Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2014

Bí thư huyện năn nỉ tỉnh đừng xây dự án thủy điện

Lê Thanh Phong/ Lao động
Thủy điện Nước Trong.
Ông Đặng Ngọc Dũng, Bí thư huyện ủy Sơn Hà (Quảng Ngãi) nói với Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi rằng: “Tôi thay mặt Đảng bộ, chính quyền và hơn 71.000 người dân Sơn Hà năn nỉ xin tỉnh đừng xây các dự án thủy điện này”.

Ba dự án thủy điện đó là Sơn Trà, Đăkđrinh 2 và Trà Khúc 1.Tại huyện này đã có hai dự án thủy điện lớn trên thượng nguồn là Đakđrinh 1 và Nước Trong.

Theo kinh nghiệm, người dân trong vùng cho rằng, nếu bị bao vây bởi các công trình thủy điện, dân Sơn Hà sẽ gặp nguy hiểm khi có mưa lũ. Đặc biệt, đây là vùng thấp trũng, như một thung lũng lọt thỏm giữa bốn bề công trình thủy điện. Chắc chắn bị nhấn chìm khi có lũ, không thể lường hết thiệt hại.

Tại hội thảo “Vận hành hợp lý liên hồ chứa, giảm lũ cho hạ du - trách nhiệm và thách thức”, do Báo Lao Động phối hợp với Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão T.Ư, UBND tỉnh Bình Định tổ chức ngày 31.10, nhiều ý kiến cho rằng, sự xuất hiện hàng loạt các NM thủy điện bậc thang trên các hệ thống sông ngòi ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã khiến lũ lụt không còn theo quy luật. Lũ ở miền Trung và Tây Nguyên giờ quá bất ngờ, khó lường định và thành nỗi ám ảnh của người dân ở vùng hạ du.

Nhiều đe dọa đến nỗi, tỉnh Quảng Nam vào mỗi mùa lũ đều phải “năn nỉ” các thủy điện không xả lũ “chồng” lên lũ ở hạ du, nhưng vẫn không làm giảm được những trận “lũ nhân tạo”.

Ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Mặc dù đã có quy trình vận hành liên hồ chứa, nhưng việc xả lũ do các chủ hồ tự quyết, nhiều khi tỉnh cũng không can thiệp được. Bức xúc trước thực trạng này, UBND tỉnh cũng rất nhiều lần báo cáo, đề nghị Thủ tướng và các bộ ngành T.Ư cần điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa để phù hợp với thực tiễn, giảm lũ cho hạ du”.
Đập chính thủy điện Đăkdrinh trong giai đoạn “nước rút”. Ảnh: baoquangngai
Trở lại chuyện ở huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Sự nguy hiểm của các dự án thủy điện như thế nào chưa thể nói, vì cần phải có sự đánh giá của các nhà khoa học. Kinh nghiệm của người dân địa phương rất cần được tham khảo, nhưng dù sao cũng cảm tính. Còn khoa học là lý tính, kết quả nghiên cứu phải thuyết phục, có căn cứ và có cơ quan chịu trách nhiệm.

Ở đây xin bàn chuyện khác, đó là tinh thần trách nhiệm của ông Bí thư huyện ủy Sơn Hà Đặng Ngọc Dũng. Qua việc phản biện tới cùng việc xây ba dự án thủy điện trên địa bàn huyện, cho thấy ông là người hết lòng vì dân, có trách nhiệm với dân.

Thứ nhất, ông không thỏa hiệp với cấp trên, ông không sợ lãnh đạo. Dù biết tỉnh đã có chiều hướng đồng ý xây dựng ba dự án thủy điện này, nhưng ông Dũng vẫn bằng mọi cách thuyết phục không thực hiện. Với người tìm cách an thân, sẽ chọn cách thuận theo cấp trên. Đằng này, ông Dũng lại đi can ngăn và có thể bị chụp cho cái mũ chống đối chủ trương của tỉnh. Ông Dũng không sợ bị cho là chống đối, ông kiên trì đi “năn nỉ”cấp trên của ông.

Thứ hai, hầu hết lãnh đạo các địa phương đều muốn các doanh nghiệp đầu tư dự án trên địa bàn mình quản lý. Càng nhiều dự án càng tốt. Nếu ông Dũng đồng ý cho ba dự án thủy điện này được xây dựng, thậm chí “chạy” với cấp trên để nhanh chóng thực hiện, thì ông Dũng cũng được “lộc” không nhỏ.

Nhưng ông Đặng Ngọc Dũng đã đặt mục đích vì lợi ích của dân, cụ thể là 71.000 người dân huyện Sơn Hà, địa phương mà ông chịu trách nhiệm lãnh đạo, quản lý.

Vì dân cũng có nghĩa là vì cái chung. Ở đất nước này, có được mấy ông quan vì cái chung như ông Đặng Ngọc Dũng. Hay ngược lại, vì cái riêng, họ sẵn sàng phá nát cái chung như đã đã và đang xảy ra trước mắt dân chúng.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ