Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

Không sống bằng không khí

Chân Nhân/ Người Lao Động
 Hôm 27-10, bên lề Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nói với báo chí: “Luật sư chỉ bào chữa cho người có tiền”. Một câu nói gây sốc!

Giới luật sư tất nhiên lên tiếng phản ứng gay gắt. Ngày 28-10, báo chí hỏi về việc này, đại biểu Đỗ Văn Đương khẳng định: “Tôi nói thẳng là tôi không đính chính gì cả. 

Tôi nói từ thực tế. Thực tế cũng có những luật sư không vì tiền nhưng số đó ít”. Ông Đương cũng thẳng thắn cho rằng những vụ án tham nhũng lớn, vụ án nhiều tiền thì luật sư vào ngay từ đầu.

Ông Đương nói rất thuyết phục, ý rằng luật sư không sống bằng không khí.

Luật sư nhận tiền thân chủ khi thực hiện một hợp đồng dịch vụ pháp lý thì có gì sai, có gì xấu? Người có tài, có tiếng, có uy tín thì hợp đồng giá cao. Luật sư càng giỏi thì càng được nhiều người mời, tham gia những vụ án lớn. Người ít tên tuổi hơn thì giá hợp đồng thấp hơn. Thị trường có sự sàng lọc, lựa chọn. Thị trường luật sư cũng không ngoài quy luật này.

Ở Mỹ, luật sư là một nghề hái ra tiền. Luật sư nổi tiếng chỉ nhận những hợp đồng cao giá, ít tiền thì không “chơi”. Còn việc từ thiện, giúp đỡ cộng đồng lại là chuyện khác. Ăn học, nghiên cứu và có năng khiếu thầy cãi, vận dụng tất cả nguồn vốn đó để đòi công bằng, sự tự do, thậm chí sinh mạng của một con người, giá rẻ sao được?

Luật sư của Việt Nam cũng cần có giá cao, thu nhập cao, mức sống cao nhưng đòi hỏi tương xứng là tài cao, nhân cách cao, trí tuệ cao, bản lĩnh cao.

Điều đáng phê phán không phải là luật sư làm vì tiền mà việc họ làm có xứng đáng với đồng tiền nhận từ thân chủ hay không. Không dám nói rằng nhiều nhưng không ít luật sư thiếu năng lực, vô dụng, chạy cho ra cái giấy hành nghề luật nhưng chỉ hành nghề “chạy”.

Ai vướng đến tố tụng mà không bi kịch? Có những kẻ đã lợi dụng, kiếm tiền từ bi kịch của người khác. Chưa kể, chạy án là một trong những cách làm hỏng nền tư pháp. Cả 2 phía nhận và phía chạy đều là thủ phạm.

Cho nên, hình ảnh của luật sư có đẹp trong lòng xã hội hay không không phải là do họ bào chữa không vì tiền, chỉ đi cãi từ thiện, mà ở một tư thế khác.

Đó là việc tinh thông pháp luật, sẵn sàng bảo vệ lẽ phải, không thỏa hiệp với cái ác, không khuất phục trước cường quyền; bằng trí tuệ, nhiệt huyết, đóng góp cải cách nền tư pháp Việt Nam đạt đến trình độ văn minh của nhân loại tiến bộ, hoạt động hết trách nhiệm để bảo vệ quyền con người, cùng chung sức xây dựng một nền dân chủ đích thực.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ