Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

Malala & Joshua và tinh thần công dân tự do

Đoàn Khắc Xuyên/ Người Đô Thị
Ảnh bên:Joshua Wong (trái)trở thành thủ lĩnh phong trào sinh viên Hong Kong từ khi mới 14 tuổi. Trong khi đó, Malala Yousafzai được trao tặng giải Nobel ở tuổi 17. Ảnh: Reuters

Cùng rất trẻ, cùng dũng cảm và thông minh, cùng thấm đẫm một cách tự nhiên tinh thần công dân tự do, không lùi bước trước bạo quyền hay cường quyền, ở tuổi 17 cả Malala Yousafzai - người trẻ nhất được trao giải Nobel Hoà bình trong lịch sử, và Joshua Wong - người thanh niên trở thành biểu tượng của cuộc đấu tranh cho dân chủ ở Hồng Kông, đang trở thành niềm cảm hứng cho cả giới trẻ và người lớn không chỉ ở Pakistan hay Hồng Kông trong nỗ lực vì một thế giới tự do hơn, nhân đạo hơn.

 “Các bạn thân mến, vào ngày 9.10.2012, tổ chức khủng bố Taliban đã bắn vào trán phía bên trái của tôi. Họ cũng bắn những người bạn của tôi nữa… Họ cứ nghĩ rằng những viên đạn đó sẽ khiến chúng tôi phải câm lặng. Nhưng họ đã lầm. Và rồi, khi sự câm lặng qua đi, là lúc hàng ngàn tiếng nói cất lên. Những kẻ khủng bố đã cho rằng họ có thể thay đổi mục tiêu và lấy đi tham vọng của chúng tôi, nhưng chẳng có gì thay đổi cả: Sự yếu đuối, nỗi sợ hãi và tuyệt vọng chết đi. Sự mạnh mẽ, quyền năng và lòng dũng cảm đã ra đời” - Malala Yousafzai, lúc ấy mới 15 tuổi, đã phát biểu như vậy tại Liên Hiệp Quốc vào tháng 7.2013, mười tháng sau vụ ám sát của Taliban khi em đang trên xe buýt trở về nhà từ trường học.

Vì sao Taliban, một tổ chức chính trị quân sự Hồi giáo cực đoan, lại muốn giết một nữ sinh tay không mới 15 tuổi? Lý do: Taliban ra lệnh cấm toàn bộ phụ nữ đến trường và tham gia các hoạt động xã hội. Với chúng, phụ nữ, từ trẻ em đến người lớn, không cần biết chữ và chỉ được phép quanh quẩn trong nhà. Malala không chấp nhận điều đó. Em vẫn đến trường và còn cổ vũ các bạn của mình đến trường. Ở thung lũng Swat, nơi em đang sống và đang bị Taliban kiểm soát, lúc mới 12 tuổi Malala đã viết blog cho đài BBC tại Anh, mô tả cuộc sống tại quê nhà của em và hô hào việc phổ cập giáo dục cho phụ nữ. Năm sau, báo New York Times cử phóng viên sang Pakistan làm một bộ phim tài liệu về cuộc đời em. Tên tuổi em vang dội khắp nơi như một nhà hoạt động nhân quyền, đặc biệt nữ quyền trong một quốc gia Hồi giáo. Chính vì thế, Taliban xem em như một kẻ thù và ra lệnh hạ sát em.

Trong tuyên bố của mình, uỷ ban Nobel ở Oslo, Na Uy viết: “Dù tuổi còn trẻ, Malala Yousafzai đã chiến đấu nhiều năm cho quyền đi học của phụ nữ, và đã chứng tỏ trẻ em, thiếu niên cũng có thể đóng góp để cải thiện hoàn cảnh của mình”.

Trong khi đó, tại Hồng Kông, năm 2012, khi mới 15 tuổi và đang là cậu học sinh trung học, Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) đã lập ra phong trào Scholarism (Học dân tư trào) để phản đối việc áp đặt chế độ học nhồi sọ mà chính quyền Hồng Kông dự định nhập từ Trung Quốc. Phong trào đã huy động được sự ủng hộ của hàng trăm ngàn người dân, buộc chính quyền đặc khu phải rút lại quyết định. Và đến năm nay, khi Joshua 17 tuổi (cậu mới bước qua tuổi 18 hôm 13.10, giữa đợt biểu tình) thì nhóm này đã đóng vai trò quan trọng cùng với các nhóm khác đòi bầu cử dân chủ ở Hồng Kông.

Trả lời báo chí nước ngoài, Joshua vẫn nói: “Điều quan trọng nhất là tôi muốn học tốt nghiệp, có bằng”. Tuy vậy,vấn đề là học gì và học thế nào. Nhóm Dân Tự Học đã gặp gỡ nhóm Chiếm Trung Tâm và phái Dân chủ Hồng Kông trong mục tiêu đấu tranh. Theo họ, Hồng Kông phải dân chủ thì mới có thể đảm bảo học đường được độc lập tư duy, không bị áp đặt lối giáo dục nhồi sọ.

"Hít thở bầu không khí dân chủ từ trong gia đình ra đến xã hội, điều tự nhiên là Joshua và thế hệ của cậu không thể nào chịu đựng được sự áp đặt từ trong giáo dục cho đến trong chính trị".
Khi được hỏi có sợ bị đảng Cộng sản Trung Quốc trả đũa không, Joshua nói: “Cách trả đũa nào cũng chỉ gây ra phản ứng đối lập của người dân, như vụ các lãnh đạo sinh viên bị bắt hai tuần trước đã khiến có thêm nhiều người dân tới ủng hộ cuộc biểu tình”. Và: “Tôi không muốn cuộc đấu tranh cho dân chủ phải truyền lại cho đời sau. Đây là trách nhiệm của chính thế hệ chúng ta”.

Điều đáng chú ý trong hành trình trở thành niềm cảm hứng cho rất nhiều người của cả Malala Yousafzai và Joshua Wong là, tuy không “tuyên ngôn” về nó nhưng toát ra từ cuộc sống và hành động của họ là một tinh thần công dân tự do thật tự nhiên, thậm chí có thể nói là hồn nhiên, như hơi thở.

Sinh ra trong một gia đình trung lưu rất đỗi bình thường, tự mô tả mình là một đứa trẻ bình thường, lớn lên với Game Boy và xem truyền hình, Joshua nói hàng ngày mình dành 18 giờ mỗi ngày cho các nghiên cứu và hoạt động chính trị. Khi được hỏi đã sử dụng thời gian rảnh như thế nào, cậu nửa đùa nửa thật “ngủ và ngủ”. Tuy vậy, từ khi còn nhỏ Joshua đã được cha dẫn đi thăm những người nghèo, những người bị thiệt thòi và khuyến khích cậu quan tâm giúp đỡ họ. Joshua nói về cha mẹ mình, rằng họ không phải là những ông bố bà mẹ “trực thăng”, nghĩa là lúc nào cũng “úm”, cũng bảo bọc, chiều chuộng, làm hư con cái. “Họ để tôi tự do, nhờ đó mà có Joshua Wong như hôm nay”. Cậu cũng không thích những người tôn cậu là “anh hùng”. Cậu nói: “Để trở thành bộ phận của một phong trào xã hội thì không cần đến hình mẫu, mà phải quan tâm đến các vấn đề mà phong trào đặt ra. Anh hùng của phong trào là mỗi một công dân Hồng Kông”. Hít thở bầu không khí dân chủ từ trong gia đình ra đến xã hội, điều tự nhiên là Joshua và thế hệ của cậu không thể nào chịu đựng được sự áp đặt từ trong giáo dục cho đến trong chính trị, chính vì vậy mà họ đã tập hợp thành phong trào đòi bầu cử dân chủ cho người dân Hồng Kông.

Còn Malala trước khi trở thành một nhân vật nổi tiếng khắp thế giới cũng là một bé gái bình thường như bao bé gái khác, và em đòi quyền được đi học cho trẻ em gái như một đòi hỏi hết sức tự nhiên, bình thường. Cha em là một nhà giáo dục, làm chủ một số trường học trong vùng thung lũng Swat, và là một nhà thơ. Phát biểu sau khi con gái được thông báo đoạt giải Nobel Hoà bình, ông nói ông đã không làm gì cho con cả, chỉ là “không cắt đôi cánh của nó”. Nhờ vậy mà Malala đã bay lên với ước mơ tự nhiên của mình là được đi học, được đến trường, được tiếp nhận tri thức như một công dân tự do lẽ đương nhiên phải thế, như người ta phải hít thở không khí để sống. Và em đã dũng cảm bảo vệ ước mơ tự nhiên của mình dù có phải đối đầu với bạo quyền Taliban. Chia sẻ trong một chương trình truyền hình ở Mỹ hồi năm ngoái (sau khi đã phục hồi sau vụ bị giết hụt) về điều mà cô sẽ nói khi đứng trước một thành viên của Taliban, cô nói: “Tôi sẽ nói với anh ta giáo dục quan trọng như thế nào và tôi thậm chí còn muốn mang lại nền giáo dục cho cả con cái của anh ta. Tôi sẽ nói với anh ta rằng: Đó là tất cả những gì tôi muốn nói, giờ thì cứ làm điều mà anh muốn đi”.

Chính tinh thần và sau đó là ý thức công dân tự do cộng với sự dũng cảm đã biến Malala và Joshua từ chỗ là những cô cậu bé bình thường trở thành niềm cảm hứng cho ước mơ về xã hội tự do dân chủ, nhân văn cho cả thế hệ.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ