không? Liệu ông có xin lỗi không? 

10/2014
L.P.K.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ